Nét mới trong quan hệ giữa các nước lớn
Hai mươi năm sau khi "chiến tranh lạnh" kết thúc, thế giới đã và đang trải qua nhiều biến đổi lớn. Một trong những biến đổi đó là sự thay đổi trong so sánh lực lượng giữa các nước lớn. Trong quan hệ giữa các nước lớn, quan hệ giữa 3 nước Mỹ, Nga và Trung Quốc có ảnh hưởng lớn nhất đối với sự phát triển của tình hình thế giới.
Quan hệ Mỹ - Nga
Đây là 2 cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới. Mặc dù sau khi Liên Xô tan rã, tiềm lực quân sự nói chung và ưu thế vũ khí hạt nhân chiến lược của Nga bị giảm sút nhưng Nga và Mỹ vẫn là những cường quốc duy nhất có khả năng tiêu diệt lẫn nhau. "Bóng ma" của Liên Xô sau "chiến tranh lạnh" vẫn ám ảnh giới cầm quyền Mỹ. Do đó, Mỹ tìm mọi cách ngăn cản để Nga không bao giờ còn là một thách thức đối với bá quyền của Mỹ. Trong những năm 90 của thế kỷ trước, dưới danh nghĩa thúc đẩy nền dân chủ, Mỹ tìm mọi cách làm tan rã nội bộ Nga, trợ giúp những đầu sỏ chính trị - tài chính ở Nga làm ruỗng nát nền kinh tế, cướp bóc tài nguyên khiến Nga kiệt quệ. Mặt khác, Mỹ và phương Tây thúc đẩy cái gọi là "cuộc cách mạng màu sắc" ở các nước thuộc Liên Xô cũ, từng bước đưa các nước này ra khỏi phạm vi ảnh hưởng của Nga, gia nhập NATO nhằm biến các nước này thành những tiền đồn áp sát biên giới Nga. Một bước đi hết sức nguy hiểm khác là lợi dụng cuộc chiến chống khủng bố, Mỹ đã ráo riết triển khai một phần hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo (NMD) với cái cớ chống tên lửa của I-ran và Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên, và thiết lập các trạm ra-đa cảnh giới ở Ba Lan và Cộng hòa Séc. Để phá thế cân bằng chiến lược ở châu Âu, Mỹ đơn phương hủy bỏ Hiệp ước ABM ký với Liên Xô năm 1972 và đòi thương lượng lại Hiệp ước hạn chế vũ khí chiến lược SALT.
Nhận rõ ý đồ của Mỹ và phương Tây, nước Nga dưới sự lãnh đạo của Tổng thống V.Pu-tin kiên quyết chống trả. Về đối nội, chính quyền của Tổng thống V.Pu-tin đã trấn áp thẳng thừng bọn "trùm sò" tay chân của nước ngoài, đập tan mọi âm mưu phản loạn của chúng phục vụ lợi ích của phương Tây, giành lại chủ quyền về tài nguyên quốc gia, đẩy mạnh công cuộc chấn hưng đất nước. Không mơ hồ trước những luận điệu tuyên truyền xuyên tạc của Mỹ và phương Tây về dân chủ, nhân quyền giả hiệu, chỉ trong vòng 5 năm, nhân dân Nga đã đoàn kết, phục hồi chủ nghĩa yêu nước chân chính và tinh thần tự tôn dân tộc, đưa nước Nga từng bước trở lại vị thế cường quốc của mình. Về đối ngoại, chính quyền của Tổng thống V. Pu-tin, một mặt, tỏ ra hết sức cứng rắn có nguyên tắc (nổi tiếng là phát biểu của ông V. Pu-tin tháng 3-2006 tại Hội nghị an ninh ở Mu-ních); mặt khác, kiên trì đối thoại với Mỹ và phương Tây để giảm bất đồng, đồng thời tăng cường hợp tác ở những lĩnh vực có thể hợp tác nhằm phát huy vị thế quốc tế của mình. Trong 8 năm cầm quyền, Tổng thống V. Pu-tin đã gặp Tổng thống Mỹ G.Bu-sơ 28 lần và gần đây nhất vào ngày 6-4-2008 tại Xô-chi với bản Tuyên bố chung về "Khuôn khổ chiến lược giữa hai nước". Theo ông Ne-ve-rốp, Vụ trưởng Vụ Bắc Mỹ Bộ Ngoại giao Nga, bản tuyên bố này đã đưa ra một cách đánh giá trung thực tình trạng quan hệ hai nước, trong đó thể hiện những lĩnh vực hợp tác; đồng thời cả những lĩnh vực mà cách tiếp cận của hai bên còn khác nhau như vấn đề NMD và SALT. Nga cho rằng, vấn đề NMD thực sự là một vấn đề phức tạp trong quan hệ hai nước. Đồng thời, Nga đưa ra những đề nghị xây dựng thay cho việc triển khai NMD của Mỹ ở Séc và Ba Lan.
Trong quan hệ với Mỹ, Nga còn khai thác lợi thế của mình về chiến lược cũng như về kinh tế, nhất là nguồn cung cấp khí đốt để phân hóa các nước EU với Mỹ. Một mặt, Nga cảnh cáo sẽ chĩa đầu đạn hạt nhân vào các nước U-crai-na, Gru-di-a nếu họ gia nhập NATO, ngừng tham gia Hiệp ước về các lực lượng vũ trang thông thường ở châu Âu (CFE), tăng cường ủng hộ các lực lượng ở Nam Ô-xê-ti-a và áp-kha-di-a đòi ly khai khỏi Gru-di-a v.v..; Nga cũng ra sức tranh thủ Đức và Pháp. Do vậy, tại Hội nghị thượng đỉnh NATO đầu tháng 4-2008, các nước này đã ngăn cản đề nghị của G.Bu-sơ đối với việc kết nạp U-crai-na và Gru-di-a vào NATO. Nga cũng đã tìm cách tranh thủ các nước lớn trong EU như Pháp, Đức, I-ta-li-a, Tây Ban Nha và với sự ủng hộ của các nước này, EU đã quyết định khôi phục đàm phán với Nga. Qua đó, mặc dù có sự phản đối của các nước "hội viên trẻ" như Séc, Ba Lan, nhưng ảnh hưởng của các nước "châu Âu già" trong EU vẫn thắng thế. Cũng từ sự việc này, chứng tỏ Tổng thống Mỹ G. Bu-sơ sắp mãn nhiệm không muốn làm mất lòng "các ông bạn già châu Âu", nhất là sau khi Pháp tuyên bố sẽ trở lại NATO cũng như thái độ thân Mỹ của Tổng thống Pháp N.Xác-cô-di. Cuộc đàm phán giữa Nga và EU cuối tháng 6-2008 đã đạt kết quả tích cực trong việc mở ra một thời kỳ mới trong quan hệ 2 bên.
Mặt khác, khác với thời kỳ "chiến tranh lạnh", ngày nay trong thời đại toàn cầu hóa, quan hệ giữa các nước lớn không chỉ có mâu thuẫn, đối kháng mà còn chịu sự tác động của xu thế phụ thuộc lẫn nhau. Vì vậy, quan hệ Nga - Mỹ không chỉ có mâu thuẫn, cạnh tranh mà còn có nhu cầu hợp tác trong nhiều vấn đề toàn cầu mà không một nước nào có thể tự giải quyết. Trong việc tìm giải pháp tích cực cho vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên và vấn đề hạt nhân I-ran, Nga và Mỹ đã hợp tác tốt với nhau. Nga đã không do dự trong việc ủng hộ Mỹ chống các lực lượng khủng bố quốc tế, nhất là sau "sự kiện ngày 11-9-2001", giúp Mỹ trong việc làm trung gian giữa I-xra-en và Pa-le-xtin, giải quyết những khó khăn mà Mỹ đang gặp phải ở I-rắc và áp-ga-ni-xtan.
Điều đáng khích lệ là theo Tuyên bố Xô-chi, ngày nay hai nước chính thức không coi nhau là thù địch và cả hai bên đều cố gắng xây dựng mối quan hệ chiến lược có lợi cho nền an ninh và phát triển của cả hai nước và toàn thế giới.
Quan hệ Mỹ - Trung
Quan hệ giữa hai nước có những sự khác biệt rất lớn cả về mặt chính trị, quân sự, văn hóa. Do đó, có thể thấy rằng, đây là một cặp quan hệ song phương quan trọng nhất nhưng cũng phức tạp nhất trong quan hệ quốc tế. Thêm vào đó, sự "trỗi dậy hòa bình" của Trung Quốc sau 30 năm cải cách và mở cửa, sức mạnh tổng hợp của quốc gia này được nâng lên rõ rệt khiến Mỹ lo ngại và xem Trung Quốc là một thách thức tiềm tàng đối với tham vọng bá quyền của Mỹ. Trong báo cáo quốc phòng 4 năm mà Bộ Quốc phòng Mỹ công bố năm 2006, Mỹ nêu rất rõ rằng: Trung Quốc là "đối tượng phòng ngự an ninh quân sự". Ngoài vấn đề quốc phòng, giữa Mỹ và Trung Quốc còn tồn tại nhiều bất đồng khác, như vấn đề kinh tế (Mỹ nhập siêu lớn của Trung Quốc, tỷ giá hối đoái của đồng nhân dân tệ, vấn đề bản quyền ở Trung Quốc); chiến lược "mở rộng dân chủ của Mỹ"; Mỹ mở rộng NATO sang phương Đông; vấn đề Đài Loan v.v..
Mặc dù sau "sự kiện ngày 11-9-2001", do cần phải có sự hợp tác quốc tế rộng rãi để chống chủ nghĩa khủng bố nên Mỹ đã có sự thay đổi trong chính sách đối với Trung Quốc; từ chỗ xem Trung Quốc là "đối thủ chiến lược" đã chuyển thành "đối tác hợp tác mang tính xây dựng". Tuy quan hệ Mỹ - Trung có phần được cải thiện, nhưng sự nghi ngại lẫn nhau giữa hai nước vẫn chưa được giải quyết.
Về kinh tế
Việc phát triển quan hệ kinh tế là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất để hai nước cải thiện quan hệ. Hai nước đều thấy rằng, trong tiềm lực của một quốc gia, sức mạnh kinh tế là điều cốt lõi. Trước sự lớn mạnh của Trung Quốc, Mỹ xem Trung Quốc đứng đầu danh sách 10 nước có thị trường phát triển mạnh nhất. Do đó, nội bộ Mỹ đã dễ dàng thống nhất trong việc Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), chính thức coi Trung Quốc là "đối tác kinh tế". Gần đây nhất, hai bên đã tiến hành đàm phán với nhau về chiến lược kinh tế. Theo thống kê của Mỹ, Trung Quốc đã thay thế Mê-hi-cô để trở thành đối tác thương mại thứ 2 của Mỹ còn Mỹ là đối tác mậu dịch lớn nhất của Trung Quốc. Kim ngạch mậu dịch giữa hai nước khoảng 400 tỉ USD/năm. Các công ty Mỹ hằng năm thu về hơn 70 tỉ USD lợi nhuận do buôn bán với Trung Quốc. Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc có cơ sở vững chắc. Dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc lên đến 1.700 tỉ USD. Là một nước theo chủ nghĩa thực dụng và mạnh lên là nhờ thương nghiệp, nên đối với Mỹ lợi ích kinh tế trong quan hệ với Trung Quốc thường lấn át những rào cản khác.
Về mặt an ninh chiến lược
+ Vấn đề hạt nhân của Triều Tiên và
I-ran: Trung Quốc đã hợp tác chặt chẽ với Mỹ trong giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Vấn đề này không những liên quan đến việc phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt mà còn liên quan đến vấn đề an ninh khu vực và quan hệ giữa các nước lớn. Trên khía cạnh này, lập trường của Mỹ - Trung tương đối giống nhau. Mặt khác, Mỹ cũng thấy rằng, do có quan hệ thân thiết với Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên nên vai trò của Trung Quốc rất quan trọng. Do đó, Mỹ đã chọn Bắc Kinh làm địa điểm cho các cuộc đàm phán 6 bên và thực tế Mỹ - Trung là hai nước chủ yếu đưa đến những tiến bộ trong việc giải quyết vấn đề gai góc này. Về vấn đề hạt nhân của I-ran, tuy có quan điểm khác nhau trong cách giải quyết nhưng Trung Quốc và Mỹ đều bỏ phiếu thông qua nghị quyết của Liên hợp quốc trừng phạt I-ran.
+ Vấn đề Đài Loan là vấn đề gây cấn nhất trong quan hệ an ninh giữa Mỹ và Trung Quốc. Mỹ vẫn muốn dùng vấn đề Đài Loan để kiềm chế Trung Quốc. Tuy nhiên, trong 8 năm qua, khi lực lượng chủ trương " Đài Loan độc lập" do Trần Thủy Biển cầm đầu thống trị Đài Loan, vấn đề Đài Loan đã làm cho quan hệ Mỹ - Trung lâm vào thế "tiến thoái lưỡng nan". Nếu Đài Loan tuyên bố độc lập, Trung Quốc bắt buộc phải dùng vũ lực vì đó là vấn đề nguyên tắc mà quốc gia này đã cam kết. Về phía Mỹ, khi Trung Quốc dùng quân sự để giải quyết vấn đề Đài Loan thì Chính phủ Mỹ theo "luật bảo vệ Đài Loan" tất nhiên phải can thiệp. Vấn đề nhức nhối của cả Mỹ và Trung Quốc là có nên để xảy ra cuộc chiến chống nhau một lần nữa hay không? Do đó, thắng lợi của Quốc dân Đảng trong cuộc Tổng tuyển cử vừa qua đưa Mã Anh Cửu lên cầm quyền ở Đài Loan đã làm cho cả hai nước Mỹ và Trung Quốc "thở phào nhẹ nhõm". Qua cuộc đàm phán giữa hai bờ eo biển Đài Loan, hai bên hiện nay chưa nói đến chuyện thống nhất mà chỉ mới thỏa thuận về việc tăng cường giao lưu giữa nhân dân hai bờ. Theo tạp chí "Kinh báo" (Hồng Công), điều này có nghĩa là hai bên thỏa thuận về việc giữ "nguyên trạng". Đài Loan muốn giữ nguyên trạng vĩnh viễn tức là "không độc lập mà cũng không thống nhất". Còn Trung Quốc muốn "giữ nguyên trạng tạm thời" vì tình hình thực tế hiện nay chưa chín muồi cho việc thống nhất, nhưng về lâu dài là phải thống nhất.
+ Về vấn đề mở rộng NATO sang châu Á: để bảo đảm vai trò bá chủ của mình, Mỹ chủ trương mở rộng NATO không những ở châu Âu để kiềm chế Nga mà còn muốn toàn cầu hóa tổ chức liên minh quân sự này kể cả ở châu Á để kiềm chế Trung Quốc. Tất nhiên là với một hình thức khác. Kế hoạch của Mỹ là tăng cường liên minh quốc phòng với Nhật Bản, Ấn Độ và Ô-xtrây-li-a. Để lôi kéo Ấn Độ, Mỹ đã ký Hiệp ước hợp tác hạt nhân với nước này. Năm 2007, Mỹ đã đưa ra đề nghị mở cuộc tập trận chung 4 bên giữa các đơn vị hải quân của Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Ô-xtrây-li-a. Song kế hoạch này đã bị Thủ tướng Ô-xtrây-li-a từ chối.
Để làm thất bại kế hoạch của Mỹ thành lập một NATO phương Đông để kiềm chế Trung Quốc, Trung Quốc một mặt tăng cường quan hệ với Nga, mặt khác ra sức cải thiện và tăng cường quan hệ với Ấn Độ, Ô-xtrây-li-a, nhất là với Nhật Bản.
Là cường quốc kinh tế lớn nhất ở châu Á với GDP năm 2006 lên đến 4.300 tỉ USD, Nhật Bản cần có môi trường xung quanh ổn định để phát triển. Trung Quốc là bạn hàng lớn nhất của Nhật Bản, với kim ngạch mậu dịch hai chiều lên đến 23 tỉ USD. Về mặt đối ngoại, Nhật Bản cần có quan hệ tốt với các nước láng giềng để cải thiện vị trí quốc tế của mình, nhất là có sự ủng hộ của Trung Quốc để trở thành thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Mặt khác, Nhật Bản cần tiếp tục duy trì quan hệ đồng minh chiến lược với Mỹ nhưng có tính chất độc lập hơn để khỏi bị xem là "cái đuôi" của Mỹ. Do đó, lợi ích chiến lược của Trung Quốc và Nhật Bản có nhiều trùng hợp, là cơ sở cho quan hệ giữa hai nước ấm dần lên sau nhiều năm băng giá dưới chính quyền của cựu Thủ tướng Côi-dư-mi, đưa quan hệ hai nước bước sang một thời kỳ phát triển mới. Đây là một bước ngoặt mới trong quan hệ Trung - Nhật và là một chuyển hướng tích cực trong chiến lược đối ngoại của Nhật Bản.
Rõ ràng, thỏa thuận Trung - Nhật không nhằm chống lại Mỹ hoặc bất cứ một nước nào nhưng nó đã làm thất bại mưu đồ của Mỹ biến Nhật Bản thành một khâu kiềm chế Trung Quốc trong cái gọi là NATO phương Đông.
Quan hệ Nga - Trung
Có thể nói, chưa bao giờ quan hệ Nga - Trung lại tốt đẹp như hiện nay. Đó là một quan hệ hoàn toàn bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, nhằm đáp ứng lợi ích và nhu cầu chung của hai nước là xây dựng một trật tự thế giới hòa bình, hợp tác và dân chủ để cùng phát triển. Quan hệ tốt đẹp giữa Nga và Trung Quốc có thể làm cho Mỹ lo ngại nhưng trong chính sách đối ngoại của cả Nga và Trung Quốc đều đặt quan hệ của mình với Mỹ là ưu tiên chiến lược hàng đầu. Năm 2001, Trung Quốc và Nga đã ký Hiệp ước xem nhau là đối tác chiến lược. Từ đó, quan hệ hai nước đã phát triển nhanh chóng, nhất là về lĩnh vực chính trị. Tuy nhiên, giữa hai nước còn có nhiều tiềm năng chưa khai thác hết, nhất là về kinh tế có tính chất bổ trợ cho nhau rất lớn như Nga có thể xuất dầu mỏ và vũ khí cho Trung Quốc và Trung Quốc có thể xuất hàng công nghiệp nhẹ cho Nga...
Nhìn chung, đóng góp quan trọng nhất của quan hệ Trung - Nga đối với sự phát triển của quan hệ giữa các nước lớn trong thời đại ngày nay chính là sự hợp tác và liên kết chiến lược giữa hai nước thông qua các tổ chức quốc tế kiểu mới phấn đấu vì hòa bình, an ninh và phát triển.
Trước hết là hợp tác Trung - Nga trong Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO). Để bảo vệ sự ổn định và phát triển của khu vực Trung á nói chung và vùng biên giới phía tây của mình, tháng 4-1996, Trung Quốc đề xuất cuộc Hội nghị cấp cao 5 nước gồm Trung Quốc, Nga và 3 nước Trung Á là Ca-dắc-xtan, Cư-rơ-gư-xtan và Tat-gi-ki-xtan; và đến năm 2001 Hội nghị cấp cao lần thứ 6 của Cơ chế 5 nước Thượng Hải quyết định kết nạp thêm U-dơ-bê-ki-xtan, nâng tổ chức này thành Tổ chức hợp tác Thượng Hải. Với sự hợp tác chặt chẽ giữa Nga và Trung Quốc, SCO đóng vai trò rất lớn trong việc bảo đảm chủ quyền và lãnh thổ của các nước Trung Á mới giành độc lập và trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế. Trong khuôn khổ hợp tác SCO, Nga và Trung Quốc đã giải quyết được tất cả tranh chấp biên giới giữa hai nước ở khu vực. Hoạt động thành công của SCO đã làm cho nhiều nước khác trong khu vực muốn được tham gia. Hiện tại, các nước I-ran, Ấn Độ, Pa-ki-xtan, Áp-ga-ni-xtan, Mông Cổ đều đã nộp đơn xin gia nhập. Việc Tổng thống Nga Đ.Mét-vê-đép đã chọn Trung Quốc là nước lớn đầu tiên đến thăm sau khi nhậm chức cho thấy, Nga tiếp tục coi trọng Trung Quốc trong chiến lược đối ngoại của mình. Hai bên đã ký Tuyên bố chung nêu rõ sẽ tiếp tục củng cố và tăng cường sự hợp tác cũng như tính hiệu quả của SCO. Tuy hiện nay chưa có hiệp định đầy đủ về phạm vi hoạt động của SCO, nhưng giữa Nga và Trung Quốc - 2 nước chủ chốt của SCO - đã nhất trí với nhau về sự cần thiết mở rộng sự hợp tác giữa các nước thành viên sang cả lĩnh vực an ninh - quốc phòng, ngăn chặn dân chủ kiểu "cách mạng màu sắc".
