Nông nghiệp: Nền tảng công nghiệp hóa Đài Loan
1. Phát triển nông nghiệp: Nền tảng công nghiệp hóa Đài Loan
Có nhiều yếu tố tạo nên sự thần kỳ của nền kinh tế Đài Loan, tuy nhiên, đầu tư phát triển nông nghiệp, lấy nông nghiệp làm cơ sở để phát triển công nghiệp và thực hiện chiến lược công nghiệp hoá hướng ngoại được coi là yếu tố cơ bản đầu tiên. Những năm 50 của thế kỷ trước, thu nhập bình quân đầu người của Đài Loan chỉ vào khoảng 70 đô-la Mỹ. Khi đó, khoảng 80% dân số tham gia làm nông nghiệp. Sản xuất nông nghiệp là ngành kinh tế chủ đạo của Đài Loan.
Thời kỳ phát triển theo phương châm lấy nông nghiệp nuôi công nghiệp là từ năm 1952 đến năm 1960. Thời kỳ này, nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn, lao động trong nền kinh tế bị dư thừa, cán cân thanh toán quốc tế thâm hụt nặng, thiếu ngoại hối nghiêm trọng, người dân do thu nhập thấp nên không thể tiêu dùng được các sản phẩm công nghiệp nhập khẩu. Chính phủ Đài Loan đã coi ổn định để phát triển là tư tưởng chủ đạo và quyết định phương châm lấy nông nghiệp nuôi công nghiệp, ngược lại công nghiệp phát triển làm cơ sở để phát triển nông nghiệp cao hơn. Cải cách ruộng đất được thúc đẩy để tăng sản lượng nông sản phẩm, tuy nhiên sản phẩm gia công còn chiếm tỷ lệ rất cao trong hàng hóa xuất khẩu. Năm 1957, tỷ trọng nông nghiệp xuất khẩu đạt tới 71,5% và nông nghiệp là nguồn thu ngoại tệ chủ lực.
Trong giai đoạn đầu, nông nghiệp Đài Loan tập trung tăng năng suất dựa vào quảng canh, áp dụng cường độ lao động cao và tăng cường vốn. Nhưng ở giai đoạn sau, tập trung đầu tư theo chiều sâu, chú trọng tới năng suất và hiệu quả.
Để khôi phục và phát triển kinh tế, Đài Loan đã thực hiện chính sách cải cách nông nghiệp, được thực hiện theo 3 giai đoạn: Giai đoạn 1(1949 - 1951): giảm thuê mướn; Giai đoạn 2 (1951 - 1953): bán đất công; Giai đoạn 3 (1953 - 1955): thực hiện chương trình đất giành cho người nông dân (land-to-the-tiller). Chương trình cải cách nông nghiệp giai đoạn 1949 - 1953 đã tạo nền tảng cho quá trình công nghiệp hóa của Đài Loan trong giai đoạn 1960 - 1980. Sản xuất nông nghiệp được cải thiện đáng kể, đạt tăng trưởng hàng năm khoảng 4,7%, cho phép Đài Loan chuyển đổi thặng dư để đầu tư vào công nghiệp. Đài Loan đã đạt được mức tăng trưởng kinh tế trung bình 9% trong suốt những năm từ năm 1960 đến năm 1980. Bên cạnh đó, Chính phủ Đài Loan đã thực hiện rất hiệu quả nguồn trợ giúp kinh tế của Mỹ, tổng số lên tới 1.465 tỷ đô-la Đài Loan trong giai đoạn 1951 - 1965. Hơn 1/3 khoản trợ giúp này được đầu tư phát triển nông nghiệp, phần còn lại đầu tư vào công nghiệp, khai mỏ, giao thông, sức khỏe, giáo dục và phát triển xã hội.
Việc thúc đẩy thực hiện chương trình cải cách nông nghiệp theo 3 giai đoạn này đã mang lại cho Đài Loan thêm 3 lợi ích: Thứ nhất, cải cách nông nghiệp giúp Đài Loan tránh được việc thiếu nguồn lực kinh tế và tiết kiệm cho nền kinh tế Đài Loan một khoản vốn cần phải vay mượn; Thứ hai, việc thúc đẩy chính sách cải cách nông nghiệp và sự mong muốn có thêm nguồn thu nhập mới buộc tầng lớp tư sản phải có trách nhiệm trước những cơ hội mới mở ra cho họ; Thứ ba, cải cách nông nghiệp dẫn đến hiện tượng thống trị của phần lớn những gia đình chiếm hữu ruộng đất nhỏ ở khu vực nông thôn Đài Loan, từ đó thúc đẩy mạnh sự tái phân phối thu nhập ở khu vực này.
Sau cuộc cải cách ruộng đất “Người cày có ruộng” và “Giảm tô 375”, một hệ thống chính sách và quy hoạch phát triển nông nghiệp đã dần dần được hoàn chỉnh. Trong vòng 20 năm sau cải cách, hơn 70% lao động nông nghiệp đã dịch chuyển sang các ngành công nghiệp, thương nghiệp và dịch vụ.
2. Tiến trình phát triển nông nghiệp Đài Loan
Chính phủ Đài Loan lập ra một chương trình phát triển nông nghiệp hướng vào công nghiệp. Chương trình này được phác thảo nhằm mở ra một kỷ nguyên mới cho sự phát triển của nông nghiệp Đài Loan khi bước vào thế kỷ XXI.
Sau chiến tranh thế giới thứ hai, nền kinh tế quy mô nhỏ ở Đài Loan đã trải qua thời kỳ hơn 50 năm phát triển thành công, một thời kỳ phát triển liên tục, song ở mỗi giai đoạn phát triển chung thì nông nghiệp lại có một vai trò riêng của mình. Sự phát triển của nông nghiệp đã đặt nền tảng cho “thần kỳ kinh tế” của Đài Loan. Có thể chia các giai đoạn phát triển nông nghiệp của Đài Loan theo các giai đoạn phát triển sau:
Chiến lược phát triển nông nghiệp sau khủng hoảng (từ năm 1945 đến năm 1953). Sau chiến tranh thế giới thứ hai, các cơ sở nông nghiệp ở Đài Loan đã bị thiệt hại nghiêm trọng. Vì vậy, chính phủ Đài Loan tập trung phục hồi các cơ sở thuỷ nông để gia tăng mức sản xuất nông phẩm. Các chương trình nông nghiệp lần lượt ra đời và có hiệu lực, đó là “Hệ thống hàng đổi hàng: gạo - phân bón”; “Qui định phân phối phân bón”; “Luật quản lý thực phẩm”; “Luật giảm tiền thuế 37,5%”; “Luật bán đất công”. Nhờ những biện pháp này, sản xuất nông nghiệp được phục hồi lên tới mức cao nhất của thời kỳ trước chiến tranh.
Phát triển công nghiệp thông qua nông nghiệp (1954 - 1967). Khi đã tạo lập hiệu quả nền tảng cho phát triển nông nghiệp, chính quyền Đài Loan đã đưa ra kế hoạch phát triển nền kinh tế quốc dân 4 năm lần thứ nhất, với chủ trương “Nuôi dưỡng công nghiệp thông qua nông nghiệp - phát triển nông nghiệp bằng công nghiệp”. Đài Loan, một mặt, đưa ra những biện pháp khuyến khích nâng cao mức sản xuất nông nghiệp tổng thể thông qua các chương trình như “Chương trình nuôi heo hợp nhất”, “Chương trình vụ mùa và vật nuôi hợp nhất”, “Dự án cung cấp tài chính nông nghiệp” và “Quy định mở rộng nông nghiệp”; mặt khác, để tăng chuyển giao các quỹ vốn từ lĩnh vực nông nghiệp sang các lĩnh vực phi nông nghiệp, năm 1954 chính quyền trung ương đưa ra chương trình “Các loại thuế đất nông nghiệp” và “Thu mua bắt buộc lúa gạo ” làm công cụ theo đuổi chính sách quy định giới hạn giá thực phẩm.
Phát triển công nghiệp song song với nông nghiệp (1967 - 1983). Sau giai đoạn cất cánh của nền công nghiệp, Đài Loan đã có những bước phát triển xa hơn trong nền kinh tế. Mặc dù các dịch vụ công nghiệp và thương mại đã góp phần cực kỳ quan trọng vào sự phát triển kinh tế thành công của Đài Loan, vai trò của nông nghiệp vẫn được thừa nhận về phương diện là ngành cung cấp thực phẩm và lương thực thiết yếu và có những đóng góp đối với nền kinh tế. Trong giai đoạn đầu, các phương pháp sản xuất tập trung vào việc tăng cường thu hoạch để xuất khẩu thu ngoại tệ, sử dụng nhiều lao động phục vụ cho việc chế biến măng tây, cà chua... Trong giai đoạn sau, các phương pháp sản xuất đòi hỏi nhiều vốn được khuyến khích như đánh bắt cá xa bờ và ven bờ, xuất khẩu thịt gà và thịt lợn. Thời kỳ này, Đài Loan tiếp tục đưa ra các chương trình và ban hành một số đạo luật phù hợp như: “Chương trình xúc tiến cơ giới (năm 1970)”; “Luật phát triển nông nghiệp (năm 1973)”; “Luật về giá bán nông sản (năm 1974)”; “Luật tái thiết nông thôn và nâng cao thu nhập nông dân (năm 1979)” và chương trình “Nâng cao xây dựng cơ bản và giúp người nông dân có thu nhập cao hơn (năm 1982)”.
Điều chỉnh và phục hồi nông nghiệp (1984 - 1990). Sau 30 năm phát triển thành công, ngành nông nghiệp Đài Loan đã đạt đến mức phát triển cao nhất trong điều kiện nguồn lực tự nhiên khan hiếm. Bên cạnh đó, do đòi hỏi của các đối tác mậu dịch khác nhau, các sản phẩm nông nghiệp nhập khẩu từ nước ngoài đã bắt đầu xâm chiếm thị trường Đài Loan, gây ra sự mất cân đối giữa cơ cấu sản xuất và marketing, khiến Đài Loan thực hiện điều chỉnh với chương trình “Chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp và tăng thu nhập cho nông dân” và “Tăng sản xuất lúa gạo”.
Mặc dù sản xuất nông nghiệp của Đài Loan gia tăng với tỷ lệ hằng năm là 2%, nhưng đóng góp từ nông nghiệp cho tổng sản phẩm quốc dân (GNP) của vùng lãnh thổ này lại giảm từ 6,3% (năm 1984) xuống 4,2% (năm 1990), lao động trong lĩnh vực nông nghiệp giảm từ 17,6% xuống 12,9% trong cùng thời kỳ.
Giai đoạn đa chức năng (1991 - đến nay). Để đối phó với những thách thức tự do hoá mậu dịch, giữ gìn và bảo vệ môi trường, Đài Loan thực thi chương trình “Điều chỉnh thống nhất” năm 1991, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của các yếu tố, như: nguồn nhân lực, đất đai, thị trường, kỹ thuật, phương pháp tổ chức, phúc lợi xã hội và bảo tồn tự nhiên. “Sách trắng về chính sách nông nghiệp” năm 1995 đã cam kết dài hạn về các yếu tố sản xuất, về bảo vệ môi trường và duy trì mức sống của người dân. Năm 1997, chương trình “Phát triển nông nghiệp xuyên thế kỷ” phát huy hiệu lực. Nhờ đó nông nghiệp tăng trưởng liên tục, tuy tỷ trọng đóng góp trong GDP của nông nghiệp vẫn tiếp tục giảm. Năm 2000, tỷ trọng của nông nghiệp trong GDP chỉ còn 2,1% - Đây là một xu hướng tích cực của nền kinh tế.
Đài Loan định hướng chính sách nông nghiệp theo 4 nguyên tắc: Thứ nhất, kinh tế nông nghiệp, chuyển các trang trại nông nghiệp thành các doanh nghiệp nông nghiệp; Thứ hai, kỹ thuật nông nghiệp, tăng năng suất lao động và hiệu quả các hoạt động tiếp thị thông qua ứng dụng kỹ thuật tiên tiến; Thứ ba, môi trường nông nghiệp, chỉ đạo các hoạt động kinh doanh nông nghiệp gắn với các lợi ích xã hội như an ninh, bảo tồn sinh thái và văn minh nông thôn; Thứ tư, quốc tế hoá sản xuất nông nghiệp, thông qua việc tăng cường trao đổi hợp tác kỹ thuật nông nghiệp và thúc đẩy các hoạt động kinh tế và mậu dịch toàn cầu.
Nông nghiệp Đài Loan đã hoàn thành sự chuyển đổi từ là một yếu tố quan trọng trong tổng sản phẩm quốc dân, trở thành một yếu tố mang tính phi kinh tế với vai trò tạo ra những khoảng không gian của thiên nhiên và làm xanh môi trường, tiếp tục bảo tồn thiên nhiên.
3. Những nhân tố đóng góp vào thành công của ngành nông nghiệp Đài Loan
Là một vùng lãnh thổ với diện tích nhỏ hẹp, tài nguyên thiên nhiên ít được ưu đãi, song nông nghiệp Đài Loan đã phát triển với tốc độ nhanh và bền vững. Lý giải nguyên nhân, nhiều người cho rằng, nhờ những chính sách vĩ mô phù hợp, sự lựa chọn những sản phẩm có lợi thế trong đầu tư, trong đó các ngành kinh tế khác phải đóng vai trò là những ngành hỗ trợ cho nông nghiệp. Song yếu tố được coi là góp phần quan trọng cho sự thành công của mô hình phát triển nông nghiệp Đài Loan chính là các thể chế, sự đầu tư và những chiến lược phù hợp trong từng thời kỳ. Cụ thể:
Một là, chiến lược thúc đẩy cải cách ruộng đất. Chương trình cải cách ruộng đất đã làm thay đổi cơ cấu quyền sở hữu đất đai ở Đài Loan, với tỷ lệ nông dân là chủ sở hữu tăng nhanh, lên tới 65%, trong khi tỷ lệ nông dân là người thuê ruộng đất giảm xuống chỉ còn 14%. Sự chuyển đổi này tạo động lực kinh tế lớn cho người nông dân, khiến họ đầu tư nhiều hơn cả về vật chất lẫn tinh thần vào sản xuất nông nghiệp. Trước cải cách, kết quả của những chính sách gia tăng sản xuất nông nghiệp thuộc về chủ đất hơn là chính những người canh tác. Tuy nhiên, sau cải cách ruộng đất, những thành quả đã thực sự thuộc về người nông dân.
Hai là, thiết lập Uỷ ban chung Trung – Mỹ về tái thiết nông thôn JCRR (The Chinese-American Joint Commission on Rural Reconstruction). JCRR được thành lập để tài trợ cho một số dự án nhằm đẩy mạnh cơ giới hóa nông thôn, phát triển nông nghiệp ở vùng đất dốc, khuyến khích vật nuôi, phát triển ngành chế biến thực phẩm và tăng cường xuất khẩu thực phẩm. JCRR hỗ trợ cả kỹ thuật và tài chính cho các cơ quan và các tổ chức, giúp đỡ những dự án nông nghiệp và nông thôn trong giai đoạn gần 30 năm (1950 - 1978). Những dự án này đã tạo ra nhiều cơ hội việc làm trong nông nghiệp Đài Loan.
Ba là, vai trò của các tổ chức nông nghiệp. Hiện có 4 tổ chức nông nghiệp chính ở Đài Loan: 1) Hiệp hội nông dân: bao gồm những nhóm hợp tác đa mục đích, do chính những người nông dân lập ra nhằm mang lại những lợi ích cho bản thân như nâng cao tri thức nông nghiệp, các kỹ năng gia tăng sản xuất, tăng thu nhập nông nghiệp và cải thiện điều kiện sống; 2) Hiệp hội thuỷ lợi: với chức năng chính là quy định sử dụng nước tưới tiêu, thu phí nước, xây dựng và bảo trì các cơ sở thuỷ lợi; 3) Hiệp hội ngư dân: với chức năng tương tự như hội nông dân, chỉ khác ở chỗ các hoạt động nhắm đến ngư dân; 4) Hợp tác xã marketing cây ăn quả: bao gồm những nông dân tích cực tham gia trồng cây ăn quả mới đủ điều kiện là thành viên của hội.
Trong các yếu tố tạo nên thành công của phát triển nông nghiệp Đài Loan, thì vai trò của các tổ chức nông nghiệp rất quan trọng. Trong đó, Nông hội là một tổ chức có quy mô lớn nhất. Về cơ bản đó là những tổ chức kinh tế hợp tác làm dịch vụ phi nông nghiệp, bao gồm cung cấp vật tư và tiêu thụ nông sản, giúp nông dân tăng sức mạnh thương lượng trong hoạt động mua bán. Nông hội được xây dựng để làm cầu nối giữa chính phủ và nông dân, gắn nông dân với chính phủ, 50% vốn và kinh phí hoạt động của Nông hội do chính phủ cung cấp, chưa kể các đầu tư trực tiếp khác cho nông thôn như xây dựng kết cấu hạ tầng, chuyển giao giống mới, tiến bộ kỹ thuật qua các chương trình phát triển.
Bốn là, thành lập hàng loạt các viện nghiên cứu kỹ thuật. Đổi mới công nghệ và áp dụng công nghệ mới là những yếu tố hết sức quan trọng trong cải tiến và thúc đẩy sản xuất nông nghiệp nói riêng và phát triển nông thôn nói chung. Viện Academia Sinica là viện khoa học đầu ngành ở Đài Loan. Viện sinh kỹ thuộc Academia Sinica chủ yếu nghiên cứu khoa học cơ bản, trong khi Viện nghiên cứu nông nghiệp và 6 trạm cấp huyện chịu trách nhiệm tiến hành những thí nghiệm ứng dụng ở từng khu vực. Ngoài ra, một số viện nghiên cứu khác đã được thành lập nhằm giải quyết những vấn đề cụ thể như sâu bọ, thuốc lá, đường, chè, chuối, rừng, vật nuôi, đánh bắt cá và chế biến thực phẩm.
Năm là, mở rộng các dịch vụ hỗ trợ. Bao gồm những dịch vụ khác, như: mở rộng các trạm nông nghiệp cấp huyện - thực chất đây là việc tạo cầu nối giữa nghiên cứu nông nghiệp với thử nghiệm những kỹ thuật nông nghiệp mới trên các cánh đồng; tăng cường dịch vụ tín dụng, các hội nông dân đóng vai trò rất tích cực trong việc cung cấp tiền vào mục đích sản xuất và marketing (tiền quỹ chủ yếu là từ sự đóng góp các thành viên và một phần được hỗ trợ từ chính phủ, các ngân hàng trong nước); dịch vụ marketing cũng được hình thành bởi các hội nông dân, như marketing hợp tác nuôi lợn, sản xuất trứng, rau quả, gia cầm và rau xanh... tất cả nhằm gia tăng khả năng bán sản phẩm của nông dân và duy trì hiệu quả hoạt động marketing.
Sáu là, nâng cấp kết cấu hạ tầng nông thôn. Các hiệp hội thuỷ lợi chịu trách nhiệm cung cấp nước tưới tiêu cho xây dựng và quản lý hệ thống thuỷ lợi tổng thể. Nhờ nỗ lực của các hiệp hội này, hiện hơn 60% đất nông nghiệp có hệ thống thuỷ lợi. Ngoại trừ các vùng miền núi xa nhất, một hệ thống đường xuyên các vùng nông thôn đã được hình thành đến từng làng xóm, phục vụ cho mục đích vận tải và marketing nông sản.
Ngoài ra, nông nghiệp Đài Loan phát triển được là còn phải kể đến các chính sách bảo hộ của chính phủ thông qua những biện pháp trợ giá, giảm thuế quan và có các hàng rào bảo vệ khác. Chính phủ, một mặt, bảo vệ nông dân phát triển sản xuất nông nghiệp bằng chính sách bảo hộ, mặt khác, đối phó với sức ép quốc tế đòi hỏi tự do hoá mậu dịch.
Đài Loan có chính sách hỗ trợ nông nghiệp hết sức hiệu quả, đặc biệt là hình thức tổ chức hợp tác xã nông nghiệp rất thành công. Các nông gia là xã viên gắn bó lợi ích thiết thực với hợp tác xã theo những “chuỗi giá trị” từ đầu vào đến đầu ra sản phẩm nông nghiệp. Đài Loan đã sử dụng khoảng 1/3 số vốn viện trợ tái thiết của Mỹ vào phát triển nông thôn, chủ yếu là phát triển khoa học kỹ thuật, dạy nghề cho nông dân và cấp vốn tín dụng cho nông nghiệp.
Chính nhờ vậy, đến nay, tuy số lượng người làm nông nghiệp chỉ còn 7% nhưng do nâng cao được trình độ kỹ thuật, cơ giới hóa hoàn toàn sản xuất, xây dựng tốt mạng lưới tiêu thụ sản phẩm, nên nông nghiệp Đài Loan không chỉ đáp ứng được nhu cầu nội địa mà còn có khả năng phục vụ cho cả một số thị trường nước ngoài. Hiện tại, người nông dân không còn làm những công việc thủ công như gặt lúa, hái quả hay bón phân nữa. Những công việc này đều được các doanh nghiệp bên ngoài bao thầu. Sản phẩm của nông dân đều có mã vạch riêng. Khi đưa sản phẩm ra bán ngoài thị trường, khách hàng có thể dễ dàng đánh giá được chất lượng sản phẩm.
Tóm lại, nếu không có sự đóng góp to lớn của ngành nông nghiệp, “thần kỳ kinh tế” Đài Loan sẽ không bao giờ xảy ra. Nông nghiệp Đài Loan được thừa nhận là mô hình phù hợp với các nước đang phát triển, đặc biệt là những nền kinh tế dựa vào nông nghiệp có quy mô tương đối nhỏ như Việt Nam./.
Tỷ lệ phiếu bầu, phiếu tín nhiệm có phải là thước đo uy tín của người lãnh đạo hiện nay?  (21/09/2012)
Lại thêm các biện pháp trừng phạt Đa-mát được đưa ra bàn thảo  (21/09/2012)
Quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Đức tạo khuôn khổ hợp tác toàn diện mạnh mẽ và hiệu quả  (21/09/2012)
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và tiếp lãnh đạo tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc)  (21/09/2012)
Phiên họp thường kỳ lần thứ 4 của Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội  (21/09/2012)
Điện mừng Tổng thống nước Cộng hòa Liên bang Xô-ma-li  (21/09/2012)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên