Những điểm nhấn trong công tác đối ngoại năm 2012
Quan hệ sâu sắc hơn với các đối tác
Trong năm 2012, Việt Nam đã trao đổi nhiều chuyến thăm, tiếp xúc các cấp với các nước láng giềng, khu vực, đối tác lớn, bạn bè truyền thống và các đối tác tiềm năng. Điểm nổi bật trong năm qua là số lượng đoàn cấp cao các nước thăm Việt Nam tăng mạnh, dự kiến gấp 4 - 5 lần so với năm 2011. Qua các chuyến thăm, cuộc làm việc này, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và các nước ngày càng sâu sắc hơn.
Trong chuyến thăm chính thức Cộng hòa Singapore giữa tháng 9, tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có bài nói chuyện “Vì một Đông Nam Á hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển” đề cập nhiều nội dung quan trọng trong chính sách đối ngoại của Việt Nam cũng như mối quan hệ giữa Việt Nam - Singapore.
“Năm 2013 sẽ là một dấu mốc quan trọng trong quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam và Singapore, khi chúng ta cùng nhau kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Trên nền tảng hợp tác vững chắc và sâu rộng đã tạo dựng được 40 năm qua và để phát huy những tiềm năng hợp tác còn rất lớn, tôi và Ngài Thủ tướng Lý Hiển Long cùng các nhà lãnh đạo khác của Singapore đã nhất trí cùng nỗ lực phát triển hơn nữa quan hệ Việt Nam - Singapore, đưa quan hệ lên tầm cao đối tác chiến lược. Đây là quyết tâm chung và là kết quả quan trọng của hội đàm cấp cao Việt Nam - Singapore lần này”, Tổng Bí thư cho biết.
Trong chuyến thăm chính thức Liên bang Nga vào tháng 7-2012, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và lãnh đạo Nga nhất trí đưa quan hệ Việt Nam - Nga lên tầm “đối tác chiến lược toàn diện.” Ngay sau khi trở lại vị trí người đứng đầu nước Nga, Tổng thống Putin đã ra Sắc lệnh “Về các biện pháp thực hiện chính sách đối ngoại,” trong đó khẳng định Việt Nam là một trong ba đối tác chiến lược quan trọng nhất của Nga ở châu Á - Thái Bình Dương. Nga cam kết tiếp tục hợp tác dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, tăng cường hợp tác song phương về điện hạt nhân, khai khoáng, chế biến gỗ, may mặc, thuỷ sản, giáo dục đào tạo, bảo hộ công dân…
8 năm kể từ sau cuộc họp nội các chung lần thứ nhất, Việt Nam và Thái Lan mới lại tiến hành cuộc họp nội các chung lần thứ hai tại Hà Nội vào cuối tháng 10-2012. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra đã nhất trí phấn đấu nâng quan hệ lên tầm đối tác chiến lược trong thời gian tới. Kết thúc cuộc họp Nội các chung, hai bên đã ký 3 văn kiện quan trọng: Tuyên bố chung về cuộc họp Nội các chung Việt Nam - Thái Lan lần thứ hai; Tuyên bố chung về Tầm nhìn an ninh Thái Lan - Việt Nam giai đoạn 2012 - 2016 và Thỏa thuận thành lập Hội đồng doanh nghiệp Thái Lan - Việt Nam và Việt Nam - Thái Lan.
Việt Nam phối hợp cùng các nước láng giềng đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả của các cơ chế hợp tác hiện có, thúc đẩy công tác phân giới cắm mốc với Lào; tăng cường hợp tác bộ, ngành và địa phương với Campuchia nhân kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước; tiếp tục hợp tác thương mại, đầu tư và du lịch với Trung Quốc đồng thời tranh thủ tiếp xúc cấp cao với lãnh đạo Trung Quốc nhằm tháo gỡ căng thẳng trong vấn đề xác định chủ quyền biển đảo.
Quan hệ giữa Việt Nam và các đối tác chiến lược chủ chốt tiếp tục được thúc đẩy theo hướng thực chất, đi vào chiều sâu, bền vững.
Với Nhật Bản, hai bên trao đổi nhiều đoàn các cấp, tập trung vào các hoạt động chuẩn bị kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và Năm Hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản 2013. Hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư… tiếp tục là những lĩnh vực nổi bật trong quan hệ hai nước, xuất khẩu 9 tháng đầu năm 2012 sang Nhật tăng 29,2%. Nhật Bản vẫn là nước tài trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam và là một trong những nền kinh tế phát triển công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam. Hiện hai nước đang thảo luận lập công ty cổ phần và hoàn thiện báo cáo khả thi về khai thác đất hiếm, đang đàm phán sơ bộ về tín dụng cho dự án điện hạt nhân.
Quan hệ Việt Nam - EU tiếp tục được thúc đẩy. Hai bên đã chính thức ký Hiệp định Đối tác và Hợp tác Toàn diện (PCA) và chính thức khởi động đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU vào tháng 6. Quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và các đối tác hàng đầu trong EU như Anh, Pháp, Đức, và đặc biệt là Italia đều được đẩy mạnh. Italia đã chính thức công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam, mong muốn thiết lập quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước và mời Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam thăm chính thức Italia vào quý I năm tới nhân kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao hai nước.
Ngoài ra, Việt Nam cũng đẩy mạnh quan hệ với các nước bạn bè truyền thống ở châu Á, Đông Âu, Trung Đông, châu Phi và châu Mỹ - Latinh thông qua trao đổi nhiều đoàn cấp cao và đề xuất nhiều nội dung hợp tác thiết thực. Việt Nam đã chủ trì thành công Diễn đàn Việt Nam - Mỹ - Latinh về thương mại - đầu tư vào đầu tháng 7, tạo động lực cho hợp tác giữa Việt Nam với các nước ở khu vực này.
Phát huy vai trò chủ động, tích cực và có trách nhiệm trong ASEAN
Trong năm 2012, ngoại giao đa phương được Việt Nam triển khai mạnh mẽ, hiệu quả, đặc biệt trong khuôn khổ ASEAN.
Tại các Hội nghị Cấp cao và cấp Bộ trưởng trong khuôn khổ ASEAN, Việt Nam tích cực đóng góp vào việc phát huy vai trò của ASEAN và thúc đẩy quan hệ giữa ASEAN và các đối tác.
Việt Nam đã hoàn thành tốt vai trò nước điều phối quan hệ đối thoại ASEAN - Trung Quốc trong nhiệm kỳ 2009 - 2012, đóng góp thiết thực vào tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN - Trung Quốc. Trước khi bàn giao lại vai trò điều phối này cho Thái Lan, Việt Nam đã chủ động cùng các thành viên trong khối tích cực thúc đẩy hoàn thành tài liệu quan điểm của ASEAN về các thành tố của Bộ Quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC), thống nhất phương thức sử dụng văn bản này làm cơ sở để ASEAN trao đổi với Trung Quốc về nội dung COC.
Sau nhiệm kỳ điều phối quan hệ ASEAN - Trung Quốc, Việt Nam chuyển sang tiếp nhận vài trò điều phối quan hệ ASEAN - EU trong giai đoạn 2012 - 2015. Gần đây, EU đã chủ động đề nghị Việt Nam ủng hộ thiết lập quan hệ đối tác chiến lược EU - ASEAN.
Đặc biệt, lần đầu tiên trong lịch sử tham gia ASEAN, ứng cử viên do Việt Nam giới thiệu sẽ đảm nhận vai trò Tổng thư ký ASEAN. Tại Cấp cao ASEAN 21, lãnh đạo các nước ASEAN đã chính thức phê duyệt và bổ nhiệm Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Lê Lương Minh vào cương vị Tổng thư ký ASEAN trong nhiệm kỳ 2013 - 2017.
Việt Nam đã nỗ lực cùng các thành viên ASEAN xây dựng nhiều văn kiện chung mang tính xây dựng, bảo đảm lợi ích của ASEAN, phù hợp quan điểm và lợi ích quốc gia của Việt Nam, như Tuyên bố ASEAN về Nhân quyền (AHRD), Kế hoạch Hành động triển khai Tuyên bố hoà hợp Bali về Cộng đồng ASEAN trong Cộng đồng các quốc gia toàn cầu, Tuyên bố khởi động đàm phán đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Tuyên bố chung ASEAN - Trung Quốc kỷ niệm 10 năm ký DOC.
Hiệu quả trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo
Công tác biên giới lãnh thổ luôn được coi trọng, xử lý kịp thời, nhất là vấn đề chủ quyền trên Biển Đông. Trong năm 2012, Việt Nam đã kiên quyết đấu tranh ngoại giao nhằm bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình trên Biển Đông.
Đặc biệt, Quốc hội đã thông qua Luật Biển vào tháng 6, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc bảo vệ an ninh chủ quyền biển đảo và các lợi ích chiến lược của đất nước. Bên cạnh đó, Việt Nam coi trọng hợp tác tìm giải pháp cho các tranh chấp trên biển và xây dựng lòng tin với Trung Quốc.
Với các nước ASEAN, Việt Nam triển khai hợp tác trên các hướng chính: chủ động cùng một số nước ASEAN nêu vấn đề Biển Đông/DOC tại các diễn đàn đa phương khu vực; tăng cường phối hợp và kiên trì thuyết phục ASEAN thống nhất lập trường chung về vấn đề Biển Đông và bảo đảm lập trường chung đó được phản ánh ở các mức độ khác nhau trong các Tuyên bố, văn kiện của ASEAN cũng như giữa ASEAN và các đối tác; tăng cường đàm phán phân định vùng chồng lấn thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế.
Việt Nam đã cùng Malaysia thúc đẩy Báo cáo chung về xác định ranh giới thềm lục địa, hợp tác chặt chẽ với Philippines trong các vấn đề Biển Đông, đấu tranh với đại diện Google khu vực Đông Nam Á (trụ sở đặt tại Singapore) yêu cầu sửa lỗi thể hiện sai lệch chủ quyền Việt Nam ở Biển Đông trên bản đồ trực tuyến Google Maps.
Bên cạnh những điểm nhấn trên, một nét nổi bật nữa trong công tác ngoại giao năm 2012 là ngoại giao văn hoá được đẩy mạnh, tập trung vào viện triển khai Chiến lược ngoại giao văn hoá đến năm 2020. Trong năm 2012, Việt Nam đã có nhiều hoạt động phong phú nhân dịp kỷ niệm Năm Hữu nghị với các đối tác và bạn bè như Lào, Campuchia, Ấn Độ, Hàn Quốc…
Việt Nam vận động thành công UNESCO công nhận một số di sản như Thành nhà Hồ, Mộc bản Kinh Phật chùa Vĩnh Nghiêm, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và đang tiếp tục vận động UNESCO công nhận quần thể danh thắng Tràng An./.
Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh với những tiêu chí sáng tạo thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW  (02/01/2013)
Chung quanh vấn đề thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu với tập thể theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI  (02/01/2013)
Lại ngẫm chuyện chọn người đứng đầu  (02/01/2013)
Kỳ họp thứ 6 - Hội đồng Lý luận Trung ương  (02/01/2013)
Chính thức công bố Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992  (02/01/2013)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay