TCCSĐT - Trong những năm qua, hệ thống chính trị cơ sở ở tỉnh Hoà Bình đã được củng cố, xây dựng trên cả ba mặt: Chính trị, tư tưởng, tổ chức, đã phát huy vai trò hạt nhân chính trị, lãnh đạo toàn diện các mặt công tác ở cơ sở.

Nhìn chung, chất lượng tổ chức cơ sở đảng được nâng lên. Toàn tỉnh có 77% tổ chức cơ sở đảng đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh, kết nạp được trên 16.000 đảng viên, xóa 17 xóm, thôn trắng đảng viên, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể được tăng cường.

Tuy nhiên, chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở vẫn còn những hạn chế, nhất là nhận thức của một số cán bộ đảng viên về vị trí, vai trò của hệ thống chính trị cơ sở chưa đầy đủ, phương thức hoạt động của một số tổ chức trong hệ thống chính trị chậm được sửa đổi, hiệu quả chưa cao, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, quản lý nhà nước của đội ngũ cán bộ còn thấp. Yêu cầu đặt ra là phải tiếp tục củng cố, nâng cao hơn nữa năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện các hoạt động kinh tế - xã hội của hệ thống chính trị cơ sở.     

Từ thực tế đó, các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã xác định công tác xây dựng quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã là nhiệm vụ mang tính chiến lược, là biện pháp quan trọng để xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở bảo đảm số lượng, chất lượng và cơ cấu hợp lý, phù hợp với điều kiện đặc thù của tỉnh miền núi, khắc phục tình trạng bị động, hẫng hụt và chắp vá trong công tác cán bộ. Từ năm 2006 đến nay, tỉnh đã mở 3 lớp trung cấp hành chính, 3 lớp trung cấp tài chính, 3 lớp trung cấp địa chính, 2 lớp trung cấp luật, 2 lớp trung cấp quân sự, 1 lớp trung cấp văn hóa, 4 lớp quản lý kinh tế, 11 lớp đại học chuyên môn, 32 lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước và bình quân mỗi năm mở từ 5 đến 10 lớp trung cấp chính trị cho cán bộ, công chức cấp xã; đưa vào quy hoạch 3.541 lượt cán bộ cho các chức danh chủ chốt cấp xã. Đây là điều kiện quan trọng cho sự ổn định chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, là yếu tố quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội ổn định của các huyện trong tỉnh.                

Ngoài ra, thực hiện chủ trương tăng cường cán bộ cho cơ sở, đã có 32 đồng chí được tăng cường từ huyện, thành phố về các xã, phường, đặc biệt đã bố trí được 2 cán bộ chủ chốt cho 2 xã nơi có đa số đồng bào Mông sinh sống; xét tuyển được 45 công chức và tuyển được 119 người vào làm việc ở các xã, phường, thị trấn. Các cấp ủy đảng trong tỉnh cũng chú trọng quan tâm tạo nguồn cán bộ tại chỗ, lựa chọn đối tượng có triển vọng trưởng thành từ phong trào cơ sở để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng; thực hiện tốt chính sách đối với cán bộ được tăng cường góp phần động viên cán bộ nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ.

Công tác xây dựng, củng cố và kiện toàn hệ thống chính trị đối với các xã, thị trấn vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được đặc biệt quan tâm. Hiện nay, hệ thống chính trị ở hầu hết 210 xã, phường, thị trấn được kiện toàn đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng, đội ngũ cán bộ công chức cấp xã được bố trí đủ, đúng chức danh theo Nghị định số 92/2009/NĐ-CP của Chính phủ.       

Xác định công tác vận động quần chúng là nhiệm vụ trọng tâm, trong thời gian qua, hệ thống chính trị cơ sở với vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đã tích cực tuyên truyền, động viên nhân dân phát huy quyền làm chủ, thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước gắn với phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương và đã thu được nhiều kết quả tích cực, điển hình như công tác xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm đã được triển khai khá tốt, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 31,3% năm 2005 xuống còn 26,09% năm 2011; đến nay, 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã, trong đó số xã có đường ô tô đi lại cả 2 mùa là 60 xã; 100% số xã có điện lưới đến trung tâm; số xã đặc biệt khó khăn đã giảm từ 102 xã năm 2005 xuống còn 73 xã năm 2011; tỷ lệ phủ sóng phát thanh đạt 100%, phủ sóng truyền hình đạt 80% số xã; số trẻ em đi học đúng độ tuổi tăng từ 88,7% năm 2005 lên 95,5% năm 2011; 207/210 xã có trạm y tế và tỷ lệ trạm y tế có bác sỹ đạt 60%. Các gia đình thuộc diện chính sách, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, tật nguyền hoặc gặp rủi ro luôn được các cấp chính quyền quan tâm thăm hỏi, tặng quà, giúp đỡ và động viên.        

Công tác vận động quần chúng đã đạt được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực, tập hợp ngày càng nhiều đoàn viên, hội viên, thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trong tỉnh luôn được bảo đảm, đời sống của người dân nói chung, người dân các dân tộc thiểu số nói riêng ngày càng được cải thiện./.