TCCSĐT - Ngày 27-9-2012, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 9-2012.

Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 và 9 tháng năm 2012, Chính phủ thống nhất đánh giá kinh tế - xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực, đúng hướng; mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô đạt được những kết quả bước đầu, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng hợp lý.

Về thực hiện mục tiêu tăng trưởng, tốc độ tăng GDP quý III/2012 ước khoảng 5,35%, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. Tốc độ tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm có xu hướng cải thiện sau từng quý, quý sau cao hơn quý trước (GDP quý I tăng 4%, quý II tăng 4,66%, quý III ước tăng 5,35%). Tính chung GDP 9 tháng đầu năm ước đạt 4,73%. Đáng chú ý, giá trị tăng thêm khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng khoảng 2,48%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,36%; khu vực dịch vụ tăng khoảng 5,97%. Thời gian qua, Chính phủ đã quyết liệt thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là các giải pháp đề ra trong Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 13/NQ-CP của Chính phủ.

Sản xuất công nghiệp chuyển biến tích cực qua từng tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 9 tháng tăng khoảng 4,8% so với cùng kỳ năm 2011. So với tháng trước, chỉ số IIP tháng 6 tăng 2%,  tháng 7 tăng 3,2%, tháng 8 tăng 4,1%, tháng 9 tăng 4,6%. IIP 8 tháng đầu năm tăng 4,7%, IIP 7 tháng đầu năm tăng 4,8%, IIP 6 tháng đầu năm tăng 4,5%, IIP 5 tháng đầu năm chỉ tăng 4,2%; hàng tồn kho có xu hướng giảm dần.

Sản xuất nông, lâm, thủy sản khá ổn định. Giá trị sản xuất toàn ngành 9 tháng ước tăng 3,7%, trong đó nông nghiệp tăng 2,9%, lâm nghiệp tăng 6,2%, thủy sản tăng 5,3%.

Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng ước đạt trên 1.713 nghìn tỷ đồng, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm 2011. Các hoạt động du lịch, vận tải, bưu chính viễn thông,... tiếp tục phát triển, đáp ứng nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của nhân dân.

Chín tháng đầu năm, ước khoảng 51.000 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký trên 350,5 nghìn tỷ đồng, giảm 11,7% về số doanh nghiệp nhưng tăng 0,7% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2011. Tính đến nay, cả nước có trên 675.000 doanh nghiệp đã được thành lập, trong đó khoảng 472.000 doanh nghiệp đang hoạt động, chiếm gần 70%.

Sau khi giảm liên tục trong 7 tháng đầu năm 2012, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đang có xu hướng tăng trở lại. CPI tháng 9 tăng 2,2%, là mức tăng cao nhất trong 9 tháng qua. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 9 tăng 5,13% so với tháng 12-2011 và tăng 6,48% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng giá tiêu dùng của các năm trước.

Chính sách tiền tệ, tín dụng được điều hành một cách chặt chẽ, linh hoạt, kết hợp hài hòa với chính sách tài khóa, góp phần kiềm chế lạm  phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Lãi suất huy động và cho vay đã giảm nhanh, với tổng mức giảm từ 5 - 8%/năm, phù hợp với diễn biến lạm phát, kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ. Tỷ giá giao dịch VND/USD trên thị trường cơ bản ổn định. Cán cân thanh toán quốc tế 9 tháng ước thặng dư ở mức khoảng 8 tỷ USD, là điều kiện quan trọng để tăng dự trữ ngoại tệ của cả nước.

Tính đến ngày 31-8-2012, tổng phương tiện thanh toán (M2) ước tăng 10,37%; tổng số dư tiền gửi ở các tổ chức tín dụng tăng 11,23%; tính đến 20-9, tổng dư nợ tín dụng tăng khoảng 2,35% so với thời điểm 31-12-2011.

Lũy kế từ đầu năm đến ngày 15-9, tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 468,55 nghìn tỷ đồng, bằng 63,3% dự toán, trong đó, thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 54,8% dự toán. Tổng chi ngân sách nhà nước ước đạt 606,35 nghìn tỷ đồng, bằng 67,1% dự toán.

Xuất khẩu tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng, tính chung 9 tháng, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 83,79% tỷ USD, tăng 18,9% so với cùng kỳ năm trước. Tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 83,76 tỷ USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm trước. Xuất siêu 9 tháng đầu năm khoảng 34 triệu USD, bằng 0,04% tổng kim ngạch nhập khẩu. Đây là kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn, nhu cầu nhập khẩu của nhiều thị trường giảm. Việc giảm mạnh tốc độ tăng nhập khẩu và có xuất siêu cũng góp phần cân đối ngoại tệ, ổn định tỷ giá và tăng dự trữ ngoại tệ của Nhà nước.

Trong 9 tháng đầu năm, tạo việc làm cho khoảng 1.130.000 lao động, đạt trên 70,6% chỉ tiêu kế hoạch năm, trong đó xuất khẩu động khoảng 60.000 người, đạt 66,7% kế hoạch năm. An sinh xã hội được bảo đảm; tai nạn giao thông giảm mạnh trên cả 3 tiêu chí. Giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, văn hóa, thể thao và các vấn đề xã hội khác có tiến bộ. Quốc phòng, an ninh được tăng cường; công tác đối ngoại tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh.

Tuy nhiên, tình hình kinh tế - xã hội vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức: Kinh tế vĩ mô chưa thực sự ổn định vững chắc; chỉ số giá tiêu dùng đang có xu hướng tăng trở lại; tăng trưởng kinh tế còn chậm. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chậm lại; sản xuất, kinh doanh phục hồi chậm. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội và thu ngân sách nhà nước đạt thấp so với kế hoạch đề ra. Đời sống của một bộ phận dân cư gặp khó khăn; các tệ nạn xã hội, tội phạm diễn biến phức tạp.

Phân tích, dự báo tình hình kinh tế thế giới và trong nước, nhiều thành viên Chính phủ cho rằng, tình hình kinh tế thế giới vẫn diễn biến phức tạp và chứa đựng nhiều rủi ro và dự báo tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng những tháng cuối năm của nước ta có thể sẽ cao hơn so với những đầu năm. Do vậy, một số thành viên Chính phủ nêu quan điểm cần tiếp tục chủ động ưu tiên trong thực hiện các giải pháp nhằm kiềm chế lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô. Trong đó, tập trung mạnh vào xử lý dứt điểm nợ xấu trong hệ thống ngân hàng thương mại, bảo đảm an toàn cho toàn hệ thống ngân hàng.

Kết luận Phiên họp, Thủ tướng đã nhấn mạnh đến các giải pháp đồng bộ, quyết liệt để kiềm chế lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô. Cụ thể:

- Một là, thực hiện quyết liệt Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 26-9-2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá những tháng cuối năm 2012. Cân đối hàng hóa, bảo đảm cung cầu, không để thiếu hàng, sốt giá; tăng cường công tác quản lý thị trường, kiểm soát chất lượng hàng nhập khẩu gắn với chống gian lận hàng hóa, hàng giả, hàng kém chất lượng; chú trọng về các tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh, an toàn cho người tiêu dùng, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán.

- Hai là, tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, phù hợp với các cân đối vĩ mô. Tăng trưởng tín dụng hợp lý, đi liền với chất lượng tín dụng; tổng phương tiện thanh toán phù hợp; giữ ổn định tỷ giá, lãi suất phù hợp với lạm phát, vừa bảo đảm tăng trưởng kinh tế vừa góp phần kiềm chế lạm phát. Sớm xử lý vấn đề nợ xấu gắn với tái cấu trúc ngân hàng thương mại.

- Ba là, thực hiện chính sách tài khóa hợp lý, phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ, tín dụng; cân đối thu chi, giữ mức bội chi ngân sách theo kế hoạch đã đề ra. Đẩy nhanh việc thực hiện và giải ngân đối với các dự án sử dụng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn chương trình mục tiêu quốc gia. Thực hiện tốt công tác đền bù, giải phóng mặt bằng; bố trí đủ vốn đối ứng cho các dự án ODA, đặc biệt là các dự án lớn nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

- Bốn là, tăng cường tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước theo các đề án đã phê duyệt, tập trung vào lĩnh vực sản xuất chính. Tập trung tháo gỡ khó khăn hỗ trợ sản xuất, kinh doanh theo tinh thần Nghị quyết số 13/NQ-CP, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng sức mua, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa nhưng không làm bất ổn kinh tế vĩ mô và lạm phát tăng cao trở lại. Triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ sản xuất lương thực, chăn nuôi và thủy sản.

- Năm là, tiếp tục thực hiện các biện pháp tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, đặc biệt là người lao động mất việc làm từ các doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động, gia đình thuộc diện giải tỏa, thu hồi đất sản xuất. Thực hiện tốt, có hiệu quả chính sách an sinh xã hội, đặc biệt là đối với người có công với cách mạng, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, gia đình chính sách; đẩy mạnh thực hiện các giải pháp hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững.

- Sáu là, bảo đảm an ninh quốc phòng, tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tội phạm một cách thường xuyên và liên tục.

- Bảy là, làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, định hướng dư luận, củng cố niềm tin, tạo đồng thuận trong triển khai thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra.

Thủ tướng nhấn mạnh, thực hiện tốt bảy giải pháp này không chỉ bảo đảm cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của năm 2012 mà còn cho những năm tiếp theo, vì sự phát triển bền vững của đất nước./.