Nhiều đơn vị, địa phương lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992
* Bà Rịa - Vũng Tàu góp 17.000 ý kiến sửa Hiến pháp
Tính đến ngày 10-3, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tổ chức được gần 2.600 hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 với hơn 144.000 người tham gia, thu được gần 17.000 lượt ý kiến đóng góp.
Ngày 11-3, Đoàn công tác Ban Chỉ đạo Trung ương do đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc, kiểm tra công tác tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Tham gia đoàn có các thành viên của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh ý kiến nhân dân đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là một kênh rất quan trọng cần phải được phát huy tối đa.
Phó Thủ tướng đánh giá tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tổ chức tốt việc lấy ý kiến đóng góp của nhân dân, có những cách làm hay, phù hợp với từng địa bàn dân cư, từng đối tượng. Mặc dù thời gian ngắn, bận rộn tổ chức, chăm lo Tết Nguyên đán cho người dân nhưng tỉnh đã có cố gắng lớn và đạt được những kết quả tương đối cơ bản, rõ nét, đảm bảo tiến độ Trung ương đề ra.
Phó Thủ tướng yêu cầu trước mắt tỉnh phải hoàn thành bản báo cáo, trong đó cần có những thống kê, so sánh cụ thể về số người tham gia đóng góp ý kiến. Báo cáo phải phản ánh được điều nào dân đóng góp, mong muốn nhiều nhất và cần đưa ra những nhận định, đánh giá làm toát lên được quan điểm, tỷ lệ ủng hộ hay không ủng hộ của nhân dân đối với mỗi chương, mục. Việc lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 còn tiếp tục đến ngày 30-9-2013.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, trong thời gian tới, tỉnh phải đặc biệt quan tâm tới công tác tuyên truyền về bản Dự thảo tới người dân, bởi bên cạnh việc thu được ý kiến đóng góp, một yêu cầu rất quan trọng nữa là giúp người dân hiểu nhiều hơn về Hiến pháp, nâng cao nhận thức, hiểu biết về vai trò, quyền lợi, nghĩa vụ của người dân được Hiến pháp quy định.
Tỉnh phải tập hợp đầy đủ, khách quan, trung thực mọi ý kiến đóng góp của nhân dân, không ngại những vấn đề lớn, quan trọng, đụng chạm, nhạy cảm và cần tranh thủ thêm ý kiến của các nhà chuyên môn, nhà khoa học, nhà quản lý...
Tại buổi làm việc, địa phương đã báo cáo những khó khăn, vướng mắc, trở ngại trong quá trình triển khai thực hiện để có hướng giải quyết. Các thành viên trong Đoàn cũng đã kịp thời hướng dẫn, trả lời những khúc mắc địa phương đang gặp phải để triển khai tốt hơn trong thời gian tới.
* Ủy ban Pháp luật của Quốc hội góp ý sửa Hiến pháp
Ngày 11-3, tại Hà Nội, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 9 cho ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Uông Chu Lưu tham dự phiên họp.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đánh giá đây là Hội nghị quan trọng để Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tham gia ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, cho đến thời điểm hiện tại, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã nhận được nhiều báo cáo bước đầu của các địa phương, ban, ngành… Đại đa số ý kiến đồng tình với bản Dự thảo, trong đó có rất nhiều ý kiến đóng góp cụ thể vào từng chương, điều, khoản; đồng thời cũng có những ý kiến khác.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, với vai trò, vị trí, chức năng của mình, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cần thảo luận, đóng góp ý kiến về các nội dung của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 từ Lời nói đầu; chế độ chính trị; quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường; bảo vệ Tổ quốc; bộ máy nhà nước… cho tới kỹ thuật trình bày các quy định của Hiến pháp.
Trong quá trình tham gia ý kiến cần tập trung làm rõ các nội dung về phát huy dân chủ, chủ quyền nhân dân, thể chế hóa cương lĩnh và văn kiện Đại hội Đảng để nhân dân thực sự là chủ thể quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Hiến pháp phải thể hiện tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc; tư tưởng tiếp tục xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân...; đồng thời tham gia góp ý về ngôn ngữ, văn phong của Hiến pháp, cũng như kỹ thuật lập hiến.
Nhiều ý kiến đánh giá Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã kế thừa những giá trị khoa học về nội dung và kỹ thuật lập hiến của các bản Hiến pháp trước, kế thừa thành tựu, kinh nghiệm xây dựng Hiến pháp của các nước trên thế giới.
Dự thảo sửa đổi đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn và định hướng phát triển đất nước hiện nay cũng như lâu dài, giải quyết được cơ bản những vấn đề vướng mắc, bất cập, tồn tại của thực tiễn đặt ra trong quá trình tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992. Nội dung của Dự thảo thể hiện sự phù hợp với hệ thống pháp luật quốc tế, đáp ứng yêu cầu hội nhập, đặc biệt đã thể hiện rõ quan điểm tôn trọng quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.
Tuy nhiên, có ý kiến đánh giá Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 còn dài, cần cô đọng, ngắn gọn hơn, song phải khái quát được đầy đủ các nội dung cơ bản của Hiến pháp. Dự thảo còn có những quy định chưa rõ ràng, đầy đủ; một số nội dung còn chồng chéo; một số điều trong Dự thảo diễn đạt chưa bảo đảm tính chất của đạo luật cơ bản; vị trí, nhiệm vụ, quyền hạn của một số cơ quan chưa được quy định rõ; cách hành văn cần trong sáng, dễ hiểu hơn; chưa thống nhất trong sử dụng các cụm từ như “theo quy định của pháp luật”; “theo luật định”; “do luật định” chưa chính xác trong cách dùng từ “công dân”, “mọi người” ở một số điều…
Bàn về Lời nói đầu, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng, Dự thảo Hiến pháp đã bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng và vai trò của nhân dân, cũng như thể hiện được đường lối đối nội, đối ngoại và định hướng phát triển của đất nước trong thời kỳ mới. Tuy nhiên, theo đại biểu Trần Ngọc Vinh cần nghiên cứu viết gọn lại theo hướng chỉ rõ các mốc quan trọng của quá trình lập hiến, vai trò, nhiệm vụ của Hiến pháp, nguyên tắc và mục đích bao trùm của Hiến pháp lần này, đồng thời phải có tính khái quát cao, nêu bật được truyền thống yêu nước của dân tộc.
Về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân (Chương II) quy định nội dung “Mọi người có quyền sống” là quy định mới, tiến bộ, tuy nhiên, theo đại biểu Trần Ngọc Vinh, viết như Dự thảo chưa bảo đảm được nội dung cần thiết về quyền được sống của con người. Đại biểu đề nghị cần xem xét bổ sung rõ hơn theo hướng nghiên cứu ghép Điều 21 và Điều 35 thành “Mọi người có quyền được sống, được đảm bảo an sinh xã hội”.
Đại biểu Nguyễn Văn Chiến (Bắc Ninh) nhận xét, các Điều 15, 16, 18, 19 và 20 trong Dự thảo Hiến pháp là những quy định chung, trong khi đó Điều 17 quy định về quyền cụ thể của con người (quyền bình đẳng trước pháp luật). Vì vậy, đại biểu đề nghị chuyển nội dung Điều 17 xuống sau Điều 21 quy định về mọi người có quyền sống.
Bàn về Điều 120 (về Hội đồng Hiến pháp), đại biểu Nguyễn Văn Chiến cho rằng, Hội đồng Hiến pháp chỉ có thẩm quyền đề nghị, kiến nghị, yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền ban hành xem xét lại, sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ văn bản quy phạm pháp luật khi phát hiện có vi phạm Hiến pháp, mới chỉ là cơ chế giám sát, phản biện, chưa phải là cơ chế phán quyết.
Theo đại biểu, quy định này không khác nhiều với chức năng của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội. Trên cơ sở phân tích, đại biểu đề nghị cần nghiên cứu kỹ hơn về chế định này; xem xét việc giao cho Hội đồng Hiến pháp thẩm quyền tạm đình chỉ hay đình chỉ thi hành văn bản có nội dung vi phạm Hiến pháp chờ cơ quan có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung hay bãi bỏ.
Đại biểu Trần Tiến Dũng (Hà Tĩnh) cho rằng, quy định như khoản 2 Điều 120 thì Hội đồng Hiến pháp chưa thực sự có quyền lực để thực thi nhiệm vụ bảo vệ Hiến pháp. Đại biểu đề xuất phải giao đầy đủ quyền lực để Hội đồng Hiến pháp phán quyết độc lập đối với những văn bản quy phạm pháp luật có nội dung vi phạm Hiến pháp…
Tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã thảo luận các nội dung cụ thể về chế độ chính trị; kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường; bảo vệ Tổ quốc; bộ máy nhà nước; kỹ thuật trình bày các quy định của Hiến pháp…
* Bình Dương: Tổ chức hơn 430 hội nghị đóng góp ý kiến Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992
Qua hơn một tháng tổ chức lấy ý kiến đóng góp của nhân dân, các sở, ban, ngành tỉnh, cơ quan, đơn vị cấp huyện cũng đã xây dựng kế hoạch và tổ chức lấy ý kiến cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, đơn vị ngành của mình và lấy ý kiến nhân dân tại địa phương bằng nhiều hình thức thích hợp. Cụ thể, các cơ quan, đơn vị trong tỉnh Bình Dương đã tổ chức 431 hội nghị với hơn 9000 người tham dự.
Theo nhận định chung của Ban Chỉ đạo đóng góp ý kiến Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tỉnh Bình Dương, các ý kiến đóng góp đều thống nhất việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 nhằm bảo đảm đổi mới đồng bộ cả về kinh tế và chính trị, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; xây dựng và bảo vệ đất nước; tích cực và chủ động hội nhập quốc tế; hoàn thiện kỹ thuật lập hiến, bảo đảm Hiến pháp là đạo luật cơ bản, có tính ổn định, lâu dài. Về bố cục và kết cấu Dự thảo Hiến pháp thể hiện sự chặt chẽ, ngắn gọn, kế thừa được các bản Hiến pháp trước đó cũng như xu thế phát triển mới của đất nước, thể hiện được ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Hầu hết các ý kiến tán thành nội dung quy định về kinh tế tại Chương III, các thành phần kinh tế đều được coi trọng như nhau, thể hiện sự bình đẳng. Các ý kiến cũng thống nhất nội dung quy định về Hội đồng Hiến pháp nhằm bổ sung cho đầy đủ cơ chế kiểm soát, giám sát sự vi phạm pháp luật trong Nhà nước pháp quyền…
* Ban Tuyên giáo góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992
Thực hiện kế hoạch của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, chiều 11-3, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến của cán bộ, đảng viên, quần chúng công tác tại Ban vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Để việc góp ý kiến bảo đảm chất lượng, trước đó, ngày 4-3, Ban Tuyên giáo Trung ương đã ban hành Kế hoạch số 149-KH/BTGTW hướng dẫn việc tổ chức lấy ý kiến.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Trưởng Ban, Phó Bí thư Đảng ủy cơ quan Ban Tuyên giáo Trung ương Bùi Thế Đức nêu rõ: Hội nghị này nhằm phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết của cán bộ, đảng viên Ban Tuyên giáo Trung ương đối với việc xây dựng Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Qua đó, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên Ban Tuyên giáo Trung ương đối với việc sửa đổi và thi hành Hiến pháp.
Tại Hội nghị, nhiều ý kiến tập trung góp ý sâu về những nội dung trong toàn bộ Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Các ý kiến khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội; khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội nhân dân Việt Nam, thể hiện rõ và đầy đủ bản chất, trách nhiệm chính trị của lực lượng vũ trang nhân dân nói chung, Quân đội nhân dân Việt Nam nói riêng.
Các ý kiến khẳng định sở hữu toàn dân về đất đai, nguyên tắc tổ chức quyền lực Nhà nước theo đường lối, quan điểm của Đảng được khẳng định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011);…
Ban Tổ chức Hội nghị tiếp thu và tổng hợp đầy đủ các ý kiến đóng góp chuyển đến Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp.
* Bộ NN&PTNT góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992
Chiều 11-3, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tổ chức hội nghị góp ý cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát cho biết, Bộ đã phổ biến tới hơn 100 đơn vị để lấy ý kiến của các cán bộ, công chức, viên chức trong toàn ngành; xác định đây là đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý của toàn ngành để phát huy trí tuệ, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân.
Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, việc góp ý vào nội dung Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 không chỉ thể hiện quyền dân chủ mà thông qua đó còn thể hiện quan điểm, lập trường, chính kiến của người dân trong đường lối xây dựng đất nước.
Ngoài những vấn đề chung, Bộ trưởng cũng đề nghị các ý kiến tập trung bổ sung, điều chỉnh để hệ thống quản lý Nhà nước hoạt động hiệu quả hơn, kinh tế trong đó có nông nghiệp, nông thôn phát triển bền vững hơn.
Qua tổng hợp ý kiến cho thấy, nhìn chung, các ý kiến đều khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước tiếp tục khẳng định bản chất và mô hình tổng thể của thể chế chính trị và bộ máy Nhà nước nêu trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.
Nhiều ý kiến đề nghị sửa đổi về Lời nói đầu, bởi quá dài, chưa làm nổi bật được mục đích, chủ thể, nhiệm vụ của Hiến Pháp, các nội dung cụ thể trong lời nói đầu cũng chưa được cơ cấu hợp lý.
Nam Định: tổ chức Hội nghị đóng góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992
Ngày 11-3, Hội đồng nhân dân tỉnh Nam Định tổ chức Hội nghị đóng góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Về cơ bản, các đại biểu nhất trí cao với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, cho rằng nội dung sửa đổi lần này đã thể hiện rõ hơn tính đại chúng và minh bạch; bảo đảm vừa cô đọng, dễ hiểu, vừa cơ bản đáp ứng đúng yêu cầu thực tiễn trong tình hình mới của đất nước.
Sau khi tập hợp các ý kiến từ các đầu mối trên địa bàn toàn tỉnh, các đại biểu đã chia thành 5 tổ thảo luận, góp hơn 340 ý kiến cụ thể tại Hội nghị. Qua thảo luận, có rất nhiều ý kiến tham gia đóng góp cụ thể vào các Chương, Điều, đề xuất những nội dung cụ thể, cần thiết sửa đổi hoặc bổ sung mới.
Điều 21 (mới): “Mọi người có quyền sống” thu hút nhiều ý kiến tham gia đóng góp. Theo đại biểu Trần Lương Bằng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Nam Định: nên thêm vào điều này cụm từ “quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.
Ông Nguyễn Văn Đồng, đại biểu huyện Trực Ninh góp ý: nên gộp Điều 21 và Điều 42, bổ sung ý thành một điều mới: “Mọi người có quyền sống, quyền tự do, quyền lao động, học tập, mưu cầu hạnh phúc và xây dựng bảo vệ đất nước”.
Nhiều đại biểu cho rằng, các Điều trong Hiến pháp không cần ghi quá cụ thể những nội dung mà các luật đã quy định chi tiết, điển hình như tại Điều 58, các ý kiến đều cho rằng, Luật Đất đai đã quy định đầy đủ, vì vậy nên rút gọn hơn nữa; tương tự với các Điều thuộc Chương VIII “Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân” và một số điều thuộc Chương X về Kiểm toán Nhà nước.
Theo ý kiến của đại biểu Triệu Công Điền, đại diện Liên đoàn Lao động tỉnh Nam Định, tại Điều 3: “Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân…” nên thay cụm từ “phát huy quyền làm chủ của nhân dân” bằng cụm “phát huy quyền dân chủ”, súc tích và bao hàm hơn.
Kết luận Hội nghị, đồng chí Phạm Hồng Hà, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Nam Định đánh giá: Hầu hết ý kiến của các đại biểu đều cơ bản thống nhất với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Nội dung Dự thảo sửa đổi lần này đã thể hiện đúng đường lối lãnh đạo của Đảng và Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; sửa đổi kịp thời và đúng với thực tiễn, phù hợp với ý kiến, nguyện vọng của đông đảo các tầng lớp nhân dân.
Tất cả ý kiến đóng góp của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Nam Định vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 sẽ được tập hợp, phản ánh đầy đủ, chính xác và khách quan gửi về Ban Chỉ đạo tổ chức lấy ý kiến nhân dân của tỉnh và Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 theo quy định.
* TP. Hồ Chí Minh: Thành đoàn tổ chức lấy ý kiến góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992
Trước đó, chiều 10-3, Thành đoàn TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến cán bộ, công chức trẻ, công dân trẻ và thầy thuốc trẻ tiêu biểu về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Tại Hội nghị, các ý kiến phát biểu đều thống nhất về sự cần thiết phải sửa đổi Hiến pháp năm 1992 để phù hợp với tình hình hiện nay.
Góp ý cho nội dung của Dự thảo, nhiều ý kiến cho rằng: ở Điều 21, 34 lần lượt quy định: “Mọi người có quyền sống”; “Mọi người có quyền tự do kinh doanh” là chưa đầy đủ, do đó, nên sửa đổi, bổ sung thành: “Mọi người có quyền sống theo quy định của pháp luật”; “Mọi người có quyền tự do kinh doanh theo quy định của pháp luật”.
Các đại biểu đề nghị Điều 50 nên quy định rõ ràng: Mọi người có quyền và nghĩa vụ nộp thuế để xây dựng đất nước; Ở Khoản 3 của Điều 66 cần có thêm điều khoản quy định: Nhà nước cần tạo điều kiện cho người khuyết tật và những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có việc làm ổn định…
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Lâm Đình Thắng, Phó Bí thư Thành đoàn TNCS TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Các ý kiến góp ý của đại biểu trẻ đã cho thấy mong muốn khẳng định một cách mạnh mẽ về vai trò lãnh đạo của Đảng, vai trò vị trí của tổ chức Đoàn Thanh niên. Có thể nói Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này có độ tiến bộ tích cực trong nhiều vấn đề. Tuy nhiên, riêng về công tác thanh niên, nhiều vấn đề liên quan đến thanh niên đã không được đề cập cụ thể. Chẳng hạn như trong Điều 9, Điều 10 có đề cập đến Mặt trận Tổ quốc và tổ chức công đoàn, nhưng không thấy nói đến tổ chức Đoàn Thanh niên. Đoàn viên, thanh niên mong muốn tổ chức Đoàn thanh niên sẽ có một vị trí nhất định trong Hiến pháp”.
Đồng chí Lâm Đình Thắng cũng nhấn mạnh, ngoài những cuộc góp ý được tổ chức, các bạn đoàn viên, thanh niên Thành phố có thể bày tỏ quan điểm, đóng góp ý kiến cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp bằng thư điện tử về Thành đoàn TP. Hồ Chí Minh trên tinh thần góp ý thẳng thắn, trung thực./.
Tạo xung lực mới cho khu vực tam giác phát triển  (11/03/2013)
Bộ Công an kỷ niệm 65 năm thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy  (11/03/2013)
Đồng chí Lê Hồng Anh tiếp Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Mô-dăm-bích  (11/03/2013)
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ đi thăm Lào và chủ trì Hội nghị CLV 7  (11/03/2013)
Phát hành “Những điều cần biết về tuyển sinh Đại học, Cao đẳng năm 2013”  (11/03/2013)
Tăng cường hợp tác hữu nghị quân đội Việt Nam - Thái Lan  (11/03/2013)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên