Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 22 đến ngày 28-4-2013)
22:33, ngày 29-04-2013
TCCSĐT - Chiều 25-4-2013, Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 22 với chủ đề “Người dân của chúng ta, Tương lai của chúng ta” tại Thủ đô Ban-đa Xê-ri Bê-ga-oan (Bandar Seri Begawan) của Bru-nây đã ra Tuyên bố Chủ tịch, một lần nữa nhấn mạnh đến tầm quan trọng của hòa bình, ổn định và an ninh hàng hải ở Biển Đông.
1. Đàm phán Việt - Trung về hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển
Từ ngày 22 đến ngày 24-4-2013, thực hiện nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước và “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc” ký ngày 11-10-2011, Nhóm Công tác về hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển Việt Nam - Trung Quốc đã tiến hành vòng đàm phán thứ 3 tại Bắc Kinh. Hai bên đã trao đổi nhằm triển khai các lĩnh vực hợp tác về bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu khoa học biển, tìm kiếm cứu nạn trên biển và phòng tránh giảm thiểu thiệt hại thiên tai. Hai bên đã nhất trí 3 dự án ưu tiên hợp tác là: Phối hợp tìm kiếm cứu nạn trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc; hợp tác trao đổi, nghiên cứu về quản lý môi trường biển và hải đảo vùng Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam - Trung Quốc; nghiên cứu so sánh trầm tích thời kỳ Holocenne khu vực châu thổ sông Hồng và châu thổ sông Trường Giang. Ngoài ra, hai bên nhất trí cùng nhau nỗ lực phối hợp chặt chẽ, sớm triển khai các dự án hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển nêu trên giữa hai nước, đồng thời sẽ tiến hành đàm phán vòng 4 hợp tác trong lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển Việt Nam - Trung Quốc vào nửa cuối năm nay tại Việt Nam.
2. Hội nghị Bộ trưởng kinh tế ALBA
Ngày 23-4-2013, Hội nghị Bộ trưởng kinh tế các nước thành viên Liên minh Bô-li-va của các dân tộc châu Mỹ (ALBA) đã diễn ra tại thành phố Goay-gia-kin (Quayaquil), Tây Nam Ê-cua-đo. Tại Hội nghị, lãnh đạo bộ kinh tế các nước đã cân nhắc khả năng phối hợp các chiến lược, chính sách và dự án để thiết lập khu vực kinh tế chung của ALBA. Theo Bộ trưởng Điều phối chính sách kinh tế nước chủ nhà, G. Xan-chết (J. Sanchez), hướng tới mục tiêu này, giới chức các nước đã cùng đánh giá những tiến bộ đạt được trong thời gian qua, đồng thời cân nhắc các bước đi tiếp theo, vạch một lộ trình hành động gồm nhiều giai đoạn cũng như lập “bản đồ” các sản phẩm thế mạnh của mỗi nước để xây dựng một khu vực kinh tế phù hợp với lợi ích của mỗi thành viên. Ê-cua-đo, quốc gia khởi xướng sáng kiến, nhấn mạnh trong thế giới đầy bất ổn và tiềm ẩn nhiều nguy cơ như hiện nay, một khu vực kinh tế chung của các nước Mỹ La-tinh có vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển của khu vực nói chung và mỗi nước thành viên nói riêng. Khu vực kinh tế chung này dựa trên sự hỗ trợ và hợp tác, hướng tới sự phát triển và tối đa hóa lợi ích của mỗi quốc gia thành viên. ALBA được thành lập năm 2004 do Cu-ba và Vê-nê-xu-ê-la khởi xướng để thúc đẩy mối liên kết và hội nhập giữa các nước trong khu vực. Đến nay, đã có 8 nước thành viên bao gồm hai nước đồng sáng lập trên và Ê-cua-đo, Ni-ca-ra-goa, Bô-li-v-ia, Xan Vin-xen và Grê-na-đin, Đô-mi-ni-ca, Ăng-ti-goa và Bác-bu-đa.
3. Diễn đàn châu Á về giao thông trong phát triển bền vững
Trong 2 ngày 23 và 24-4-2013, Diễn đàn khu vực lần thứ 7 về giao thông bền vững ở châu Á cho chương trình phát triển sau 2015 đã diễn ra tại Ba-li, In-đô-nê-xi-a, bàn về hàng loạt chủ đề liên quan tới giao thông nhằm thực hiện các mục tiêu đặt ra sau Hội nghị phát triển bền vững Liên hợp quốc Rio + 20. Một số chủ đề tiêu biểu của Diễn đàn là thúc đẩy các kế hoạch xe đạp công cộng, các sáng kiến về khu vui chơi, biến các khu đường bỏ hoang thành nơi vui chơi, đường đi bộ, tích hợp các hình thức giao thông công cộng,... Tại Diễn đàn, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-mun (Ban Ki-moon) đã hoan nghênh nỗ lực của các quốc gia châu Á trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và bảo đảm phát triển bền vững. Theo ông Ban Ki-mun, ở cấp độ toàn cầu, các quốc gia cần thiết kế và xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông theo hướng an toàn, thân thiện với môi trường hơn nhằm giảm thiểu rủi ro từ biến đổi khí hậu và thiên tai. Tổng Thư ký Liên hợp quốc cũng lưu ý việc tiếp cận với hàng hóa, dịch vụ thông qua các phương tiện hữu hiệu là “đặc biệt cần thiết” không chỉ giúp bảo đảm môi trường mà còn giúp giảm đói nghèo.
4. Liên hợp quốc cảnh báo tính không bền vững trong sử dụng nguyên liệu thô ở châu Á - Thái Bình Dương
Trong Báo cáo với nhan đề “Các xu hướng mới về dòng chảy và năng suất nguyên liệu ở châu Á - Thái Bình Dương” công bố ngày 24-4-2013, Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) đã cảnh báo khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nơi vượt xa phần còn lại của thế giới trong tiêu thụ nguyên liệu thô, cần tăng tính hiệu quả trong việc sử dụng nguồn nguyên liệu này nếu không sẽ phải đối mặt với nguy cơ mất đi nền tảng tăng trưởng kinh tế và không bảo đảm môi trường bền vững. Theo đó, trong giai đoạn 1970 - 2008, lượng tiêu thụ vật liệu xây dựng ở châu Á - Thái Bình Dương đã tăng 13,4 lần, tiêu thụ quặng sắt và khoáng sản công nghiệp tăng 8,6 lần, nhiên liệu hóa thạch tăng 5,4 lần. Báo cáo nhấn mạnh việc sử dụng không hiệu quả các nguồn nguyên liệu sẽ đem lại những hậu quả nghiêm trọng. Theo số liệu thống kê chính thức, sự phụ thuộc vào nguyên liệu của khu vực châu Á - Thái Bình Dương hiện gấp 3 lần so với phần còn lại của thế giới. Trong đó, Trung Quốc hiện chiếm 60% tổng nguồn tiêu thụ nguyên liệu nội địa của khu vực, Ấn Độ chiếm 14%. Báo cáo cũng khuyến nghị thiết lập một cơ sở dữ liệu hài hòa toàn cầu nhằm chia sẻ thông tin về sử dụng nguyên liệu cho tất cả các quốc gia. Đây sẽ là bước quan trọng giúp các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp thấy trước được vấn đề, cung cấp cho giới học giả số liệu tin cậy để tư vấn cho những nhà hoạch định chính sách một cách hiệu quả nhất.
