50 năm phong trào “Nghìn việc tốt” - vườn ươm nhân trí đức tài
TCCSĐT - Phong trào “Thi đua làm nghìn việc tốt, thực hiện 5 điều Bác dạy, phấn đấu trở thành Cháu ngoan Bác Hồ”, gọi tắt là “Nghìn việc tốt”, được phát động năm 1963 tại Trường THCS Tam Sơn, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, đã được thời gian minh chứng như là “một vườn ươm nhân trí đức tài”.
Suốt nửa thế kỷ qua, nhiều thế hệ trẻ Tam Sơn và các địa phương lân cận đã được luyện rèn trong môi trường trong sáng, đầy chất nhân văn, thấm đậm tình người, để trở thành những công dân trách nhiệm cao, xứng đáng với các bậc tiền nhân quê hương giàu truyền thống hiếu học và cách mạng. Phong trào hợp lòng dân, phù hợp với xu thế phát triển thời đại, đáp ứng tình cảm khát khao của Bác Hồ và đường lối giáo dục của Đảng ta, đã có sức sống mãnh liệt, nhanh chóng lan tỏa khắp các miền đất nước.
Phong trào được gieo trồng trên mảnh đất “màu mỡ”
Tam Sơn, ngôi làng cổ ở huyện Đông Ngàn, nay là thị xã Từ Sơn, là địa linh nhân kiệt “của trời vô tận, một kho nhân tài”. Từ thế kỷ XIII đến thế kỷ XIX, Tam Sơn đã có 22 vị đỗ Đại khoa, trong đó có 2 Trạng nguyên là Nguyễn Quán Quang (năm 1246), Ngô Miễn Thiệu (năm 1518), 1 Bảng nhãn Ngô Thầm (năm 1493), 1 Thám hoa Ngô Sách Tố (1791), 17 Đồng Tiến sĩ và 1 Phó bảng. Ngoài ra còn rất nhiều Hương cống, Cử nhân. Tam Sơn là làng có nhiều người đỗ Đại khoa nhất huyện Đông Ngàn, đứng thứ tư trong cả nước và là làng duy nhất trong cả nước có đủ Tam khôi - Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa (theo Đại Nam nhất thống chí). Hầu hết các danh nhân khoa bảng Tam Sơn đã đem hết tài đức ra phục vụ triều chính và đất nước.
Ngày nay, Tam Sơn vẫn tiếp tục đóng góp tích cực vào công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước. Nhiều sự kiện đã được ghi vào sử sách và danh thơm lan tỏa rộng khắp. Đây là quê hương Ngô Gia Tự - một liệt sĩ tiền bối, người khởi xướng thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng. Thế hệ tiếp nối có Ngô Gia Khảm - Anh hùng Lao động đầu tiên của nước ta (tháng 5-1952). Hàng nghìn thanh niên Tam Sơn đã lên đường nhập ngũ, trực tiếp tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu, sản xuất vũ khí và các phương tiện khác cung cấp cho tiền tuyến. Gần 200 chiến sĩ đã nằm lại chiến trường, trong các cuộc chiến đấu chống giặc ngoại xâm. Cán bộ và nhân dân xã Tam Sơn đã vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Miền quê ngàn đời giàu truyền thống hiếu học và cách mạng ấy, hiển nhiên sẽ là mảnh đất màu mỡ gieo trồng phong trào thi đua “Nghìn việc tốt”, thi đua thực hiện 5 điều Bác Hồ dạy. Ngay từ niên học đầu tiên (1961 - 1962) của Trường THCS Tam Sơn, khi đó cơ sở vật chất của trường còn rất thiếu thốn, phải học nhờ ở cầu thờ, cầu chợ dưới chân chùa Cảm Ứng, song cả 12 thầy, cô giáo và 315 học sinh đều nêu cao trách nhiệm trong giáo dục, giảng dạy và học tập, hăng hái thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy. Liên đội Thiếu niên Tiền phong (TNTP) mang tên Ngô Gia Tự đã nguyện quyết tâm “Thắp sáng ngọn đèn Ngô Gia Tự, noi gương Ngô Gia Tự, đi Đường cách mạng của Bác Hồ”.
Vào Chủ nhật ngày 24-3-1963, trong không khí tưng bừng, náo nhiệt của cuộc sinh hoạt ngoại khóa “Tiến bước lên đoàn”, toàn đội TNTP Ngô Gia Tự tham gia trồng cây hai bên đường vào Nhà Lưu niệm Ngô Gia Tự. Thầy giáo Nguyễn Đức Thìn, Tổng phụ trách thiếu nhi, từng là cựu đội viên Đội thiếu niên Du kích Đình Bảng anh hùng, đơn vị đã nhiều phen làm cho quân đội thực dân Pháp phải kinh hoàng, đã có sáng kiến phát động phong trào “Nghìn việc tốt”, thi đua thực hiện 5 điều Bác Hồ dạy: “Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào. Học tập tốt, lao động tốt. Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt. Giữ gìn vệ sinh thật tốt. Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm”.
Nhà giáo Nhân dân, Anh hùng Lao động Nguyễn Đức Thìn, người khởi xướng phong trào thi đua “Nghìn việc tốt”
Ngay sau khi phong trào được phát động, không khí học tập, lao động ở Trường THCS Tam Sơn hăng say, sôi nổi hẳn lên, cả hơn 300 học sinh và các thầy, cô giáo đều trở nên phấn chấn, hào hứng lạ thường. Hằng ngày, các đội viên TNTP ghi vào sổ vàng những việc tốt, các em thương yêu giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ. Một em bị ốm, các em trong lớp cắt phiên nhau đến thăm nom, săn sóc, chép hộ bài. Một em bị đau chân không đi học được, các em phân công nhau cõng bạn đến lớp. Một cụ già chống gậy trên đường lầy lội được các em xúm lại đưa cụ về tận nhà. Một chiếc xe bò chở nặng đang ì ạch leo dốc giữa trời nắng chang chang, lập tức các em xúm lại đẩy giúp chiếc xe vượt lên,...
Có những điều tưởng như nhỏ nhoi, không mấy người để ý, nhưng với các em lại là việc làm tốt cần ghi sổ vàng. Một bạn đeo khăn quàng đỏ chưa chuẩn, còn xộc xệch, thấy vậy lập tức bạn khác sửa lại giúp. Giờ học buổi chiều thường tan muộn, mùa đông trời nhanh tối, các bạn ở xa vội vàng ra về, thường hay để quên đồ dùng học tập. Đội trưởng đội TNTP của lớp thường xuyên nán lại kiểm tra các ngăn bàn, xem các bạn quên gì, thu gom đưa lên văn phòng, hôm sau ai bỏ quên đến nhận lại. Như vậy, đồ đạc không bao giờ bị mất, dù là chiếc bút máy, chiếc ê-ke, hay cái mũ,...
Về nhà, chính các em là người quan tâm chăn thả trâu bò, vỗ béo đàn lợn, chăm sóc đàn gà, giúp đỡ cha mẹ cơm nước và nhiều việc gia đình khác. Biết bao cảnh ngộ tương tự khiến các thầy cô và các bậc phụ huynh trào dâng niềm xúc động. Những việc tốt đó thấm vào máu thịt, trở thành thói quen hằng ngày. Sau này lớn lên, đó sẽ là nền tảng của những đức tính tốt đẹp.
Dân ta có câu thành ngữ “con hơn cha là nhà có phúc”. Cái phúc đó không phải chờ đến khi con cái trưởng thành, ăn nên làm ra, hoặc lên quan tiến chức, trở thành ông nọ, bà kia; mà ngay từ nhỏ, khi các em làm nhiều việc tốt, thì những hành vi đó cũng sẽ tác động mạnh mẽ tới các thế hệ lớn tuổi. Tình thương yêu của các em lan sang cả người lớn. Các em ngoan ngoãn thân ái với nhau, hăng hái làm những việc tốt, thì các bậc phụ huynh cũng trở nên quý mến nhau hơn. Nếp sống văn minh, ứng xử tình người làm cho tình làng, nghĩa xóm thêm nồng ấm, thân thiện.
Đặc biệt các thầy, cô giáo Trường THCS Tam Sơn càng nhận rõ trách nhiệm rất lớn của mình: dạy học và phụ trách đàn em nhỏ. Đối với người đứng trên bục giảng, việc đầu tiên phải làm là dạy thật tốt, giảng giải dễ hiểu, tận tâm truyền đạt kiến thức, bằng mọi cách để học sinh có thể tiếp thu bài tốt nhất. Hơn thế nữa, mỗi thầy cô đều phải có ý thức phụ trách, dìu dắt thế hệ đàn em, làm gương sáng cho các em noi theo. Với thế hệ trẻ, chân lý trở nên rất rõ ràng: Người tốt là người làm nhiều việc tốt.
Phong trào thiết thực nhanh chóng lan tỏa, sức sống lâu bền
Chỉ 5 ngày sau khi Trường THCS Tam Sơn phát động phong trào “Nghìn việc tốt”, Báo Thiếu niên Tiền phong ra ngày 29-3-1963, ngay trang đầu đã đưa tin chi tiết về buổi lễ phát động phong trào này, với hàng tít đậm “Một hoạt động mới đáng hoan nghênh”, trong đó nêu rõ: “Còn gì tốt đẹp bằng từng đội và mỗi đội viên chúng ta thi đua làm được nhiều việc tốt, thực hiện 5 điều Bác Hồ dạy. Mong rằng các Liên đội hãy hưởng ứng hoạt động mới này của Liên đội Liên Sơn (tên xã thời đó, năm 1971 đã lấy lại tên làng cũ là Tam Sơn), phát động phong trào “Nghìn việc tốt” trong trường mình, thôn xã mình, làm cho những người tốt, việc tốt nảy nở khắp nơi như một mùa xuân hoa nở”. Kèm theo bài báo còn đăng nhiều ảnh về các hoạt động “Nghìn việc tốt” của thiếu nhi Tam Sơn.
Phong trào thi đua nhanh chóng được nhân rộng. Biết Trường THCS Tam Sơn phát động phong trào “Nghìn việc tốt”, lập tức đại biểu các liên đội trường Đình Bảng, Đồng Nguyên, Tương Giang, Đồng Quang,... đã đến chúc mừng và bắt tay thi đua với Tam Sơn làm “Nghìn việc tốt”. Một tháng sau đã có 475 bức thư từ khắp các tỉnh thành trên toàn miền Bắc gửi về chúc mừng, đồng thời giao ước thi đua cùng THCS Tam Sơn. Từ Nho Quan (Ninh Bình) cho biết, chỉ trong một tháng đầu thi đua làm “Nghìn việc tốt”, thiếu nhi các trường đã làm được 15.000 việc tốt. Còn ở Hà Nội, mới tính trong 21 trường đã làm được 33.422 việc tốt lớn nhỏ.
Nửa thế kỷ qua, hơn 6.000 học sinh được “ươm trồng” tại quê hương của phong trào “Nghìn việc tốt” đã trở thành những công dân tốt, trong đó gần 20 người là GS, PGS, TS, hàng trăm người là các sĩ quan của quân đội nhân dân Việt Nam, có nhiều đóng góp cho quê hương, đất nước.
Từ những kết quả trong phong trào thi đua làm “Nghìn việc tốt”, Trường THCS Tam Sơn được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động Hạng Ba năm 1980, Huân chương Lao động Hạng Nhì năm 2003, được Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh tặng Lá cờ đầu ngành giáo dục năm học 1979 - 1980 và 2011 - 2012, đón nhận trường chuẩn quốc gia năm 2011 và nhiều Bằng khen khác. Thầy Tổng phụ trách Nguyễn Đức Thìn, người khởi xướng phong trào “Nghìn việc tốt”, được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động năm 1985, Nhà giáo nhân dân năm 1988. Được sự chỉ đạo, giúp đỡ của Hội đồng Đội Trung ương và các cấp chính quyền địa phương, “Nghìn việc tốt” sớm trở thành phong trào thi đua yêu nước của thiếu nhi Việt Nam, đã được Đảng, Nhà nước, Bác Hồ và nhân dân khen ngợi, khuyến khích phát triển.
Nói chuyện với thiếu nhi Tam Sơn, tại sân Trường Tam Sơn ngày mồng 1 tết Đinh Mùi (9-02-1967), Bác nhắc nhở: “Các cháu đã làm nghìn việc tốt, thế là tốt. Các cháu cần phát huy thành truyền thống. Các cháu hãy đoàn kết giúp nhau thi đua học tập tốt, lao động tốt, cùng làm nghìn việc tốt chống Mỹ cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội”.
Bác Hồ nói chuyện với thiếu nhi Tam Sơn, tại sân Trường THCS Tam Sơn ngày mồng 1 tết Đinh Mùi (9-02-1967). Ảnh TTXVN
Trước đó, đọc báo cáo tại Hội nghị Chính trị đặc biệt ở Hội trường Ba Đình, ngày 27-3-1964, kêu gọi “mỗi người làm việc bằng hai để đền đáp cho đồng bào miền Nam ruột thịt”, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh, “Các cháu nhi đồng ta rất ngoan, chăm học, chăm làm, nhiều cháu đã dũng cảm cứu bạn trong cơn nguy hiểm, nhiều cháu thật thà đem trả của rơi, thương yêu, giúp đỡ nhau và thi đua làm nghìn việc tốt”.
Thư của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết gửi các cháu thiếu nhi cả nước, nhân kỷ niệm 45 năm ngày phát động phong trào “Nghìn việc tốt” (24-3-2008), cũng đánh giá rất cao Phong trào “Nghìn việc tốt” do Liên đội TNTP Tam Sơn (Từ Sơn, Bắc Ninh) phát động cách đây 45 năm. Chủ tịch cho rằng phong trào thi đua này đã góp phần thiết thực, xứng đáng vào sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc Việt Nam yêu dấu của chúng ta.
TS. Trần Văn Túy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh cũng có lời đánh giá rất sâu sắc về phong trào “Nghìn việc tốt”: “Nghìn việc tốt là phong trào thi đua yêu nước của thiếu nhi, thắp lửa nhân ái. Làm nhiều việc tốt để trở thành người tốt. Người tốt là người làm nhiều việc tốt cho nước, cho dân, cho chính mình. Làm nghìn việc tốt nhân lên cái tốt, xóa đi cái xấu, rèn luyện thiếu nhi tự giác sống có nhân cách, tự quản, nguyện là chiến sĩ nhỏ, cháu ngoan Bác Hồ, con ngoan, trò giỏi, đội viên tốt, hăng hái “Tiến bước lên Đoàn”, trưởng thành là công dân tốt”./.
Bế mạc Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI  (11/05/2013)
Thông báo Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI  (11/05/2013)
Thông báo Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI  (11/05/2013)
Phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng  (11/05/2013)
Campuchia thành công trong nỗ lực đẩy lùi HIV  (11/05/2013)
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp xúc cử tri Hải Phòng  (11/05/2013)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay