Ngày 7-3, tại Nghị viện châu Âu (EP) - cơ quan lập pháp của Liên minh châu Âu (EU) - đã diễn ra cuộc thảo luận về tình hình quân sự và an ninh tại Biển Đông, do Tiểu ban An ninh và Quốc phòng trực thuộc Ủy ban Đối ngoại EP tổ chức. Cuộc thảo luận thu hút sự quan tâm của các nghị sĩ EP, các giới nghiên cứu, chuyên gia và báo chí.
Đại sứ Việt Nam tại Bỉ Phạm Sanh Châu, Việt kiều là chuyên gia về biên giới và luật hàng hải, các cán bộ nghiên cứu và một số lưu học sinh Việt Nam đang học tập và nghiên cứu tại Bỉ đã tham dự.

Bốn diễn giả tham luận là các nhà nghiên cứu và học giả đến từ các viện nghiên cứu có uy tín trên thế giới như Viện châu Âu nghiên cứu về châu Á (EIAS) có trụ sở tại thủ đô Brussels của Bỉ; Viện nghiên cứu Trung Quốc đương đại thuộc trường Đại học VUB của Bỉ; Viện nghiên cứu về châu Âu và châu Mỹ thuộc Học viện Sinica, có trụ sở tại thành phố Đài Bắc của Trung Quốc; Viện Nghiên cứu chính sách Trung Quốc thuộc trường Đại học Nottingham của Anh.

Các tham luận nhấn mạnh diễn biến căng thẳng và ngày càng phức tạp tại Biển Đông trong thời gian gần đây và phân tích kỹ những yếu tố tác động.

Các diễn giả thừa nhận căng thẳng tại Biển Đông đã tác động tới an ninh và an toàn hàng hải trong khu vực, một trong những tuyến đường hàng hải sầm uất nhất thế giới nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, kể cả nguy cơ chạy đua vũ trang giữa các nước trong khu vực.

Các diễn giả cũng đề cập Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển, yêu cầu các bên tôn trọng văn bản này vì lợi ích chung, đồng thời đề cập vai trò của EU tại Biển Đông.

Các diễn giả đều nhận định duy trì hòa bình và ổn định, đảm bảo an ninh và an toàn hàng hải ở Biển Đông là lợi ích chung của các nước, trong đó có EU. Vì vậy, EU cần có chính sách chủ động và tích cực hơn tại khu vực Đông Nam Á.

Các diễn giả nhấn mạnh 95% hoạt động thương mại của thế giới diễn ra qua đường biển, do vậy EU cần xem xét việc giúp đảm bảo an ninh tại Biển Đông và thúc đẩy việc sử dụng luật quốc tế để giải quyết tranh chấp.

Các diễn giả còn khẳng định EU có lợi ích trong việc giúp thiết lập tại châu Á một trật tự an ninh đa phương mạnh và dựa trên luật pháp, và EU có đủ uy tín để làm nhà trung gian trung thực, đủ kinh nghiệm và nguồn lực để đóng vai trò này./.