TCCSĐT - Ngày 11-3-2013, tại thành phố Cần Thơ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ - TB - XH) phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ tổ chức Hội nghị “Rà soát các chính sách việc làm, dạy nghề, quan hệ lao động các tỉnh, thành phía Nam”. Đồng chí Phạm Thị Hải Chuyền, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ LĐ - TB - XH đến dự và chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có đại diện Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, lãnh đạo thành phố Cần Thơ, các đơn vị trực thuộc Bộ LĐ - TB - XH và đại diện lãnh đạo Sở LĐ - TB - XH 21 tỉnh, thành khu vực phía Nam.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ LĐ - TB - XH Phạm Thị Hải Chuyền, nhấn mạnh: Hội nghị này tập trung đánh giá quá trình triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về lao động, việc làm, dạy nghề, thực hiện các chính sách giảm nghèo trong năm 2012; làm rõ những bất cập, khó khăn trong quá trình chỉ đạo tổ chức thực hiện của Bộ LĐ - TB - XH và các địa phương. Trên cơ sở đó, tập trung đề xuất những giải pháp, kiến nghị, giúp Bộ LĐ - TB - XH và các bộ, ngành có liên quan có cơ sở rà soát, điều chỉnh, bổ sung các chính sách, nhằm nâng cao hiệu quả công tác dạy nghề, giải quyết việc làm, thực hiện tốt các chính sách giảm nghèo trong thời gian tới.

Theo báo cáo của Bộ LĐ - TB - XH, năm 2012, các tỉnh, thành phía Nam đã tạo việc làm cho 853 nghìn lao động (chiếm 56% số lao động được tạo việc làm trong cả nước); từ các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm của các địa phương đã được bổ sung 56 tỷ đồng, hỗ trợ tạo việc làm cho trên 63 nghìn lao động thông qua các dự án phát triển chăn nuôi, kinh tế trang trại, sản xuất kinh doanh nhỏ… Ngành LĐ - TB - XH nhiều địa phương chú trọng tổ chức nhiều hoạt động giao dịch việc làm, giúp nhiều người nghèo, đồng bào dân tộc, người dân ở các vùng sâu, vùng xa có thêm cơ hội tìm kiếm việc làm, tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo. Một số tỉnh đã chủ động xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ người đi lao động ở nước ngoài từ kinh phí địa phương...

Trong công tác dạy nghề, đến cuối năm 2012, khu vực phía Nam có 39 trường cao đẳng nghề (chiếm 24,8% cả nước), 83 trường trung cấp nghề (chiếm 27,2% cả nước), 265 trung tâm dạy nghề (chiếm 30,5% cả nước). Ngoài 355,35 tỷ đồng được phân bổ từ ngân sách Trung ương để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm và dạy nghề, các tỉnh, thành phố đã chủ động huy động thêm nhiều nguồn vốn để đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở dạy nghề. Trong năm, có gần 529 nghìn người được tuyển vào học ở các trường nghề (chiếm 35,4% cả nước); các địa phương đã tổ chức dạy nghề cho khoảng 155 nghìn lao động nông thôn (chiếm 31,9% cả nước).

Trong thực hiện chính sách giảm nghèo và bảo trợ xã hội, cùng với việc đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, các dự án hỗ trợ giảm nghèo của các tổ chức quốc tế, các địa phương đã chủ động tổ chức thực hiện tốt các chính sách như: hỗ trợ giáo dục - đào tạo; hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, cận nghèo; hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo; đào tạo nghề ngắn hạn; hỗ trợ xuất khẩu lao động; cho vay tín dụng ưu đãi; hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo… Nhờ đó, nhiều hộ nghèo đã cải thiện được cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững. Đến cuối năm 2012, tỷ lệ hộ nghèo ở các tỉnh, thành phía Nam giảm còn 5,67% (cả nước 9,64%).

Bên cạnh những nỗ lực và kết quả đáng ghi nhận, các đại biểu dự hội nghị đã tập trung thảo luận, nêu lên một số hạn chế trong công tác dạy nghề, lao động, việc làm, thực hiện các chính sách giảm nghèo thời gian qua. Đó là:

Mạng lưới cơ sở dạy nghề tuy có bước phát triển nhưng chất lượng dạy nghề còn hạn chế, nhất là dạy nghề chất lượng cao chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Riêng vùng Đồng bằng sông Cửu Long, sức ép tạo việc làm ngày càng gia tăng, cơ cấu lao động chuyển dịch chậm, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo và đào tạo nghề có chứng chỉ mới đạt 8,6% (thấp nhất cả nước). Trong khi đó, các chính sách hiện hành chưa đủ mạnh để phát huy đúng mức các tiềm năng về vốn, tài nguyên và lao động phục vụ phát triển sản xuất và tạo việc làm ở khu vực này.

Việc quy hoạch, phát triển các khu công nghiệp, khu chế xuất chưa gắn với nguồn nhân lực cũng như khả năng cung ứng nhân lực của vùng, nhất là tại các tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm, gây nên nhiều bất cập trong công tác dạy nghề và tạo việc làm ở nhiều địa phương.

Khả năng huy động và bố trí nguồn lực từ ngân sách địa phương còn hạn chế, trong khi đó nguồn lực từ Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm và dạy nghề chỉ mới đáp ứng khoảng 35 - 40% nhu cầu vay vốn tạo việc làm của người dân. Do vậy, hiệu quả tạo việc làm theo hướng ổn định, bền vững chưa cao.

Nhiều chính sách về lao động, việc làm chưa phát huy hiệu quả làm hạn chế việc phát triển thị trường lao động đồng bộ mang tính liên kết vùng. Tình trạng mất cân đối cung - cầu lao động cục bộ đang diễn ra ở nhiều địa phương, có nơi nhiều lao động dôi thừa không có việc làm trong khi có nơi nhiều doanh nghiệp lại không tuyển được lao động.

Chính sách hỗ trợ xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào dân tộc Khmer chưa đạt hiệu quả cao, một bộ phận đồng bào dân tộc Khmer có điều kiện sống và sản xuất còn nhiều khó khăn. Kết quả giảm nghèo ở một số tỉnh chưa bền vững, nhất là các tỉnh ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Hội nghị đã thống nhất đề xuất một số giải pháp mà Bộ LĐ - TB - XH, các bộ, ngành có liên quan và các tỉnh, thành khu vực phía Nam cần chú trọng thực hiện để nâng cao hiệu quả công tác dạy nghề, giải quyết việc làm, thực hiện tốt các chính sách giảm nghèo trong thời gian tới:

- Các cấp, các ngành cần tăng cường phối hợp để triển khai đồng bộ các cơ chế, chính sách giải quyết việc làm, phát triển đồng bộ các yếu tố thị trường lao động; nâng cao chất lượng dự báo và thông tin thị trường lao động; tăng cường vai trò của Nhà nước trong việc giám sát, điều tiết quan hệ cung - cầu trên thị trường lao động.

- Đối với các chương trình, dự án, khi xem xét, chấp thuận đầu tư, các địa phương cần chú trọng tính toán đầy đủ nhu cầu về lao động (số lượng, chất lượng, cơ cấu…) tại địa phương, khả năng liên kết đào tạo, nhằm bảo đảm khả năng cung ứng nguồn nhân lực tại chỗ, nhất là lao động có trình độ kỹ thuật.

- Tập trung chỉ đạo phát triển dạy nghề theo Chiến lược phát triển dạy nghề thời kỳ 2011 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Phát triển một số trường cao đẳng nghề có năng lực đào tạo một số nghề trọng điểm đạt chuẩn khu vực ASEAN và thế giới, nhất là tại vùng Đông Nam Bộ. Hình thành các trường, khoa nội trú để dạy nghề cho thanh niên dân tộc ở các tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

- Tăng cường quan hệ gắn kết giữa cơ sở dạy nghề với doanh nghiệp; mở rộng hình thức dạy nghề theo hợp đồng đào tạo hoặc đặt hàng giữa cơ sở dạy nghề với doanh nghiệp. Khuyến khích các trường nghề trong các vùng kinh tế trọng điểm hợp tác với các trường đào tạo nghề của các nước phát triển.

- Đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long, cần chú trọng đầu tư, đa dạng hoá các hình thức dạy nghề phù hợp với điều kiện tự nhiên và tập quán dân cư trong vùng như: dạy nghề lưu động, dạy nghề tại vườn ruộng, trang trại, dạy nghề theo hình thức cầm tay chỉ việc, dạy nghề tại các làng nghề, dạy nghề qua các phương tiện thông tin đại chúng…

- Tạo nhiều điều kiện cho người nghèo, người dân tộc thiểu số dễ dàng tiếp cận và tham gia học nghề, tự tạo việc làm. Xem xét bổ sung đối tượng được hưởng chính sách dạy nghề đối với học sinh dân tộc thiểu số nội trú thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo. Đồng thời, có chính sách phụ cấp ưu đãi cho giảng viên, giáo viên, người trực tiếp dạy nghề ở các trường, lớp dạy nghề cho học sinh dân tộc thiểu số.

- Để nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo, các địa phương cần khẩn trương rà soát, phân loại các nhóm hộ nghèo và nguyên nhân nghèo để đề xuất chính sách hỗ trợ phù hợp. Chuyển dần từ cơ chế hỗ trợ trực tiếp sang hỗ trợ về phương tiện, điều kiện, tư vấn, cung ứng dịch vụ cho huyện nghèo, xã nghèo, hộ nghèo để tạo phong trào thi đua tự lực vươn lên tự tạo việc làm, thoát nghèo bền vững trong cộng đồng dân cư./.