Những vi phạm về an toàn thực phẩm vẫn còn khá cao, nhất là liên quan tới sản phẩm chăn nuôi hay lượng tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau cho thấy công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản còn chậm chuyển biến. 


Vì vậy, việc xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm số 1 của ngành nông nghiệp trong năm 2013 là xác đáng và đòi hỏi những biện pháp giải quyết đồng bộ có hiệu quả.

Chính sách chưa liên thông

Tại Hội nghị trực tuyến về quản lý chất lượng an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản tổ chức ngày 4-4, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Nguyễn Như Tiệp cho biết, các Chương trình giám sát quốc gia về an toàn thực phẩm trong chuỗi sản xuất thủy sản, nông sản đã được triển khai từ khá lâu. Mặc dù vậy, đối với thủy sản, hoạt động rà soát sửa đổi khung pháp lý triển khai như quy chế, sổ tay thực hành cho phù hợp với thực tiễn sản xuất còn chậm.

Thời gian qua, việc lấy mẫu giám sát được tập trung đối với một số sản phẩm có nguy cơ cao và được dư luận quan tâm như rau, quả, chè, thịt lợn, thịt gà. Dù kết quả cho thấy tỷ lệ vi phạm vẫn còn khá cao nhưng việc xử lý kết quả giám sát, áp dụng biện pháp khắc phục khi phát hiện ô nhiễm vi sinh vật hoặc hóa chất vượt mức giới hạn tối đa cho phép chưa được thực hiện đầy đủ. Cùng với đó, hiện vẫn chưa có văn bản quy định, hướng dẫn cụ thể về các chương trình giám sát trong khi nguồn kinh phí lại phụ thuộc vào thời điểm triển khai chương trình.

Ông Nguyễn Đình Xứng - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa cho biết, tỉnh đã ban hành chính sách cho sản xuất tiêu thụ 50 ha rau an toàn nhưng đến nay các huyện đăng ký trồng đến 200 ha. Với mức hỗ trợ 120 triệu đồng/xã đồng bằng; 150 triệu đồng/xã miền núi; 21 triệu đồng/quầy bán rau an toàn…, mức kinh phí Thanh Hóa cần hỗ trợ trồng rau an toàn là khá lớn. Trong khi đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hiện vẫn chưa ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện Quyết định 01/QĐ-TTg về một số chính sách hỗ trợ VietGAP trong nông, lâm nghiệp và thủy sản nên các địa phương rất khó sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ này.

“Cần sớm đưa chính sách vào cuộc sống. Sản xuất làm tốt nhưng để quản lý được là rất khó. Phải có quy định đồng bộ như việc tổ chức sắp xếp lại các chợ, quy định các điểm bán rau, thịt sạch để người tiêu dùng nhận biết thì mới tiêu thụ được,” ông Xứng bày tỏ.

Đồng tình với quan điểm này, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Trần Xuân Việt cho biết, với việc Hà Nội thực hiện dán nhãn tem rau an toàn, nhiều cơ sở đã tiêu thụ tốt trên thị trường, có nơi không đủ rau an toàn để bán. Sắp tới, Hà Nội sẽ tổ chức sàn giao dịch rau an toàn và phấn đấu để mỗi khu phố dân cư có điểm đăng ký rau an toàn.

Quản lý theo chuỗi

Đánh giá về những tồn tại nêu trên, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho rằng, nguyên nhân sâu xa thuộc về chủ quan nhiều hơn, nhận thức về vấn đề quản lý chất lượng của một bộ phận cán bộ và người dân còn chưa đầy đủ, đúng mức. Hệ thống văn bản còn yếu chưa phù hợp, triển khai chậm ở nhiều địa phương, thiếu những chính sách kinh tế tạo động lực khuyến khích những người làm tốt để nâng cao hiệu quả.

Trên cơ sở xác định là nhiệm vụ trọng tâm số 1 trong năm 2013, ngành nông nghiệp thống nhất phấn đấu đạt mục tiêu giảm 10% tỷ lệ vi phạm an toàn thực phẩm nói chung và giảm 10% số cơ sở sản xuất kinh doanh các sản phẩm vật tư nông nghiệp và nông lâm thủy sản loại C.

Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu các địa phương và các đơn vị thuộc Bộ rà soát quy hoạch các vùng sản xuất an toàn, đặc biệt là quy hoạch giết mổ, nhiều địa phương đến giờ vẫn chưa thực hiện. Cần tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn hỗ trợ nhân dân tổ chức sản xuất tốt, bảo đảm an toàn thực phẩm trong khâu trồng trọt, chăn nuôi.

Nhiều ý kiến cho rằng việc tổ chức quản lý các cơ sở giết mổ, kiểm soát an toàn thực phẩm có thể thực hiện tốt trên địa bàn một tỉnh nhưng để quản lý chuỗi liên tỉnh thì rất khó khăn. Về vấn đề này, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, Bộ đã chủ trương hệ thống đánh giá các cơ sở để nắm tình hình và phân loại ra thành các nhóm xanh (tốt) - vàng (nguy cơ vừa) - đỏ (nguy cơ cao) để kiểm tra, giám sát. “Nếu làm đúng cách sẽ kích thích được hai chiều. Không thể làm theo kiểu thấy nghi ngờ thì kiểm tra mà phải làm theo hệ thống. Sẽ không thể đủ người theo dõi từng bó rau trên cả nước mà phải đánh giá trong quá trình từ đồng ruộng đến bàn ăn, khâu nào có nguy cơ cao nhất thì tập trung kiểm tra xử lý,” Bộ trưởng phân tích.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề nghị các tỉnh, các đơn vị thực hiện quyết liệt việc giám sát và xử lý vi phạm. Nếu kiểm tra không thấy chuyển biến thì gia tăng tần suất, cao hơn nữa là rút giấy phép, nếu cơ sở đưa ra sản phẩm gây nguy hại, cần xử lý theo quy định pháp luật./.