Nhật Bản ứng phó với vấn đề giảm phát

PGS, TS. Vũ Văn Hà - Tạp chí Cộng sản, PGS, TS. Phạm Thị Thanh Bình - Viện Kinh tế và Chính trị thế giới
16:27, ngày 31-07-2013

TCCSĐT - Trong lúc cả thế giới lo ngại về sự trở lại của lạm phát, thì kinh tế Nhật Bản lại phải đương đầu với nguy cơ giảm phát. Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự trì trệ của kinh tế Nhật Bản thời gian qua. Tuy nhiên, với chiến lược “kiềng ba chân” (1) của Thủ tướng Shinzo Abe (tháng 12-2012), kinh tế Nhật Bản 6 tháng đầu năm 2013 đã có những dấu hiệu khởi sắc.

Thực trạng giảm phát kinh tế Nhật Bản

Về khái niệm giảm phát

Theo quan niệm của trường phái kinh tế học Keynes, giảm phát là tình trạng mức giá chung của nền kinh tế giảm xuống liên tục. Theo trường phái tân cổ điển, giảm phát là sự thu hẹp khối lượng tiền tệ so với số lượng hàng hóa trong nền kinh tế hay giảm phát là sự tăng giá trị đơn vị tiền tệ quốc gia. Theo đó, giảm phát xảy ra không chỉ do tổng cầu, tổng cung mà còn do sự tương quan giữa bốn nhân tố cung tiền, cầu tiền, tổng cung, tổng cầu. Nguyên nhân chủ yếu của giảm phát là do tổng cầu sụt giảm, kéo theo suy thoái kinh tế (tốc độ tăng trưởng âm) và thất nghiệp.

Giảm phát, do đó, trái ngược với lạm phát. Giảm phát là khi lạm phát giảm xuống dưới 0% và có sự giảm giá tổng quan. Giảm phát khác với giảm lạm phát. Giảm lạm phát là việc giảm mức độ lạm phát theo thời gian, còn giảm phát là mức độ giảm xuống dưới 0%. Giảm phát là do tiền được đưa vào lưu thông ít hơn mức cần thiết, khiến sản xuất và lưu thông bị “tắc nghẽn” vì thiếu tiền phục vụ lưu thông hàng hóa. Tóm lại, giảm phát là kết quả tổng hợp từ nguồn cung cấp dư thừa hàng hoá và dịch vụ so với nhu cầu. Nếu giảm phát diễn ra liên tục mà không được khắc phục sẽ gây ra những tác hại lớn hơn cả lạm phát. Giảm phát không phải là hiện tượng tự phát, mà thường là chủ ý của các chính phủ nhằm hạn chế mạnh cầu và qua đó giảm những mất cân đối lớn. Giảm phát đã và đang kéo nền kinh tế của Nhật Bản rơi vào vòng xoáy suy thoái.

Khi giảm phát diễn ra, giá cả giảm và đồng tiền có giá hơn, nhà đầu tư sẽ muốn giữ nhiều tiền mặt và tiêu ít hơn. Điều này tạo cú sốc cho nền kinh tế khi mà nền kinh tế bị thiếu vốn luân chuyển. Điều này cũng không khuyến khích việc vay mượn với viễn cảnh phải tốn nhiều tiền để trả lại số tiền đã vay mượn, do đồng tiền ngày càng mạnh lên. Giảm phát thúc đẩy giảm lương người lao động khi mà hoạt động kinh doanh cần phải điều tiết trở lại cho những thua lỗ do việc giảm giá gây ra. Tất cả những vấn đề trên kết hợp gây ra hiệu ứng xoáy xuống, khiến cho giảm phát mạnh lên. Khi mà giá cả giảm, tình trạng việc làm thiếu và người tiêu dùng tích trữ tiền với dự đoán là giá cả còn giảm nữa thì điều này sẽ tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Tiếp đến, việc giảm giá sẽ tạo ra một vòng xoáy xấu như giảm lợi nhuận, đóng cửa các nhà máy, tác động tiêu cực đến tình trạng việc làm và thu nhập, làm tăng nguy cơ vỡ nợ từ các khoản vay của công ty và cá nhân.

Giảm phát sẽ gây cho nền kinh tế những tác hại to lớn: Người tiêu dùng sẽ trì hoãn việc mua hàng với hy vọng giá ngày mai sẽ thấp hơn giá hôm nay. Tâm lý trì hoãn mua hàng sẽ làm giảm mức cầu xã hội, buộc các nhà sản xuất phải tiếp tục giảm giá hàng. Nếu tình hình kéo dài, nhiều doanhnghiệp sẽ phải ngừng sản xuất. Giá hàng giảm làm tăng mức dư nợ thực tế của các doanh nghiệp không trả được nợ ngân hàng, kéo theo ngân hàng đến bờ phá sản. Giá hạ còn làm cho các khoản thu ngân sách giảm sút, tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại. Nguy hại hơn cả là giảm phát có thể vô hiệu hoá chính sách lãi suất - công cụ quan trọng để điều hành chính sách tiền tệ quốc gia.

Giảm phát nguy hiểm hơn, khó “chữa” hơn lạm phát, bởi giảm phát kéo nền kinh tế lún sâu hơn vào suy thoái. Nhiều quốc gia đã thành công trong phòng chống lạm phát, nhưng rất khó khăn trong việc tìm ra những giải pháp chống giảm phát. Nếu như lạm phát ở mức thấp vẫn được xem là bình thường và có tác dụng tốt đối với các nền kinh tế, thì giảm phát kéo dài lại bị coi là nhân tố khiến cho tình trạng kinh tế suy yếu. Giá cả giảm kéo theo lợi nhuận của các doanh nghiệp sụt, tiếp đó là tiền lương của người lao động, rồi tới chi tiêu của người dân, và hoạt động đầu tư của các công ty. Giảm phát có thể tạo thành vòng xoáy giống như thế giới đã trải qua trong thời kỳ Đại suy thoái những năm 1930.

Thực trạng giảm phát của Nhật Bản

Nhật Bản đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng kinh tế do tình trạng giảm phát kéo dài. Kể từ khi bong bóng tài sản tại Nhật Bản bùng nổ vào đầu thập niên 1990, gọng kìm giảm phát đã siết chặt kinh tế Nhật Bản. Lo sợ lạm phát bùng nổ do sự đổ vỡ của thị trường nhà đất và chứng khoán, Nhật Bản đã giảm mạnh cung tiền từ trên 11% năm 1990 xuống chỉ còn 0,6% năm 1991. Đây là nguyên nhân chính dẫn tới hiện tượng giảm phát tại Nhật Bản. Cùng với những sai lầm trong việc giải quyết vấn đề nợ xấu, Nhật Bản đã tiếp tục rơi sâu hơn vào vòng xoáy giảm phát (deflationary spiral). Tình trạng giảm phát do thắt chặt tiền tệ, kéo theo gánh nặng nợ nần và đổ vỡ của các ngân hàng thương mại trong những năm 1990 được các nhà kinh tế gọi là tình trạng giảm phát - nợ (debt-deflation). Năm 1998, nền kinh tế Nhật Bản chính thức rơi vào giảm phát. Đầu tư và tiêu dùng tư nhân bắt đầu giảm mạnh và giảm phát trở nên nghiêm trọng hơn.

Tốc độ tăng cung tiền tương đối ổn định ở mức 3% hàng năm ở Nhật Bản trong hai thập kỷ (1990 - 2010) cũng không ngăn chặn được giảm phát dai dẳng cùng sự gia tăng rất lớn của nợ chính phủ. Cả hai giải pháp kích thích tiền tệ và tài khóa đều kém hiệu quả bởi tỷ lệ tiết kiệm của người tiêu dùng Nhật Bản tăng, mức chi tiêu ít ỏi của các hộ gia đình và của cả khu vực kinh doanh. Đây chính là “bẫy giảm phát” mà Nhật Bản mắc phải. Giảm phát làm cho gánh nặng nợ của doanh nghiệp lớn thêm vì nợ quá hạn gia tăng, lợi nhuận của doanh nghiệp giảm, tiền công thực tế trở nên cao hơn. Do đó, doanh nghiệp càng trở nên dè dặt trong đầu tư thiết bị khiến cho nhu cầu đầu tư tư nhân giảm, làm tổng cầu giảm theo.

Giá cả hàng hóa tại Nhật Bản liên tục giảm trong năm 2012 và giảm xuống mức thấp 2,6% (quí III-2012) - mức giảm mạnh nhất kể từ năm 1958. Tình trạng giá cả hàng hóa sụt giảm giúp Nhật Bản bán trái phiếu với mệnh giá cao hơn, nhưng lại gây ra giảm phát và đẩy tỷ lệ nợ công trên GDP tăng cao. Nợ chính phủ Nhật Bản hiện đang đứng đầu thế giới với hơn 13.000 tỷ USD, tương đương 230% GDP (năm 2013). Khi giảm phát về giá cả dẫn tới giảm phát tài sản, tiếp đến hàng loạt những tổn thất khác khiến nền kinh tế rơi vào tình trạng suy thoái.

Ngoài mối lo giảm phát, Nhật Bản còn phải đương đầu với những thách thức kinh tế khác, nhất là sự tăng giá của đồng Yên. Đặc biệt quý I-2013, tỷ giá đồng Yên so với USD đã tăng 6%. Thông thường, giá cả đi xuống trong môi trường đồng tiền mạnh. Bởi vậy, đồng Yên tăng giá khiến lợi nhuận tuyệt đối và tỷ suất lợi nhuận của các doanh nghiệp Nhật Bản bị suy giảm, các công ty của Nhật Bản gặp khó khăn nhiều hơn khi cạnh tranh ở thị trường nước ngoài.

Nguyên nhân cơ bản của giảm phát ở Nhật Bản là do lợi nhuận ròng từ xuất khẩu không được sử dụng hiệu quả cho thị trường trong nước. Theo Giáo sư R Taggart Murphy (Đại học Tsukaba ở Tokyo), giảm phát là một triệu chứng chứ không phải là nguyên nhân của sự yếu kém của kinh tế Nhật Bản. Nguyên nhân sâu xa chính là sự suy giảm trong sức sống của nền kinh tế, không có đủ vốn đầu tư cho những công ty mới.

Bối cảnh giảm phát hiện tại không cho phép Nhật Bản tăng lãi suất cơ bản. Để kéo kinh tế thoát khỏi tình trạng trì trệ, Nhật Bản buộc phải tiếp tục bơm thanh khoản vào thị trường. Với đặc điểm dân số già, mong muốn giảm bớt phụ thuộc vào xuất khẩu và thay vào đó là tăng trưởng tiêu dùng nội địa trong thời gian ngắn thực sự là bài toán khó. Để giúp kinh tế ra khỏi khủng hoảng, Nhật Bản vẫn phải duy trì thế mạnh về xuất khẩu của mình, điều này đồng nghĩa với đồng Yên mạnh sẽ là một trở ngại rất lớn.

Giải pháp chống giảm phát của Nhật Bản

Nhằm chống giảm phát, Chính phủ Nhật Bản thực thi hàng loạt chính sách, bao gồm:

Thứ nhất, tích cực nới lỏng chính sách tiền tệ

Ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Nhật Bản là chính sách “siêu nới lỏng” tiền tệ và chi tiêu tài chính. Tháng 4-2013, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) công bố chính sách “tiếp tục nới lỏng tiền tệ về số lượng và chất lượng”. Theo đó, BOJ đã áp dụng “giám sát cơ số tiền tệ” để theo đuổi việc nới lỏng số lượng. BOJ nhất trí tăng cơ số tiền tệ lưu thông trên thị trường với tốc độ hằng năm khoảng 60.000 - 70.000 tỷ yên (tương đương 583 - 680 tỷ USD, chiếm khoảng 13% - 15% GDP của Nhật Bản). Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm buộc BOJ tiếp tục thực thi chính sách nới lỏng tiền tệ mạnh hơn nữa nhằm đưa giá cả tăng trở lại và bảo vệ nền kinh tế do tác hại từ chính sách đồng yên mạnh. Sự nới lỏng liên tục về tiền tệ có thể khiến cho giảm phát nhường chỗ cho lạm phát tích cực ở mức trung bình tại Nhật Bản. Chính sách nới lỏng tiền tệ được triển khai kết hợp cùng với biện pháp tài chính như tăng cường mua trái phiếu chính phủ, các tài sản tài chính nhiều rủi ro như quỹ đầu tư tín thác. Năm 2014, các ngân hàng Nhật Bản bắt đầu mua lại không giới hạn trái phiếu của Chính phủ Nhật Bản với tổng trị giá 13.000 tỷ yên (khoảng 146 tỷ USD). Việc bơm tiền vào nền kinh tế chắc chắn sẽ dẫn đến giá cả tăng nhanh, đưa mục tiêu lạm phát lên 2% (2014 - 2015). Lượng tiền cơ sở (gồm tiền mặt trong lưu thông và tiền gửi của các tổ chức tài chính) trong BOJ sẽ được nâng gấp đôi, lên 270.000 tỷ yên (tương đương 2.800 tỷ USD) năm 2014.

Thứ hai, tập trung đầu tư cho khu vực tư nhân

Chính phủ Nhật Bản cam kết sẽ nỗ lực thúc đẩy đầu tư cho lĩnh vực tư nhân và hoạt động của khối doanh nghiệp nhằm chấm dứt tình trạng giảm phát kéo dài gần hai thập kỷ qua tại nền kinh tế lớn thứ ba thế giới.

Chiến lược phát triển nhằm thúc đẩy đầu tư tư nhân và tiêu dùng, đi kèm với kế hoạch chi tiêu 117 tỷ USD trong gói kích thích kinh tế được coi là lớn nhất của Nhật Bản kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Mục tiêu đặt ra đối với BOJ là tăng gấp đôi lạm phát khoảng 2% trong giai đoạn 2014 - 2015.

Thứ ba, thúc đẩy hoạt động của khối doanh nghiệp

Mục tiêu của Nhật Bản là tăng tổng vốn đầu tư cho doanh nghiệp thêm 10%, lên mức khoảng 70.000 tỷ yên trong giai đoạn (2013 - 2015); tăng tổng thu nhập bình quân đầu người (hiện ở mức 3,84 triệu yên trong tài khóa 2012) thêm hơn 1,5 triệu yên trong giai đoạn (2013 - 2023). Nỗ lực thúc đẩy cải cách phát triển kinh tế với các chính sách phù hợp để tiếp thêm sinh lực cho hoạt động của các doanh nghiệp như giảm mạnh thuế doanh nghiệp; thiết lập các đặc khu kinh tế và nhấn mạnh tới vai trò của lĩnh vực kinh tế tư nhân trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nói chung.

Để thúc đẩy cải cách ngành điện, Chính phủ sẽ tăng đầu tư cho các ngành liên quan tới ngành điện lên 30.000 tỷ yên, tăng 1,5 lần so với năm 2010. Ngoài ra, Chính phủ đặt mục tiêu tăng gấp 3 lần kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hạ tầng, lên 30.000 tỷ yên và tăng gấp đôi, lên 1.000 tỷ yên kim ngạch xuất khẩu nông phẩm và thực phẩm vào năm 2020.

