Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 28-01 đến ngày 03-02-2013

Đức Toàn tổng hợp
20:59, ngày 04-02-2013
TCCSĐT - "Không chỉ chạy công chức mà tất cả các lĩnh vực liên quan đến từ "chạy" - hiểu theo nghĩa tiêu cực đều phải lên án, đấu tranh", Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định tại buổi họp báo thường kỳ của Văn phòng Chính phủ ngày 29-01.

Trả lời câu hỏi phóng viên về việc dư luận thời gian qua bàn nhiều về vấn đề chạy công chức tại Hà Nội nhưng không phát hiện trường hợp nào, vậy Chính phủ có chỉ đạo việc kiểm tra thi công chức trên cả nước? Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, phiên họp Chính phủ tháng 1 đã bàn rất nhiều giải pháp trong đó có việc tăng cường công tác cải cách hành chính (trước đây gọi là Đề án 30, sau này thành Chương trình tổng thể gọi là Chương trình 30c). Cải cách hành chính có rất nhiều nội dung trong đó có vấn đề công chức, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức.

"Chính phủ không có chỉ đạo riêng nào về việc rà soát việc chạy công chức. Chính phủ chỉ đạo Bộ Nội vụ, các ngành, các cấp phải chú ý đến hai vấn đề: Thứ nhất, với đội ngũ công chức hiện có thì thái độ, tinh thần thực thi chức trách công vụ phải được nâng cao. Thứ hai, tinh giản bộ máy hành chính nhưng phải có người làm, cố gắng trong toàn bộ máy làm được tất cả các công việc, không để hổng chỗ nào".

Bộ trưởng khẳng định rõ: "Đối với việc chạy công chức, không chỉ chạy công chức mà tất cả các lĩnh vực liên quan đến từ "chạy" - hiểu theo nghĩa tiêu cực thì đều phải lên án, đấu tranh. Việc này chúng ta phải phấn đấu".

Theo Bộ trưởng Vũ Đức Đam, việc xây dựng một nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, mỗi một vị trí đều có trách nhiệm rõ ràng, có thước đo chuẩn mực, chính xác sẽ loại bỏ những hiện tượng tiêu cực hay phân biệt bằng cấp khi thi tuyển vào cơ quan hành chính.

"Tôi đã nhận được nhiều thư điện tử trước cuộc họp báo này nói về tình trạng "bài xích" tại chức. Một khi chúng ta đánh giá được chất lượng công chức thực sự qua hiệu quả công việc thì không còn đất cho việc chạy công chức, việc phân biệt".

Bộ trưởng chia sẻ: Trong bộ máy hành chính của chúng ta, có một bộ phận, vì nhiều nguyên nhân nên sự đóng góp là rất hạn chế. Ngay cơ quan Văn phòng Chính phủ cũng có, có chuyên viên làm rất nhiều việc, có chuyên viên còn thời gian rỗi.

Bộ trưởng Vũ Đức Đam cũng chia sẻ thêm trong quá trình công tác, ông đã gặp, trò chuyện và biết nhiều công chức, viên chức “chưa được làm việc nhiều” khát khao được cống hiến rất lớn. Vì vậy, cần khuyến khích, tạo cơ hội cho họ phát huy khả năng của mình.

"Đây là quá trình lâu dài, phải làm thường xuyên, quyết liệt, có lúc thuận lợi, có lúc khó khăn nhưng phải phấn đấu kiên trì, quyết liệt, thì chúng ta sẽ có một bộ máy công chức với chức trách nhiệm vụ được xác định rõ ràng", Bộ trưởng Vũ Đức Đam nói.

Hoàn thành cấp “sổ đỏ” trong năm 2013

Ông Phan Ngọc Thọ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, tỉnh này vừa thành lập Ban chỉ đạo cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất trên địa bàn tỉnh nhằm đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận.

Đây là một chương trình lớn của tỉnh, huy động tối đa nguồn lực từ nhiều ngành, với mục tiêu hoàn thành cơ bản việc cấp giấy chứng nhận trong năm 2013.

Giải pháp thực hiện là đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện cơ chế “một cửa”, công khai thủ tục, lệ phí cấp sổ đỏ. Những cán bộ gây phiền hà, nhũng nhiễu trong quá trình tiếp nhận, xử lý hồ sơ đăng ký sẽ bị xử lý nghiêm khắc.

Tại kỳ họp HĐND tỉnh cuối năm 2012, các đại biểu đã chất vấn gay gắt về việc chậm trễ trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Đã hết “một cửa - nhiều khóa”?

Kết quả điều tra xã hội học (đợt 1 - thực hiện trong tháng 7-2012) về đánh giá sự hài lòng của người dân trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) do Sở Nội vụ Hà Nội phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy thực hiện cho thấy: 93% ý kiến cho rằng cán bộ, công chức đã nắm vững về quy trình, nghiệp vụ. Tuy nhiên, mức độ hài lòng của người dân khi giải quyết TTHC chỉ đạt 53,3%. Vì sao lại có kết quả như vậy trong khi cơ chế "một cửa" đã được "phủ sóng" toàn thành phố; và cần phải làm gì để khắc phục tình trạng đó khi đã bước vào "Năm kỷ cương hành chính - 2013"? Đây là một nhiệm vụ trọng tâm Hà Nội phải giải quyết trong năm 2013.

Thời gian qua, dù công tác cải cách hành chính (CCHC) được chọn là một trong hai khâu đột phá của TP. Hà Nội, nhưng người dân vẫn có tâm lý e ngại khi có việc phải "cậy nhờ" cơ quan chức năng để thực hiện các TTHC. Lý do là dù hầu hết các nơi đều đã thành lập bộ phận "một cửa" nhằm tạo điều kiện tối đa trong việc giảm phiền hà cho người dân, song vấn đề lại ở chỗ thái độ và phong cách làm việc của chính những cán bộ thực thi nhiệm vụ. Tình trạng "con sâu làm rầu nồi canh" vẫn tồn tại…

Tại phường Chương Dương (quận Hoàn Kiếm), nhìn bề ngoài, mọi người dân đến đăng ký làm TTHC sẽ hoàn toàn hài lòng với cơ sở vật chất, sự sắp xếp khá gọn gàng, ngăn nắp từng vị trí làm việc của mỗi cán bộ ở bộ phận tiếp dân. Thế nhưng, thực tế công việc lại không như vậy. Bà Lê Thị P, một công dân trên địa bàn phường này phản ánh, bà thật sự thấy ngại khi phải đi làm thủ tục giấy tờ tại phường vì đã từng bị rơi vào tình trạng "dở khóc dở cười". Đó là lần bà đến xin làm thủ tục xác nhận lý lịch cho cô con dâu đi xin việc. Đến phòng tiếp nhận giải quyết TTHC, tuy không phải xếp hàng chờ đợi nhưng bà cũng đã "vấp" phải một việc khó và bức xúc khi nữ cán bộ ở bộ phận "một cửa" chỉ cho bà vị trí chiếc máy photocopy ở góc phòng làm việc và dặn bà photo toàn bộ tập hồ sơ để chứng thực. Sau vài phút lúng túng, bà trình bày hoàn cảnh, năm nay đã gần 60 tuổi, mắt kém, chưa bao giờ sử dụng máy photocopy nên e rằng không thể làm được và ngỏ ý nhờ nữ cán bộ này giúp. Chị này miễn cưỡng đứng dậy với thái độ khó chịu, cầm tập hồ sơ của bà P. xếp vào máy photocopy, bấm nút, rồi dặn bà P. chờ lấy và đóng ghim cẩn thận rồi hãy chuyển lại cho cán bộ tiếp nhận. Hồ sơ được photo xong nhưng có số lượng tới hơn chục tờ, khiến bà P. loay hoay không biết sắp xếp thế nào. Bà đành ôm cả tập hồ sơ gốc và bản sao tới nhờ nữ cán bộ kia giúp. Không những không giúp bà P., nữ cán bộ còn "lên giọng": Bác không nhìn thấy chúng tôi quá nhiều việc hay sao? Bà P. bấm bụng, cố gắng sắp xếp lại tập hồ sơ nhưng mất 30 phút bà vẫn không thể làm nổi. Bất đắc dĩ, bà đành một lần nữa khẩn cầu nhờ nữ cán bộ nọ. "Tôi đang rất nhiều việc, có thế mà bác cũng không làm nổi à?" - Bị nữ cán bộ trẻ, kém tuổi con mình quát mắng, bà P. bị "sốc" nên đã tăng huyết áp, đứng không vững. May mắn, bà được một nam thanh niên cũng ở bộ phận "một cửa" chạy lại đỡ, dìu ngồi xuống gần đó và chỉ trong khoảng 2 phút đã giúp bà sắp xếp gọn toàn bộ số giấy tờ. Mọi việc được giải quyết, nhưng từ đó bà P. rất sợ chuyện phải đến các cơ quan công quyền để làm TTHC.

Cuối tháng 12-2012, bà H.Đ.P ở phường Trung Hòa đến bộ phận "một cửa" quận Cầu Giấy làm thủ tục sang tên sổ đỏ. Cán bộ tiếp nhận hồ sơ đưa bà một số giấy tờ cần kê khai và một tờ giấy liệt kê những loại giấy tờ cần phải nộp. Nhìn các mục phải kê khai hoa cả mắt, bà P. không biết khai thế nào đành nhờ nam thanh niên ở bộ phận "một cửa" hướng dẫn. Đổi lại, bà nhận được câu trả lời "nhiều việc, không có thời gian". Nói vậy nhưng vị cán bộ này cũng "tận tình" khuyên bà nên đi sao thêm mẫu kê khai khoảng… một hai chục bản vì chắc cũng phải mất chừng đó thì mới có thể kê khai chính xác từng khoản mục. Sau này, nhiều người biết chuyện đều trách bà P… không tinh ý (?).

Với những trường hợp cụ thể nêu trên cho thấy, tại cơ sở vẫn còn biểu hiện tình trạng cán bộ cửa quyền, thờ ơ về trách nhiệm. Phải chăng vẫn đang tồn tại "một cửa - nhiều khóa"? Công tác CCHC chưa đạt được thực chất của vấn đề? Cán bộ tại bộ phận "một cửa", "một cửa liên thông" chưa đủ về số lượng và chưa đáp ứng được yêu cầu về chất lượng? Việc giám sát thực hiện CCHC tại cơ sở chưa thường xuyên, liên tục?…

Kiểm tra nhiều, chuyển biến ít

Liên tục trong những năm gần đây, TP. Hà Nội tổ chức nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra, giám sát về công tác cải cách hành chính. Qua đó, đã kịp thời phát hiện, hướng dẫn và chấn chỉnh các đơn vị. Tuy nhiên, hiệu quả của những đợt kiểm tra, giám sát đó vẫn chủ yếu dừng lại ở việc… hướng dẫn, rút kinh nghiệm. Có hay không việc "giơ cao, đánh khẽ"?

Chỉ tính riêng năm 2012, Ban Chỉ đạo Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy về "Đẩy mạnh CCHC, nâng cao trách nhiệm và chất lượng phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2011 - 2015" đã kiểm tra 8 đơn vị; đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố đã kiểm tra công tác kiểm soát thủ tục hành chính 20 đơn vị; Sở Nội vụ kiểm tra công tác CCHC tại 7 đơn vị. Một số sở và 24/29 quận, huyện cũng tổ chức nhiều đợt kiểm tra CCHC đối với cấp mình và cấp dưới trực thuộc.

Bên cạnh đó, Mặt trận Tổ quốc thành phố cũng luôn coi giám sát việc thực hiện CCHC là nhiệm vụ trọng tâm. Ông Nguyễn Xuân Điệp, Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội cho biết, Mặt trận Tổ quốc thành phố quán triệt Mặt trận Tổ quốc các quận, huyện chú trọng tuyên truyền, động viên nhân dân tham gia công tác giám sát thực hiện công tác CCHC tại UBND, các đơn vị chức năng ở địa phương, nhằm phát huy dân chủ sâu rộng trong nhân dân, bảo đảm khách quan, dân chủ, tăng cường hiệu quả thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức...

Từ năm 2009 đến nay, Mặt trận Tổ quốc quận Tây Hồ đã phát gần 4 nghìn phiếu thăm dò dư luận xã hội về thực hiện CCHC theo hệ thống từng tổ chức thành viên và ý kiến nhân dân thông qua các cuộc họp, các buổi tiếp xúc cử tri và gặp gỡ nhân dân đến giao dịch, giải quyết các TTHC tại UBND quận và các phường. Ông Vũ Đức Hiếu, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc quận Tây Hồ cho biết, năm 2012, Mặt trận Tổ quốc lấy ý kiến về 6 nội dung bao gồm từng lĩnh vực công tác cụ thể: việc công khai TTHC; hình thức công khai, trang thiết bị cơ sở vật chất tại khu vực "một cửa"; thời gian giải quyết TTHC và thái độ làm việc của đội ngũ cán bộ đối với công việc cụ thể từng lĩnh vực như cấp giấy phép xây dựng, cấp "sổ đỏ" và các TTHC khác... Mặt trận Tổ quốc phường Bưởi (quận Tây Hồ) đã phát hơn 200 phiếu, trong đó 50% số phiếu dành cho nhân dân, 30% là cán bộ Mặt trận Tổ quốc các khu dân cư, 20% phiếu lấy ý kiến đánh giá của cán bộ các tổ dân phố.

Kết quả cho thấy, các ý kiến phản ánh đầy đủ những mặt tích cực, hạn chế, những việc cần khắc phục cũng như cán bộ, nhân dân đề xuất giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác CCHC. Mặt trận Tổ quốc huyện Từ Liêm lại chú trọng giám sát bộ phận "một cửa", nắm bắt kết quả có chuyển biến hay không, để có kiến nghị xác đáng nhất đến chính quyền... Ông Phạm Ngọc Thạch, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc phường Bạch Đằng cho biết, hình thức giám sát trực tiếp rất quan trọng và hiệu quả, vì Mặt trận Tổ quốc có thể kiểm tra sổ sách ghi chép việc tiếp nhận đơn thư, giấy tờ của nhân dân ở bộ phận "một cửa". Có thời điểm, chỉ trong tháng, Mặt trận Tổ quốc và thanh tra nhân dân phát hiện 69/100 hồ sơ được vào sổ không ghi chi tiết, đầy đủ các loại giấy tờ nhân dân đã nộp.

Qua kiểm tra, giám sát, các đoàn ghi nhận nhiều đơn vị đã nghiêm túc thực hiện các nội dung của công tác CCHC, song cũng phát hiện nhiều vấn đề như huyện Thanh Trì, Ứng Hòa chưa xây dựng quy trình giải quyết đối với từng TTHC thuộc thẩm quyền; một số đơn vị còn để lại nhiều TTHC giải quyết tại các phòng chuyên môn (Sơn Tây: 35 TTHC, Long Biên: 84 TTHC, Đông Anh: 62 TTHC); hồ sơ giải quyết quá hạn còn ở mức cao: Sở Tài nguyên và Môi trường 12%, Sơn Tây 20% (tập trung chủ yếu lĩnh vực tài nguyên, môi trường). Điều đáng nói là ngay tại những đơn vị làm điểm về CCHC vẫn mắc nhiều sai sót trong công tác CCHC. Những vấn đề bất cập khá phổ biến ở nhiều đơn vị là cơ sở vật chất chưa đồng bộ; phân công cán bộ "một cửa" chưa hợp lý; chưa tiếp nhận đầy đủ TTHC ở "một cửa" theo quy định; tình trạng "liên" nhưng chưa "thông", khiến người dân phải đi lại nhiều lần… Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng, để nhìn nhận được thực chất về thái độ, trách nhiệm phục vụ của cán bộ, công chức "một cửa" khi giao dịch với công dân thì thành viên đoàn kiểm tra phải đi theo kiểu "vi hành".

Theo lãnh đạo Sở Nội vụ, cùng với việc hướng dẫn, nhắc nhở những đơn vị làm chưa tốt, thành phố muốn xử lý nghiêm những sai phạm chứ không "giơ cao đánh khẽ", song các đoàn kiểm tra của Sở cũng như liên ngành hiện nay không có thẩm quyền xử lý nên vẫn mang tính chất hướng dẫn và chấn chỉnh là chủ yếu, yêu cầu đơn vị khắc phục, đồng thời có báo cáo kết quả kiểm tra với thành phố. Thông qua kiểm tra, hướng dẫn, nhiều đơn vị đã tiếp thu và có chuyển biến tích cực, song cũng có đơn vị tiếp thu chưa nghiêm túc mà chưa bị xử lý. Ông Nguyễn Thịnh Thành, Chánh Văn phòng UBND thành phố cũng cho biết, năm 2012 thành phố đã kiểm tra đột xuất khá nhiều xã, phường, quận, huyện, sở, ngành. Khi kiểm tra có bất cập đều yêu cầu các đơn vị khắc phục và ký biên bản kiểm tra. Năm 2013, sẽ tiếp tục kiểm tra và tái kiểm tra vì còn nhiều vấn đề phải điều chỉnh.

Mới đây, trong cuộc họp của Ban Chỉ đạo CCHC của thành phố, Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Hồng Khanh nêu rõ: Công tác CCHC của thành phố có chuyển nhưng chuyển chậm. Người dân và các nhà đầu tư vẫn còn kêu ca, phàn nàn về CCHC. Thực tế đó đòi hỏi phải tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra. Song thanh tra công vụ cần phải có một bộ phận tương đối chuyên trách, độc lập, nếu không thì dù có chỉ ra sai sót tận nơi cũng vẫn chỉ dừng lại ở "rút kinh nghiệm" bởi sự nể nang, tình cảm.

Hà Nội: Chấn chỉnh tác phong thực thi công vụ của cán bộ

Tại cuộc gặp báo chí nhân năm mới Quý Tỵ 2013 chiều 31-01, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho biết: “Công tác cải cách hành chính của thành phố mặc dù đã có chuyển biến nhưng thái độ thực thi công vụ của một bộ phận công chức chưa thực sự tốt. Tới đây, bên cạnh việc ra quy định người đứng đầu đơn vị phải chịu trách nhiệm nếu công tác CCHC, giải quyết thủ tục chậm chạp, Hà Nội sẽ kiện toàn lực lượng thanh tra, giám sát việc thực thi công vụ ở các cấp để đẩy mạnh CCHC, chấn chỉnh tác phong, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức”.

Đánh giá cao những đóng góp của báo chí trong việc phản ánh những công việc mà thành phố đã thực hiện trong năm 2012, ông Thảo cũng nhấn mạnh việc báo chí phản ánh mặt trái, những yếu kém về mặt quản lý của chính quyền đã góp phần giúp Hà Nội cải thiện những mặt hạn chế để phát triển. Ông Thảo cũng cho biết vừa qua, Hà Nội đã thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh chủ chốt của bảy sở, ngành tại thành phố.

Mục đích để gia tăng sự hài lòng của người dân

Tại Hội nghị Triển khai Kế hoạch cải cách hành chính năm 2013 của Bộ Y tế diễn ra sáng 30-01, PGS, TS. Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, cải cách hành chính là nhiệm vụ được Chính phủ rất quan tâm và đã ban hành nhiều nghị quyết, kế hoạch, chương trình hành động cụ thể. Đối với Bộ Y tế, cải cách hành chính là vấn đề lớn, là nhiệm vụ trọng tâm. Cải cách hành chính theo hướng phục vụ đơn giản hơn, tránh thủ tục phiền hà và mục đích cuối cùng là làm hài lòng người dân.

Thực hiện CCHC trên các lĩnh vực

Báo cáo công tác cải cách hành chính năm 2012 của Bộ Y tế, ông Phạm Văn Tác, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế cho biết, năm 2012, công tác CCHC của Bộ Y tế được thực hiện ở các lĩnh vực, trong đó trên lĩnh vực CCHC công và chính sách an sinh xã hội, Bộ Y tế đã tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành QĐ số 14/2012/QĐ - TTg về sửa đổi, bổ sung một số điều của QĐ số 139/2002 của Thủ tướng Chính phủ về khám chữa bệnh cho người nghèo. Đổi mới cơ chế tài chính trong các đơn vị sự nghiệp y tế công lập gắn với việc thực hiện lộ trình tiến tới bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân. Báo cáo cũng cho biết, hiện Bộ Y tế đang phối hợp với Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định về việc nâng mức hỗ trợ đóng BHYT cho một số đối tượng thuộc hộ gia đình cận nghèo, mới thoát nghèo, hộ gia đình cận nghèo sinh sống tại vùng thuộc huyện nghèo được Nhà nước hỗ trợ 100% mức đóng BHYT từ 01-01-2013...

