Ngày hội làng - Ảnh: PV

TCCS - Quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 (khóa X) và Chương trình hành động của Tỉnh ủy về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; căn cứ tình hình thực tế ở địa phương, những năm qua, Huyện ủy Càng Long (tỉnh Trà Vinh) đã xây dựng kế hoạch, đồng thời triển khai thực hiện và đã đạt được những kết quả bước đầu.

Những kết quả bước đầu

Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đã xuất hiện một số mô hình sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao, giá trị sản xuất trên một đơn vị canh tác năm 2008 đạt trên 50 triệu đồng/ha, tăng gấp 2,5 lần so với năm 2000. Nhờ đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nhất là sử dụng giống mới và áp dụng biện pháp "ba giảm, ba tăng"; đầu tư đáng kể về thủy lợi và tích cực phòng trừ sâu bệnh, nên năng suất lúa không ngừng tăng lên, tuy diện tích có giảm, nhưng sản lượng vẫn đạt trên 200.000 tấn/năm. Chăn nuôi cũng phát triển khá theo quy mô gia đình và trang trại; trong đó, đàn bò đạt 19.251 con, đàn heo trên 70.294 con và đàn gia cầm 275.515 con. Ngành thủy sản phát triển mạnh cả về diện tích và sản lượng, với khoảng 1.065 ha mặt nước thả nuôi tôm, cá các loại, đạt sản lượng xấp xỉ 13.000 tấn/năm, tăng 21 lần so với năm 2000.

Về kết cấu hạ tầng, đến nay huyện đã cơ bản hoàn thành tiểu dự án Nam Măng Thít; đầu tư xây dựng các công trình đê sông; xây dựng mới và nâng cấp các hệ thống thủy lợi nội đồng... nâng tỷ lệ đất nông nghiệp được tưới, tiêu nước chủ động lên khoảng 80%; góp phần thúc đẩy chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu sản xuất nông nghiệp, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, ổn định sản xuất; vùng nông thôn nhờ đó có điều kiện thuận lợi để phát triển nuôi trồng thủy sản. Giao thông nông thôn được đầu tư xây dựng đã góp phần tích cực phục vụ nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa của nhân dân. Khoảng 96% số hộ dân đã được cung cấp nước cho sinh hoạt, khoảng 93% số hộ ở nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Số hộ có nhà kiên cố và bán kiên cố chiếm gần 33%; chợ xã và một số chợ đầu mối tiêu thụ nông, thủy sản được đầu tư nâng cấp, cải tạo và xây dựng mới, tạo thuận lợi cho giao thương hàng hóa trong nông thôn. Hệ thống trường và lớp học được xây dựng, với trường kiên cố và bán kiên cố chiếm 66%; 100% số xã, thị trấn có trạm y tế và phòng khám khu vực... Đời sống vật chất, tinh thần của người dân ở nông thôn từng bước được cải thiện, hầu hết lao động nông thôn có việc làm với thu nhập bình quân đầu người đạt 7,3 triệu đồng/năm.

Hệ thống chính trị ở nông thôn không ngừng được tăng cường, nhất là sau khi có Nghị quyết số 17-NQ/Tw của Hội nghị Trung ương 5 (khóa IX) “Về đổi mới nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở ở xã, thị trấn”, hệ thống chính trị trên địa bàn nông thôn của huyện ngày càng được kiện toàn, củng cố. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn nông thôn huyện được giữ vững. Nông dân tích cực tham gia phối hợp với các lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ trật tự an ninh trên địa bàn, ngăn chặn và đấu tranh có hiệu quả các hành động sai trái; giữ vững được truyền thống lao động cần cù, sáng tạo, sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ nhau; đoàn kết giữa các dân tộc, tôn giáo tiếp tục được gìn giữ và phát huy.

Những hạn chế chủ yếu

Qua thực tiễn chỉ đạo, điều hành và triển khai thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân của huyện thời gian qua, Huyện ủy Càng Long đã thống nhất rút ra những hạn chế, yếu kém sau đây.

Thứ nhất, sản xuất nông nghiệp, thủy sản hiệu quả chưa đạt yêu cầu và thiếu tính bền vững; sức cạnh tranh thấp, chưa phát huy tiềm năng, lợi thế và nguồn nhân lực của huyện. Việc chuyển đổi cơ cấu và đổi mới cách thức sản xuất còn chậm, thiếu tính đột phá, phổ biến vẫn là sản xuất với quy mô nhỏ, phân tán. Năng suất, chất lượng, giá trị một số loại nông sản đạt thấp, sản phẩm cung cấp chủ yếu vẫn ở dạng thô, trong lúc công nghiệp chế biến chưa phát triển, nên phần lớn hàng hóa đưa vào thị trường ít khả năng tham gia tạo ra chuỗi giá trị gia tăng.

Thứ hai, công nghiệp dịch vụ nông thôn phát triển chậm, quy mô nhỏ nên chưa thúc đẩy mạnh mẽ chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lao động ở nông thôn. Hiện trạng cơ cấu lao động nông thôn chủ yếu vẫn là thuần nông, phần lớn bị giới hạn trong hoạt động trồng trọt mang nặng tính thời vụ, trong khi tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề và dịch vụ phát triển chưa tương xứng, nên chưa giải quyết tốt vấn đề tạo nên việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao đời sống người dân nông thôn.

Thứ ba, các hình thức tổ chức sản xuất đổi mới chậm, chưa đủ sức phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa. Kinh tế hộ vẫn chiếm vai trò chủ đạo trong nông nghiệp, nhưng đa số sản xuất với quy mô nhỏ manh mún nên hiệu quả không cao. Đầu tư của doanh nghiệp tư nhân vào nông nghiệp, nông thôn còn ít nên nguồn lực cho phát triển kinh tế còn hạn chế.

Thứ tư, kết cấu hạ tầng nông thôn vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu, nhất là mạng lưới thủy lợi nội đồng một số nơi thiếu đồng bộ đã hạn chế hiệu quả hoạt động; môi trường nông thôn ở nhiều nơi ngày càng bị ô nhiễm do chất thải sinh hoạt, chăn nuôi, nông dược. Hệ thống dự báo tình hình dịch bệnh trong sản xuất chưa kịp thời. Nhìn chung, đời sống vật chất và tinh thần của nông dân nông thôn còn thấp, chênh lệch mức sống giữa thị trấn và các xã ngày càng lớn; số hộ nghèo trong huyện còn cao.

Những giải pháp quan trọng sắp tới

Huyện ủy Càng Long đã thống nhất đề ra và tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện một số giải pháp cơ bản dưới đây:

- Phát triển nông nghiệp toàn diện đồng thời phát triển công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn

Trên cơ sở quy hoạch sử dụng đất đai, tập trung đẩy nhanh tiến độ rà soát qui hoạch chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông - ngư nghiệp trên địa bàn huyện từ nay đến 2015 và 2020, căn cứ vào nhu cầu thị trường và lợi thế từng vùng. Giữ ổn định diện tích đất sản xuất lúa, tập trung nâng cao năng suất chất lượng; hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi và nâng cao năng lực hoạt động phục vụ sản xuất, tạo điều kiện tăng năng suất, sản lượng các loại cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa; tập trung, thâm canh, sử dụng giống mới, áp dụng qui trình sản xuất mới; đưa cơ giới hóa vào phục vụ sản xuất. Đầu tư xây dựng các điểm trình diễn mô hình sản xuất có hiệu quả về nông- ngư nghiệp cho nhân dân học tập. Chú trọng phát triển các giống thích nghi và có hiệu quả cao phục vụ phát triển kinh tế vườn. Ưu tiên phát triển các ngành nghề truyền thống tại địa phương: dệt chiếu thảm lác, đan đát, cơ khí nhỏ, đồ gỗ, sản xuất vật liệu xây dựng, tơ xơ dừa, than gáo dừa, làm bún, làm bánh tráng... nhằm tạo việc làm và tăng thu nhập cho nông dân.

- Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội - nông thôn

Tạo điều kiện thu hút vốn đầu tư của các tổ chức, đơn vị, cá nhân trong và ngoài huyện đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật hạ tầng phục vụ sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và thủy sản. Tập trung đầu tư xây dựng hoàn thiện mạng giao thông nông thôn nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc, bảo đảm cho việc vận chuyển hàng hóa và di chuyển cơ giới phục vụ sản xuất. Quy hoạch và lập dự án đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi theo hướng phục vụ đa mục tiêu; nâng cấp mở rộng các công trình hiện có kết hợp với đầu tư xây dựng mới, để tạo sự đồng bộ nhằm phát huy hiệu quả các công trình lớn, nâng cao năng lực tưới, tiêu chủ động cho các loại cây trồng, trước hết là cho cây lúa, nuôi thủy sản, một số cây màu và cây công nghiệp ngắn ngày.

- Không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn

Tập trung giải quyết việc làm cho nông dân, có kế hoạch cụ thể về đào tạo nghề và chính sách hỗ trợ về giải quyết việc làm cho nông dân; đẩy mạnh xuất khẩu lao động từ nông thôn. Ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục, đào tạo dạy nghề vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer. Nâng cao chất lượng cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", xây dựng quy ước ấp, khóm, phát huy truyền thống tương thân, tương ái, giúp đỡ lẫn nhau, bài trừ các hủ tục mê tín, dị đoan, thực hiện nếp sống mới ở nông thôn. Tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Thực hiện bình đẳng giới, từng bước nâng cao đời sống vật chất tinh thần, năng lực và khẳng định vị thế của phụ nữ ở nông thôn.

- Tăng cường củng cố, đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ trong nông thôn

Tiếp tục nhân rộng các mô hình liên kết 4 nhà; củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động và phát triển thêm hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất; triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ của Trung ương, tạo điều kiện để các tổ chức kinh tế tập thể, chủ trang trại tiếp cận các nguồn vốn, trợ giúp kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, phát triển thị trường và xúc tiến thương mại; hợp tác xã tham gia các dự án phát triển nông thôn. Tạo môi trường thuận lợi để hình thành và phát triển các loại hình doanh nghiệp, công ty cổ phần trong nông nghiệp, nông thôn phát triển; ưu tiên cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến nông, thủy sản sử dụng nguyên liệu và thu hút lao động tại chỗ; doanh nghiệp cung ứng vật tư, tiêu thụ nông, thủy sản; doanh nghiệp sản xuất, sửa chữa máy móc, thiết bị phục vụ nông nghiệp.

- Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học - công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực

Có kế hoạch phối hợp tốt các dự án đầu tư trên địa bàn huyện để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật chuyên ngành nông nghiệp, thủy sản của huyện và có chính sách đãi ngộ thỏa đáng để khai thác, phát huy tốt các nguồn lực khoa học - công nghệ, khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ; thu hút thanh niên, trí thức trẻ về phục vụ nông thôn nhất là ngành nông nghiệp, y tế giáo dục, văn hóa. Đào tạo, bồi dưỡng kiến thức khoa học - kỹ thuật sản xuất nông nghiệp, nâng cao tay nghề cho nông dân; đào tạo nghề cho bộ phận con em nông dân để chuyển nghề và xuất khẩu lao động; đồng thời tập trung đào tạo nâng cao kiến thức đội ngũ cán bộ quản lý cán bộ cơ sở.

- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của nhà nước, phát huy sức mạnh các đoàn thể chính trị - xã hội ở nông thôn, nhất là Hội Nông dân

Tập trung chỉ đạo thực hiện việc đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Đảng bộ, chi bộ cơ sở, nhất là cấp xã và các lĩnh vực khác ở nông thôn; củng cố và nâng cao năng lực bộ máy quản lý nông nghiệp từ huyện đến cơ sở, nhất là cấp xã và các lĩnh vực khác ở nông thôn. Tiếp tục cải cách hành chính, tăng cường đào tạo nâng cao đội ngũ cán bộ, công chức xã - thị trấn; đổi mới nâng cao chất lượng hoạt động của mặt trận tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội ở nông thôn; tạo điều kiện thuận lợi để Hội Nông dân tiếp cận, trực tiếp thực hiện một số chương trình, dự án phục vụ sản xuất và nâng cao đời sống của nông dân, hướng dẫn phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp nông thôn./.