Thứ tư, tăng mạnh chi tiêu công

Khi nghiên cứu về tình trạng giảm phát ở Nhật Bản, các nhà kinh tế hàng đầu đã chỉ ra rằng, cách tốt nhất để chống lại giảm phát là bắt đầu một gói kích thích cực lớn và nhanh chóng. Năm 2012, Nhật Bản chính thức công bố gói kích thích kinh tế mới lên đến 20.200 tỷ yên (tương đương 226,5 tỷ USD) nhằm vực dậy nền kinh tế. Đây là gói kích thích kinh tế lớn nhất của Chính phủ Nhật Bản kể từ năm 2008 với mục tiêu đưa Nhật Bản thoát ra khỏi tình trạng giảm phát triền miên. Trong số 20.200 tỷ yên của gói kích thích kinh tế, có 11.300 tỷ yên do chính quyền trung ương cấp. Phần còn lại do chính quyền các địa phương và khu vực kinh tế tư nhân góp sức. Đây là gói chi tiêu lớn nhất của Chính phủ Nhật Bản nhằm tạo ra tăng trưởng kinh tế bền vững thông qua việc khuyến khích đầu tư tư nhân, tăng cường sức cạnh tranh quốc tế của các công ty Nhật Bản cũng như thúc đẩy chương trình tái thiết sau thảm họa động đất - sóng thần (năm 2011). Gói kích thích kinh tế này góp phần gia tăng áp lực đối với Ngân hàng Trung ương Nhật Bản để nới lỏng tiền tệ, ngăn chặn sự tăng giá của đồng yên khiến các nhà xuất khẩu Nhật Bản gặp nhiều khó khăn do hàng hóa giảm sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Tháng 02-2013, Nhật Bản thông qua dự thảo ngân sách bổ sung 13.100 tỷ yên (khoảng 140,7 tỷ USD) nhằm kéo nền kinh tế thoát khỏi suy thoái do giảm phát. Việc bổ sung ngân sách sẽ giúp Nhật Bản thêm nguồn lực để chấm dứt tình trạng giảm phát và giúp tạo ra ít nhất 600.000 việc làm mới. Khoản ngân sách bổ sung này bao gồm chi tiêu cho các dự án công để sửa chữa kết cấu hạ tầng giao thông: các đường hầm và các cây cầu. Hỗ trợ các công ty sử dụng phương tiện tiết kiệm năng lượng và thúc đẩy đầu tư kết cấu hạ tầng các nhà máy. Cho phép Chính phủ tiếp tục khoản chi tiêu để trả lương hưu cơ bản.

Tháng 5-2013, Nhật Bản tiếp tục kích hoạt khoản ngân sách khổng lồ 92.610 tỷ yên (tương đương 906,2 tỷ USD) để tập trung cho các công trình công cộng nhằm tạo đòn bảy vực dậy nền kinh tế. BOJ sẽ bơm thêm 1.400 tỷ USD vào nền kinh tế trong giai đoạn 2014 - 2015 nhằm chấm dứt tình trạng trì trệ kinh tế trong hơn 2 thập kỷ qua. Những nỗ lực của Chính phủ góp phần làm giá trị đồng yên giảm (vượt qua mốc 100 yên/USD), thấp nhất trong vòng 4 năm qua. Đồng yên giảm giá đã mang lại lợi ích cho các nhà xuất khẩu, niềm tin của các nhà đầu tư được dần khôi phục. Dòng tiền bắt đầu luân chuyển mạnh.

Thứ năm, tăng thuế doanh thu

Hiện, thuế doanh thu của Nhật Bản ở mức 5% - thấp nhất trong số các nước công nghiệp hoá. Trong khi ở châu Âu, khoản thuế này lên tới gần 20%. Doanh thu thuế của Nhật Bản hiện chỉ đạt 17% GDP - mức thấp nhất trong các thành viên thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế OECD. Mục tiêu của Nhật Bản là tăng gấp đôi thuế tiêu dùng (hiện là 5%) và xây dựng lại hệ thống an sinh xã hội để cắt giảm chi tiêu công trong bối cảnh dân số lão hoá ngày càng nhanh. Theo kế hoạch, thuế tiêu dùng sẽ tăng mạnh từ 5% lên 8% trong tháng 4-2014 và lên 10% trong tháng 10-2015. Trong bối cảnh khủng hoảng nợ leo thang, dân số ngày càng già hóa và chi phí an ninh xã hội tăng cao, việc tăng thuế tiêu dùng sẽ cho phép Nhật Bản có cơ hội giữ được tốc độ tăng trưởng và cắt giảm được mức thâm hụt ngân sách.

Theo nhà kinh tế Nhật Bản - ông Nishibori, Nhật Bản nên tăng thuế doanh thu, nhưng chia đều ra trong mười năm với mức tăng là 1% mỗi năm. Với phương pháp này, sẽ không chỉ tránh được cho người tiêu dùng một cú sốc đột ngột mà còn đảo ngược lại tình trạng giảm phát nhờ tạo ra tâm lý đoán trước lạm phát. Theo ông, phương pháp này không chỉ giảm nhẹ ảnh hưởng đối với người tiêu dùng mà còn hạn chế giảm phát bằng cách tạo ra lạm phát kỳ vọng. Về nguyên tắc, người tiêu dùng sẽ cắt giảm chi tiêu nếu như thuế đột nhiên tăng đến 10%. Nhưng khi nó tăng từ từ và được dự báo sẽ tiếp tục tăng thì người dân vẫn chi tiêu như bình thường.

Một số nhận xét, đánh giá

Chính sách kinh tế của Thủ tướng Shinzo Abe đã phát huy tác dụng khiến kinh tế Nhật Bản phục hồi nhanh chóng. Với chiến lược “kiềng 3 chân” của Chính phủ (gồm chính sách tiền tệ mạnh mẽ, chính sách tài khóa linh hoạt và chiến lược tăng trưởng khuyến khích đầu tư tư nhân), đồng yên Nhật Bản đã giảm giá, xuất khẩu phục hồi, sản lượng công nghiệp đã tăng 1,7% (tháng 4-2013) so với tháng trước, đánh dấu tháng thứ năm tăng liên tiếp. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nhật Bản trong quý I-2013 tăng 3,5%. Kết quả tích cực này phần lớn được thúc đẩy bởi nhu cầu nội địa tăng cao do tâm trạng lạc quan của người tiêu dùng. Đầu tư vẫn tăng mạnh trong lĩnh vực phi sản xuất nhờ chính sách nới lỏng tiền tệ và các biện pháp kinh tế hiệu quả khác, bên cạnh đó là sự hồi phục của các nền kinh tế thế giới.

Chi tiêu hộ gia đình đã tăng 0,8% so với cùng kỳ năm ngoái, niềm tin kinh doanh tại Nhật Bản đã được cải thiện đáng kể. Chỉ số niềm tin của các nhà sản xuất lớn tăng 4 điểm trong quý I-2013 sau khi giảm liên tiếp trong 2 quý trước đó.

Với gói kích thích “khủng” 226,5 tỷ USD (tính đến tháng 5-2013) nhằm tăng lạm phát lên 2%, đồng yên lập tức giảm giá so với USD. Tiền mất giá khiến giá trị cổ phiếu giảm theo. Các nhà đầu tư tranh thủ “cơ hội” mua vào ồ ạt khiến thị trường chứng khoán Nhật Bản tăng mạnh. Hoạt động bảo lãnh cổ phiếu và trái phiếu của các ngân hàng đầu tư Nhật Bản cũng bùng nổ mạnh mẽ. Nhật Bản phát hành số cổ phiếu có tổng trị giá 1.700 tỷ yên (tương đương 17 tỷ USD), tăng gấp 3 so với cùng kỳ năm 2012. Lượng trái phiếu doanh nghiệp tăng lên 3.100 tỷ yên, mức cao nhất kể từ năm 2009. Các ngân hàng đầu tư cũng được hưởng lợi từ mảng môi giới chứng khoán bởi thị trường chứng khoán liên tục tăng điểm với hàng loạt các gói kích thích kinh tế, tăng 30% trong 6 tháng đầu năm 2013. Tỷ lệ thất nghiệp ở Nhật Bản nhờ đó cũng chưa bao giờ vượt quá 5,8%.

Môi trường đầu tư Nhật Bản đã tăng lên cao nhất kể từ năm 2010 (vượt qua cả Mỹ, châu Âu và Trung Quốc). Dự báo, Nhật Bản sẽ chấm dứt giảm phát nếu tiếp tục áp dụng các chính sách nới lỏng tiền tệ. Đồng yên giảm giá cũng mang lại lợi ích cho các nhà xuất khẩu, niềm tin của các nhà đầu tư được khôi phục bước đầu, dòng tiền đã luân chuyển khá mạnh mẽ. Quỹ tiền tệ quốc tế IMF dự báo tăng trưởng kinh tế Nhật Bản sẽ đạt 1,6% năm 2013.

Xét trên góc độ toàn cầu, việc Nhật Bản không ngừng nới lỏng chính sách tiền tệ đang làm giảm giá trị đồng yên, có thể mang lại lợi thế về giá cả cho hàng hóa xuất khẩu của nước này nhưng lại tác động tiêu cực cho các nước xuất khẩu vào Nhật Bản. Sự bùng phát của việc giảm giá đồng nội tệ (khoảng 10% so với đồng USD) có thể gây ra sự đối địch xuyên quốc gia và tác động xấu, dẫn đến mất cân bằng tài chính toàn cầu, nhất là các đồng tiền có vị thế toàn cầu như USD, euro, bảng Anh... và tình trạng dư thừa tiền mặt quá mức trên các thị trường thế giới có thể gây ra nguy cơ bong bóng tài sản khiến nền kinh tế thế giới lại lâm vào cuộc đại khủng hoảng mới.

Theo các chuyên gia kinh tế, chính sách nới lỏng tiền tệ mà Nhật Bản đang thực hiện là “con dao hai lưỡi”. Mặc dù đồng yên suy yếu và những biện pháp nới lỏng tiền tệ đã giúp các nhà xuất khẩu Nhật Bản tăng sức cạnh tranh, phục hồi đầu tư, đẩy chứng khoán đi lên, song dường như tác động của các chính sách này chưa đủ mạnh để đưa nền kinh tế Nhật Bản cất cánh. Trong khi nhu cầu nhập khẩu của Nhật Bản rất cao, sự giảm giá đồng yên đồng nghĩa với thâm hụt thương mại của Nhật Bản sẽ tăng. Theo Bộ tài chính Nhật Bản, thâm hụt thương mại hàng hóa của Nhật Bản đã tăng tới mức kỷ lục 879,9 tỷ yên (khoảng 8,6 tỷ USD) tháng 4-2013(2). Đồng yên mất giá đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh máy tính cá nhân và ti vi màn hình phẳng (vì phải nhập khẩu nhiều linh kiện bằng USD), khiến chi phí sản xuất tăng. Hơn nữa, phản ứng với chính sách giảm giá đồng yên của Nhật Bản, các quốc gia khác có thể châm ngòi cho cuộc đua giảm giá tiền tệ trên toàn cầu và có thể dẫn đến mất cân bằng tài chính toàn cầu. Tình trạng dư thừa tiền quá mức trên các thị trường thế giới sẽ là nguy cơ gây bong bóng tài sản khiến kinh tế thế giới lâm vào cuộc khủng hoảng mới. Vì vậy, để kinh tế phục hồi vững chắc, Nhật Bản cần thực hiện cải cách cơ cấu, tăng cường nguyên tắc tài chính bảo đảm nguồn lực để thúc đẩy tăng trưởng thực sự./.

--------------------------------------------

Chú thích:

(1) Chiến lược "kiềng ba chân" của Thủ tướng Shinzo Abe bao gồm: Chính sách tiền tệ mạnh mẽ, Chính sách tài khóa linh hoạt và Chiến lược tăng trưởng khuyến khích đầu tư tư nhân.

(2) Xuân Thành: Nhật Bản thực thi chính sách kinh tế táo bạo, Chuyên san Hồ sơ sự kiện số 256 (tháng 6-2013) của Tạp chí cộng sản.