TCCSĐT - Từ ngày 5-12-2012, Diễn đàn Hợp tác kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long 2012 (MDEC - Tiền Giang 2012) với chủ đề “Hướng đến nền nông nghiệp chất lượng và bền vững”, do Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ phối hợp với các bộ, ngành Trung ương, các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức, chính thức khai mạc tại thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang.

Diễn đàn Hợp tác kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được tổ chức hằng năm ở các tỉnh, thành vùng ĐBSCL theo Quyết định số 388/QĐ-TTg ngày 25-3-2010 của Thủ tướng Chính phủ với mục tiêu: Tăng cường quảng bá hình ảnh và tiềm năng, thế mạnh của vùng; tạo điều kiện xúc tiến chương trình hợp tác giữa các tỉnh, thành phố trong vùng với nhau; với các bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành trong cả nước; với các cơ quan, tổ chức quốc tế; với các nước có lợi ích liên quan trong việc quản lý và sử dụng tài nguyên sông Mê Kông nhằm khai thác có hiệu quả hơn các nguồn lực sẵn có của từng địa phương và vùng ĐBSCL. Diễn đàn cũng là nơi tập hợp sáng kiến của các nhà khoa học trong và ngoài nước, các nhà quản lý, các nhà doanh nghiệp; qua đó, báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho vùng ĐBSCL phát triển mạnh mẽ, bền vững.

Ông Dương Minh Điều, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức MDEC - Tiền Giang 2012, cho biết: Cùng với các mục tiêu nêu trên, với chủ đề “Hướng đến nền nông nghiệp chất lượng và bền vững”, MDEC - Tiền Giang 2012 sẽ tập trung bàn thảo, đề xuất những giải pháp, sáng kiến để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế ngành nông nghiệp của ĐBSCL theo hướng nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng trong bối cảnh ứng phó với biến đổi khí hậu; đề xuất giải pháp, cơ chế, chính sách đặc thù đối với các mặt hàng nông sản chủ lực ĐBSCL, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế và đời sống nông dân, giúp nông dân và chính quyền hiểu và gần nhau hơn; đồng thời góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong thời kỳ suy thoái kinh tế hiện nay.

Diễn ra từ ngày 5-12 đến ngày 9-12, MDEC - Tiền Giang 2012 sẽ có các sự kiện chính là: Diễn đàn Nông dân ĐBSCL; Diễn đàn Doanh nghiệp ĐBSCL; Hội chợ trái cây ĐBSCL; Hội nghị xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch ĐBSCL; Hội thảo về cơ chế, chính sách đặc thù đối với 3 sản phẩm chủ lực vùng ĐBSCL là lúa gạo, trái cây, thủy sản; Hội thảo quốc tế tham vấn “Kế hoạch châu thổ sông Cửu Long đến năm 2100” và Hội nghị Ban Chỉ đạo MDEC ra tuyên bố chung kiến nghị với Chính phủ về cơ chế, chính sách, giải pháp để phát triển một nền nông nghiệp chất lượng và bền vững.

Diễn đàn Nông dân ĐBSCL là hoạt động mới của MDEC 2012. Mục tiêu của Diễn đàn là tạo ra “kênh thông tin - đối thoại” hữu ích và thiết thực, để các cơ quan Trung ương, chính quyền địa phương và doanh nghiệp lắng nghe những kiến nghị, giải đáp tâm tư, nguyện vọng của nông dân, tăng cường mối quan hệ giữa nông dân với doanh nghiệp và chính quyền dựa trên nhu cầu, điều kiện, lợi ích của nhau để cùng sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả. 

Diễn đàn Doanh nghiệp ĐBSCL xây dựng kênh đối thoại trực tiếp giữa các bộ, ngành Trung ương, chính quyền các tỉnh, thành với cộng đồng doanh nghiệp nhằm xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vùng ĐBSCL. Diễn đàn sẽ tập trung bàn luận và kiến nghị giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp ở ĐBSCL trong bối cảnh khó khăn chung của doanh nghiệp và kinh tế đất nước. Nhân dịp này, Hội đồng Hiệp hội doanh nghiệp ĐBSCL, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam quyết định thành lập, sẽ chính thức làm lễ ra mắt.

Hội chợ trái cây ĐBSCL gắn kết với Hội chợ nông nghiệp quốc tế lần thứ 12 - Agroviet 2012, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì tổ chức, nhằm quảng bá hình ảnh “Đất phù sa cho cây trái ngọt lành” và tôn vinh nhà vườn, nhà khoa học và doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh trái cây.

Hội thảo khoa học về cơ chế, chính sách đặc thù đối với các mặt hàng chủ lực của vùng ĐBSCL tập trung thảo luận, đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù phát triển sản xuất và tiêu thụ 3 sản phẩm chủ lực của vùng là lúa gạo, trái cây, thủy sản; nêu định hướng và giải pháp để khắc phục tình trạng sản xuất - kinh doanh manh mún, hướng đến mục tiêu tăng cường liên kết vùng, phát triển bền vững vùng ĐBSCL.

Hội thảo quốc tế tham vấn “Kế hoạch châu thổ sông Cửu Long đến năm 2100” nằm trong kịch bản ứng phó với biến đổi khí hậu vừa được thông qua tại cuộc họp Phân ban hợp tác Việt Nam - Hà Lan lần thứ II tại Amsterdam. Hội thảo sẽ tập trung bàn thảo về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm chủ lực của vùng; tìm giải pháp quản lý tốt các nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường, giúp ĐBSCL vượt qua thách thức do tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng./.