Việt Nam qua con mắt một số nhà kinh tế nước ngoài
N11: nhóm các nền kinh tế có tiềm năng phát triển
Trong thập niên qua, các nhà kinh tế học dự báo về sự phát triển tương lai của thế giới đã tập trung sự chú ý đến các nước có tiềm năng phát triển mạnh mẽ khả dĩ làm thay đổi diện mạo kinh tế của thế giới, trong số đó có Việt Nam.
Năm 2005, Goldman Sachs đưa ra danh sách 11 nền kinh tế (N11 hay Next Eleven) có nhiều triển vọng tiếp theo BRICS (Bra-xin, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi), gồm Hàn Quốc, Băng-la-đét, Ai Cập, In-đô-nê-xi-a, I-ran, Ni-giê-ri-a, Pa-ki-xtan, Phi-líp-pin, Thổ Nhĩ Kỳ, Việt Nam và Mê-hi-cô. Trong số 11 nước này, Băng-la-đét hiện vẫn đang xếp vào nhóm nước nghèo nhất hay kém phát triển nhất, còn Việt Nam mới gia nhập nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình thấp. Tiềm năng phát triển của các nước thuộc nhóm N11 được đánh giá dựa trên các tiêu chí: ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định chính trị, độ mở của chính sách đầu tư và thương mại; khả năng huy động nội lực (tiết kiệm) và đầu tư trong nước; triển vọng phát triển dân số phù hợp với giáo dục và y tế không ngừng được cải thiện; chất lượng của các thiết chế và chính sách được nâng cao.
Các nhà đầu tư quốc tế quan tâm chủ yếu đến các nước N11 còn do thực tế tăng trưởng kinh tế của các nước này bất chấp cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu từ năm 2008. Triển vọng đó đặc biệt hấp dẫn nếu so sánh với các quốc gia G7 đang tăng trưởng chậm chạp. Năm 2005, các nhà kinh tế của Goldman Sachs ước tính, vào giữa thế kỷ này quy mô các nền kinh tế N11 sẽ bằng hai phần ba các nền kinh tế G7.
MAVINS: những nền kinh tế tăng trưởng nhanh, năng động
“The Business Insider” - một chuyên mạng về kinh doanh quốc tế, nêu danh sách những nền kinh tế tăng trưởng nhanh, năng động gồm Mê-hi-cô, Ô-xtrây-li-a, Việt Nam, In-đô-nê-xi-a, Ni-giê-ri-a và Nam Phi (MAVINS). Đây là những nền kinh tế được hưởng lợi từ tăng trưởng kinh tế quốc tế thông qua lợi thế hàng hóa của mình, đồng thời có cơ hội mở rộng thị trường nội địa vì có “đất rộng, người đông”. Với những chính sách đúng đắn, MAVINS có thể trở thành những quốc gia dẫn đầu trong khu vực.
“The Business Insider” đã đưa ra những đánh giá cụ thể về một số nước trong nhóm MAVINS. Về Việt Nam, “The Business Insider” cho rằng, sự nổi lên nhanh chóng của Việt Nam thực chất là “câu chuyện có thể thấy trước” và Việt Nam chắc chắn sẽ trở thành một trong những quốc gia tăng trưởng đáng chú ý nhất của thập niên này. Bởi thứ nhất, Việt Nam có nền kinh tế phát triển nhanh và có tình hình chính trị ổn định. Thứ hai, Việt Nam có thế mạnh về nông sản và dầu mỏ, đồng thời do thu hút được đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nên các ngành kỹ thuật cao và điện tử có tốc độ phát triển cao chưa từng thấy. Việt Nam theo mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đang trong thời kỳ có cơ cấu “dân số vàng”. Hiện Việt Nam có dân số lớn hơn dân số Pháp hoặc Đức. Đến năm 2050, dân số Việt Nam có thể vượt qua dân số Nhật Bản. Với vị trí địa lý giáp biển, giá lao động rẻ hơn các nước trong khu vực, sẽ rất hợp lý nếu các nhà đầu tư thiết lập cơ sở sản xuất tại Việt Nam. Dự báo, năm 2020, GDP của Việt Nam có thể đạt 550 tỷ USD.
CIVETS : làn sóng mới của các nền kinh tế mới
Nhiều nhà kinh tế học nhận định, các nước Cô-lôm-bi-a, In-đô-nê-xi-a, Việt Nam, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ và Nam Phi (CIVETS) - là làn sóng mới của các nền kinh tế mới nổi có tăng trưởng nhanh.
Mười năm sau khi đưa ra khái niệm BRIC, nhà kinh tế học Gim Ơ-nên (Jim O’Neill) của Ngân hàng Goldman Sachs tuyên bố, các nhà nghiên cứu cho rằng, CIVETS là đợt sóng thứ hai của các nền kinh tế mới nổi khả dĩ mang lại những cơ hội tuyệt vời cho kinh doanh toàn cầu. Các quốc gia này đang cải thiện kết cấu hạ tầng, có các hệ thống tài chính tương đối hiện đại và phần lớn không vướng phải lạm phát cao. Nhiều doanh nhân coi các nước này là những nơi hấp dẫn đầu tư khả dĩ thay thế hoặc bổ sung cho các nước BRICS đang ngày càng khó làm ăn.
Các nước trong nhóm CIVETS tuy có vị trí phân tán trên toàn cầu nhưng chia sẻ một số điểm chung. Đó là: đều có dân số trẻ và đang tiếp tục gia tăng. Dân số Cô-lôm-bi-a là 45 triệu người; In-đô-nê-xi-a: 248 triệu người; Việt Nam: 91,5 triệu, và cả ba nước này đều có độ tuổi trung bình là 28. Thổ Nhĩ Kỳ có dân số 80 triệu người, tuổi trung bình là 28,5; dân số Nam Phi là 49 triệu người và tuổi trung bình là 25; Ai Cập có dân số 84 triệu người, tuổi trung bình là 24. Trong khi đó, tuổi trung bình dân số của Mỹ là 37 và của Anh là 40. Dân số trẻ là điều kiện thuận lợi để ứng dụng công nghệ thông tin kỹ thuật số và In-tơ-nét.
Báo The Economist dự báo, các nước CIVETS sẽ có mức tăng trưởng 4,9% trong hai thập niên tới, gấp đôi các nước G7 chỉ có mức tăng trưởng 1,8%. Việc sử dụng In-tơ-nét ở các nước CIVETS tăng nhanh: 55 triệu người ở In-đô-nê-xi-a chiếm 22,4% dân số; 31 triệu người ở Việt Nam bằng 34% dân số; 25 triệu người ở Cô-lôm-bi-a gần 56% dân số.
3G: động lực tăng trưởng toàn cầu
Tháng 2-2011, các nhà kinh tế thuộc Citigroup là Uy-lem Bu-tơ (Willem Buiter) (Trưởng nghiên cứu kinh tế) và E-bra-him Ra-ba-ri (Ebrahim Rahbari) cho rằng, nhiều nhóm kinh tế, chẳng hạn như BRICS... đã giảm tác dụng. Nay động lực tăng trưởng toàn cầu (Global Growth Generators - 3G) thuộc về 9 nước châu Á và 2 nước châu Phi, không có nước nào của châu Âu và châu Mỹ. Châu Á và châu Phi sẽ là những khu vực phát triển nhanh nhất cho đến năm 2050. Trong số 11 nước này, Việt Nam có chỉ số 3G cao nhất với mức 0,86; Trung Quốc thứ hai với 0,81 và Ấn Độ thứ ba với 0,71. Theo đánh giá này, Việt Nam được coi là nguồn tiềm năng tăng trưởng cao và cơ hội đầu tư sinh lợi lớn nhất thế giới.
Báo cáo về chỉ số tin cậy thương mại của Ngân hàng HSBC (TCI) và dự báo thương mại của HSBC cho rằng, 4 quốc gia có khối lượng tăng trưởng thương mại đáng kể, cụ thể là Ai Cập, Ấn Độ, Việt Nam và In-đô-nê-xi-a sẽ đạt mức tăng trưởng thương mại ít nhất 7,3% hàng năm cho đến năm 2025. Ngoài ra, Việt Nam còn ở vào danh sách 20 quốc gia có tiềm năng phát triển mạnh mẽ vào giữa thế kỷ này./.
Theo thống kê của Liên hợp quốc, năm 2011, GDP của Việt Nam đạt 123,6 tỷ USD xếp thứ 56 trên thế giới. Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng cung cấp những số liệu tương tự. Tuy nhiên, nếu tính theo so sánh sức mua (PPP), theo Liên hợp quốc, GDP của Việt Nam đạt 299,9 tỷ USD, xếp thứ 40; IMF nêu con số 301 tỷ USD (xếp thứ 43), còn theo WB là 299,2 tỷ USD (xếp thứ 41). |
Giáo hoàng Benedict XVI bất ngờ tuyên bố từ chức  (11/02/2013)
Sư đoàn 304 (Quân đoàn 2) - Thực hiện các nhiệm vụ chính trị trọng tâm gắn với học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh  (11/02/2013)
Hà Nội: Lành mạnh hóa các hoạt động lễ hội  (11/02/2013)
Bà con Việt kiều tại Lào một lòng hướng về Tổ quốc  (11/02/2013)
Phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình Việt Nam  (11/02/2013)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên