1. Techmart Hanoi 2008 - cầu nối mật thiết giữa “3 nhà”

Ngày 18-9-2008, khai mạc Hội chợ Techmart Hanoi 2008 với chủ đề "Khoa học và công nghệ Thủ đô thiết thực kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội" do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội phối hợp với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức. Đây là hoạt động nhằm gắn kết nhà quản lý, nhà khoa học và nhà sản xuất, đưa hoạt động nghiên cứu khoa học ngày càng gắn liền với thực tiễn sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ đổi mới công nghệ, thúc đẩy thương mại hoá sản phẩm khoa học và công nghệ , nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng năng suất lao động và chất lượng hàng hoá. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển thị trường công nghệ Việt Nam, thiết thực chào mừng 54 năm ngày giải phóng Thủ đô. Tham gia Techmart Hanoi 2008 có 285 đơn vị với 300 gian hàng, trong đó có khoảng 50 gian hàng của nước ngoài, chào bán hơn 1.200 công nghệ, thiết bị, giải pháp phần mềm, tập trung ưu tiên các công nghệ liên quan đến sản xuất các sản phẩm xuất khẩu, sản phẩm có ưu thế cạnh tranh, sản phẩm thay thế và các sản phẩm có nguồn gốc nội sinh

2. Hội nghị quan chức cao cấp ASEAN lần thứ 3 về Hiệp định tương trợ tư pháp hình sự

Trong 2 ngày, 18 và 19-9-2008, tại Hà Nội, Bộ Công an Việt Nam chủ trì tổ chức Hội nghị quan chức cao cấp ASEAN lần thứ 3 về Hiệp định tương trợ tư pháp hình sự. Đây là một Hội nghị quốc tế quan trọng với tổng số 120 đại biểu tham dự, trong đó, có gần 50 đại biểu các nước ASEAN và Ban Thư ký Hiệp định. Các đoàn đại biểu các nước ASEAN đánh giá tiến độ và kết quả triển khai thực hiện Hiệp định, đồng thời, tìm ra những vướng mắc, khó khăn và bàn các biện pháp khắc phục, để tiếp tục thúc đẩy việc triển khai Hiệp định. Hội nghị cũng trao đổi kinh nghiệm thực hiện các nội dung tương trợ tư pháp về hình sự của các thành viên ASEAN, bao gồm kinh nghiệm trong việc đàm phán, ký kết và triển khai thực hiện các điều ước quốc tế đa phương hoặc song phương về tương trợ tư pháp về hình sự. Bộ Công an Việt Nam phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Việt Nam tiếp tục góp phần thiết thực và quan trọng vào nhiệm vụ phòng, chống tội phạm trong ASEAN, vì một ASEAN yên bình và hạnh phúc.

3. Hội nghị toàn quốc Người cao tuổi làm kinh tế giỏi lần thứ II.

Trong hai ngày 18 và 19-9, tại Hà Nội, diễn ra Hội nghị toàn quốc Người cao tuổi làm kinh tế giỏi lần thứ II. Báo cáo biểu dương người cao tuổi Việt Nam làm kinh tế giỏi của Ban Thường vụ Trung ương Hội người cao tuổi Việt Nam đã đánh giá những kết quả nổi bật mà phong trào "Nêu gương sáng xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng" đạt được. Thực tiễn của phong trào và những gương làm kinh tế giỏi của người cao tuổi trong cả nước cho thấy, các điển hình tiên tiến đã thể hiện ý chí không cam chịu đói nghèo, không bó tay trước những khó khăn của cuộc sống; biết phối, kết hợp sức mạnh của tổ chức, sức mạnh giữa già và trẻ để tạo ra nguồn lực mới cho sự phát triển; nắm bắt kịp thời những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, vận dụng một cách sáng tạo, kịp thời vào điều kiện cụ thể của địa phương và gia đình mình; đem lại lợi ích cho mình, cho con cháu mình, và cho cả cộng đồng, xã hội, tích cực giúp đỡ người nghèo khó, hăng hái tham gia các hoạt động từ thiện, nhân đạo.

4. Kỷ niệm 35 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản (21-9-1973 - 21-9-2008)

Trong 35 năm qua, quan hệ Việt - Nhật đã có những bước phát triển vượt bậc trên nhiều lĩnh vực, đỉnh cao là việc lãnh đạo hai nước ký Tuyên bố chung "Xây dựng quan hệ đối tác chiến lược, vì hòa bình và phồn vinh ở khu vực châu Á". Hiện nay, Nhật Bản là nước cung cấp viện trợ phát triển ODA lớn nhất cho Việt Nam, với tổng số tiền gần 13 tỉ đô-la, chiếm 30% tổng số vốn ODA mà cộng đồng quốc tế cam kết dành cho Việt Nam. Nhật Bản còn là một trong những có vốn đầu tư trực tiếp FDI nhiều nhất và hiệu quả nhất tại Việt Nam. Từ năm 2005 đến nay, số dự án đầu tư trực tiếp của Nhật Bản vào Việt Nam tăng nhanh và mạnh mẽ, với trên 928 dự án, tạo thành làn sóng đầu tư mới ở Việt Nam. Nhật Bản cũng là một trong những đối tác kinh tế, thương mại, đầu tư quan trọng nhất của Việt Nam. Kim ngạch thương mại giữa hai nước năm 2007 đạt gần 12 tỉ đô-la. Hai bên phấn đấu đến năm 2010, con số này sẽ lên 15 tỉ đô-la. Nhân dịp kỷ niệm 35 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước, “Tuần lễ Việt Nam 2008 tại Nhật Bản” đã được tổ chức với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng: "Diễn đàn kinh tế Việt Nam - Nhật Bản" ; “Lễ hội Việt Nam 2008” tại thủ đô Tô-ki-ô. Tại Hà Nội, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Mitsuo Sakaba, cùng đại diện lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng, thành phố Đà Lạt và học sinh Trường khiếm thính Đà Lạt trồng 35 cây hoa anh đào xứ Saimataken tại Vườn hoa thành phố Đà Lạt. Đây là những cây hoa anh đào Saimataken đầu tiên của xứ sở hoa Anh đào Nhật Bản được trồng ở Việt Nam.

5. Phát hiện Công ty Vêdan Việt Nam vi phạm nghiêm trọng Luật Bảo vệ môi trường Việt Nam

Ngày 17-9-2008, tại Đồng Nai đã tổ chức cuộc họp báo công bố thông tin liên quan vụ Công ty Vedan Việt Nam xả nước thải chưa qua xử lý ra sông Thị Vải. Cục Cảnh sát môi trường đã phát hiện và ghi lại chứng cứ một hệ thống vận hành nước thải từ nhà máy Công ty Vedan Việt Nam chưa qua hệ thống xử lý, trong đó có nhiều đường ống xả chất thải được bí mật chôn sâu dưới đất và thông ngầm ra lòng sông Thị Vải. Hệ thống xả nước thải từ nhà máy của Công ty Vedan Việt Nam được thiết kế rất tinh vi, phức tạp với hàng trăm đường ống, nút van đấu nối với nhau. Với hệ thống này, chỉ cần bật công tắc và đấu nối một số van với nhau là nước thải chưa qua xử lý tự động tuôn ra sông. Khối lượng nước thải không qua xử lý tính theo công suất xả nước thải của Công ty Vedan Việt Nam là 5.000 mét khối mỗi ngày! Chuyện Công ty Vedan Việt Nam che dấu hành vi xả nước thải ra sông, chứng tỏ sự cố ý vi phạm nghiêm trọng, vi phạm có hệ thống Luật Bảo vệ môi trường của Việt Nam, gây ô nhiễm sông Thị Vải.

6. Bộ Ngoại giao hai nước Việt Nam và Liên bang Nga ký thỏa thuận hợp tác

Bộ Ngoại giao hai nước
Việt Nam và Liên bang Nga
 ký thỏa thuận hợp tác

Ngày 16-9-2008, trong chuyến thăm chính thức Liên bang Nga, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm, Bộ Ngoại giao hai nước Việt Nam và Liên bang Nga ký thỏa thuận hợp tác. Hai bên khẳng định, Việt Nam và Liên bang Nga có mối quan hệ, hợp tác chặt chẽ, nhất là lĩnh vực kinh tế, năng lượng, chế tạo máy, thăm dò và khai thác khoáng sản. Hai nước cũng tích cực phát triển quan hệ hợp tác trong lĩnh vực nhân văn, đào tạo, giáo dục, du lịch và văn hoá; hợp tác tốt trong khuôn khổ Liên hợp quốc. Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm khẳng định tầm quan trọng của quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Liên bang Nga, nhấn mạnh việc tiếp tục nâng quan hệ hai nước lên tầm cao mới sâu rộng hơn, hiệu quả hơn trong những năm tới.

7. Tổng kết công tác xây dựng điển hình tiên tiến trong phòng, chống tội phạm (1998 - 2008)

Ngày 16-9-2008, Bộ Công an tổ chức Hội nghị Tổng kết 10 năm Công tác xây dựng mô hình, nhân điển hình tiên tiến trong phòng chống tội phạm (1998-2008). Đến nay cả nước có 708 mô hình, tổ chức quần chúng hoạt động trong phong trào phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội, bảo vệ an ninh trật tự. Trong đó có 35 mô hình cấp tỉnh, thành phố, 90 mô hình cấp quận, huyện, thị xã, 248 mô hình cấp xã, phường, thị trấn; còn lại cấp thôn, xóm, bản làng. Thông qua hoạt động của các mô hình, điển hình tiên tiến trong phòng chống tội phạm đã tập trung tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, góp phần nâng cao nhận thức cho nhân dân trong phòng, chống tội phạm. Đã xuất hiện nhiều tấm gương dũng cảm, mưu trí, sẵn sàng hy sinh tính mạng, không tiếc máu xương trong tấn công, truy bắt tội phạm; tâm lý người ngay sợ kẻ gian đã từng bước bị đẩy lùi. Hiệu quả thiết thực của các mô hình, điển hình đã góp phần tạo môi trường ổn định, lành mạnh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cải thiện đời sống nhân dân, làm cho nhân dân thực sự tin tưởng vào đường lối chính sách của Đảng; sự hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật được nâng cao, quần chúng đã đề cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng tham gia phòng chống tội phạm, bài trừ các tệ nạn xã hội. Kết quả đạt được đã khẳng định đây là một chủ trương đúng đắn, được nhân dân đồng tình, hưởng ứng, phát huy được sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn xã hội trong công tác phòng chống tội phạm, góp phần đảm bảo ổn định chính trị của đất nước.

8. Quan hệ Việt Nam - EU

Trong thời gian thăm Bỉ từ ngày 17-9 đến 18-9-2008, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm đã thăm Ủy ban châu Âu (EC). Hai bên đánh giá cao sự phát triển nhanh chóng và tích cực trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và EU gần 20 năm qua; nhất trí duy trì cơ chế trao đổi đoàn và tiếp xúc cấp cao, đẩy nhanh đàm phán và sớm ký kết Hiệp định Đối tác và Hợp tác (PCA) nhằm tạo khuôn khổ pháp lý cho việc phát triển quan hệ hợp tác sâu rộng, toàn diện, hiệu quả và cùng có lợi giữa Việt Nam và EU trong những năm tới. EU đánh giá cao những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực xóa đói giảm nghèo; khẳng định tiếp tục ủng hộ Việt Nam phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế; mong muốn tăng cường hợp tác hơn nữa trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học. EU hoan nghênh và đánh giá cao chủ trương của Việt Nam phát triển quan hệ đối tác hợp tác toàn diện với EU, nhất trí cho rằng việc sớm ký kết PCA là bước đi cần thiết hướng tới mục tiêu trên. Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm nêu rõ việc EU quyết định không cho một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam hưởng Quy chế Ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) giai đoạn 2009-2011 sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống một bộ phận không nhỏ người lao động ở Việt Nam, đi ngược lại với chiều hướng phát triển tích cực của quan hệ hợp tác Việt Nam - EU; đồng thời, đề nghị EC không tiến hành rà soát và chấm dứt việc áp thuế chống bán phá giá đối với giầy mũ da của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU, sớm công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường. Phó Thủ tướng khẳng định, Việt Nam ủng hộ tăng cường quan hệ hợp tác toàn diện giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) với EU và mong muốn EU trở thành đối tác quan trọng hàng đầu của ASEAN; hoan nghênh việc hai bên tiến hành đàm phán thành lập Khu vực mậu dịch tự do EU - ASEAN.

9. Diễn đàn kinh tế Việt Nam lần thứ 2 - “Duy trì sự phát triển”

Ngày 19-9-2008, tại Hà Nội, đã diễn ra Diễn đàn kinh tế Việt Nam lần thứ 2 với chủ đề “Duy trì sự phát triển”. Tiếp nối những thành công của Diễn đàn kinh tế Việt Nam lần thứ 1 với chủ đề “Hội nhập khu vực và Tiến trình hiện đại hoá Việt Nam” tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh năm 2007, Diễn đàn kinh tế Việt Nam lần này tập trung vào những vấn đề chính là phát triển kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực, thị trường tài chính và phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường. Diễn đàn được tổ chức vào thời gian này thể hiện quyết tâm của Chính phủ Việt Nam, các nhà đầu tư cùng nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức trong ngắn hạn, hướng tới mục tiêu phấn đấu duy trì tăng trưởng nhanh, bền vững trong trung hạn và dài hạn. Tại Diễn đàn này, các đại biểu đến từ các bộ, ngành của Trung ương, địa phương và các đại biểu quốc tế cùng chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp đối phó với tình hình lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, đưa ra những giải pháp duy trì và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của khu vực nói chung và Việt Nam nói riêng.

10. Kỷ niệm 30 năm Ủy ban sông Mê-công Việt Nam

Ngày 18-9-2008, tại Hà Nội diễn ra Lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Ủy ban sông Mê-công Việt Nam (18-9-1978 - 18-9-2008). Trong 30 năm qua, Ủy ban đã làm tốt vai trò tham mưu giúp Chính phủ đưa ra những quyết định quan trọng trong hoạt động hợp tác sông Mê-công, góp phần bảo vệ quyền lợi của Việt Nam và giảm thiểu tác động bất lợi do các hoạt động phát triển ở thượng nguồn. Ủy ban được mở rộng tới tất cả các bộ, ngành và các địa phương liên quan (7 bộ và 17 tỉnh thành thuộc đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên). Bốn quốc gia hạ lưu vực sông Mê-công là Việt Nam, Lào, Thái Lan, Căm-pu-chia đã ký kết “Hiệp định Hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Mê-công” năm 1995 tại Thái Lan. Bản Hiệp định này là một trong những văn bản pháp lý về tổ chức lưu vực sông có tính tiên phong nhất trên thế giới; đồng thời, khẳng định cam kết của các quốc gia tham gia ký kết hợp tác trên tất cả các lĩnh vực của phát triển, sử dụng, quản lý bền vững và bảo vệ tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan trong lưu vực sông Mê-công.

11. Chiến dịch toàn dân bảo vệ môi trường

Ngày 20-9-2008, tại thành phố Cần Thơ diễn ra Lễ phát động quốc gia hưởng ứng Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn với chủ đề “Hành động ngày hôm nay-an toàn cho tương lai- Hãy làm cho bầu không khí sạch hơn”. Chiến dịch kêu gọi người dân cùng thực hiện những hành động bảo vệ môi trường, đồng thời nâng cao nhận thức cho cộng đồng về môi trường, đặc biệt là tái chế và quản lý rác thải. Sau lễ phát động là cuộc diễu hành của 1.400 công nhân, viên chức và lao động thành phố Cần Thơ, diễu hành của đoàn xe đạp gồm 400 người nhằm kêu gọi người dân giảm phát thải khí gây ô nhiễm môi trường, tích cực tham gia Chiến dịch. Có nhiều hoạt động hưởng ứng Chiến dịch như hành động “trồng 3 tỉ cây xanh vì hành tinh” do Chương trình môi trường Liên hợp quốc (UNEP) phát động; ra quân vệ sinh môi trường: nhân dân đồng loạt ra quân làm vệ sinh khu vực dân cư. Chiến dịch “Làm cho thế giới sạch hơn” được ông I-an Ki-e-nan, người Ôt-xtrây-li-a, một nhà xây dựng và là vận động viên đua thuyền khởi xướng. Chiến dịch đã được Chương trình môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) phát động lần đầu tiên vào năm 1993. Hàng năm, chiến dịch đã huy động khoảng 35 triệu người tình nguyện từ hơn 120 nước trên khắp thế giới tham gia.

12. Hội thi sơ khảo toàn quốc – Khu vực II “Kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” thành công tốt đẹp.

Trong hội thi, các thí sinh đã trình bày rất tốt và cảm động câu chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, bảo đảm đúng, đủ nội dung, bảo đảm tính khách quan, trung thực. Các thí sinh kể chuyện đều có sức truyền cảm, sâu lắng, hấp dẫn, lôi cuốn, gây xúc động cho người nghe. Kết quả đặc biệt ở Hội thi là các thí sinh đều phân tích sâu sắc ý nghĩa, giá trị đạo đức cao cả từ những câu chuyện mà mình vừa kể, để mọi người thấm sâu tư tưởng, tấm gương đạo đức của Bác Hồ và vận dụng, làm theo. Đồng thời, nhiều thí sinh có phương pháp kể chuyện lôi cuốn, gây xúc động lòng người. Các thí sinh đều trình bày phần vận dụng, liên hệ vào thực tiễn địa phương, cơ quan, đơn vị và bản thân khá sinh động, sát thực tế, qua đó rút ra những bài học kinh nghiệm quý trong việc tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng theo tấm gương của Bác Hồ kính yêu. Nhiều thí sinh đã sử dụng những hình ảnh minh hoạ phù hợp với nội dung câu chuyện, làm cho tình tiết câu chuyện thêm hấp dẫn, phong phú. Ban Tổ chức đã chọn được 3 thí sinh xuất sắc nhất của Hội thi Khu vực II để tham dự Hội thi chung khảo toàn quốc “Kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” sẽ được tổ chức vào tháng 10-2008 tại Thủ đô Hà Nội./.