Bên cạnh SCO, điều khiến dư luận thế giới đặc biệt chú ý là sự hợp tác Nga - Trung gần đây nhất thông qua cuộc họp ngày 16-5 tại Ê-ka-tê-ren-bua (Nga) giữa Ngoại trưởng của Nga, Trung Quốc, Ấn Độ và Bra-xin (gọi tắt là BRIC) theo sáng kiến của cựu Tổng thống V.Pu-tin. Với cương vị là Chủ tịch G8 (2006), Tổng thống V.Pu-tin đã chủ động mời thêm các bộ trưởng tài chính, ngoại giao, giáo dục và y tế của Ấn Độ, Trung Quốc và Bra-xin, Nam Phi và Mê-hi-cô họp chung với bộ trưởng các nước G8 với ý muốn tạo ra một Hội đồng Bảo an không chính thức. Song, do Mỹ và Nhật Bản không đồng ý mở rộng G8 cho nên năm nay, Nhật Bản (Chủ tịch G8) đã hạn chế việc tham gia của bộ trưởng 5 nước này. Tuy nhiên, dư luận báo chí Ấn Độ rất hoan nghênh sáng kiến của Tổng thống V.Pu-tin và xem BRIC sẽ là đối trọng của G8. BRIC hiện nay chiếm 40% dân số thế giới, gấp 3 lần dân số G8. GDP của BRIC tính theo sức mua đầu người bằng 1/2 GDP của G8 và sẽ vượt G8 vào năm 2020.
Hội nghị Ê-ka-tê-ren-bua của các ngoại trưởng BRIC đã ra tuyên bố kêu gọi "xây dựng hệ thống thế giới dân chủ hơn" dựa trên sự cai trị của luật pháp và ngoại giao đa phương, ủng hộ việc tiếp tục hợp tác giữa G8 với 5 nước mở rộng. Chính giới Nga cho rằng, việc hợp tác của các nước BRIC sẽ trở thành nhân tố nổi bật của ngoại giao đa phương, đóng góp đáng kể vào việc củng cố thế đa cực, tạo khả năng cho việc xây dựng các cơ chế không chính thức cho tập thể lãnh đạo của các nước hàng đầu trên thế giới.
Tóm lại, quan hệ các nước lớn hiện nay là khá đa dạng và rất phức tạp, chưa thể loại trừ hết bất trắc, nhưng xu thế hợp tác mạnh hơn xu thế đối đầu. Vì lợi ích của mình, các nước lớn tuy mâu thuẫn với nhau nhưng đều muốn đối thoại, tránh để xảy ra một cuộc "chiến tranh lạnh mới". Việc nguyên thủ hay người đứng đầu chính phủ các nước lớn đều tuyên bố tham dự lễ khai mạc Thế vận hội Olympic Bắc Kinh (tháng 8-2008) không những là một thắng lợi lớn của nền ngoại giao Trung Quốc mà còn là một nét mới trong quan hệ quốc tế đặc biệt là giữa các nước lớn trong thời đại toàn cầu hóa sau "chiến tranh lạnh"./.
Những sự kiện trong nước đáng chú ý trong tuần (từ 15-9 đến 21-9-2008)  (22/09/2008)
Cảnh cáo Tổng giám mục giáo phận Hà Nội  (22/09/2008)
Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ 15-9 đến 21-9-2008)  (22/09/2008)
Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ 15-9 đến 21-9-2008)  (22/09/2008)
Thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam - Hà Lan  (22/09/2008)
Về đội ngũ cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn  (21/09/2008)
- Tỉnh Yên Bái nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân: Từ nghị quyết đến thực tiễn
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 2)
- Nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng viên trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương
- Một số giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập ở Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên