Ngành Báo chí đóng góp ý kiến Dự thảo sửa đổi Hiến pháp
Phát biểu tại Hội nghị “Ngành báo chí đóng góp ý kiến Dự thảo sửa đổi Hiến pháp” do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức ngày 26-3-2013, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hà Minh Huệ cho biết, qua tổng hợp các ý kiến đóng góp gửi về Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam có thể thấy rõ, các cấp hội, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, về cơ bản nhất trí với nội dung bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và cho rằng, việc sửa đổi Hiến pháp là để phù hợp với tình hình mới của đất nước sau hơn 25 đổi mới, phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển toàn diện, bền vững nhằm xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Trên quan điểm đó, đa phần các ý kiến nhất trí với 9 nội dung cơ bản của việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Các ý kiến cho rằng, Dự thảo có tính dự báo và ổn định lâu dài, được kết cấu chặt chẽ, khoa học, cụ thể, có bổ sung những điểm nhấn về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, sửa đổi, làm rõ quan điểm của Đảng ta về những vấn đề chính trị cơ bản của thời kỳ quá độ, thể hiện rõ tư tưởng Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
Trong đóng góp của các cấp hội, hầu hết các ý kiến đều tập trung vào Chương I: Chế độ Chính trị, bởi Chương này rất quan trọng, xác định rõ thể chế chính trị của nước ta.
Đóng góp vào những chương, điều, khoản cụ thể, đa số ý kiến thống nhất với 3 nội dung của Điều 4 khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Giới báo chí Việt Nam không chấp nhận các ý kiến khác, không chấp nhận các ý kiến phủ định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Điều 4 của Dự thảo sửa đổi có bổ sung Khoản 2, với nội dung “Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình” là nội dung mới, cần thiết. Có một số ý kiến cho rằng nên bổ sung thêm cụm từ “và dân tộc” vào nội dung Khoản 2, thành “Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân và dân tộc,…”. Nhà báo lão thành Hữu Thọ nhấn mạnh rằng, chúng ta xây dựng nước Việt Nam là nước xã hội chủ nghĩa như đã nêu trong Điều 1 của Dự thảo, vì thế, việc khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản như nêu trong Điều 4 của Dự thảo là hoàn toàn đương nhiên. Trong Khoản 2 Điều 4 cần bổ sung thêm một nội dung nữa nói về phương thức lãnh đạo của Đảng.
Trong Chương II: Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, tại Điều 15, có một số ý kiến cho rằng nên viết là “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, quyền con người, quyền công dân được Nhà nước và xã hội tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm bằng Hiến pháp và pháp luật”. Chữ “thừa nhận” như viết trong Dự thảo là chưa mạnh mẽ.
Đối với Điều 20 và Điều 21 về quyền công dân và quyền con người, các ý kiến cho rằng, bản Dự thảo sửa đổi đã chú trọng hơn đến quyền con người, cụ thể hóa quan điểm tôn trọng, bảo đảm quyền con người và quyền công dân của Nhà nước Việt Nam. Tuy nhiên, có một số ý kiến đóng góp nên bổ sung thêm nội dung quyền của công dân không tách rời nghĩa vụ và trách nhiệm đối với Nhà nước và xã hội (bổ sung ý trách nhiệm vào Khoản 1, Điều 20).
Liên quan đến nội dung quyền công dân tự do ngôn luận, tự do báo chí, được thông tin như nêu trong Điều 26, một số ý kiến cho rằng cần bổ sung vào Điều này “quyền được tiếp cận thông tin”. Đồng thời, cũng nên quy định công dân không được lạm dụng các quyền này làm tổn hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc để nội dung Điều này được trọn vẹn hơn.
Trong Chương III: Kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường, Điều 57, Điều 58 quy định về sở hữu, sử dụng đất đai cũng nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các cấp hội và hội viên. Đại đa số các ý kiến nhất trí với quy định đất đai, tài nguyên nước, khoáng sản và tài nguyên thiên nhiên khác là tài sản công, thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước làm đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý theo quy định của pháp luật. Đây là quy định nhằm bảo đảm phát huy quyền làm chủ của nhân dân đối với đất đai, đồng thời cũng phù hợp với thực tiễn quản lý đất đai. Nội dung tại Điều này nhấn mạnh quyền sử dụng đất được pháp luật bảo hộ, đã thể hiện thái độ tôn trọng, bảo vệ của Nhà nước đối với quyền cơ bản của công dân.
Về nội dung chế độ kinh tế, nhiều ý kiến cho rằng Dự thảo đã làm rõ hơn tính chất, mô hình kinh tế, vai trò quản lý của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đã bám sát và cụ thể hóa được quan điểm của Đảng về phát triển kinh tế.
Liên quan đến Điều 70 của Chương IV: Bảo vệ Tổ quốc, quy định “Lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổ quốc và nhân dân, có nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, cùng toàn dân xây dựng đất nước và thực hiện nghĩa vụ quốc tế.”, đa số các ý kiến thống nhất với nội dung của Điều này và không tán thành việc phi chính trị hóa lực lượng vũ trang. Bởi thực tế cách mạng Việt Nam suốt từ ngày thành lập Đảng đến nay cho thấy, không thể tách rời lực lượng vũ trang khỏi sự lãnh đạo của Đảng, chỉ dưới sự lãnh đạo của Đảng, lực lượng vũ trang mới vững mạnh, trung thành với lý tưởng của Đảng. Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, nên rút gọn lại Điều 70, cụ thể đề nghị sửa đổi như sau: “Lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổ quốc và nhân dân, có nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội”. Một số ý kiến đề nghị nên đảo lại trật tự, cụ thể là: “Lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân và Đảng Cộng sản Việt Nam,…”.
Ngoài ra còn nhiều ý kiến góp ý về Chương III: Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân; Chương X về Hội đồng Hiến pháp, Hội đồng bầu cử Quốc gia, Kiểm toán nhà nước…
Đồng chí Thuận Hữu, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam kết luận: việc thảo luận, góp ý kiến cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là đợt sinh hoạt chính trị rộng khắp trong các cấp hội và hội viên Hội Nhà báo Việt Nam. Nhìn chung, đại đa số các ý kiến đóng góp thống nhất với nội dung của bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Các ý kiến đóng góp cụ thể vào những Điều, Khoản cũng mang tính tham mưu cho Ban soạn thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, có những phát hiện và bổ sung mới cho bản Dự thảo. Từ đó, hoàn thiện bản Dự thảo, thể hiện đúng bản chất của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp là thể hiện được ý chí của nhân dân, vì mục tiêu xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, tôn trọng và bảo đảm quyền con người. Bản Dự thảo cũng thấm nhuần tư tưởng Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.
Sau Hội nghị này, Ban chỉ đạo sửa đổi Hiến pháp của Hội Nhà báo Việt Nam sẽ tổng hợp tất cả các ý kiến đóng góp để xây dựng một báo cáo chung của giới báo chí đóng góp vào Dự thảo gửi về Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp./.
“Hợp tác vì nước”: Nhìn từ đồng bằng sông Cửu Long  (03/04/2013)
Báo cáo Phát triển con người năm 2013: “Sự nổi lên của Nam bán cầu: Tiến bộ con người trong một thế giới đa dạng”  (03/04/2013)
Điện mừng Thủ tướng Nội các nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên  (02/04/2013)
Việt Nam - Liên bang Nga tăng cường hợp tác trong bảo vệ an ninh  (02/04/2013)
Điện thăm hỏi vụ lở đất nghiêm trọng tại mỏ than đa kim (Trung Quốc)  (02/04/2013)
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan làm việc tại Lạng Sơn  (02/04/2013)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên