TCCSĐT - Ngày 14-9-2012, Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) có trụ sở tại Giơ-ne-vơ (Geneve), Thụy Sĩ cho biết thế giới cần ít nhất 40 năm để phục hồi tầng ô-dôn (ozone) trở về mức độ của thời điểm trước năm 1980 vì quá trình này tại những vùng địa cực và Nam Cực không đồng nhất.
1. Khoảng 1,5 triệu trẻ em tử vong do tiêu chảy mỗi năm

 
Thiếu nguồn nước sạch là một trong những nguyên nhân làm tăng nguy cơ lây lan của dịch tả

Ngày 10-9-2012, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố báo cáo cho biết, mỗi năm trên thế giới có tới hơn 1,5 triệu trẻ em dưới năm tuổi tử vong vì bệnh tiêu chảy. Theo Trung tâm phát triển bền vững và môi trường sức khỏe của Tổ chức Y tế Thế giới, việc thiếu nguồn nước sạch, hệ thống vệ sinh và ý thức vệ sinh kém của mỗi người làm tăng nguy cơ lây lan của các bệnh truyền nhiễm, trong đó có dịch tả. Trong đó, tại khu vực Đông Á, mỗi năm có 150.000 trẻ tử vong do dịch tả. Theo báo cáo của Trung tâm phát triển bền vững và môi trường sức khỏe đưa ra tại Hội nghị cấp Bộ trưởng lần thứ ba khu vực Đông Á về vấn đề vệ sinh, khu vực này đã gần như hoàn tất thực hiện Mục tiêu phát triển thiên nhiên kỷ về cải thiện hệ thống vệ sinh. Tuy nhiên, một số nước nghèo vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức lớn để đạt được mục tiêu này. Cụ thể, khoảng 700 triệu người ở Đông Á chưa được tiếp cận với nước sạch và hệ thống vệ sinh tiêu chuẩn. Kết quả một cuộc điều tra khác của Liên hợp quốc cũng cho biết, nhiều bệnh viện, trạm y tế tại khoảng 60% các nước trên thế giới đều không có những thông tin tuyên truyền về sử dụng nước sạch và cải thiện hệ thống vệ sinh, nhằm nâng cao ý thức và sức khỏe cho cộng đồng.

2. Mỹ kỷ niệm ngày 11-9 

 
Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma và phu nhân tưởng nhớ các nạn nhân trong vụ 11-9-2011

Ngày 11-9-2012 (theo giờ địa phương), các hoạt động tưởng niệm nạn nhân vụ tấn công khủng bố 11-9 đã diễn ra trên toàn nước Mỹ, từ thủ đô Oa-sinh-tơn (Washington), Pen-sin-va-ni-a (Pennsylvania) cho đến Niu-Oóc (New York), nơi gần 3000 người thiệt mạng cách đây tròn 11 năm. Sau hồi chuông nguyện tại Nhà Trắng, Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma (Barack Obama) và phu nhân đã dành một phút mặc niệm để tưởng nhớ các nạn nhân trước khi dự lễ tưởng niệm tại Bộ Quốc phòng Mỹ. Phát biểu tại Lầu Năm Góc, Tổng thống Ô-ba-ma nhấn mạnh, nước Mỹ luôn ghi nhớ những người đã khuất, và sự kiện 11-9 chỉ khiến người dân Mỹ mạnh mẽ và đoàn kết hơn. Trong khi đó, lễ tưởng niệm tại Niu-Oóc bắt đầu vào đúng 8h46 phút sáng, thời khắc chiếc máy bay bị bắt cóc đầu tiên đâm vào tòa tháp phía Bắc của Trung tâm thương mại thế giới. Hàng ngàn người đã tới đặt hoa và đọc tên các nạn nhân của vụ khủng bố kinh hoàng nhất trong lịch sử nước Mỹ. Lần đầu tiên trong 11 năm qua, không có bất kỳ quan chức nào phát biểu trong lễ tưởng niệm tại Niu-Oóc để tránh khả năng sự kiện này bị chính trị hóa trong lúc cuộc bầu cử tổng thống đang vào giai đoạn nước rút. Tổng thống Ô-ba-ma và ứng cử viên Mít Rôm-ni (Mitt Romney) cũng đã quyết định tạm ngừng chiến dịch tranh cử trong ngày 11-9. 

3. Hội nghị trù bị chung ASEAN và các Hội nghị liên quan

Từ ngày 11 đến 14-9-2012 tại Phnôm Pênh (Phnom Penh), Cam-pu-chia, đã diễn ra các Hội nghị Quan chức cao cấp (SOM) của ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác, gồm: Hội nghị Trù bị chung ASEAN (JPM), các Hội nghị SOM ASEAN, SOM ASEAN+3 và SOM EAS, với trọng tâm là bàn công tác chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao ASEAN 21 và các Cấp cao liên quan sẽ được tổ chức vào tháng 11-2012. Nhân dịp này cũng đã diễn ra Cuộc họp Tham vấn không chính thức SOM ASEAN-Trung Quốc về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) và Cuộc họp SOM ASEAN-Mỹ để chuẩn bị cho Cấp cao ASEAN-Mỹ lần thứ tư. Các Hội nghị đã cơ bản thống nhất chương trình hoạt động, nghị sự và danh mục các văn kiện của Hội nghị Cấp cao ASEAN 21 và các Cấp cao liên quan tháng 11-2012. Theo đó, các Hội nghị Cấp cao lần này sẽ diễn ra từ 17 đến 19-11-2012; trước đó sẽ có các Hội nghị trù bị của các Bộ trưởng và quan chức cao cấp. Những chủ đề thảo luận chính tại các Hội nghị Cấp cao lần này gồm: Đẩy mạnh xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 và triển khai Hiến chương, tăng cường Kết nối, mở rộng quan hệ hợp tác với các đối tác trên cơ sở vai trò trung tâm của ASEAN, hướng tương lai của các tiến trình khu vực ASEAN+1, ASEAN+3, EAS và các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm. Trong trao đổi tại Hội nghị, các nước đều nhấn mạnh ASEAN cần tiếp tục đẩy mạnh Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015, đi đôi với tăng cường kết nối; phát huy vai trò chủ đạo ở khu vực; mở rộng hợp tác với các đối tác và ứng phó với các thách thức đang nổi lên. Các đối tác tiếp tục khẳng định coi trọng việc phát triển quan hợp tác với ASEAN, hỗ trợ ASEAN xây dựng cộng đồng. Các nước đặc biệt nhấn mạnh việc tăng cường đoàn kết ASEAN, ủng hộ và mong muốn ASEAN phát huy hơn nữa vai trò trung tâm, thể hiện qua việc xử lý các vấn đề quan tâm chung ở khu vực, nhất là những vấn đề liên quan đến hòa bình, an ninh và hợp tác ở khu vực.

4. Hội nghị các quan chức cấp cao các nước thành viên của ASEM 9

Ngày 12-9-2012 tại thủ đô Viêng-chăn (Vientiane), Lào đã diễn ra Hội nghị các quan chức cấp cao (SOM) các nước thành viên của Hội nghị Á- Âu (ASEM) nhằm hoàn thiện công tác chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao Á - Âu lần thứ 9 (ASEM 9) sẽ được tổ chức tại nước này vào tháng 11 tới. Tại Hội nghị lần này, các quan chức cấp cao Á-Âu tập trung thảo luận về các vấn đề về kinh tế, tài chính bao gồm: Những thách thức đối với kinh tế toàn cầu, chia sẻ những kinh nghiệm của khu vực châu Á và châu Âu; khủng hoảng tài chính và tái cơ cấu nền kinh tế, tài chính; xây dựng nền kinh tế xanh, và tự do hóa cho thương mại, đầu tư, kết nối khu vực. Bên cạnh đó, hội nghị cũng thảo luận về các vấn đề toàn cầu khác như chống phổ biến vũ khí hạt nhân; an ninh năng lượng và an ninh lương thực; các vấn đề biến đổi khí hậu; kiểm soát và giảm thiểu thiên tai; chống khủng bố và cướp biển; đối thoại về tín ngưỡng; và thúc đẩy hợp tác về văn hóa, xã hội. Bên lề hội nghị SOM lần này, Học viện Ngoại giao Lào phối hợp với Viện Nghiên cứu chiến lược và phát triển Phi-líp-pin, Viện Nghiên cứu chiến lược đa phương Xin-ga-po và Viện Nghiên cứu chiến lược Đức tổ chức hội thảo cấp chuyên viên nhằm tập trung nghiên cứu, tăng cường nhận thức về các vấn đề có liên quan đến khu vực Á- Âu. Những kết quả tại Hội nghị SOM lần này sẽ được trình lên Hội nghị Cấp cao Á - Âu diễn ra ngày 5 và 6-11-2012 tới.

5. IAEA thông qua nghị quyết về vấn đề hạt nhân I-ran

Ngày 13-9-2012, Ban Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) bao gồm các đại diện của 35 quốc gia đã thông qua một Nghị quyết chỉ trích chương trình hạt nhân gây tranh cãi của I-ran. Theo nguồn tin từ các nhà ngoại giao, Nghị quyết được thông qua với 31 phiếu thuận, đại diện của Cu-ba đã bỏ phiếu chống và có ba nước thành viên bỏ phiếu trắng, trong đó có Ai Cập sau cuộc họp kín tại trụ sở của IAEA ở thủ đô Viên (Vienna) của Áo. Nghị quyết của IAEA đã lên án Iran không thực hiện những yêu cầu của cộng đồng quốc tế cũng như những nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về việc ngừng làm giàu u-ra-ni và không giải tỏa được những quan ngại xung quanh chương trình hạt nhân được cho là để nghiên cứu chế tạo bom hạt nhân. Các thành viên trong Ban giám đốc của IAEA với đa số tán thành đã bày tỏ sự quan ngại sâu sắc trước những bước tiến mà Tê-hê-ran (Tehran) đã đạt được trong chương trình phát triển hạt nhân đồng thời cũng thúc giục I-ran tuân thủ nghị quyết của IAEA mà không có bất cứ sự trì hoãn nào. IAEA cũng nêu rõ nguyện vọng của cơ quan này là nhằm tìm giải pháp hòa bình cho vấn đề trên. Nghị quyết của IAEA được đưa ra trong bối cảnh I-xra-en tuyên bố đã hết kiên nhẫn và đe dọa sẽ tấn công I-ran khi cho rằng những biện pháp ngoại giao và trừng phạt đối với Tê-hê-ran tỏ ra không có hiệu quả. Bản nghị quyết vừa được IAEA thông qua do Nhóm P5+1 (gồm năm nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cùng với Đức) đề xuất hôm 10-9-2012.

6. Thế giới cần 4 thập kỷ nữa để phục hồi tầng ô-dôn

Ngày 14-9-2012, Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) có trụ sở tại Giơ-ne-vơ (Geneve), Thụy Sĩ cho biết thế giới cần ít nhất 40 năm để phục hồi tầng ô-dôn (ozone) trở về mức độ của thời điểm trước năm 1980 vì quá trình này tại những vùng địa cực và Nam Cực không đồng nhất. Phát biểu với phóng viên, nhà khoa học cấp cao Ghe Bra-a-then (Geir Braathen) của WMO cho biết trong thập kỷ qua, tầng ô-dôn bình lưu tại các vùng Bắc Cực và Nam cực cũng như trên toàn cầu tuy không suy giảm thêm, nhưng vẫn chưa thực sự phục hồi. Dự đoán, vào giữa thế kỷ này, tầng ô-dôn ngoài những vùng địa cực sẽ được cải thiện hơn nhiều so với mức độ trước năm 1980, nhưng tại Nam Cực quá trình này sẽ kéo dài rất lâu nữa. Năm 2000, lượng khí thải làm suy giảm ô-dôn trong tầng bình lưu tại Nam Cực đã lên mức tối đa nhưng hiện đang giảm với tỷ lệ khoảng 1%/năm. Bản tin “Ô-dôn Nam Cực” do WMO phát hành ngày 14-9-2012 cũng cho biết vào giữa tháng này, lỗ thủng ô-dôn Nam Cực sẽ nhỏ hơn so với cùng thời điểm của năm 2011, nhưng vẫn còn lớn hơn so với năm 2010. Lỗ thủng ô-dôn Nam Cực là một hiện tượng định kỳ hằng năm vào mùa Đông và mùa Xuân do nhiệt độ cực thấp trong tầng bình lưu và sự hiện diện của các chất suy giảm tầng ôdôn. Hiện tốc độ phục hồi ôdôn tại đây được đánh giá là đang rất chậm. Theo các nhà khoa học, mức độ suy giảm tầng ô-dôn được ngăn chặn chính là nhờ Nghị định thư Môn-trê-an (Montreal) về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, được ký kết vào ngày 16-9-1987. Hiệp ước quốc tế này đã thành công trong việc buộc các nước giảm sản xuất và tiêu thụ, loại bỏ dần các hóa chất phá hủy tầng ô-dôn. Năm 2012 đánh dấu lễ kỷ niệm 25 năm các nước ký Nghị định thư Môn-trê-an về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, có hiệu lực ngày 1-1-1989.

7. Kinh tế Trung - Nhật ảnh hưởng vì tranh chấp chủ quyền

 
Căng thẳng do tranh chấp quần đảo Sen-sa-ku/Điếu Ngư gây ảnh hưởng đến quan hệ hợp tác giữa Trung - Nhật

Những căng thẳng xung quanh quần đảo tranh chấp đang ảnh hưởng đến quan hệ hợp tác giữa hai nền kinh tế lớn của thế giới này. Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đã ngừng các hoạt động sản xuất tại Trung Quốc do lo ngại xung đột leo thang. Các hoạt động xuất nhập khẩu song phương cũng giảm. Các số liệu thống kê mới đây của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) cho thấy, xuất khẩu trong sáu tháng đầu năm của Nhật Bản sang Trung Quốc giảm 5,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là lần đầu tiên trong 14 năm qua, xuất khẩu của Nhật Bản sang Trung Quốc giảm. Xuất khẩu giảm trong khi nhập khẩu tăng khiến thâm hụt thương mại của Nhật Bản với Trung Quốc tăng lên gần 18 tỉ USD trong nửa đầu năm nay, so với mức thâm hụt 2,6 tỉ USD cùng kỳ năm ngoái. Nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại, hợp tác thương mại - đầu tư giữa Trung Quốc và Nhật Bản có thể tiếp tục đi xuống khi chưa giải quyết được vấn đề chủ quyền quần đảo Sen-sa-ku (Sensaku)/Điếu Ngư. Trước những diễn biến căng thẳng xung quanh vấn đề quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư tiếp tục leo thang, phát biểu trên truyền hình ngày 16-9-2012, Thủ tướng Nhật Bản Y-ô-si-hi-cô Nô-đa (Yoshihiko Noda) kêu gọi Chính phủ Trung Quốc tiến hành các biện pháp bảo đảm an toàn cho công dân và tài sản của Nhật Bản tại Trung Quốc. Các nguồn tin Chính phủ Nhật Bản cho biết, Thủ tướng Nô-đa dự kiến sẽ đưa vấn đề lãnh thổ vào bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc cuối tháng này. Trước đó, phía Trung Quốc cũng đã thể hiện lập trường và quan điểm liên quan đến các cuộc biểu tình chống Nhật Bản. Người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi khẳng định, các công dân Nhật Bản tại Trung Quốc được bảo đảm an toàn theo luật pháp. Bên cạnh đó, mọi công dân Trung Quốc phải bày tỏ quan điểm và chính kiến của mình theo quy định của luật pháp./.