Đổi mới doanh nghiệp nhà nước ở nước ta hiện nay
Quan hệ giữa Nhà nước và doanh nghiệp nhà nước
Nhà nước có vai trò rất to lớn, quyết định quá trình phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia. Nhà nước ta, một mặt, là bộ máy hành chính, phải quản lý toàn diện tất cả mọi mặt, mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại...; mặt khác, còn là đại diện cho toàn dân thực hiện quyền sở hữu đối với tài sản công, trong đó có doanh nghiệp nhà nước (DNNN), lúc này Nhà nước đóng vai trò như chủ sở hữu, chủ đầu tư,…
Ở nước ta Nhà nước được toàn dân ủy quyền thực hiện quyền chủ sở hữu đối với tài sản công, không có tài sản nào thuần túy thuộc sở hữu riêng của Nhà nước, mà đều thuộc sở hữu của toàn dân, nhưng do Nhà nước đại diện quản lý và cũng không có tài sản nào của toàn dân mà không ủy quyền cho Nhà nước quản lý. Nhà nước của ta là một bộ máy đồ sộ, nhiều cấp, với rất nhiều cán bộ, công chức, do vậy nên Nhà nước lại phải tiếp tục ủy quyền cho các tổ chức, các cá nhân đại diện cho Nhà nước quản lý tài sản của toàn dân, vì vậy không phải không có nguy cơ Nhà nước hành động tách rời khỏi lợi ích toàn dân.
Mối quan hệ giữa hai mặt này rất phức tạp, rất dễ chồng chéo nhau, với cơ chế ủy quyền nhiều tầng, nhiều cấp như vậy có thể trở thành nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng lãng phí, “vô chủ” tài sản công. Thực tế ở một số tập đoàn kinh tế nhà nước cũng đã cho thấy rõ điều đó. Hiện nay mối quan hệ về chế độ sở hữu giữa toàn dân với Nhà nước và mối quan hệ giữa Nhà nước với DNNN đều chưa rõ. Trách nhiệm của Nhà nước trước toàn dân trong việc quản lý, sử dụng tài sản công không được thể chế hóa trong các văn bản pháp luật. Mặt khác, làm sao để toàn dân kiểm tra, kiểm soát và điều chỉnh được người đại diện mình là Nhà nước trong việc quản lý, sử dụng tài sản công cũng chưa rõ, chưa được thực hiện trên thực tế. Trong quan hệ với DNNN, lúc nào Nhà nước đóng vai trò là cơ quan hành chính, lúc nào là đại diện chủ sở hữu, chủ đầu tư đều chưa rõ ràng.
Nhà nước can thiệp vào nền kinh tế bằng nhiều cách. Ngoài việc ban hành và tổ chức thực hiện hệ thống luật pháp, Nhà nước còn trực tiếp sử dụng công cụ, thực lực kinh tế, trong đó sử dụng các DNNN như công cụ điều tiết nền kinh tế thị trường. Xung quanh vấn đề này, ở nước ta hiện nay có các ý kiến khác nhau, ở đây xin nêu 2 nhóm ý kiến chính:
Nhóm ý kiến thứ nhất cho rằng, để điều hành nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, ngoài các chính sách, luật pháp,... Nhà nước cần thiết phải sử dụng các DNNN như một công cụ, một thực lực kinh tế mạnh, nhưng Nhà nước lại tiếp tục ủy quyền cho các tổ chức, cá nhân thay mặt Nhà nước quản lý, sử dụng các tài sản đó, trong đó có DNNN, trong khi trách nhiệm trước nhân dân không rõ, những quy định pháp lý về trách nhiệm này lại chưa có hoặc chưa rõ, cơ chế kiểm soát không rõ ràng,... dẫn đến nhiều tiêu cực.
Nhóm ý kiến thứ hai cho rằng, không nên nhấn mạnh vai trò là công cụ điều tiết nền kinh tế thị trường của các DNNN; rằng đã là doanh nghiệp thì phải kinh doanh vì mục tiêu lợi nhuận; những hàng hóa, dịch vụ phục vụ công ích thì Nhà nước phải mua của các doanh nghiệp theo giá cạnh tranh trên thị trường. Nhóm ý kiến này còn cho rằng, các nước trên thế giới không sử dụng DNNN làm công cụ điều tiết vĩ mô nền kinh tế thị trường mà vẫn điều tiết và định hướng tốt nền kinh tế theo mục tiêu của họ và sự yếu kém, hiệu quả hoạt động thấp của DNNN ở nước ta những năm qua có nguyên nhân chính từ lợi dụng vai trò này.
