TCCSĐT - Nhằm nâng cao kiến thức quốc phòng - an ninh cho đội ngũ những người làm báo, tăng cường phòng chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực báo chí, từ ngày 27 đến 29-8-2012, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Thông tin - Truyền thông tổ chức lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh cho 225 nhà báo, là cán bộ, phóng viên, biên tập viên của các cơ quan báo chí Trung ương, địa phương và ngành trong cả nước.

Qua 3 ngày học tập nghiêm túc, học viên được các giảng viên của Bộ Thông tin - Truyền thông, Học viện Quốc phòng, Học viện Chính trị (Bộ Quốc phòng) và Học viện An ninh (Bộ Công an) giới thiệu 5 chuyên đề quan trọng: Đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước hiện nay về báo chí; Quan điểm, chủ trương của Đảng về quốc phòng và xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong tình hình mới; Phòng chống chiến lược “diễn biến hòa bình” bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch đối với cách mạng Việt Nam; Bảo vệ biển, đảo trong tình hình mới; Quan điểm, chủ trương của Đảng Cộng sản Việt Nam về an ninh quốc gia và xây dựng thế trận an ninh nhân dân trong tình hình hiện nay. Bên cạnh đó, các giảng viên còn giới thiệu một số thông tin mới phong phú, xác thực về tình hình quốc phòng, an ninh nước ta trong thời gian gần đây, giúp cho các học viên định hướng đúng trong hoạt động báo chí.

Những năm qua, báo chí cách mạng Việt Nam đã không ngừng vượt khó, nỗ lực vươn lên, đổi mới, phát triển mạnh mẽ và ngày càng tiếp cận với những chuẩn mực của một nền báo chí chuyên nghiệp, hiện đại. Theo Bộ Thông tin - Truyền thông, báo chí cách mạng Việt Nam hiện đã và đang trở thành lực lượng quan trọng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội đất nước phát triển, bảo đảm giữ vững quốc phòng - an ninh. Tính đến tháng 3-2011, cả nước có 745 cơ quan báo chí in, 67 đài phát thanh, phát thanh - truyền hình, 46 cơ quan báo chí điện tử và gần 17.000 nhà báo được cấp thẻ hành nghề. Tuy nhiên, bên cạnh thành tích quan trọng đó, hoạt động báo chí của nước ta thời gian qua vẫn còn tồn tại, bất cập, nhất là trong công tác tuyên truyền về quốc phòng - an ninh: nhiều thông tin từ các cơ quan báo chí bị các thế lực thù địch lợi dụng đẩy mạnh hoạt động phản tuyên truyền, phá hoại tư tưởng; một số bài viết đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch có chất lượng chưa cao; việc đấu tranh không đồng đều, có lúc phản bác, đấu tranh dồn dập, nhưng sau đó lại rơi vào im lặng…Nguyên nhân chính của tình trạng này, là do kiến thức về quốc phòng - an ninh của đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên còn hạn chế.

Hiện nay, các thế lực thù địch tiếp tục tập trung đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền phá hoại với tính chất, phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt, thâm độc hơn; tiếp tục sử dụng chiêu bài dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo, chống tham nhũng; tấn công, khai thác mạnh hơn vào nội bộ ta, hòng làm ta “tự suy yếu” dẫn đến “diễn biến hòa bình” từ bên trong. Do đó, việc tổ chức bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh cho đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên lần này sẽ khắc phục những tồn tại, bất cập trong thời gian qua và tạo điều kiện cho những người làm báo tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động báo chí, cũng như tăng cường đấu tranh chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực báo chí nói riêng, lĩnh vực tư tưởng - văn hóa nói chung, góp phần tích cực vào việc giữ vững quốc phòng - an ninh và phát triển bền vững của đất nước./.