Thừa Thiên Huế thực hiện cải cách hành chính nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp

Nguyễn Văn Cao Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế
14:57, ngày 12-09-2012
TCCS - Xác định công tác cải cách hành chính vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; góp phần phòng ngừa và hạn chế tham nhũng, tiêu cực trong bộ máy chính quyền các cấp, thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền Thừa Thiên Huế luôn chú trọng đến công tác cải cách hành chính. Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh đều có nghị quyết về  công tác cải cách hành chính, xem đây là một trong những chương trình trọng điểm hằng năm của tỉnh cần triển khai thực hiện quyết liệt. Trong đó, tập trung vào cải cách thể chế, thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; cải cách tài chính công và ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa nền hành chính.

Những kết quả nổi bật trong thực hiện cải cách hành chính

Về thể chế, tỉnh đã thực hiện nhiều biện pháp để cải cách thủ tục hành chính, như ban hành các văn bản cụ thể hóa làm cơ sở pháp lý cho việc giải quyết thủ tục hành chính, xây dựng các quy trình giải quyết công việc, giảm thời gian thụ lý, tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa” tại các cơ quan, đơn vị. Tỉnh đã thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực bức xúc, như xây dựng cơ bản, cấp phép đầu tư, đăng ký kinh doanh, đền bù, giải phóng mặt bằng, cấp giấy phép xây dựng, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất,... Trong từng lĩnh vực, tỉnh chú trọng làm rõ các nội dung và tập trung cải cách về quy trình giải quyết công việc, hồ sơ, thủ tục, thời gian giải quyết, phí và lệ phí; xác lập lại cơ chế vận hành của bộ máy hành chính, cải tiến quy trình công tác, hình thành quy chế phối hợp trong giải quyết các thủ tục hành chính, sửa đổi, bổ sung quy chế làm việc, quy trình thẩm tra, thẩm định các hồ sơ, dự án theo tinh thần cải cách thủ tục hành chính bảo đảm rõ ràng, công khai, kịp thời và hiệu quả. Quá trình này được các sở, ngành và ủy ban nhân dân (UBND) cấp huyện gắn với việc áp dụng tiêu chuẩn ISO 9001:2000 trong quản lý hành chính. 

Cơ chế “một cửa” đã được tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai trước quy định gần 1 năm (từ năm 2003) tại các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện. Tại UBND cấp xã, trong 2 năm 2001 - 2002 triển khai ở 25 xã, phường thuộc thành phố Huế và năm 2004 triển khai ở các xã còn lại. Tất cả các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện theo cơ chế “một cửa”, cơ chế “một cửa liên thông” đều được UBND tỉnh cho in thành sách cấp phát tới tất cả các cơ quan, đơn vị từ tỉnh đến tận các khu dân cư, tổ dân phố để nghiên cứu và triển khai thực hiện. Đến nay, toàn tỉnh có 182 cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện cơ chế “một cửa”, trong đó có 21/21 sở, ban, ngành cấp tỉnh, 9/9 UBND huyện, thị xã, thành phố và 152/152 UBND xã, phường, thị trấn.

Cơ chế “một cửa liên thông” được thực hiện trên các lĩnh vực đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế, khắc dấu (liên thông giữa Công an tỉnh, Cục thuế, Sở Kế hoạch và Đầu tư); quy trình giải quyết thủ tục đầu tư, phê duyệt dự án đầu tư (liên thông giữa UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư với các sở ngành); cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất... (liên thông giữa UBND cấp huyện, cấp xã).

Từ cơ chế “một cửa”, đến cơ chế “một cửa liên thông” và hiện đang chuẩn bị cho việc phát triển “một cửa điện tử”, đã làm cho cách thức tổ chức và chất lượng hoạt động của các cấp chính quyền ngày càng hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Nâng cao ý thức trách nhiệm, hạn chế tiêu cực của công chức trong giải quyết các thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, giảm chi phí đối với công dân, tổ chức làm thay đổi quan hệ giữa các cơ quan hành chính với công dân, tổ chức và các nhà đầu tư.

Công tác cải cách hành chính càng được đẩy mạnh, khi tỉnh triển khai thực hiện Đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước (gọi tắt là Đề án 30). Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành nhiều văn bản đôn đốc, chỉ đạo quyết liệt để hoàn thành nhiệm vụ cụ thể mà Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra. Đồng thời, công tác tuyên truyền được duy trì thường xuyên hằng tuần, hằng tháng trên các phương tiện thông tin đại chúng. Do đó, mặc dù Đề án chỉ chọn thực hiện thí điểm triển khai rà soát ở 1 đơn vị cấp huyện, nhưng có 5 huyện/9 huyện, thành phố thực hiện rà soát. Điều này thể hiện sự quyết tâm của các địa phương trong cải cách thủ tục hành chính.

Một trong những chuyển biến quan trọng là việc đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để hiện đại hóa nền hành chính. Những năm qua, tỉnh đã triển khai 3 dự án để hỗ trợ cho hoạt động cải cách hành chính của các địa phương. Với sự hỗ trợ của các dự án và kết hợp nguồn ngân sách của địa phương, nhiều đơn vị cấp huyện, cấp xã đã được đầu tư cơ sở vật chất, hỗ trợ hoạt động cải cách hành chính và thực hiện cơ chế “một cửa” tạo điều kiện triển khai công tác cải cách hành chính một cách đồng bộ hơn.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin tại các sở ngành và UBND cấp huyện theo quy trình kết nối liên thông đã đem lại hiệu quả thiết thực, đáp ứng yêu cầu trong chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp. Hiện nay, tất cả các cơ quan, đơn vị, đoàn thể đều có máy vi tính được kết nối mạng LAN và in-tơ-nét băng thông rộng (ADSL, cáp quang). Thông tin về chủ trương, chính sách, thủ tục hành chính của các cơ quan, đơn vị được cập nhật, công khai kịp thời trên cổng thông tin điện tử tỉnh tại địa chỉ www.thuathienhue.vn. Việc cung cấp các dịch vụ công trên mạng ngày một tốt hơn.
Cả tỉnh hiện có 1.788 dịch vụ hành chính công mức độ 1; 1.094 dịch vụ hành chính công mức độ 2; 36 dịch vụ hành chính công mức độ 3 và 8 dịch vụ trực tuyến khác được thực hiện trên cổng thông tin điện tử của tỉnh.

Các phần mềm chuyên dụng ngày càng được sử dụng nhiều và trở thành xu hướng ứng dụng rộng rãi trong tất cả các cơ quan. Đã dần dần hình thành thói quen làm việc với công văn, tài liệu điện tử trong môi trường mạng và hệ thống thông tin; sử dụng mạng máy tính và in-tơ-nét để cung cấp thông tin, tra cứu văn bản pháp luật, báo cáo định kỳ, đột xuất, giải đáp trực tuyến... bảo đảm nhanh chóng, phục vụ có hiệu quả cho công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, giảm văn bản, giấy tờ hành chính. Nhiều đơn vị như Văn phòng UBND tỉnh, Bảo hiểm xã hội tỉnh, Cục thuế, Kho bạc Nhà nước,... xây dựng hệ thống trả lời tự động bằng bảng điện tử; ứng dụng các chương trình phần mềm vi tính để quản lý, theo dõi, giải quyết hồ sơ của tổ chức, công dân, mang lại những chuyển biến tích cực góp phần nâng cao hiệu quả cung ứng dịch vụ công. Trong đó, Văn phòng UBND tỉnh đã nghiên cứu, triển khai áp dụng thành công 5 phần mềm dùng chung trong quản lý, điều hành. Năm 2009, Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế được Bộ Thông tin và Truyền thông chứng nhận là đơn vị cấp sở, ngành ứng dụng công nghệ thông tin hiệu quả nhất trong cả nước.

Ngoài ra, tỉnh còn tổ chức hội nghị thường niên với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để tăng cường đối thoại, trao đổi thông tin. Đây được xem là kênh thông tin quan trọng để lãnh đạo tỉnh lắng nghe, nắm bắt tình hình thực tiễn về đầu tư phát triển, về hoạt động sản xuất, kinh doanh. Qua đó, cùng tìm các biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

Từ những nỗ lực chung về cải cách hành chính, đặc biệt trong việc nỗ lực tạo môi trường đầu tư - kinh doanh lành mạnh, giảm thiểu chi phí không chính thức, rút ngắn thời gian giao dịch hành chính..., từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương: tốc độ tăng trưởng kinh tế liên tục đạt mức cao (12%/năm giai đoạn 2006 - 2010); thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh tăng từ 900 tỉ đồng (năm 2004) lên hơn 3.000 tỉ đồng (năm 2010); công tác xóa đói, giảm nghèo được đẩy mạnh; đời sống nhân dân được cải thiện, vị thế của tỉnh được nâng lên. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) được nâng từ vị trí thứ 38 (năm 2006) lên tốp 20 trong các năm tiếp theo (thứ 15 năm 2007, thứ 10 năm 2008, thứ 14 năm 2009 và thứ 18 năm 2010). Riêng năm 2010, tỉnh Thừa Thiên Huế xếp thứ 20 về thu hút đầu tư nước ngoài, xếp thứ 2 về mức độ sẵn sàng cho ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin, xếp thứ 5 về hiệu quả quản trị hành chính công và Cổng Thông tin điện tử tỉnh xếp thứ 1 trong toàn quốc.

Nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục thực hiện cải cách hành chính giai đoạn 2011 - 2020

Phát huy những kết quả đạt được, năm 2012 và những năm tiếp theo, tỉnh tiếp tục xác định cải cách hành chính vừa là nhiệm vụ cấp bách, vừa là giải pháp cơ bản nhằm tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội; quyết tâm thực hiện cải cách hành chính một cách đồng bộ trên các lĩnh vực: cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhà nước, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008 vào hoạt động cơ quan hành chính và hiện đại hóa nền hành chính, nâng cao hơn nữa hiệu lực quản lý của Nhà nước, tạo chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực, phấn đấu đưa địa phương sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Trước mắt, tỉnh chú trọng thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:

Thứ nhất, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, rà soát, loại bỏ các thủ tục không cần thiết, hệ thống hóa, hợp lý hóa trình tự giải quyết công việc trong quan hệ giữa các cơ quan hành chính với công dân, với doanh nghiệp và cả trong nội bộ các cơ quan hành chính nhà nước. Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính tại các cấp, các ngành, bảo đảm thực hiện nghiêm các thủ tục hành chính đã được công bố công khai.

Thứ hai, xây dựng và phát triển đội ngũ công chức, nhất là nâng cao phẩm chất đạo đức, thái độ phục vụ, phát triển năng lực công chức. Thực hiện tốt công tác quản lý, đào tạo, bồi dưỡng, sắp xếp, bố trí, tuyển dụng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức. Tiếp tục duy trì các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ hành chính cho đội ngũ cán bộ cơ sở, nhất là cán bộ cấp xã. Xây dựng, ban hành và thực hiện quy chế thanh tra, giám sát công vụ. Rà soát quy hoạch đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; thực hiện có nền nếp cơ chế bổ nhiệm và bổ nhiệm lại cán bộ lãnh đạo, quản lý. Gắn cải cách hành chính với công tác thi đua, khen thưởng, đề bạt và bổ nhiệm cán bộ.

Thứ ba, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước. Tăng cường cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ cao cho người dân và doanh nghiệp, như lĩnh vực đăng ký kinh doanh, đầu tư, xây dựng, chính sách xã hội... làm cho hoạt động của cơ quan nhà nước minh bạch hơn, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn. Trong năm 2012, 100% các sở, ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh sẽ được cài đặt và sử dụng 5 phần mềm dùng chung để phục vụ công tác quản lý, điều hành (quản lý hồ sơ công việc; quản lý hồ sơ “một cửa”; theo dõi ý kiến chỉ đạo; đăng ký và xây dựng chương trình công tác; tiếp nhận và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo). Phần mềm quản lý hồ sơ “một cửa” có thể hiển thị công khai tình hình tiếp nhận, xử lý hồ sơ, phục vụ tra cứu thủ tục hành chính và tình trạng giải quyết hồ sơ của công dân, tổ chức.

Thứ tư, đẩy mạnh hơn nữa việc phân công, phân cấp giữa tỉnh với các ngành, giữa các ngành với UBND cấp huyện, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu trên các lĩnh vực quy hoạch, phê duyệt các dự án đầu tư, thu chi ngân sách, biên chế, tổ chức bộ máy, quản lý đô thị, giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục thể thao, hộ tịch, đăng ký kinh doanh...

Thứ năm, tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về cải cách hành chính ở các cấp nhằm giúp nhân dân hiểu rõ hoạt động cải cách hành chính của cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương. Tiếp tục triển khai thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở, xây dựng các cơ chế nhằm tăng cường sự giám sát của nhân dân, doanh nghiệp đối với hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước. Tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích sự tham gia, đồng thời xử lý kịp thời những phản ánh, kiến nghị của nhân dân, doanh nghiệp đối với những vấn đề liên quan đến quy định hành chính./.