Ngày 18-9-2012, tại Hà Nội Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức hội thảo tham vấn với chủ đề: "Cải cách chính sách đất đai: Các vấn đề xã hội và giới" với sự tham gia của các nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia trong nước và quốc tế hoạt động trong lĩnh vực liên quan tới chính sách đất đai, giới và phát triển xã hội.
Chia sẻ kết quả nghiên cứu "Tiếp cận đất đai của Phụ nữ trong xã hội Việt Nam hiện nay" do UNDP tài trợ, Bà Nguyễn Thị Phương Châm cho biết: Hiện nay, tỷ lệ phụ nữ đứng tên chủ quyền đất ở và các loại đất khác thấp hơn so với nam giới, ở nông thôn thấp hơn ở đô thị. Tỷ lệ phụ nữ đứng tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc đứng tên cùng chồng có xu hướng cao hơn khi đó là đất do cha mẹ đẻ để lại, đất được cấp cho vợ hoặc chồng hoặc đất họ cùng mua sau khi kết hôn. Sở hữu bình đẳng (hai vợ chồng cùng đứng tên) có xu hướng phổ biến hơn trong nhóm di dân, có học vấn cao hơn, có thu nhập cao hơn, có sự tham gia của phụ nữ trong các buổi họp tuyên truyền về pháp luật. Tỷ lệ hộ gia đình ở đô thị thực hiện việc đưa tên cả hai vợ chồng vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cao hơn hẳn các địa bàn nông thôn. 

Khuyến nghị về vấn đề tiếp cận đất đai của phụ nữ, Nhóm nghiên cứu cho rằng: Cần tăng cường công tác truyền thông một cách hiệu quả thông qua việc đổi mới cách thức và nội dung tuyên truyền; khuyến khích và trợ giúp người dân làm sổ đỏ theo quy định mới. Trong quá trình xây dựng và hướng dẫn thực thi các văn bản pháp luật đất đai phải cân nhắc những khác biệt về phong tục, giới, quan hệ xã hội, đặc tính vùng... để việc dùng luật như là một hệ thống cho tất cả. 

Đề xuất xác định lại một số quan điểm liên quan đến chính sách đất đai, Tiến sỹ Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Chính sách nông nghiệp, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn nhấn mạnh: Đất là tài sản đặc biệt chỉ có thể sử dụng và khai thác có hiệu quả nhờ vào sự quản lý và đầu tư ổn định, lâu dài từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đất đai phải được đảm bảo an toàn dài hạn bằng việc xác định rõ chủ thể sở hữu, xác lập quy hoạch, ước tính giá trị thì mới có thể tạo ra động lực để các chủ thể quản lý và sử dụng khai thác một cách có hiệu quả. 

Tiến sỹ Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cho rằng: Cần cương quyết chấm dứt thái độ "hy sinh" đất nông nghiệp nông thôn để phục vụ công nghiệp hóa, đô thị hóa. Thay vào đó cần phát triển cân đối giữa các ngành, vùng dựa trên lợi thế so sánh, phát huy tối đa khả năng liên kết giữa các ngành để tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, định hướng giãn phát triển công nghiệp, đô thị về nông thôn, tăng dần đầu tư cho nông nghiệp nông thôn. Các ngành, các vùng, đối tượng cần triển khai và giám sát thực hiện chính sách quy hoạch đảm bảo sự cân bằng; nâng cao năng lực quản lý Nhà nước và tăng cường sự tham gia của người dân trong việc quản lý và sử dụng tài nguyên đất tạo công bằng và ổn định xã hội.

Ngoài ra, cần gắn liền môi trường với tăng trưởng và công nghiệp hóa hướng tới việc sử dụng công nghệ thân thiện với môi trường, giảm chi phí môi trường, tăng lợi thế cạnh tranh và uy tín quốc gia. Các cơ quan chức năng cần bảo đảm cân bằng về tài nguyên và môi trường sinh thái để sẵn sàng ứng phó và khả năng phục hồi đối với các cú sốc về thiên tai và tác động của biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, vai trò trong việc hỗ trợ và tạo động lực cho các thành phần kinh tế khác đầu tư vào các loại đất cần được nâng cao hơn nữa nhằm tăng hiệu quả kinh tế của các loại đất trống, đồi núi trọc, đất rừng đặc dụng .../.