5. Số người thất nghiệp ở một số nước châu Âu cao kỷ lục
Ngày 25-4-2013, Bộ Lao động và Việc làm Pháp cho biết số người thất nghiệp ở nước này đã tăng mạnh, với 3,224 triệu người không có việc làm, tăng thêm 36.900 người trong tháng 3-2013, vượt kỷ lục về số người thất nghiệp hồi tháng 01-1997 (3,195 triệu người). Đây cũng là tháng thứ 23 liên tiếp tỷ lệ thất nghiệp ở Pháp tăng. Phát biểu ngay sau khi công bố các số liệu trên, Bộ trưởng Bộ Lao động và Việc làm Pháp Mi-sen Sa-panh (Michel Sapin) khẳng định mọi công cụ, đòn bẩy liên quan đến chính sách việc làm đang được triển khai và Chính phủ sẽ tổ chức một hội nghị trong tháng 6 tới nhằm đối thoại, bàn bạc, tìm kiếm các giải pháp thúc đẩy tạo thêm việc làm ở Pháp. Trong khi đó, Tây Ban Nha, nước từng được ví là “cỗ máy” cung cấp việc làm trong Khu vực sử dụng đồng ơ-rô (Eurozone), nay phải ngậm ngùi ghi nhận tỷ lệ thất nghiệp cao kỷ lục. Viện Thống kê quốc gia Tây Ban Nha ngày 25-4 công bố số liệu chính thức cho thấy trong quý đầu tiên của năm 2013, tỷ lệ thất nghiệp ở nước này đã tăng chóng mặt, lên mức 27,16% lực lượng lao động, đồng nghĩa với việc số người thất nghiệp đã tăng thêm 237.400 người (đưa tổng số người thất nghiệp lên 6,2 triệu) so với quý 4-2012. Ủy ban châu Âu (EC) dự báo tỷ lệ thất nghiệp của Tây Ban Nha trong cả năm 2013 có thể là 26,9%, sang năm 2014 có thể giảm xuống còn 26,6%.
6. Hội nghị cấp cao G-20 về chống tham nhũng
Ngày 25-4-2013, Hội nghị cấp cao Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G-20) về chống tham nhũng đã diễn ra tại Thủ đô Pa-ri, Pháp dưới sự chủ trì của Nga, nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên G-20. Theo nhà tổ chức Hội nghị, tham nhũng là “chướng ngại vật” chủ yếu cản trở tăng trưởng kinh tế, cũng là thách thức lớn đối với các nước phát triển và đang phát triển. Vì vậy, cuộc chiến chống tham nhũng đòi hỏi cách tiếp cận rộng nhưng thống nhất, cùng sự hợp tác tích cực giữa các chính phủ và doanh nghiệp. Những thỏa thuận tương ứng đã được các nước G-20 nhất trí tại Hội nghị thượng đỉnh nhóm, diễn ra tại thành phố biển Lốt Ca-bốt (Los Cabos) của Mê-hi-cô năm 2012. Tham gia Hội nghị có đại diện chính phủ, giới doanh nghiệp và cộng đồng công dân các nước G-20. Tại đây, các đại biểu chia sẻ những kinh nghiệm thực tế trong việc đấu tranh chống tham nhũng và thảo luận những ưu tiên được xác định trong khuôn khổ Kế hoạch hành động của nhóm G-20 về chống tham nhũng giai đoạn 2013 - 2014, cũng như những khuyến nghị phù hợp đối với các doanh nghiệp thuộc G-20. Chủ đề chính của cuộc thảo luận là bảo đảm tính minh bạch và cởi mở đối với việc tổ chức các sự kiện thể thao và các hoạt động lớn khác, cũng như vận dụng kinh nghiệm mới để chống tham nhũng.
7. Hội nghị Cấp cao ASEAN ra Tuyên bố Chủ tịch
Chiều 25-4-2013, Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 22 với chủ đề “Người dân của chúng ta, Tương lai của chúng ta” tại Thủ đô Ban-đa Xê-ri Bê-ga-oan (Bandar Seri Begawan) của Bru-nây đã ra Tuyên bố Chủ tịch, một lần nữa nhấn mạnh đến tầm quan trọng của hòa bình, ổn định và an ninh hàng hải ở Biển Đông, khẳng định tiến trình xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đang trên đà phát triển thuận lợi với hơn 77% nội dung trong kế hoạch đã được thực hiện. Tuyên bố Chủ tịch cho biết các nhà lãnh đạo ASEAN nhất trí hoàn toàn ủng hộ mọi nỗ lực nhằm phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên. Theo Tuyên bố, các lãnh đạo mong muốn tiếp tục can dự với Trung Quốc trong việc thực thi DOC một cách đầy đủ và hiệu quả thông qua các hoạt động và dự án hợp tác chung đã được hai bên nhất trí trước đó. Về kinh tế, Tuyên bố Chủ tịch nhận định đến nay, các nước ASEAN đã thực hiện được 77,57% nội dung trong kế hoạch thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN. Các nhà lãnh đạo cũng nhất trí thúc đẩy cạnh tranh nội khối thông qua đẩy mạnh thương mại và đầu tư, coi đây là đòn bẩy tích cực cho tiến trình xây dựng AEC, đồng thời đưa ra một lộ trình thực hiện các sáng kiến hỗ trợ hoạt động thương mại và đầu tư trong khu vực. Tuyên bố của Hội nghị Cấp cao ASEAN cho rằng các nước thành viên vẫn cần thêm nhiều nỗ lực hơn nữa để hiện thực hóa mục tiêu thành lập AEC vào năm 2015.
8. Hội nghị cấp ngoại trưởng Tiến trình I-xtan-bun lần thứ ba
Ngày 26-4-2013, tại A-ma A-ta, Ca-dắc-xtan, Hội nghị lần thứ ba các bộ trưởng ngoại giao của Tiến trình I-xtan-bun về Áp-ga-ni-xtan đã thông qua Tuyên bố chung. Theo Bộ Ngoại giao Nga, Tuyên bố chung khẳng định Tiến trình I-xtan-bun để giải quyết tình hình tại Áp-ga-ni-xtan không thay thế các thỏa thuận hiện có trong khu vực. Cuộc họp cũng thông qua kế hoạch thực thi các biện pháp xây dựng lòng tin trong khu vực, được phát triển trong khuôn khổ các nhóm chuyên gia công tác của Tiến trình I-xtan-bun về tình trạng khẩn cấp, chống khủng bố, hoạt động chống ma túy, hợp tác thương mại. Tiến trình I-xtan-bun được khởi động cuối năm 2011 tại Hội nghị quốc tế về Áp-ga-ni-xtan của các bộ trưởng ngoại giao trong khuôn khổ cái gọi là “Trái tim châu Á”. Bản chất của tiến trình này là đề ra các ý tưởng đưa Áp-ga-ni-xtan hội nhập với đời sống kinh tế - chính trị khu vực như một đối tác bình đẳng và có trách nhiệm. Hội nghị cấp ngoại trưởng Tiến trình I-xtan-bun lần thứ hai diễn ra vào tháng 6-2012 ở Thủ đô Ca-bun, Áp-ga-ni-xtan.
9. Cu-ba và Vê-nê-xu-ê-la ký một loạt thỏa thuận hợp tác
Ngày 27-4-2013, Cu-ba và Vê-nê-xu-ê-la đã ký một loạt hiệp định hợp tác liên quan tới 51 dự án trong các lĩnh vực khác nhau. Đây là một trong những kết quả chuyến thăm chính thức Cu-ba của tân Tổng thống Vê-nê-xu-ê-la Ni-cô-lát Ma-đu-rô (Nicolas Maduro). Tại Thủ đô La Ha-ba-na của Cu-ba, ông N. Ma-đu-rô và Chủ tịch Cu-ba Ra-un Ca-xtơ-rô (Raul Castro) đã tham dự kỳ họp Ủy ban liên chính phủ Cu-ba - Vê-nê-xu-ê-la. Trước đó, ông N. Ma-đu-rô đã gặp lãnh tụ cách mạng Cu-ba Phi-đen Ca-xtơ-rô (Fidel Castro).
Phát biểu tại Cu-ba, ông N. Ma-đu-rô nêu rõ chuyến thăm Cu-ba lần này là để khẳng định với người dân Vê-nê-xu-ê-la, người dân Cu-ba cũng như người dân trên khắp Mỹ La-tinh, rằng Vê-nê-xu-ê-la và Cu-ba sẽ tiếp tục phối hợp với nhau trong một liên minh chiến lược, một liên minh gắn bó như anh em. Hiện Vê-nê-xu-ê-la là đồng minh chính trị và kinh tế quan trọng nhất của Cu-ba. Vê-nê-xu-ê-la cung cấp cho Cu-ba 130.000 thùng dầu/ngày, đổi lại, khoảng 44.000 chuyên gia Cu-ba, chủ yếu trong các lĩnh vực y tế, giáo dục và kỹ thuật, được cử sang làm việc tại Vê-nê-xu-ê-la. Trong những năm gần đây, kim ngạch thương mại giữa hai nước luôn tăng trưởng ổn định lên vài tỷ USD. Chuyến thăm Cu-ba lần này là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của ông N. Ma-đu-rô kể từ khi tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Vê-nê-xu-ê-la ngày 19-4 vừa qua.
10. Thị trấn Niu-he-vần của Anh vinh danh Chủ tịch Hồ Chí Minh
Hội đồng thị trấn Niu-he-vần (Newhaven) ở vùng Su-sếch (Sussex), miền Nam nước Anh, mới đây đã quyết định vinh danh Chủ tịch Hồ Chí Minh, khẳng định sự có mặt của người thanh niên Nguyễn Tất Thành trong hành trình tìm đường cứu nước tại địa phương này. Với những tấm biển “Những điều bạn chưa biết về Niu-he-vần”, chính quyền thị trấn này muốn cho người dân trong vùng và nhiều nơi trên nước Anh biết đến người thanh niên Nguyễn Tất Thành, vị lãnh tụ, người anh hùng của dân tộc Việt Nam sau này, từng đến đây khi Người làm việc trên tuyến phà quốc tế nối giữa Niu-he-vần với thị trấn Đi-ơ-pơ (Dieppe) của Pháp qua Eo biển Anh vào khoảng thời gian sau Chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Đây cũng sẽ là một trong những điểm nhấn quan trọng góp phần làm giàu hơn nữa kho tư liệu lịch sử về hành trình tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong buổi làm việc với chính quyền thị trấn, bà Lê Thị Thu Hằng, Tham tán Công sứ Đại sứ quán Việt Nam tại Vương quốc Anh và Bắc Ai-len đánh giá cao quyết định vinh danh Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Niu-he-vần, coi đây là một trong những biểu hiện sinh động của mối quan hệ hữu nghị giữa Vương quốc Anh và Việt Nam. Sự kiện này rất có ý nghĩa trong bối cảnh hai nước đang kỷ niệm 40 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (1973 - 2013), và 100 năm ngày Bác Hồ đến nước Anh (1913 - 2013) trong hành trình tìm đường cứu nước./.
Đảng Cộng sản Việt Nam - thành viên có trách nhiệm của phong trào cộng sản quốc tế  (29/04/2013)
Đảng Cộng sản Việt Nam - thành viên có trách nhiệm của phong trào cộng sản quốc tế  (29/04/2013)
Lễ đón nhận bằng di tích, di sản và lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa  (28/04/2013)
Thúc đẩy hợp tác thương mại, năng lượng Việt Nam - Ô-xtrây-li-a  (28/04/2013)
Trao học bổng Quỹ Châu Á cho nữ sinh nghèo năm học 2012 - 2013  (28/04/2013)
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 2)
- Nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng viên trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương
- Một số giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập ở Việt Nam
- An ninh nguồn nước ở Thái Lan và hàm ý cho Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên