TCCSĐT - Nhằm tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn 2011-2015; giảm thiểu các tác động không mong muốn, hoàn thành tốt các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2015, sáng 3-4-2013, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu quản lý Trung ương (Ciem) đã tổ chức hội thảo công bố “Báo cáo đánh giá tổng thể tình hình kinh tế xã hội Việt Nam sau 5 năm gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới".
Tham gia trình bày nội dung chương trình có TS. Võ Trí Thành - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, TS. Nguyễn Thị Lan Hương - Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng các đồng chí là trưởng phó ban của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương.

Phát biểu tại hội thảo, TS. Võ Chí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương cho biết, sau thời gian gia nhập WTO, Việt Nam đã xác định các nhóm ngành có khả năng chịu ảnh hưởng lớn nhất, cả tích cực và tiêu cực. Báo cáo là nền tảng cho dự thảo Nghị quyết cho hội nhập kinh tế quốc tế tiếp theo thông qua việc lấy ý kiến để đề xuất, điều chỉnh chính sách một cách phù hợp nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế Việt Nam trong thời gian tới.

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận nhiều vấn đề, xung quanh việc: đánh giá tăng trưởng kinh tế Việt Nam sau 5 năm gia nhập WTO; đánh giá tình hình thương mại quốc tế và trong nước sau 5 năm gia nhập WTO; đánh giá tình hình đầu tư sau 5 năm gia nhập WTO; đánh giá tình hình việc làm, thu nhập, thất nghiệp, giảm nghèo, an sinh xã hội của Việt Nam sau 5 năm gia nhập WTO; cũng như đánh giá về tình hình kinh tế Việt Nam trong thời gian gần đây.

Theo các chuyên gia kinh tế, tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam đã tạo ra những cơ hội to lớn cho việc thu hút FDI và hoạt động xuất khẩu; qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo thêm việc làm. Mặt khác, việc hội nhập cũng tạo ra những thách thức gay gắt cho doanh nghiệp và toàn bộ nền kinh tế của Việt Nam trong bối cảnh mới. Việc đánh giá tác động gia nhập WTO đối với nền kinh tế Việt Nam là cần thiết. Thời gian qua, việc bóc tách tác động của việc gia nhập WTO với các tác động của việc thực hiện các cam kết trong hiệp định thương mại tự do đã ký kết, tác động của các thị trường thế giới, nhất là trong bối cảnh hệ thống dữ liệu còn chưa đầy đủ, không đồng bộ và thiếu nhất quán.

Giai đoạn (2007-2011), trong bối cảnh khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 6,5%, không đạt mục tiêu kế hoạch đề ra nhưng đạt tương đối cao so nhiều nước trên thế giới; nhóm yếu tố không thuận lợi bao gồm giá nguyên nhiên liệu trên thế giới tăng cao, nhóm yếu tố thuận lợi đó là giá cả nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam tăng cao, thị trường xuất khẩu mở rộng; một số yếu tố quan trọng tương tác mạnh mẽ với các yếu tố tích cực và tiêu cực, bên trong và bên ngoài nền kinh tế là chính sách của Chính phủ trước và sau khi gia nhập tổ chức WTO; xuất nhập khẩu biến động mạnh hơn so với giai đoạn trước đó, tăng 2,4 lần: trong đó xuất khẩu tăng từ 39,8 tỷ USD lên 96,9 tỷ USD và nhập khẩu tăng từ 44, 9 tỷ USD lên 106, 7 tỷ USD; nguồn vốn FDI tập trung vào vùng Đông Nam bộ, đồng bằng sông Hồng, đây là những vùng có điều kiện kết cấu hạ tầng thuận tiện, khoảng cách phát triển giữa các vùng tăng thêm dẫn đến có sự chênh lệch giữa các vùng về thu nhập, chất lượng nguồn nhân lực…

Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, đối với công tác ổn định kinh tế vĩ mô trong thời gian vừa qua, Việt Nam đã tạo niềm tin đáng kể đối với nhà đầu tư, góp phần tăng trưởng kinh tế cao và ổn định; huy động vốn và các nguồn lực khoa học và công nghệ cho nền kinh tế; hiệu quả điều hành chính sách kinh tế vĩ mô ngày được cải thiện, phản ứng chính sách phù hợp và kịp thời hơn, dần dần đi vào thực chất hơn và gắn với tái cơ cấu kinh tế trong dài hạn và nhất là tạo dựng được niềm tin cho các tác nhân trên thị trường. …Tuy nhiên, công tác này cũng còn nhiều tồn tại cần khắc phục. Đó là thâm hụt thương mại còn ở mức cao, dòng vốn nước ngoài tập trung nhiều ở lĩnh vực phi sản xuất, công tác điều phối chính sách còn nhiều bất cập, sự phối hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ trong một số trường hợp còn chưa hiệu quả để hướng tới mục tiêu chung nhất.

Để nâng cao hiệu quả trong thời gian tới, các chuyên gia khuyến nghị: Nhà nước cần tiếp tục cải cách hành chính theo chiều sâu để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi; bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô; thực hiện các chính sách kinh tế vĩ mô một cách đồng bộ, nhất quán, linh hoạt, với mục tiêu hợp lý và công cụ chính sách phù hợp trong từng thời kỳ dựa trên thông tin phân tích và dự báo chính xác, có căn cứ khoa học. Bên cạnh đó, các bộ, ngành cần sớm xây dựng Chiến lược hội nhập kinh tế quốc tế và Chiến lược đàm phán các hiệp định khu vực thương mại tự do làm định hướng cho việc đàm phán và thực thi các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế và các hiệp định khu vực thương mại tự do,
tạo ra sđột phá trong việc tăng cường năng lực thể chế về hội nhập kinh tế quốc tế. Đồng thời, rà soát, loại bỏ mọi chồng chéo, trùng lặp; tăng cường vai trò và hoàn thiện một cách căn bản thể chế chỉ đạo, tổ chức, quản lý, điều phối, thực thi và giám sát thực hiện các hoạt động từ trung ương đến địa phương; đồng thời, tăng cường tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật, chính sách, quy hoạch, chiến lược phát triển; hỗ trợ doanh nghiệp về pháp luật hội nhập kinh tế quốc tế, về giải quyết tranh chấp trong quan hệ thương mại quốc tế, cải cách tư pháp theo hướng tiếp cận dần với thông lệ quốc tế./.