TCCSĐT - Ngày 4-12 vừa qua, Nhật Bản đã chính thức khởi động cuộc tranh cử vào Hạ viện được ấn định vào ngày 16-12 tới.

Cách đây không đầy hai tuần, Thủ tướng Nhật bản Y-ô-si-hi-cô Nô-đa (Yoshihiko Noda) (đảng Dân chủ Nhật Bản - DPJ) dưới áp lực của phe đối lập đã tuyên bố giải tán Quốc hội để tiến hành tổng tuyển cử trước thời hạn. Ông Y. Nô-đa đã phải nhượng bộ và thỏa hiệp như vậy với phe đổi lập để đổi lấy sự chấp thuận của phe đối lập trong Thượng viện khi phê chuẩn một số bộ luật như luật về tăng thuế và thu chi ngân sách nhà nước.

Lần này, tổng cộng có 12 đảng phái chính trị với 1.482 ứng cử viên tham gia tranh cử. Trong số 480 ghế dân biểu ở Hạ viện, 300 ghế sẽ được bầu chọn giữa các ứng cử viên với nhau, còn 180 ghế được bầu ra từ danh sách đề cử của các đảng. Cuộc đấu chính vẫn là giữa đảng DPJ và đảng Dân chủ tự do Nhật Bản (LDP) như năm 2009. Lần ấy, đảng DPJ đã giành được thắng cử lớn, chấm dứt thời kỳ cầm quyền kéo dài suốt nhiều thập kỷ - trừ một lần bị gián đoạn ngắn - của đảng LDP ở Nhật Bản. Kết quả các cuộc thăm dò dư luận mới đây nhất ở Nhật Bản đều dự báo đảng DPJ sẽ thất cử và đảng LDP sẽ trở lại cầm quyền, nhưng cả LDP cũng sẽ không giành được đa số tuyệt đối và vì thế sẽ phải liên minh với một số đảng nhỏ khác được bầu vào quốc hội.

Đây là cuộc tổng tuyển cử đầu tiên kể từ sau thiên tai và thảm hoạ hạt nhân hồi tháng 3 năm ngoái ở Phu-cư-si-ma (Fukushima). Rất có thể vì ám ảnh và tác động của sự kiện này mà cả hai đảng nói trên đều bắt đầu cuộc vận động tranh cử ở Phu-cư-si-ma và việc từ bỏ hay tiếp tục sử dụng các nhà máy điện hạt nhân cũng như nếu từ bỏ thì theo lộ trình nào trở thành một trong những chủ đề nội dung tranh cử trung tâm. Ngoài ra, cử tri ở đất nước này quan tâm hàng đầu tới chủ định của các đảng về phục hồi tăng trưởng kinh tế sau bốn lần suy thoái liên tiếp kể từ năm 2000 trở lại đây và có đối sách như thế nào đối với Trung Quốc cũng như Triều Tiên. Trong thời gian vừa qua, chuyện tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với Trung Quốc trên biển Hoa Đông rất sôi động và gay cấn, còn Triều Tiên hiện lại đang chuẩn bị tiến hành thử nghiệm tên lửa tầm xa.

Cương lĩnh tranh cử của đảng DPJ và đảng LDP rất khác nhau, thậm chí còn cả trái ngược nhau. Chủ tịch đảng LDP, cựu thủ tướng Sin-dô A-bê (Shinzo Abe), khẳng định quan điểm cứng rắn và không khoan nhượng đối với Trung Quốc trong chuyện tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, tăng chi phí quốc phòng và nới lỏng hơn nữa những hạn chế trong Hiến pháp Nhật bản về phạm vi và chức năng hoạt động của quân đội Nhật Bản. Trái ngược với ông Y. Nô-đa, ông S. A-bê chủ trương gia tăng áp lực đối với Ngân hàng Trung ương Nhật bản để tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ, bơm thêm tiền vào hệ thống ngân hàng và tài chính cũng như tiếp tục có thêm những chương trình tài chính kích cầu của Nhà nước để phục hồi tăng trưởng kinh tế.

Ông Y. Nô-đa đã chủ ý chơi cú đòn tâm lý khi coi cuộc bầu cử Quốc hội này có tính chất và ý nghĩa định mệnh đối với Nhật Bản. Tại Phu-cư-si-ma, ông Y. Nô-đa tuyên bố: "Cuộc bầu cử này sẽ quyết định liệu chúng ta tiến về phía trước với những gì phải làm hay quay ngược đồng hồ để trở lại với những chính sách của thời quá khứ". Ông Y. Nô-đa cũng công nhận khả năng đảng LDP có thể trở lại cầm quyền nhưng cảnh báo cử tri về hậu quả của việc đó là "tất cả sẽ thay đổi theo hướng tồi tệ hơn nếu đảng LDP cầm quyền".

Dù đảng nào sẽ thắng cử và chính phủ liên hiệp nào sẽ được thành lập sau cuộc bầu cử Quốc hội này thì chiều hướng thiên hữu và ngả về chủ nghĩa dân tộc trên chính trường và trong xã hội Nhật Bản vẫn sẽ tiếp tục gia tăng, sự phân hoá trong nội bộ xã hội và trên chính trường vẫn chưa thể sớm được khắc phục, nếu như không nói có nguy cơ còn sâu sắc thêm. Bởi vậy, ở Nhật Bản chưa thể sớm có được ổn định về phương diện quyền lực chính trị./.