Liên quan đến mục tiêu chung nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, Cục đang xây dựng Đề án Đo lường sự hài lòng của người dân với dịch vụ khám chữa bệnh tại các tuyến. Mục tiêu của đề án là lãnh đạo bện viện có cái nhìn thực tế để có cơ sở đánh giá, nâng cao chất lượng dịch vụ, xây dựng cơ chế phản hồi thông tin giữa người bệnh với cơ sở y tế và cơ quan quản lý, từ đó thiết lập hệ thống đo lường sự hài lòng của người dân với dịch vụ khám chữa bệnh từ cơ sở y tế đến các cấp quản lý. Đối với việc cải cách thủ tục hành chính trong cấp chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh và cấp giấy phép hoạt động, Cục đã thành lập bộ phận tiếp nhận hồ sơ cấp, trả và nộp lệ phí chứng chỉ hành nghề một cửa. Đăng thông tin hướng dẫn hồ sơ cấp chứng chỉ hành nghề trên các phương tiện truyền thông đại chúng, trao đổi trực tiếp, thông báo trên bảng tin về đối tượng cấp chứng chỉ hành nghề, tiến độ, thủ tục và kịp thời giải đáp thắc mắc trong quá trình cấp chứng chỉ hành nghề...

Còn trong lĩnh vực quản lý dược, TS. Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cho biết, trong năm 2010 - 2012, Cục Quản lý Dược đã ban hành thêm 4 quy trình thẩm định nhanh hồ sơ ưu tiên, quy trình về tiếp nhận và giải quyết hồ sơ đăng ký thay đổi, bổ sung trong quá trình lưu hành... Rút ngắn thời gian cấp chứng chỉ hành nghề Dược và thực hiện liên thông trong công tác cấp phép, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân cũng như doanh nghiệp. Hệ thống hóa các dữ liệu về thuốc cấp số đăng ký công khai trên website của Cục... Theo đó, trong năm 2013, sẽ nghiên cứu và từng bước thiết lập hồ sơ điện tử và triển khai hệ thống thẩm định hồ sơ trực tuyến về công tác đăng ký thuốc.

Phải có người “cầm trịch”

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá: Trong năm 2012 công tác CCHC cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu công tác chỉ đạo điều hành, một số mặt đã có những chuyển biến tích cực, đóng góp thiết thực vào thành tích chung của Bộ. Tuy nhiên, so với những chức năng nhiệm vụ được giao, yêu cầu công việc thì công tác CCHC vẫn còn nhiều hạn chế. Nhiệm vụ trọng tâm về cải cách hành chính trong năm 2013 là đơn giản hóa thủ tục hành chính, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật kịp thời, củng cố nâng cao chất lượng công chức, viên chức, hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin... Trong đó, quyết tâm đổi mới cải cách thủ tục hành chính trong các lĩnh vực: cấp phép đăng ký lưu hành thuốc, cấp chứng chỉ hành nghề, cấp giấy phép hoạt động khám chữa bệnh, xây dựng bệnh án điện tử và cấp điều kiện sản xuất kinh doanh dược phẩm... Bên cạnh đó, Bộ trưởng cho rằng, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong CCHC là yếu tố quan trọng, vì nếu không ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hiện nay sẽ là tụt hậu. Tuy nhiên, để việc CCHC được thực hiện tốt hơn thì vai trò đầu tiên là lãnh đạo đơn vị, cơ quan tổ chức đó. Bộ trưởng đề nghị các cục, vụ, đơn vị phải đưa CCHC vào nhiệm vụ kế hoạch hoạt động của năm và phải giao một lãnh đạo đơn vị đó phụ trách về vấn đề này./.