TPP khó có thể kịp hình thành trong năm nay

Nguyễn Sơn
16:35, ngày 18-07-2013
TCCSĐT - Vòng đàm phán thứ 17 của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang diễn ra tại Cô-ta Ki-na-ba-lu (Ma-lai-xi-a) từ 15 đến 25-7. Việc Nhật Bản có khá nhiều bất đồng với 11 thành viên còn lại của TPP chính thức gia nhập tiến trình đàm phán này khiến triển vọng sớm hoàn tất đàm phán trong năm nay càng trở nên khó khăn.

TPP là hiệp định đa phương giữa 11 nước gồm Úc, Bru-nây, Ca-na-đa, Chi-lê, Ma-lai-xi-a, Mê-hi-cô, Niu-di-lân, Pê-ru, Xin-ga-po, Mỹ và Việt Nam. Tại vòng đàm phán thứ 17, Nhật Bản chính thức tham gia tiến trình đàm phán, nâng tổng số các quốc gia tham gia lên thành 12. Với quy mô như vậy, TPP sẽ là hiệp định tự do thương mại đa phương bao trùm các lĩnh vực thuế, tài chính, đầu tư, môi trường, lao động, chống tham nhũng,… rộng lớn nhất hiện nay, chiếm tới 40% GDP và 1/3 tổng giá trị thương mại toàn cầu.

Việc Nhật Bản tham gia đàm phán TPP khiến cho Trung Quốc trở thành nước duy nhất có nền kinh tế lớn nằm ngoài hiệp ước quan trọng này. Các quan chức Mỹ nói rằng họ hoan nghênh Trung Quốc tham gia TPP nếu Bắc Kinh thỏa mãn những đòi hỏi về chính trị và kinh tế. Tuy nhiên, chỉ riêng các chương trình trợ giá của Trung Quốc đã đủ để ngăn cản nước này tham gia TPP. 

Việt Nam đang ở vị trí rất tốt để tận dụng lợi thế TPP. Theo Giáo sư Pê-tơ Pê-ri (Peter Petri), Hiệu trưởng Đại học Kinh doanh Brandeis, việc tham gia TPP có thể làm cho GDP của Việt Nam tăng thêm 35,7 tỷ USD (tương đương 10,5% GDP) vào năm 2025, xuất khẩu của Việt Nam cũng sẽ tăng thêm 67,9 tỷ USD (tương đương 28,4%) lên thành 307 tỷ USD. Mức tăng lớn nhất là hàng dệt may và da giày, từ 113 tỷ USD lên 165 tỷ USD, tăng 45,9%. Theo ông Trần Việt, Trưởng ban Quan hệ quốc tế Hiệp hội Dệt may Việt Nam, nếu các điều kiện đàm phán TPP diễn ra thuận lợi, tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may có thể đạt tới 55 tỷ USD trong năm 2025, đồng thời tạo ra được gần 6 triệu việc làm.

Mặc dù Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma cùng nhiều nhà lãnh đạo khác mong muốn thúc đẩy TPP sớm ra đời trong năm nay, các nhà phân tích đều nhận thấy khả năng đó khó có thể trở thành hiện thực. Giờ đây, với sự tham gia của Nhật Bản, người ta càng thêm khẳng định TPP không thể hình thành trước năm 2014. Tuy là người đến sau, Tô-ky-ô vẫn muốn được tham gia đàm phán lại từ đầu trong hàng loạt vấn đề chưa tìm được tiếng nói chung với 11 thành viên còn lại. 

Các bất đồng lớn nhất của Nhật Bản là về mức thuế, xuất xứ sản phẩm, thủ tục hải quan với hàng nông sản, quyền sở hữu trí tuệ và vấn đề doanh nghiệp nhà nước. Ví dụ rõ nhất là mới đây, khi Ma-lai-xi-a tuyên bố về cơ bản đã hoàn tất việc thỏa thuận 14 trên 29 chương của TPP thì bộ trưởng phụ trách vấn đề TPP của Nhật Bản A-ki-ra A-ma-ri (Akira Amari) vẫn khẳng định là còn những vấn đề cần đàm phán và các chủ đề liên quan tới lợi ích của Nhật Bản vẫn chưa hoàn tất. Đáp lại, Bộ trưởng Công thương Ma-lai-xi-a Mu-xta-pha Mô-ha-mét (Mustapa Mohamed) nói “ai đến muộn thì phải chấp nhận những gì đã được thỏa thuận”. Thế nhưng, phía Nhật Bản dường như không nghĩ như vậy. 

Không chỉ Nhật Bản có nhiều yêu sách làm chậm tiến trình đàm phán TPP. Mới đây, ông Nguyễn Vũ Tùng, Công sứ, Phó Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, tiết lộ Mỹ và Việt Nam vẫn còn rất xa nhau trong đàm phán về quyền tiếp cận thị trường quần áo và giày da. Ông Nguyễn Vũ Tùng cho biết, quan điểm của phía Mỹ “rất khó để chúng tôi chấp nhận” và cho rằng nếu không có đột phá thì khả năng Việt Nam có thể kết thúc đàm phán thành công TPP là “đáng quan ngại”. 

Trong khi mức thuế đối với hàng dệt may nhập khẩu vào Mỹ trung bình là 7% thì thuế đối với một số mặt hàng quần áo may sẵn lên tới gần 30%. Việt Nam muốn Mỹ phải giảm dần mức thuế này về 0% theo tinh thần TPP. Do đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Việt Nam trong lĩnh vực dệt may là Trung Quốc chưa có đề xuất tham gia hiệp định TPP nên đây sẽ là cơ hội để hàng Việt Nam có thể bán rẻ hơn khi vào các thị trường nội khối. 

Trong khi đó, tư duy bảo hộ dệt may của Mỹ vẫn còn rất mạnh. Tại cuộc điều trần tại Hạ viện Mỹ hôm 10-7, ông Xmít Mckít -síc (Smyth McKissick), Đại diện Ủy ban Dệt may quốc gia Mỹ, vẫn lớn tiếng cảnh báo thỏa thuận TPP có thể triệt tiêu ngành dệt may Mỹ. 

Việc điều tra xuất xứ hàng hóa cũng có thể gây khó cho hàng dệt may của Việt Nam. Theo ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày Việt Nam, để được hưởng thuế suất ưu đãi thì các sản phẩm xuất khẩu trong các nước thành viên phải có xuất xứ nội khối TPP trên 60%, trong khi Việt Nam lại phải nhập khẩu nguyên vật liệu từ các nước bên ngoài TPP như Trung Quốc, Hàn Quốc để gia công hàng xuất khẩu. 

Tham gia TPP là một cơ hội lớn cho Việt Nam cũng như 11 nước thành viên khác. Tuy nhiên con đường đi tới một sự đồng thuận vẫn còn không ít gập gềnh, trắc trở. Những nhận định lạc quan nhất cũng cho rằng TPP chỉ có thể hoàn tất các vòng đàm phán sau tháng 4-2014 và khi đó, xu thế liên kết khu vực châu Á - Thái Bình Dương lại thêm một lần nữa được khẳng định./.