Trong một động thái báo hiệu chiều hướng lạc quan của tiến trình hòa bình Trung Đông vừa được nối lại sau gần ba năm bế tắc, ngày 30-7, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry thông báo Israel và Palestine đã đồng ý sẽ gặp lại nhau trong vòng hai tuần tới để bắt đầu các cuộc thương lượng thực chất với mục tiêu ký kết được một hiệp định hòa bình trong vòng 9 tháng.

Phát biểu trong cuộc họp báo chung với hai trưởng đoàn đàm phán Israel và Palestine, Ngoại trưởng J. Kerry cho biết với vai trò trung gian hòa giải của Mỹ, Israel và Palestine đã kết thúc hai ngày đàm phán tại Washington với cam kết tiếp tục các cuộc thương lượng về các vấn đề cốt lõi mà hai bên còn bất đồng. Hai bên đã đồng ý sẽ gặp lại nhau trong vòng hai tuần tới để khởi động các cuộc đàm phán thực chất.

Cuộc đàm phán sắp tới có thể diễn ra tại Israel hoặc tại các vùng lãnh thổ của Palestine. Thời gian hai bên gặp nhau dự kiến vào giữa tháng 8 tới. Mục tiêu của các vòng đàm phán sắp tới là thảo luận các vấn đề hai bên còn mâu thuẫn nhằm tiến tới chấm dứt xung đột giữa người Israel và người Palestine.

Ông J. Kerry thừa nhận con đường hòa bình phía trước không dễ dàng nhưng hy vọng có thể đạt được một thỏa thuận trong vòng 9 tháng. Trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết 9 tháng chỉ là cái mốc hai bên đặt ra, chứ không có nghĩa là hạn chót chấm dứt đàm phán.

Hai ngày đàm phán diễn ra trong bí mật, nhưng các chuyên gia cho biết mục tiêu của Ngoại trưởng J. Kerry là làm trung gian hòa giải để thống nhất về một kế hoạch tổng thể về các vấn đề hai bên cần thương lượng và nhượng bộ để đạt tới mục tiêu cuối cùng là thiết lập hai nhà nước sống bên cạnh nhau trong hòa bình và an ninh.

Yêu sách của Palestine là thành lập một nhà nước độc lập ở Bờ Tây, Dải Gaza, Đông Jerusalem và những vùng lãnh thổ Israel chiếm đóng trong cuộc chiến năm 1967. Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas từng nhiều lần tuyên bố ông chỉ chấp nhận tham dự đàm phán khi Israel ngừng xây dựng các khu định cư Do Thái hoặc công nhận các tuyến biên giới trước năm 1967 là đường biên giới của Nhà nước Palestine.

Tuy nhiên, trước khi nối lại đàm phán, một số quan chức Israel thậm chí vẫn tuyên bố sẽ tiếp tục các kế hoạch xây dựng các khu định cư Do Thái mới.

Trước đó, sáng 30-7, trước khi bước vào ngày đàm phán thứ hai, tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Phó Ttổng thống Joe Biden đã gặp Trưởng đoàn đàm phán Israel, Bộ trưởng Tư pháp Tzipi Livni và Trưởng đoàn đàm phán Palestine Saeb Erekat.

Người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney cho biết, trong cuộc gặp kéo dài 30 phút, Tổng thống B. Obama mô tả việc Israel và Palestine nối lại đàm phán trực tiếp sau gần 3 năm là một sự khởi đầu tốt đẹp. Ông bày tỏ sự ủng hộ hoàn toàn đối với tiến trình này.

Người phát ngôn cho biết, phát biểu trong ngày đàm phán thứ hai tại trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ, cả hai trưởng đoàn đàm phán đều nói về sự cần thiết phải giải quyết cuộc xung đột kéo dài nhiều thập kỷ qua giữa Israel và Palestine. Trưởng đoàn đàm phán Palestine khẳng định đã tới lúc người Palestine phải có một nhà nước độc lập của riêng mình. Trưởng đoàn đàm phán Israel cho biết bà và ông S. Erekat đã từng thất bại trong vòng đàm phán năm 2008 dưới thời chính quyền George W. Bush, nhưng “thời điểm này mọi chuyện đã khác. Thời cơ đã tạo ra và hy vọng hai bên sẽ không lãng phí thời gian”.

Trong một phản ứng đầu tiên, Nhóm “Bộ Tứ” bảo trợ cho tiến trình hòa bình Trung Đông, gồm Liên hợp quốc, Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và Nga, đã ra tuyên bố chung hoan nghênh việc Israel và Palestine nối lại đàm phán.

Tuyên bố ngày 30-7 của Liên hợp quốc nêu rõ “Bộ Tứ” đánh giá cao hành động của Tổng thống Palestine M. Abbas và Thủ tướng Israel B. Netanyahu quyết định nối lại đàm phán song phương vì lợi ích của hòa bình, ổn định trong vùng, cũng như lợi ích của người Palestine và Do Thái.

Nhóm “Bộ Tứ” khẳng định sẽ làm tất cả để ủng hộ hai bên đạt tới thỏa thuận về giải pháp hai nhà nước, nhằm thiết lập nền hòa bình lâu dài về bền vững tại khu vực này./.