Qua hơn 25 năm đổi mới, đến nay có thể thấy rõ những thành tựu mà nước ta đã đạt được là rất lớn, trên hầu hết các mặt, các lĩnh vực của đời sống kinh tế và xã hội, nhưng trong quản lý nhà nước cũng bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Nổi cộm nhất trong quản lý nhà nước không phải ở khía cạnh là bộ máy hành chính, cai trị (mặc dù khía cạnh này cũng không ít những hạn chế, thậm chí yếu kém) mà chủ yếu ở khía cạnh là đại diện sở hữu toàn dân, nói cách khác là nhà đầu tư, quản lý, sử dụng tài sản công chưa hiệu quả, trong đó quản lý DNNN bộc lộ quá nhiều hạn chế, yếu kém, gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế.
Khái quát thực trạng doanh nghiệp nhà nước
Quá trình đổi mới, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta cũng là quá trình đổi mới, sắp xếp lại DNNN, do đó cùng với những thành tựu chung của nền kinh tế, DNNN cũng có những thành công nhất định, nhất là sự giảm mạnh về số lượng các doanh nghiệp và sự tăng mạnh về quy mô của một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước, điều đó có thể dễ dàng thấy được qua các báo cáo thống kê.
Các DNNN đã giảm đáng kể về số lượng, nếu năm 1990 có hơn 12.000 DNNN, thì đến năm 2000 còn khoảng 6.000 DNNN và năm 2011 chỉ còn 1.309 DNNN. So với năm
2000, tổng số DNNN giảm tới 77%, trong đó tính riêng các DNNN hoạt động kinh doanh giảm tới 83%. Một số DNNN đã khẳng định được vị trí trên thị trường, thậm chí chiến thắng trong cạnh tranh, phát huy được vai trò, vị trí của mình trong nền kinh tế.
Tuy nhiên, ngoài thành công đó thì về chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh,… của DNNN hầu như rất ít thành công. Do giảm mạnh về số lượng các DNNN có quy mô nhỏ nên ở Việt Nam hiện nay các DNNN tập trung chủ yếu vào các tập đoàn, tổng công ty lớn. Sự yếu kém của các tập đoàn, tổng công ty lớn thuộc sở hữu nhà nước đã và đang trở thành vấn đề thời sự, thu hút sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và toàn xã hội.
Nhìn chung năng suất, hiệu quả kinh doanh của DNNN còn thấp, thậm chí rất thấp, chẳng hạn:
- Để sản xuất 1 tấn thép doanh nghiệp Việt Nam cần 800 - 1.000 kWh điện, trong khi thế giới chỉ cần 300 - 500 kWh;
- Phế phẩm ngành cơ khí nội địa ở Việt Nam là 20% - 30%, trên thế giới tỷ lệ đó là 5%;
- Để sản xuất 1kWh điện (chạy than) Việt Nam tiêu hao 2.700 kCal, với các nước khác con số đó là 1.900 kCal;
- Trong công nghiệp nhẹ, tiêu hao vật chất của doanh nghiệp Việt Nam cao hơn của thế giới 20% - 30%. Nhiều sản phẩm như thép, phân bón, xi-măng, kính xây dựng của Việt Nam có giá cao hơn sản phẩm cùng loại nhập khẩu 20% - 40%;
- Chi phí đổi mới công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam chiếm 0,2% - 0,3% doanh thu, trong khi chi phí đó của thế giới là 5% -10% doanh thu.
Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước sử dụng phần lớn nguồn lực của đất nước, nhưng năng suất lao động thấp, làm cho năng suất lao động của toàn bộ nền kinh tế ở mức thấp và rất thấp.
Những năm qua, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đều có tình trạng đầu tư ngoài ngành với số lượng lớn, thua lỗ nặng, làm cho hiệu quả đầu tư của toàn bộ nền kinh tế thấp và có xu hướng tiếp tục xấu đi. Ngay cả thời kỳ tăng trưởng nhanh, thì chỉ số ICOR của Việt Nam vẫn cao hơn nhiều so với chỉ số ICOR của các nước trong khu vực.
Định hướng sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước và một số khuyến nghị
Theo đề án tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước mà Bộ Tài chính trình Chính phủ, dự kiến đến năm 2015 số lượng DNNN sẽ tiếp tục giảm mạnh, cụ thể như sau:
+ Từ 1.309 DNNN hiện nay (Nhà nước giữ 100% vốn) giảm còn 692 doanh nghiệp. Trong đó, lĩnh vực an ninh, quốc phòng, công ích: 284 doanh nghiệp; lĩnh vực hoạt động kinh doanh còn 408 doanh nghiệp.
+ Cổ phần hóa 573 doanh nghiệp. Trong đó, Nhà nước giữ 75% vốn ở 30 doanh nghiệp; 65% vốn ở 44 doanh nghiệp; giữ trên 51% vốn ở 88 doanh nghiệp và dưới 50% vốn ở 391 doanh nghiệp.
+ Sắp xếp 31 doanh nghiệp, bao gồm bán, chuyển nhượng, chuyển thành công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH); bán cho tập thể người lao động...
+ Giải thể, phá sản 13 doanh nghiệp. Trong bản đề án còn đề cập đến nhiều nội dung và giải pháp cụ thể để thực hiện, tuy nhiên có thể thấy, về cơ bản, đề án vẫn chưa làm rõ và chưa giải quyết được những vấn đề cốt lõi nhất, như:
- Vai trò đích thực của DNNN hiện nay là gì? Nhà nước có nên sử dụng DNNN làm công cụ điều tiết nền kinh tế thị trường không?
- Đại diện chủ sở hữu nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước và tại các DNNN là ai?
- Cơ chế kiểm soát hoạt động của các DNNN như thế nào? Cơ chế chống độc quyền ra sao?
- Vai trò và trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước đối với các DNNN như thế nào?
- Cơ chế công khai, minh bạch thông tin và sự giám sát của các cơ quan đại diện cho dân và của chính nhân dân đối với hoạt động của DNNN với tư cách chủ sở hữu đích thực là thế nào?
Hiện nay thực chất hoạt động của các DNNN tập trung vào hoạt động của các tập đoàn và các tổng công ty nhà nước, các DNNN còn lại rất ít và quy mô nhỏ không đáng kể. Nếu chúng ta giải quyết được sự yếu kém của các tập đoàn và tổng công ty nhà nước, thì về cơ bản vấn đề DNNN sẽ được giải quyết. Muốn nâng cao hiệu quả hoạt động, nâng cao năng lực cạnh tranh của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước cần tập trung vào một số vấn đề sau:
Một là, không nên gọi là DNNN mà nên gọi là doanh nghiệp có vốn nhà nước (với các tỷ lệ vốn nhà nước khác nhau). Ở đây không chỉ là câu chữ, cách gọi, mà là để xóa hẳn sự phân biệt DNNN với các loại doanh nghiệp khác, nghĩa là tất cả đều là doanh nghiệp, hoạt động bình đẳng như nhau theo Luật Doanh nghiệp. Trước đây, chúng ta có
2 luật khác nhau: Luật Doanh nghiệp nhà nước và Luật Doanh nghiệp. Năm 2006 ra đời Luật Doanh nghiệp chung, trong đó có các chương về doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần, công ty TNHH,... nhưng không có một chương riêng về DNNN. Điều đó đã cho thấy sự đổi mới trong luật pháp về vấn đề này.
Hai là, cần nhận thức lại vai trò đích thực của DNNN theo đúng tinh thần của các văn kiện của Đảng. Trong Văn kiện Đại hội X, XI của Đảng và các nghị quyết của Trung ương đều khẳng định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế, nhưng không có chỗ nào nói DNNN giữ vai trò chủ đạo và cũng không chỗ nào nói DNNN là công cụ điều tiết vĩ mô nền kinh tế. Cần sớm tách bạch vai trò là sức mạnh vật chất để Nhà nước điều tiết vĩ mô nền kinh tế thị trường với vai trò kinh doanh của doanh nghiệp. Tập trung rà soát và phân loại, nếu doanh nghiệp nào phục vụ cho các nhiệm vụ đặc biệt quan trọng về an ninh, quốc phòng, thì có cơ chế đặc biệt để quản lý và kiểm soát (số doanh nghiệp này trên thực tế rất ít), những doanh nghiệp còn lại hoạt động kinh doanh theo nguyên tắc của thị trường, cạnh tranh. Không nói chung chung về vai trò DNNN là công cụ điều tiết vĩ mô nền kinh tế thị trường như trước đây.
Ba là, cần đặc biệt chú ý đến cơ chế kiểm soát hoạt động của các tập đoàn và các tổng công ty nhà nước, cũng như trách nhiệm của tổ chức và cá nhân về lĩnh vực này. Thực chất không thể tìm được một tổ chức hay một cá nhân nào có thể duy nhất đại diện cho chủ sở hữu tại các DNNN, vì điều đó không có và cũng không thể tìm được, hơn nữa điều cần đặc biệt quan tâm lúc này chính là cơ chế kiểm soát đối với DNNN.
Bốn là, Nhà nước kiên quyết không ưu đãi, hỗ trợ các tập đoàn, tổng công ty nhà nước dưới dạng bao cấp hoặc bảo hộ. Cần tập trung xây dựng chính sách tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, tạo môi trường phù hợp, tự chủ, minh bạch cho hoạt động của doanh nghiệp. Thực tế chứng minh trong quá trình đổi mới, những chính sách thành công nhất không phải là chính sách ưu tiên, ưu đãi mà là chính sách tạo môi trường thuận lợi. Những can thiệp phi kinh tế ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả hoạt động của các DNNN. Để đối phó với tình hình đó các doanh nghiệp thường luồn lách, trốn tránh, khai báo thiếu trung thực để trang trải nhiều chi phí phát sinh. Doanh nghiệp “chiến thắng” chưa chắc là doanh nghiệp kinh doanh giỏi, tuân thủ luật pháp. Để khắc phục tình trạng này cần tiếp tục cải cách hành chính triệt để, mạnh mẽ, được tiến hành một cách đồng bộ, kiên quyết, khắc phục tình trạng thiếu nhất quán, không đồng bộ, chồng chéo, mâu thuẫn trong các chính sách và việc thực hiện chính sách.
Năm là, tiếp tục chuyển đổi sở hữu, tái cơ cấu bằng nhiều biện pháp, như cổ phần hóa, bán, khoán, cho thuê hoặc giải thể. Cần xác định phạm vi và tiêu chí cụ thể đối với các DNNN 100% vốn nhà nước, Nhà nước chiếm cổ phần chi phối,... Có một nghịch lý hiện nay là để cơ cấu lại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải cần đến tiền, để thoái vốn đầu tư ra ngoài ngành kinh doanh chính cũng cần tiền, thậm chí nhiều tiền để hoàn thành các dự án dang dở,... trong khi Chính phủ vẫn tiếp tục phải cơ cấu lại đầu tư công, chặt chẽ hơn trong chi ngân sách nhà nước.
Do đó cần phải tính toán cụ thể, có lộ trình cụ thể và kiên quyết về lĩnh vực này.
Sáu là, xây dựng các liên kết kinh tế, kỹ thuật giữa các DNNN với các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế nhằm phát huy sức mạnh, khai thác lợi thế, khắc phục yếu kém trong hội nhập kinh tế quốc tế, nâng cao sức cạnh tranh. Các doanh nghiệp Việt Nam cần phải hợp tác với nhau để chiến thắng trong cạnh tranh, thay vì “mạnh ai nấy làm” như hiện nay.
Bảy là, xây dựng chiến lược kinh doanh, chiến lược sản phẩm, thương hiệu,... từng bước nâng cao năng lực quản trị trong các DNNN, trong đó bao gồm các chiến lược sau:
- Xây dựng chiến lược sản phẩm đúng đắn, chọn lựa những sản phẩm mà doanh nghiệp có thế mạnh, không ngừng cải tiến nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm theo nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của thị trường xã hội. Khai thác có hiệu quả các lợi thế so sánh của quốc gia trong việc lựa chọn sản phẩm, chú trọng nghiên cứu, phát triển và hiện đại hóa sản phẩm mới. Tìm cách để sản phẩm của doanh nghiệp có tính khác biệt, độc đáo so với sản phẩm cùng loại của doanh nghiệp khác, như giá trị sử dụng, mẫu mã, bao bì,... để thu hút được nhiều khách hàng.
- Xây dựng và thực hiện chiến lược marketing, làm tốt công tác nghiên cứu thị trường, tạo được một đội ngũ những người tiếp thị giỏi. Tăng cường hoạt động quảng cáo, giới thiệu hàng hóa của doanh nghiệp mình với người tiêu dùng trong nước và ngoài nước, trong đó chú trọng đến thị trường trong nước.
- Xây dựng chiến lược đổi mới công nghệ đúng đắn, có tầm nhìn, từng bước thay thế dần công nghệ cũ bằng công nghệ mới hiện đại. Trong khi công nghệ còn lạc hậu, các DNNN trước mắt không nên đặt mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận lên hàng đầu nhằm tiếp cận và chiếm vị thế nhất định trên thị trường thế giới.
- Xây dựng chiến lược đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực điều hành, quản trị doanh nghiệp. Để làm được điều này cần có lộ trình đào tạo, thu hút, sử dụng nhân tài trong kinh doanh. Đội ngũ cán bộ quản lý, kinh doanh trong các DNNN, các tập đoàn kinh tế phải thực sự nhà nghề, vừa bảo đảm yêu cầu đạo đức, văn hóa truyền thống của con người Việt Nam, vừa có đủ kỹ năng, trình độ hội nhập với thị trường thế giới. Họ không chỉ làm giàu cho bản thân, cho đơn vị, mà còn biết chăm lo lợi ích cộng đồng. Sớm thực hiện việc thuê giám đốc điều hành là người có tài quản lý doanh nghiệp là người trong nước và nước ngoài theo tinh thần của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 khóa XI của Đảng.
- Xây dựng và thực hiện chiến lược vốn. Trên cơ sở chiến lược kinh doanh dài hạn và các mục tiêu trước mắt, doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược huy động vốn bảo đảm có đủ vốn kinh doanh. Bên cạnh nguồn vốn vay từ ngân hàng, các doanh nghiệp Việt Nam có thể huy động vốn từ các nguồn khác để tăng nguồn vốn cho mình và cố gắng tạo thế ổn định về nguồn vốn.
Trong điều kiện cụ thể của nước ta hiện nay, đổi mới DNNN cần được đặt trong mối quan hệ tổng thể với các điều kiện kinh tế - xã hội khác. Doanh nghiệp nhà nước chỉ có thể phát huy được vai trò của mình khi có hệ thống quản lý nhà nước phù hợp và có sức mạnh thật sự của chính bản thân kinh tế nhà nước. Xét đến cùng sự yếu kém của các tập đoàn và các tổng công ty nhà nước của chúng ta có nguyên nhân từ phía Nhà nước nhiều hơn từ phía các DNNN. Tìm rõ nguyên nhân của những yếu kém trong quá trình hoạt động, tìm tòi những giải pháp phù hợp, nâng cao hiệu quả hoạt động, phát huy hơn nữa vai trò của DNNN đang là một trong những vấn đề lớn, vừa có ý nghĩa cấp bách trước mắt, vừa có ý nghĩa chiến lược lâu dài của Đảng, Nhà nước ta hiện nay./.
Quân khu 9 và các tỉnh, thành Tây Nam Bộ tăng cường phối hợp thực hiện công tác dân vận  (10/01/2013)
Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới  (10/01/2013)
Nền kinh tế Mỹ: “Vách đá” đi qua, nợ nần ở lại  (10/01/2013)
Khai mạc Hội thảo Lý luận lần thứ nhất giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào  (10/01/2013)
Khai mạc Hội thảo Lý luận lần thứ nhất giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào  (10/01/2013)
Phải chăng nguồn nhân lực lãnh đạo, quản lý là quan trọng nhất?  (10/01/2013)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên