TCCSĐT - Sáng 21-9, tại Nhà hát Thành phố, Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 67 năm ngày Nam bộ kháng chiến (23-9-1945 – 23-9-2012). Dự Lễ có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Nguyễn Thị Thu Hà - Phó Bí thư Thành ủy,  Lê Hoàng Quân - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân; các đồng chí lãnh đạo của Thành ủy; lãnh đạo các ban ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang; đại diện các Mẹ Việt Nam anh hùng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Tại Lễ kỷ niệm, đồng chí Dương Quan Hà – Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh cùng với các đại biểu ôn lại: cách đây 67 năm, sau Cách mạng Tháng Tám thành công, được sự hỗ trợ của đồng minh Anh - Ấn, thực dân Pháp kéo vào Sài Gòn, gây hấn, tái chiếm Việt Nam, với âm mưu tiếp tục áp đặt ách thống trị của chúng trên đất nước ta, hòng biến nhân dân ta thành người nô lệ. Với tinh thần "độc lập hay là chết", nhân dân Nam bộ đã đồng lòng nhất tề đứng lên tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược nước ta lần thứ II. Trước tình hình ấy, Hội nghị Xứ ủy và Ủy ban hành chính Nam bộ đã phân tích, đánh giá tình hình, so sánh lực lượng ta và địch, rồi đi đến quyết định: phát động nhân dân kháng chiến, đồng thời gửi điện báo gấp ra Trung ương và Chủ tịch Hồ Chí Minh xin chỉ thị. Tiếp đó, Lời kêu gọi kháng chiến của Ủy ban kháng chiến Nam bộ ra đời: "Độc lập hay là chết! Hôm nay, Ủy ban kháng chiến kêu gọi: Tất cả đồng bào, già trẻ, trai gái, hãy cầm vũ khí xông lên đánh đuổi quân xâm lược...". Đáp lại Lời kêu gọi ấy, ngay trong đêm 22, rạng ngày 23-9-1945, những trận chiến đấu anh dũng của quân dân ta chống thực dân Pháp diễn ra rất quyết liệt, nhất là trận chiến đấu của tiểu đội vũ trang bảo vệ cột cờ Thủ Ngữ. Đến tối 23-9, quân và dân Khánh Hội tiến công diệt bót Thương Khẩu, bót số 6, bắt nhiều tù binh, giải thoát được nhiều thanh niên yêu nước bị giặc Pháp bắt giam, đây là trận đánh lớn nhất của quân và dân Sài Gòn - Chợ Lớn trong ngày mở màn cuộc Kháng chiến Nam bộ.

Cùng với nhân dân Nam bộ, cả nước đã dấy lên phong trào ủng hộ Nam bộ kháng chiến thông qua nhiều cuộc mít tinh, biểu tình, biểu thị sự phẫn nộ và quyết tâm chiến đấu đến cùng để bảo vệ độc lập dân tộc. Khắp các tỉnh ở Bắc - Trung bộ đều có “Phòng Nam bộ” để ghi tên những người tình nguyện vào Nam giết giặc, các đội quân “Nam tiến” đã nhanh chóng đến chiến trường Nam bộ đóng góp sức người, sức của, để nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định đảm nhận tốt sứ mệnh là "Người đi trước" thực hiện lời thề ghi trong Tuyên ngôn độc lập ngày 2-9-1945: "Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy...".

Đồng chí Dương Quan Hà nhấn mạnh: Bài học kinh nghiệm lớn nhất của nhân dân Nam bộ là: Mặt trận Việt Minh, Ủy ban Kháng chiến Nam bộ dưới sự lãnh đạo của Đảng đã giương cao ngọn cờ độc lập, tự do, phát huy khí thế Cách mạng Tháng Tám, tinh thần yêu nước nồng nàn của các tầng lớp nhân dân, đoàn kết, trên dưới một lòng, quyết tâm chống lại giặc Pháp xâm lược, bảo vệ từng tấc đất Tổ quốc. Tấm lòng yêu nước, sẵn sàng hy sinh tất cả cho Tổ quốc, tinh thần đại đoàn kết, kiên cường đấu tranh cho độc lập dân tộc là truyền thống quý báu của nhân dân ta được ngời sáng trong Nam bộ kháng chiến, được tiếp tục gìn giữ và nâng cao trong nhiều năm đấu tranh gian khổ tiếp theo trong suốt cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và cả trong thời bình xây dựng đất nước.

Với niềm tự hào những thành quả của Nam bộ kháng chiến, đồng chí Dương Quan Hà tin tưởng rằng: cán bộ, chiến sĩ, các giới đồng bào và các tầng lớp nhân dân Thành phố hãy tiếp tục phát huy tinh thần yêu nước, tinh thần năng động, sáng tạo vốn có của mình, chúng ta nguyện tiếp tục đoàn kết, nỗ lực khắc phục mọi khó khăn, phấn đấu cùng với toàn Đảng bộ, chính quyền thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ IX và Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020... Quyết tâm xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh thành một thành phố xã hội chủ nghĩa văn minh, hiện đại; đóng góp ngày càng lớn với khu vực phía Nam và cả nước, từng bước trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học công nghệ lớn của đất nước và khu vực Đông Nam Á.

Đại diện Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ truyền thống kháng chiến Thành phố, dù tuổi cao, sức yếu, song với khí thế cách mạng và tinh thần Nam Bộ kháng chiến bất khuất, ông Tăng Anh Dũng - Ủy viên Thường trực Câu lạc bộ đã khẳng định: “Kỷ niệm 67 năm Nam Bộ kháng chiến là dịp chúng ta ôn lại những bài học quý báu của lịch sử dân tộc, trong đó quan trọng nhất là chủ nghĩa yêu nước sâu sắc, ý chí kiên cường bất khuất của cha ông truyền lại từ nhiều ngàn năm dựng nước và giữ nước. Những bài học ấy vô cùng quý báu và cần thiết cho các thế hệ hôm nay và mai sau, nối tiếp tiền nhân, xây dựng và bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc”.

Thay mặt thế hệ trẻ của Thành phố Hồ Chí Minh, đồng chí Trần Thị Tranh Thảo - Bí thư Quận đoàn 4 cho rằng: Từ truyền thống ngày Nam bộ kháng chiến, tuổi trẻ Thành phố cảm nhận được những hy sinh, mất mát của các thế hệ cha, ông, bởi vậy, để sống xứng đáng với sự hy sinh cao đẹp đó, mỗi đoàn viên, thanh niên của Thành phố sẽ tiếp tục phát huy sự năng động, sáng tạo, tìm tòi các mô hình, giải pháp, tổ chức thực hiện nhiều công trình kinh tế - xã hội nhằm đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác Đoàn và phong trào thiếu nhi; đồng thời, nhận thức sâu sắc hơn nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; quyết tâm cùng toàn Đảng, toàn dân thực hiện tốt sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước./.