Xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh, đội ngũ đảng viên hội đủ đức, tài, thực sự là hạt nhân chính trị lãnh đạo để Bắc Kạn cùng cả nước đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa được Đảng bộ tỉnh xác định là nhiệm vụ then chốt, và có giải pháp tích cực xuyên suốt.

Bắc Kạn là tỉnh miền núi vùng Đông Bắc Tổ quốc, diện tích tự nhiên 4.857,21 km2, với 7 dân tộc anh em cùng sinh sống, gồm Tày, Nùng, Dao, Kinh, Mông, Hoa, Sán Chay, trong đó dân tộc thiểu số chiếm trên 80%. Tỉnh có 8 đơn vị hành chính (1 thị xã, 7 huyện với 122 xã, phường, thị trấn), dân số có 305.800 người. Năm 1997 (thời điểm tái lập tỉnh), Đảng bộ tỉnh có 9 đơn vị trực thuộc, gồm 6 đảng bộ huyện, thị và 3 đảng bộ trực thuộc, với 299 tổ chức cơ sở đảng (trong đó có 139 đảng bộ cơ sở, 160 chi bộ cơ sở), số chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở là 656. Hiện tại, Đảng bộ tỉnh có 11 đơn vị trực thuộc, gồm 8 đảng bộ huyện, thị và 3 đảng bộ trực thuộc, với 411 tổ chức cơ sở đảng (164 đảng bộ cơ sở, 247 chi bộ cơ sở), số chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở là 1.476.

Quán triệt đường lối đổi mới của Đảng, những năm qua, Đảng bộ Bắc Kạn thường xuyên quan tâm chăm lo công tác xây dựng Đảng, nhất là công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng, nâng cao chất lượng đảng viên, coi đây là nhiệm vụ then chốt có tính chất quyết định chất lượng lãnh đạo, hoạt động của đảng bộ, là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh- quốc phòng, củng cố hệ thống chính trị ở địa phương. Đảng bộ tỉnh đã chủ động, nghiêm túc tiến hành nhiều biện pháp đồng bộ nhằm thiết thực xây dựng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên trong sạch, vững mạnh, bảo đảm yêu cầu về cả chất và lượng:

Thứ nhất, hằng năm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy luôn quan tâm chỉ đạo các cấp ủy tiến hành nghiêm túc việc khảo sát, đánh giá đúng thực trạng chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ đảng viên. Trên cơ sở đó, đề ra những chủ trương, giải pháp lãnh đạo phù hợp, tập trung vào việc củng cố những cơ sở yếu kém, phát triển tổ chức cơ sở đảng, đảng viên ở những thôn, bản, trường học chưa có hoặc có ít đảng viên.

Thứ hai, nâng cao tính chủ động của các cấp ủy, nhất là cấp ủy cấp trên trực tiếp trong việc tập trung chỉ đạo, hướng dẫn từng loại hình tổ chức cơ sở đảng thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, đổi mới phương thức lãnh đạo thông qua việc xây dựng và thực hiện tốt quy chế làm việc, chế độ sinh hoạt đảng, nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình.

Bắc Kạn đặc biệt coi trọng việc xây dựng và củng cố đội ngũ cán bộ, đảng viên cấp cơ sở ở vùng sâu, vùng xa bảo đảm chất lượng, nhiệt huyết với công việc, chủ động vượt qua khó khăn, trở thành “cầu nối” hữu hiệu giữa Đảng bộ, chính quyền và nhân dân.

Thứ ba,
quan tâm đầu tư cho công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức, trách nhiệm và trình độ năng lực của đảng viên, cấp ủy viên, lấy đó làm cơ sở nâng cao chất lượng hoạt động của đảng ủy các cấp, đồng thời xây dựng khối đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Các buổi nói chuyện, tuyên truyền nghị quyết đại hội Đảng và nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh được tổ chức kịp thời nhằm giúp cán bộ, đảng viên nắm rõ tinh thần nghị quyết, chủ động áp dụng trong hoạt động thực tiễn. Tỉnh đặc biệt chú trọng việc chỉ đạo, tuyên truyền và thực hiện tốt cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” tới toàn thể cán bộ, đảng viên, các cấp, các ngành và nhân dân trong tỉnh thông qua nhiều hình thức đa dạng: tổ chức cuộc thi “Kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, tuyên truyền qua các phương tiện truyền thông đại chúng... Đặc biệt, do đặc thù là tỉnh miền núi, có đông đồng bào dân tộc sinh sống không tập trung, để hoạt động tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh đến với đông đảo đồng bào, tỉnh rất coi trọng, quan tâm việc đầu tư xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên ở cơ sở bảo đảm chất lượng, nhiệt huyết với công việc, không ngại gian khó, vất vả, coi đây là lực lượng “cầu nối” quan trọng tạo mối liên hệ mật thiết giữa cấp ủy, chính quyền với nhân dân; tìm hiểu, nắm bắt những nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân để kịp thời đề ra những chủ trương, giải pháp chỉ đạo, lãnh đạo hiệu quả công tác phát triển Đảng, phát triển kinh tế - xã hội...

Thứ tư, chỉ đạo các chi bộ, đảng bộ thực hiện việc đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh, phát triển đảng viên, chia tách chi bộ sinh hoạt ghép... ngay từ đầu năm, với kế hoạch, chỉ tiêu cụ thể, nhằm tạo không khí thi đua rộng khắp. Ban Thường vụ Tỉnh ủy thường xuyên lập các tổ công tác tiến hành kiểm tra việc thi hành Điều lệ Đảng, tình hình triển khai thực hiện nghị quyết đại hội Đảng các cấp, hoặc kiểm tra toàn diện ở cấp huyện và cấp cơ sở để nắm bắt sát tình hình, nhất là ở những chi bộ, đảng bộ còn yếu kém, lấy đó làm cơ sở đề ra phương hướng, giải pháp kịp thời củng cố, khắc phục những hạn chế, yếu kém. Tiến hành tổ chức sơ kết, đánh giá việc nâng cao chất lượng chi bộ, đảng bộ cơ sở và đội ngũ đảng viên vào dịp cuối năm để rút kinh nghiệm, xây dựng kế hoạch cho thời gian tiếp theo...

Sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên và nghiêm túc của Đảng bộ tỉnh trong công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng, đảng viên đã giúp các cấp ủy nhận thức rõ hơn về vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức cơ sở đảng trong tình hình mới, để từ đó tích cực phát huy vai trò hạt nhân chính trị ở cơ sở, đồng thời, tạo được sự tin cậy của người dân vào vai trò lãnh đạo của Đảng. Các chi bộ, đảng bộ duy trì nền nếp sinh hoạt tương đối đều theo quy định; chất lượng sinh hoạt và việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong sinh hoạt đảng được tăng cường. Chất lượng hoạt động, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của không ít tổ chức cơ sở đảng được nâng lên đáng kể; nhiều cấp ủy, tổ chức đảng đã khắc phục được tình trạng bao biện, làm thay...

Sự đổi mới về phương thức lãnh đạo đối với chính quyền và các đoàn thể quần chúng theo hướng thường xuyên quan tâm chỉ đạo toàn diện công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng, đặc biệt chú ý đến việc củng cố cơ sở yếu kém, đã đem lại những kết quả khả quan: hằng năm, số tổ chức cơ sở đảng đạt danh hiệu trong sạch, vững mạnh chiếm tỷ lệ cao, số tổ chức cơ sở đảng yếu kém giảm dần. Qua đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng năm 2007, có 78,05% số tổ chức cơ sở đảng đạt danh hiệu trong sạch, vững mạnh (trong đó có 23,75% đạt danh hiệu trong sạch, vững mạnh tiêu biểu), 21,46% hoàn thành nhiệm vụ, chỉ còn 0,488% yếu kém; có 76,32% chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở đạt danh hiệu trong sạch, vững mạnh (18,76% đạt trong sạch, vững mạnh tiêu biểu), 23,27% hoàn thành nhiệm vụ, 0,407% yếu kém.

Công tác phát triển đảng viên và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên những năm qua luôn được các cấp ủy quan tâm chỉ đạo thực hiện, đặc biệt là ở vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Tỉnh ủy chỉ đạo các tổ chức trong hệ thống chính trị làm tốt công tác tạo cán bộ nguồn, kết nạp đảng viên. Trên cơ sở những quy định, hướng dẫn của Trung ương, Tỉnh ủy đã vận dụng phù hợp với đặc điểm của từng vùng, đặc biệt là vùng dân tộc thiểu số, về nội dung bồi dưỡng kiến thức, điều kiện và tiêu chuẩn về học vấn. Hằng năm, Tỉnh ủy chỉ đạo các cấp ủy trực thuộc tiến hành khảo sát nguồn phát triển đảng viên, chú trọng những thôn, bản, trường học chưa có hoặc có ít đảng viên, đưa ra các biện pháp cụ thể thực hiện kế hoạch tạo nguồn, phát triển Đảng. Nếu như năm 1997, toàn Đảng bộ Bắc Kạn có 11.102 đảng viên, chiếm 4,01% dân số toàn tỉnh, thì đến hết quý I năm 2008 đã có 21.565 đảng viên, chiếm hơn 7% dân số của tỉnh, bình quân mỗi năm kết nạp được trên một nghìn đảng viên. Qua đánh giá, phân loại năm 2007, có 71,43% số đảng viên đủ tư cách hoàn thành tốt nhiệm vụ, trong đó 18,09% đảng viên đủ tư cách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, 29,82% đảng viên đủ tư cách hoàn thành nhiệm vụ, và chỉ có 0,54% đảng viên vi phạm tư cách.

Công tác xây dựng Đảng được kết hợp chặt chẽ với việc xây dựng, củng cố các tổ chức, đoàn thể trong hệ thống chính trị ở cơ sở, nhằm đạt mục tiêu vững mạnh đồng bộ, toàn diện. Các cấp ủy địa phương, đơn vị đã tích cực xây dựng, củng cố phát triển tổ chức đảng và đảng viên nên số thôn, bản, trường học chưa có đảng viên giảm dần. Nếu như cuối năm 1997 toàn tỉnh còn 152 thôn, bản, 26 trường học chưa có đảng viên thì đến hết quý I năm 2008, tất cả các thôn, bản đều đã có đảng viên. Hiện chỉ còn 4 trường mầm non chưa có đảng viên. Việc chia tách chi bộ sinh hoạt ghép được Đảng bộ tỉnh quan tâm chỉ đạo và đã đạt được những kết quả nhất định, đến nay còn 227 chi bộ thôn, bản sinh hoạt ghép.

Nhờ nỗ lực đầu tư, chăm lo cho công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên, kết hợp chặt chẽ với thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng trên địa bàn, Bắc Kạn đã đạt được những bước tiến đáng kể từ khi tái lập tỉnh đến nay. Khi mới tái lập, nền kinh tế của tỉnh chủ yếu là thuần nông; toàn tỉnh có 16 xã chưa có đường ô-tô, 16 xã khác ô-tô chỉ đến được vào mùa khô; 2 huyện và 102 xã chưa có điện lưới quốc gia; 93 xã chưa có điện thoại; 71% số phòng học làm bằng tranh tre, nứa lá, 36% số xã chưa đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học và xóa mù chữ; tỷ lệ hộ đói nghèo chiếm trên 50% số hộ dân (theo tiêu chuẩn cũ). Đến nay, nền kinh tế của tỉnh đã phát triển khá với tốc độ bình quân 10,85%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, dịch vụ và giảm dần tỷ trọng nông - lâm nghiệp. Trong đó, khu vực công nghiệp - xây dựng tăng từ 9,6% lên 20,8%; khu vực dịch vụ tăng từ 22,8% lên 38,2% và khu vực nông - lâm nghiệp giảm từ 61,6% xuống còn 41%. Thu nhập bình quân đầu người trên 4 triệu đồng/năm, thu ngân sách 105 tỉ đồng. Tỷ lệ hộ đói nghèo theo tiêu chí mới giảm xuống còn 41,42%. Hiện 100% số xã trong tỉnh đã có đường ô-tô đến trung tâm xã; tất cả các xã, phường, thị trấn đều có điện lưới quốc gia; 100% số xã có điện thoại thông tin liên lạc. Năm 2005, tỉnh được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận là tỉnh đạt chuẩn quốc gia về phổ cập trung học cơ sở. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong tỉnh được củng cố và giữ vững.

Với đặc điểm là tỉnh miền núi, đại bộ phận dân cư là người dân tộc thiểu số, tình hình kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, Đảng bộ tỉnh xác định, cần tập trung phát huy sức mạnh và chất lượng hoạt động của đội ngũ 2.022 cấp ủy viên cơ sở (trong đó tỷ lệ nữ là 16,07%, dân tộc ít người là 76,41%) để từng bước nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động của tổ chức cơ sở đảng và phát triển đội ngũ đảng viên đủ cả đức lẫn tài, đáp ứng yêu cầu và tình hình thực tiễn của địa phương. Nhằm thiết thực thực hiện Nghị quyết Trung ương 6, khóa X, về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, vừa qua Tỉnh ủy đã xây dựng chương trình hành động, trước hết chú trọng việc nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên và cấp ủy viên cơ sở, kết hợp chặt chẽ với việc triển khai thực hiện tốt công tác bồi dưỡng cán bộ cơ sở và công tác quy hoạch, đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ chủ chốt ở cơ sở giai đoạn 2006 - 2015.

Tuy nhiên, công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ đảng viên ở Bắc Kạn những năm qua vẫn tồn tại không ít hạn chế, khó khăn, điển hình là:

1 - Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và trình độ lý luận chính trị của một số cấp ủy viên cơ sở cấp xã, phường, thị trấn còn hạn chế nên năng lực vận dụng, cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng và các nghị quyết của cấp ủy cấp trên còn yếu, nhất là trong việc lãnh đạo, chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế nhiều thành phần và thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

2 - Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số tổ chức cơ sở đảng còn hạn chế, nhất là việc nắm bắt tình hình tư tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

3 - Một số chi bộ chưa mạnh dạn đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực, chưa kịp thời phát hiện và xử lý đảng viên vi phạm.

4 - Công tác kiểm tra, giám sát đảng viên ở một số nơi thực hiện chưa thường xuyên; việc phân công công tác cho đảng viên ở không ít chi bộ còn mang tính hình thức, nhất là đối với các chi bộ nông thôn ở vùng cao, vùng dân tộc thiểu số; việc phân công đảng viên phụ trách các hộ nghèo chưa thực sự phát huy hiệu quả.

Để tiếp tục thực hiện tốt cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng và cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, đẩy mạnh việc xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn đề ra chương trình hành động với những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể:

Một là, tăng cường và nâng cao năng lực, hiệu quả công tác lãnh đạo của các cấp ủy đối với công tác xây dựng tổ chức, đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị, coi đây là nhiệm vụ then chốt. Tập trung chỉ đạo xây dựng chi bộ, đảng bộ trong sạch, vững mạnh, phấn đấu hằng năm có trên 80% số chi bộ, đảng bộ đạt danh hiệu này. Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên và chú trọng công tác nâng cao chất lượng đảng viên, cố gắng đạt mục tiêu mỗi năm có trên 80% số đảng viên đủ tư cách, hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Hai là, tập trung xây dựng, củng cố, phát triển tổ chức đảng ở những nơi chưa có tổ chức đảng, chưa có hoặc còn ít đảng viên. Trước hết, các cấp ủy tập trung xây dựng, củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động của các đoàn thể quần chúng, nhất là tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và các hội quần chúng ở những thôn, bản vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, các tổ dân phố, doanh nghiệp tư nhân và các trường học chưa có tổ chức đảng, có ít hoặc “trắng” đảng viên. Hằng năm, Tỉnh ủy Bắc Kạn chỉ đạo các huyện ủy, thị ủy... tiến hành khảo sát thực tế để xây dựng kế hoạch và thực hiện nhiệm vụ phát triển đảng viên từ đầu năm, phân công cán bộ thường xuyên quan tâm theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra và trực tiếp giải quyết những vấn đề vướng mắc, khó khăn từ cơ sở; tổ chức hội nghị chuyên đề về công tác phát triển Đảng... Đồng thời, chủ động sắp xếp, điều động, bố trí đảng viên giữa các trường học (nhất là trường mầm non) để có đủ điều kiện thành lập chi bộ trong nhà trường.

Ba là, tập trung xây dựng đội ngũ cấp ủy viên cơ sở vững mạnh, đủ sức lãnh đạo thực hiện tốt nhiệm vụ và bố trí những cán bộ, đảng viên có phẩm chất, năng lực, nhiệt tình, tâm huyết làm công tác đảng. Thường xuyên bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ công tác đảng cho bí thư chi bộ, đội ngũ cấp ủy viên cơ sở và cán bộ chuyên trách công tác đảng, mở các lớp học chuyên đề về tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh và các lớp bồi dưỡng khác (trung bình mỗi năm mở gần 400 lớp bồi dưỡng). Riêng từ năm 2007 đến nay, đã mở được 389 lớp với 36.664 học viên tham gia.

Bốn là, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn vững mạnh. Tỉnh tiếp tục cử cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, lý luận. Năm 2007, tỉnh mở được 5 lớp trung cấp lý luận chính trị, tổ chức tại tỉnh với 356 học viên, và cử 163 đồng chí đi học các lớp cao cấp, cử nhân lý luận chính trị do Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh và Học viện Chính trị - Hành chính khu vực I tổ chức. Tỉnh phấn đấu đến hết năm 2008 mở được 4 lớp trung cấp lý luận chính trị với 257 học viên và cử 27 đồng chí đi học các lớp cử nhân, cao cấp lý luận tại Hà Nội; đặc biệt chú trọng đầu tư cho đối tượng cán bộ trẻ, có triển vọng để từng bước chuẩn hóa cán bộ. Có kế hoạch bố trí, sử dụng những quân nhân hoàn thành nghĩa vụ quân sự đã được bồi dưỡng về kiến thức quản lý nhà nước về làm cán bộ thôn, bản ở các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Thực hiện nghiêm chỉnh công tác điều động, luân chuyển cán bộ ở các cấp.

Hiệu quả của công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên ở Bắc Kạn thể hiện rõ qua mối quan hệ gắn bó giữa cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân ngày càng được tăng cường; chất lượng hoạt động của bộ máy đảng các cấp được nâng lên, tạo cơ sở quan trọng cho việc phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh - quốc phòng.

Năm là,
tiếp tục thực hiện tốt công tác luân chuyển cán bộ theo Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị, Tỉnh ủy Bắc Kạn đã ban hành Nghị quyết và xây dựng Quy chế về việc bổ nhiệm, miễn nhiệm và luân chuyển cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý, trong đó có quy định rõ chính sách đối với cán bộ tăng cường cho các xã vùng cao, vùng sâu được trợ cấp một lần 2.000.000 đồng và trợ cấp hằng tháng 400.000 đồng, cán bộ tỉnh tăng cường cho các huyện và luân chuyển cán bộ giữa các huyện được trợ cấp một lần từ 3.000.000 đồng - 5.000.000 đồng. Căn cứ các văn bản hướng dẫn chỉ đạo của Trung ương và Chính phủ, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, phù hợp với tình hình thực tế hiện nay của địa phương, vừa qua Tỉnh ủy đã ban hành đề án thực hiện công tác luân chuyển cán bộ lãnh đạo và quản lý, đồng thời chỉ đạo ủy ban nhân dân tỉnh nghiên cứu xây dựng lại chính sách, chế độ cho cán bộ trong diện luân chuyển bảo đảm sát tình hình thực tiễn; nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách, chế độ thu hút sinh viên tốt nghiệp đại học và cán bộ ở cấp trên luân chuyển về công tác tại các xã, phường, thị trấn. Đồng thời, đề ra chính sách phù hợp giải quyết những cán bộ năng lực yếu, không đạt chuẩn về trình độ nhưng chưa đến tuổi nghỉ hưu, nhằm tập trung khắc phục tình hình khó khăn, yếu kém bất cập về công tác tổ chức, cán bộ hiện nay ở cơ sở.

Sáu là, hằng năm thực hiện nghiêm túc việc đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên bảo đảm đúng tình hình thực tế, gắn chặt với đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị. Tỉnh ủy giao Ban Tổ chức tỉnh xây dựng các tiêu chí đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng theo hướng dẫn của Trung ương. Đồng thời, Tỉnh ủy xây dựng kế hoạch cụ thể hóa việc thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW và Hướng dẫn số 05-HD/TCTW, phân công cán bộ lãnh đạo cấp ủy và các ban Xây dựng Đảng đi cơ sở khảo sát, theo dõi, tham dự sinh hoạt chi bộ, nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt của các cấp ủy, chi bộ, định kỳ sơ kết đánh giá và rút kinh nghiệm kịp thời.

Bảy là, thực hiện nghiêm túc Quy định số 76-QĐ/TW của Bộ Chính trị về việc đảng viên đang công tác thường xuyên giữ mối liên hệ với cấp ủy nơi cư trú, Tỉnh ủy lãnh đạo cấp ủy tăng cường theo dõi, kiểm tra, giám sát, rút kinh nghiệm, định kỳ báo cáo theo quy định; coi đây là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá cán bộ, đảng viên và bầu cử, đề bạt cán bộ hằng năm./.