TCCSĐT - Trong hai ngày 18 và 19-5-2013, tại nhiều nước đã diễn ra các hoạt động thiết thực nhân kỷ niệm 123 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 - 19-5-2013).

1. ASEAN thúc đẩy bảo vệ quyền con người

Ngày 13-5-2013, Ban Thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ra thông báo cho biết Hội nghị lần thứ 12 Ủy ban liên chính phủ ASEAN về quyền con người (AICHR) đã diễn ra tại Thủ đô Gia-các-ta của In-đô-nê-xi-a từ ngày 6 đến ngày 10-5. Hội nghị do Chủ tịch AICHR, Tiến sĩ A-oang Hj. A-mát Bin Giu-mát (Awang Hj. Ahmad bin Hj. Jumat) của Bru-nây chủ trì đã tập trung thảo luận các biện pháp tăng cường hợp tác trong việc thúc đẩy bảo vệ quyền con người. Bên cạnh đó, các đại biểu tham dự Hội nghị còn được nghe thông báo về những diễn biến mới nhất trong kế hoạch hành động của Ủy ban phụ nữ ASEAN (ACW) và Ủy ban ASEAN về thúc đẩy và bảo vệ phụ nữ và trẻ em (ACWC). Trong khuôn khổ Hội nghị, AICHR đã tổ chức nhiều cuộc gặp song phương, trong đó có các cuộc gặp với Ủy ban đại diện thường trực ASEAN (CPR), Tổng Thư ký ASEAN, Đại diện đặc biệt Liên minh châu Âu về quyền con người, Nhóm công tác cơ chế nhân quyền ASEAN và đại diện các ủy ban chuyên ngành ASEAN liên quan như ACW và ACWC.

2. Liên hợp quốc kiểm điểm thực hiện Chương trình Hành động toàn cầu phòng, chống buôn người

 

 Tình hình buôn người, đặc biệt là mua bán trẻ em, ngày càng gia tăng và nghiêm trọng


Trong hai ngày 13 và14-5-2013, tại trụ sở Liên hợp quốc ở Niu Oóc (Mỹ), Đại Hội đồng Liên hợp quốc tổ chức Hội nghị cấp cao Kiểm điểm thực hiện Chương trình Hành động toàn cầu phòng, chống buôn người. Tham dự Hội nghị năm nay có đại diện cấp cao của nhiều nước thành viên Liên hợp quốc, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-mun, Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc Vúc Giê-rê-mích (Vuk Jeremić) và Giám đốc điều hành Cơ quan Phòng chống Ma túy và Tội phạm Liên hợp quốc (UNODC). Tại Hôi nghị, đại diện cấp cao các nước thành viên Liên hợp quốc cùng bày tỏ nỗi lo ngại trước tình hình buôn người, đặc biệt là mua bán trẻ em, ngày càng gia tăng và nghiêm trọng, trong khi mức độ của vấn đề chưa được đánh giá đúng do khó khăn từ việc thu thập thông tin; đánh giá cao mục đích, ý nghĩa của Chương trình Hành động toàn cầu về phòng, chống buôn người trong việc nâng cao nhận thức và tăng cường hợp tác giữa các nước; nhấn mạnh một số thành tựu ở cấp quốc gia trong việc ngăn chặn nạn buôn người, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân và xử lý tội phạm qua hai năm thực hiện Chương trình Hành động. Đại diện cấp cao của các nước cũng nhấn mạnh chính phủ các nước cần đề ra nhiều biện pháp giải quyết tình trạng nghèo đói, thất nghiệp, phân biệt, kỳ thị,... vốn là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng buôn người; kêu gọi tăng cường hợp tác giữa các nước, các chính phủ với các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức xã hội dân sự và khu vực tư nhân trong việc phòng chống buôn người hiệu quả.

3. Hội nghị quốc tế về phòng, chống suy dinh dưỡng ở trẻ em châu Phi

Trong hai ngày 14 và 15-5-2013, tại Pa-ri (Pháp) đã diễn ra Hội nghị quốc tế phòng, chống suy dinh dưỡng ở trẻ em các nước châu Phi vùng Nam sa mạc Xa-ha-ra. Hội nghị do Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) phối hợp với Bộ Ngoại giao Pháp, Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), Tổ chức Hành động chống đói nghèo, Tổ chức Thầy thuốc không biên giới (MSF), Liên hiệp vì hành động y tế quốc tế và Quỹ Gates tổ chức. Tại Hội nghị, các chuyên gia nêu bật tác hại của suy dinh dưỡng ở trẻ em, một trong những tác nhân để lại hậu quả nghiêm trọng và lâu dài đối với sự phát triển về thể chất và tinh thần của trẻ nhỏ, đồng thời cản trở sự phát triển của trẻ. Suy dinh dưỡng còn là nguyên nhân gây ra cái chết của 6,9 triệu trẻ em dưới 5 tuổi mỗi năm tại các nước phát triển. Theo Bộ trưởng đặc trách về vấn đề Phát triển Pháp Pa-xcan Căng-phanh (Pascal Canfin), Pháp luôn quan tâm huy động sự tham gia của toàn thế giới trong việc phòng, chống suy dinh dưỡng ở trẻ em, coi đây là “hoạt động ưu tiên” trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, ủng hộ chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em cũng như các chương trình cứu trợ khẩn cấp khác. Ông P. Căng-phanh đã đưa ra sáng kiến thực hiện chương trình chăm sóc sức khỏe trẻ em tại Ma-li và các nước vùng Xa-hen (Sahel) với tổng kinh phí là 30 triệu ơ-rô, trong đó Pháp đóng góp một phần bằng Quỹ thuế giao dịch tài chính do Cơ quan Phát triển Pháp quản lý.

4. FAO và Slow Food hợp tác vì người nông dân

Ngày 15-5-2013, tại Rô-ma (I-ta-li-a), Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp (FAO) của Liên hợp quốc và tổ chức quốc tế phi lợi nhuận có tên “Slow Food” đã ký kết Văn bản Ghi nhớ hợp tác kéo dài 3 năm trong một dự án nhằm tăng thu nhập cho người nông dân và các cộng đồng nông thôn. Theo thỏa thuận, FAO và tổ chức Slow Food nhất trí phương án thúc đẩy phương pháp nấu ăn truyền thống và các loại thực phẩm được sản xuất tại địa phương, và cam kết phối hợp các lực lượng nhằm đẩy mạnh hệ thống nông nghiệp và lương thực ở các cấp địa phương, quốc gia và quốc tế. Dự án này có thể giúp bảo tồn và khôi phục việc sử dụng các loại cây trồng đã bị bỏ quên, giảm bớt tình trạng lãng phí và thất thoát lương thực, đồng thời tạo ra các loại cây trồng đặc thù của địa phương và bản địa nhằm góp phần quan trọng vào việc bảo đảm an ninh lương thực. Dự án hợp tác giữa FAO và tổ chức Slow Food cũng sẽ chú trọng tăng giá trị của các sản phẩm động vật và tăng mức thu nhập cho người nông dân và các thành phần lao động khác cũng như bảo đảm người nông dân tiếp cận các thị trường tốt hơn bằng cách củng cố các tổ chức của người sản xuất và các hợp tác xã. Thỏa thuận mới này sẽ được tiến hành trên các dự án đang triển khai của FAO, trong đó có sáng kiến châu Phi không còn nghèo đói do FAO, Liên minh châu Phi và Viện Lu-la của Bra-xin hợp tác.

5. OECD: Chênh lệch giàu nghèo tại các nước phát triển ngày càng nghiêm trọng

Ngày 15-5-2013, Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đưa ra báo cáo, cho thấy khủng hoảng kinh tế thế giới đã kìm nén các khoản thu nhập từ việc làm và đầu tư tại hầu hết các nước thành viên OECD. Các số liệu điều tra tại 34 nước OECD chỉ ra rằng tình trạng bất bình đẳng thu nhập đã tăng mạnh trong giai đoạn 3 năm từ 2008 - 2010 so với 12 năm trước đó. Trong năm 2010, thu nhập của 10% số người giàu nhất trong OECD gấp 9,5 lần so với thu nhập của 10% số người nghèo nhất, cao hơn so với mức 9 lần trong năm 2007. Chênh lệch về thu nhập lớn nhất chủ yếu tại các nước Chi-lê, Mê-hi-cô, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và I-xra-en, và mức chênh lệch thấp nhất ở Ai-len, Xlô-vê-ni-a, Na Uy và Đan Mạch. Tổng Thư ký OECD An-giê Gu-ri-a (Angel Gurria) cho rằng những đánh giá đáng lo ngại trên là hồi chuông cảnh tỉnh các nước cần sớm tăng cường bảo vệ những đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong xã hội, đặc biệt khi các chính phủ khan hiếm tiền mặt nên thực hiện các biện pháp tài chính khắc khổ nhằm kiểm soát chi tiêu công. OECD cho rằng cắt giảm phúc lợi xã hội sẽ là nguyên nhân chính khiến chênh lệch về thu nhập ngày càng trầm trọng hơn. Hiện nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế tại nhiều nước OECD vẫn còn rất thấp. Nhiều người dân đã hết hạn nhận trợ cấp thất nghiệp, trong khi chính phủ thay đổi chính sách tài chính theo hướng hợp nhất. OECD kết luận rằng nếu tốc độ tăng trưởng kinh tế vẫn chậm chạp và các biện pháp củng cố tài chính được siết chặt, cải cách hệ thống thuế là cần thiết để giảm bớt chênh lệch về thu nhập.

6. Hội nghị Thứ trưởng Ngoại giao về phát triển hành lang kinh tế Đông Tây lần thứ hai

Ngày 16-5-2013, tại Xa-van-na-khẹt (Savannakhet, Lào) đã diễn ra Hội nghị Thứ trưởng Ngoại giao về Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC) lần thứ hai. Nhằm thúc đẩy sự phát triển của Hành lang Kinh tế Đông - Tây, Hội nghị đã thống nhất các nội dung lớn sau: khuyến khích các nước EWEC hoàn thành tiến trình phê chuẩn các phụ lục và nghị định thư của Hiệp định GMS CBTA trước Hội nghị Thượng định GMS vào năm 2014; khuyến nghị Chính phủ các nước EWEC tăng cường hợp tác và đặt ưu tiên vào việc bảo trì, nâng cấp các tuyến đường và cơ sở dịch vụ dọc Hành lang thông qua huy động các nguồn tài chính khác nhau, đặc biệt là từ khu vực tư nhân và các đối tác phát triển; đề nghị Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) hỗ trợ các nước EWEC xây dựng chiến lược thu hút đầu tư vào Hành lang và tổ chức đối thoại giữa các chính phủ với khu vực doanh nghiệp và các đối tác có lợi ích để thảo luận về định hướng phát triển gắn kết Hành lang với chuỗi sản xuất và cung ứng khu vực; hoan nghêng việc bổ sung đường 8 và 12 vào tuyến đường EWEC và mở rộng Hành lang tới thủ đô và các trung tâm kinh tế ba nước Việt Nam, Lào, Thái Lan; nhấn mạnh các nước cần tiếp tục hợp tác để khảo sát và phát triển các tuyến giao thông mới bổ sung cho Hành lang; đề nghị Chính phủ và chính quyền địa phương các nước Lào, Việt Nam, Thái Lan đẩy nhanh thực hiện đầy đủ mô hình kiểm tra một cửa, một điểm dừng tại cửa khẩu Lao Bảo - Đen-xa-vanh và Xa-van-na-khẹt - Mu-đa-han; khuyến nghị áp dụng mô hình này tại cửa khẩu Mi-ao-a-đi (Myawaddy) - Mây Xớt (Mae Sot) giữa Thái Lan và Mi-an-ma. Hội nghị khuyến khích các cơ quan chức năng của Lào và Việt Nam thiết lập đầu mối liên lạc và hoàn thành việc ký Bản ghi nhớ hợp tác về kiểm tra chung tại cửa khẩu Lao Bảo - Đen-xa-vanh trước cuộc gặp lần 3 của các Thứ trưởng Ngoại giao trong năm 2014. Hội nghị cũng hoan nghênh quyết định của Thái Lan và Lào áp dụng thử nghiệm mô hình kiểm tra một điểm dừng tại cửa khẩu Xa-van-na-khẹt - Mu-đa-han trước cuối năm 2013. Hội nghị nhấn mạnh tầm quan trọng của việc trao quyền giao thông ba bên giữa Lào, Thái Lan, Việt Nam nhằm tạo thuận lợi cho vận chuyển người và hàng hóa dọc Hành lang. Cuối cùng, hội nghị khuyến nghị các tổ chức liên quan thực hiện hiệu quả hệ thống quá cảnh hải quan (CTS) và thông báo rộng rãi về hệ thống tới khu vực doanh nghiệp.

7. Hoạt động kỷ niệm 123 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh tại nhiều nước

 

 Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại quảng trường mang tên Người ở Thủ đô Mát-xcơ-va,

Liên bang Nga


Trong hai ngày 18 và 19-5-2013, tại nhiều nước đã diễn ra các hoạt động thiết thực nhân kỷ niệm 123 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 - 19-5-2013).

Sáng 19-5, Đại sứ quán Việt Nam và cộng đồng người Việt tại Nga đã tổ chức Lễ dâng hoa tại Tượng đài mang tên Người ở Thủ đô Mát-xcơ-va. Thay mặt Đại sứ quán Việt Nam và cộng đồng người Việt tại Nga, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Phạm Xuân Sơn kính cẩn dâng lên Tượng đài Bác bó hoa tươi thắm bày tỏ lòng kính yêu và tưởng nhớ vị Cha già dân tộc. Trước đó, ngày 18-5, khoa Phương Đông và Viện Hồ Chí Minh thuộc Đại học Tổng hợp quốc gia Xanh Pê-téc-bua cũng đã tổ chức Lễ dâng hoa tại Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh trong khuôn viên nhà trường.

Cùng ngày 19-5, Đại sứ quán Việt Nam tại Ma-lai-xi-a cũng đã tổ chức Lễ kỷ niệm 123 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và 65 năm Ngày truyền thống thi đua yêu nước (11-6-1948 - 11-6-2013). Phát biểu tại buổi lễ, Phó Bí thư Đảng ủy Đại sứ quán Việt Nam tại Ma-lai-xi-a Nguyễn Hồng Phương nêu bật ý nghĩa của Lễ kỷ niệm sinh nhật Bác, đồng thời điểm lại hoạt động của các chi bộ trong việc tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Ngày 18-5, tại thành phố Rát-na-pu-ra (Ratnapura) của Xri Lan-ca cũng đã diễn ra Lễ kỷ niệm 123 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh do Hội đoàn kết Xri Lan-ca - Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Xri Lanca tổ chức. Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Khoa học Ti-xa Vi-tha-ra-na bày tỏ khâm phục cuộc đời và sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời khẳng định Người không chỉ đem lại độc lập tự do cho nhân dân Việt Nam mà còn có ảnh hưởng sâu rộng tới phong trào giải phóng các dân tộc trên toàn thế giới. Mới đây, Chính phủ Xri Lan-ca đã cho phép dựng Tượng đài Hồ Chí Minh tại Thủ đô Cô-lôm-bô (Colombo), với lễ khởi công dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 7 tới để kịp khánh thành vào cuối năm.

8. WHO: 508 triệu dân châu Phi có nguy cơ sốt vàng da

Theo nhận định của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra ngày 17-5, ít nhất 30 quốc gia châu Phi với tổng số dân là 508 triệu người đang có nguy cơ bị sốt vàng da ở các mức độ khác nhau. Trong lễ phát động cuộc khảo sát đánh giá nguy cơ sốt vàng da tại Kê-ni-a, tiến sĩ Cớt-xtô-đi-a Man-dơ-lết (Custodia Mandlhate), đại diện WHO tại Kê-ni-a cho biết phần lớn trong số khoảng 200.000 trường hợp mắc và tử vong do sốt vàng da hằng năm là ở châu Phi, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế không nên thờ ơ với thực trạng căn bệnh này. Bên cạnh đó, dựa trên nghiên cứu số liệu trước đó và do Kê-ni-a ở gần các quốc gia đang có dịch, WHO nhận định một nửa dân số nước này đang đứng trước nguy cơ cao. Sốt vàng da bắt đầu lây lan ở Kê-ni-a vào năm 1992; trước đó căn bệnh này chưa từng được phát hiện tại khu vực Đông Phi. Dịch sốt vàng da xảy ra gần đây nhất là ở Nam Xu-đăng năm 2003 và U-gan-đa năm 2011. Sốt vàng da là một dạng sốt xuất huyết cấp tính do vi-rút. Theo các nhà chức trách y tế tại châu Phi, hiện vẫn chưa có phương pháp điều trị cụ thể cho căn bệnh này. Đây là bệnh có thể phòng ngừa bằng phương pháp tiêm chủng, song nếu không được phát hiện và ngăn chặn kịp thời, dịch bệnh có thể bùng phát tại những nơi có mật độ dân số cao như trung tâm thành phố, với 85% các trường hợp ở mức nhẹ và 15% còn lại là các trường hợp nghiêm trọng.

9. Hội nghị thượng đỉnh về nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương

Ngày 19-5, Hội nghị thượng đỉnh về nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương lần thứ hai (APWS-2)đã diễn ra tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm quốc tế ở thành phố Chiềng Mai (Chiang Mai) của Thái Lan. Với chủ đề “An ninh nguồn nước và Thách thức của thảm họa liên quan tới nước: Lãnh đạo và cam kết”, trong hai ngày hội nghị, các đại biểu sẽ tập trung thảo luận 7 chủ đề chính gồm an ninh kinh tế, lương thực và nguồn nước; an ninh nguồn nước đô thị; an ninh môi trường nước; thách thức của thảm họa liên quan tới nước; an ninh nguồn nước hộ gia đình; rủi ro và khả năng phục hồi nguồn nước; và tiến trình thống nhất quản lý nguồn nước cho một thế giới an toàn về nước. Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng kiêm Trưởng Ban chỉ đạo xử lý nguồn nước và lũ lụt của Thái Lan Plốt-prạ-xộp Xụ-rát-va-đi (Plodprasop Suraswadi) cho biết, mục đích của Hội nghị nhằm làm nổi bật sự cần thiết phải ngăn chặn lũ lụt và quản lý nguồn nước trước những ảnh hưởng của tình trạng biến đổi khí hậu. Theo ông P. Xụ-rát-va-đi, thế giới cần nỗ lực phối hợp xây dựng các kế hoạch cụ thể để giải quyết hiệu quả những vấn đề liên quan đến nước trong tương lai. Hội nghị cũng là cơ hội để các nhà lãnh đạo trong khu vực trao đổi quan điểm và tiếp cận các phương thức quản lý khủng hoảng liên quan đến nước, góp phần thiết lập cơ chế quản lý và ngăn chặn lũ lụt, hạn hán./.