Góp ý một số nội dung của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

PGS, TS. Nguyễn Minh Đoan Đại học Luật Hà Nội
15:20, ngày 11-03-2013
TCCSĐT - Dự thảo sửa đổi Hiến pháp cần phải khẳng định tất cả quyền lực thuộc về nhân dân, trong đó có quyền lực nhà nước. Với tinh thần đó, chúng tôi có một số góp ý đối với bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 như sau:

1. Đối với Điều 2

Điều 2 (sửa đổi bổ sung Điều 2) Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 viết: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức.

Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”.

Chúng tôi đề nghị sửa thành: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”.

Sở dĩ chúng tôi đề nghị bỏ tập hợp từ “Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức” là vì:

Thứ nhất, đã quy định Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân rồi lại quy định tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, chúng tôi cho rằng như thế là lặp lại cùng một nội dung, chỉ là hai cách thể hiện khác nhau. Bởi: “Nhà nước của nhân dân” được lý giải là tất cả quyền lực nhà nước xuất phát từ nhân dân, thuộc về nhân dân, các cơ quan nhà nước nhận quyền từ nhân dân, thay mặt nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước… Vì thế, việc quy định thêm: “Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân” là không cần thiết;

Thứ hai, đã nói Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân rồi lại nhấn mạnh tính giai cấp của Nhà nước trong giai đoạn hiện nay là không phù hợp.

2. Đối với Điều 6

Điều 6 (sửa đổi, bổ sung Điều 6) Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 viết: “Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng các hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước”.

Chúng tôi đề nghị sửa thành: “Nhân dân sử dụng quyền lực nhà nước thông qua các hình thức dân chủ trực tiếp và thông qua các cơ quan nhà nước. Các cơ quan nhà nước đại diện cho ý chí và nguyên vọng của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân, hoạt động vì lợi ích của nhân dân”.
Chúng tôi đề nghị thay tập hợp từ “thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước” bằng tập hợp từ: “thông qua các cơ quan nhà nước” là vì: Quốc hội, Hội đồng nhân dân và các cơ quan khác của Nhà nước đều là cơ quan nhà nước, đều nhận và thực hiện quyền lực nhà nước của nhân dân, chúng chỉ khác nhau ở cách thức thành lập, nhiệm vụ và quyền hạn. Do vậy, việc phân biệt Quốc hội, Hội đồng nhân dân với các cơ quan khác trong việc thực hiện quyền lực nhà nước như trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là không cần thiết, đồng thời khi quy định phương thức thực hiện quyền lực nhà nước thì cũng nên quy định luôn trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trước nhân dân thì phù hợp hơn.

3. Đối với Điều 8

Điều 8 (sửa đổi, bổ sung Điều 8) Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 viết:

1. Nhà nước tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ.

2. Nền hành chính quốc gia, chế độ công vụ được tổ chức và hoàn thiện để phục vụ nhân dân. Cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân; chống tham nhũng, quan liêu, hách dịch, cửa quyền; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân phải nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp và pháp luật, phòng, chống các hành vi vi phạm Hiến pháp và pháp luật.

Chúng tôi đề nghị sửa thành:

1. Nhà nước tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật.

2. Nền hành chính quốc gia, chế độ công vụ được tổ chức và hoàn thiện để phục vụ nhân dân. Cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân; chống tham nhũng, quan liêu, hách dịch, cửa quyền; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân phải nghiêm chỉnh thực hiện Hiến pháp và pháp luật, phòng, chống các hành vi vi phạm Hiến pháp và pháp luật.

Sở dĩ chúng tôi đề nghị sửa như vậy vì:

Thứ nhất, trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 chỉ nói về nguyên tắc tập trung dân chủ, còn các nguyên tắc khác đều được quy định với phương thức biểu hiện khác nên có nhiều người cho rằng Nhà nước chỉ tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Để tránh hiểu nhầm, chúng tôi cho rằng tốt nhất là không nên quy định tên cụ thể của các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Nhà nước.

Thứ hai, nội dung, tinh thần của các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của nhà nước đã được thể hiện thông qua nội dung các quy định của Hiến pháp và luật liên quan đến tổ chức và hoạt động của Nhà nước.

Thứ ba, các nguyên tắc này đôi khi cũng thay đổi theo thời gian và trong nhà nước pháp quyền thì nguyên tắc quan trọng nhất phải là nguyên tắc pháp chế theo tinh thần thượng tôn hiến pháp và luật.

Thứ tư, đòi hỏi các tổ chức và cá nhân không chỉ chấp hành Hiến pháp và pháp luật mà còn phải “thi hành”, “sử dụng” và thậm chí còn có thể “áp dụng” Hiến pháp và pháp luật. Do vậy, nên dùng chữ “thực hiện” thì sẽ đầy đủ, chính xác và thống nhất hơn.

4. Đối với Điều 75

Điều 75 (sửa đổi, bổ sung Điều 84) Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 viết: Quốc hội có những nhiệm vụ và quyền hạn: “Làm Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp; làm luật và sửa đổi luật… Thực hiện quyền giám sát tối cao việc tuân theo Hiến pháp, luật và nghị quyết của Quốc hội”.

Chúng tôi đề nghị sửa lại là: Quốc hội có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

1. Thực hiện quyền lập hiến; ban hành luật;

2. Giám sát việc thực hiện Hiến pháp, luật và nghị quyết của Quốc hội;…

Lý do chúng tôi đề nghị như vậy là:

- Bỏ quyền “làm Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp” của Quốc hội, thay bằng “thực hiện quyền lập hiến” là vì Hiến pháp là của nước nên quyền lập hiến phải thuộc về nhân dân, Quốc hội chỉ thay mặt nhân dân thực hiện quyền lập hiến. Điều 74 đã quy định Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, nhưng Điều 75 lại quy định Quốc hội làm Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp… là không thống nhất với nhau;

- Đổi chữ “làm luật” thành chữ “ban hành luật” là vì trong Hiến pháp nên thống nhất cùng dùng một thuật ngữ là tất cả các cơ quan nhà nước đều “ban hành” văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có văn bản luật. Nếu quy định Quốc hội có nhiệm vụ, quyền hạn “làm luật và sửa đổi luật” thì tại sao không quy định như vậy đối với nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan khác trong bộ máy nhà nước cho thống nhất;

- Thay chữ “thực hiện quyền giám sát tối cao việc tuân theo Hiến pháp” thành “thực hiện quyền giám sát việc thực hiện Hiến pháp” là vì: Quốc hội chỉ có thể thực hiện quyền “giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước” (đã được quy định ở Điều 74) mà không thể giám sát tối cao việc thực hiện Hiến pháp. Bởi, Hiến pháp của nước nên quyền giám sát tối cao việc thực hiện Hiến pháp phải thuộc về nhân dân - chủ thể tối cao của đất nước;

- Thay chữ “tuân theo Hiến pháp” bằng “thực hiện Hiến pháp” là vì: Hiến pháp không chỉ được thực hiện dưới hình thức “tuân theo” mà còn được thực hiện dưới hình thức “thi hành”, “sử dụng” và thậm chí còn có thể “áp dụng Hiến pháp”. Do vậy, nên dùng chữ “thực hiện” thì sẽ đầy đủ, chính xác và thống nhất hơn.

5. Đối với Điều 123

Điều 123 (sửa đổi bổ sung Điều 146) Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 viết: “Hiến pháp là luật cơ bản của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có hiệu lực pháp lý cao nhất. Mọi văn bản pháp luật khác phải phù hợp với Hiến pháp. Mọi hành vi vi phạm Hiến pháp đều bị xử lý”.

Chúng tôi đề nghị thay quy định: “Hiến pháp là luật cơ bản của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có hiệu lực pháp lý cao nhất” thành: “Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là luật cơ bản, có hiệu lực pháp lý cao nhất.

Mọi hành vi vi phạm Hiến pháp đều bị xử lý”.

Bởi, mục đích của Điều 123 chỉ cần khẳng định: Hiến pháp là luật cơ bản, có hiệu lực pháp lý cao nhất, không cần nhắc lại Hiến pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nữa. Với quy định như vậy, Hiến pháp không chỉ là luật cơ bản của nước mà đối với cả Nhà nước và đối với cả xã hội. Điều đó có nghĩa là, Hiến pháp là văn bản thể hiện một cách tập trung nhất ý chí, nguyện vọng và những lợi ích cơ bản của nhân dân Việt Nam trên các lĩnh vực quan trọng của đời sống Nhà nước và xã hội. Vì vậy, Đảng (các tổ chức của Đảng và đảng viên), Nhà nước (các cơ quan, nhân viên nhà nước), các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và mọi công dân đều phải tôn trọng và nghiêm chỉnh thực hiện Hiến pháp tức là tôn trọng và thực hiện ý chí của nhân dân. Những cơ quan nhà nước nếu không được tổ chức và hoạt động trên cơ sở các quy định của Hiến pháp thì có nghĩa là họ đã vượt quá những nhiệm vụ, quyền hạn mà nhân dân giao cho, nếu họ ban hành các văn bản pháp luật trái Hiến pháp tức là trái với ý chí của nhân dân, không tuân theo ý chí của nhân dân. Văn kiện của các tổ chức (trừ văn kiện của Đảng Cộng sản Việt Nam) cũng không được ban hành trái Hiến pháp.

Hiến pháp là luật cơ bản không chỉ có hiệu lực pháp lý cao nhất mà còn phải là một văn bản mẫu mực về kỹ thuật thể hiện, tồn tại trong một thời gian khá dài nên các quy định cần phải được thể hiện ngắn, gọn, khái quát, xúc tích, dễ hiểu, tránh việc quy định quá cụ thể, rườm rà và không thống nhất.

Tóm lại, nội dung và quy trình, thủ tục lập hiến là một trong những nội dung quan trọng của Hiến pháp. Trong quá trình sửa đổi Hiến pháp đòi hỏi không chỉ tuân thủ những chuẩn mực về kỹ thuật lập hiến, mà điều quan trọng hơn, cần đặt lên trên hết là đề cao chủ quyền nhân dân, nguyên tắc pháp quyền để tinh thần Hiến pháp là tối thượng, tất cả quyền lực thuộc về nhân dân hiện diện trong cả quá trình xây dựng, sửa đổi Hiến pháp và trong từng câu chữ của Hiến pháp. Điều này sẽ mang lại hiệu lực, sự thiêng liêng của Hiến pháp, tăng thêm tính hiệu quả cho Hiến pháp trong quá trình thực hiện./.