TCCSĐT - Sáng 22-8, tại phiên họp thứ 10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn đối với Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh. Phiên chất vấn được phát thanh và truyền hình trực tiếp trên Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam.

Báo cáo của Thanh tra Chính phủ giải trình về một số nội dung được các cử tri chất vấn đã nhấn mạnh vào một số vấn đề:

Về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo

Nhìn chung, tình hình khiếu nại, tố cáo (KNTC) của công dân có giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2011 về số lượt người, số đoàn đông người và số vụ việc. Tuy nhiên, từ giữa tháng 02-2012 đến tháng 5-2012, tình hình KNTC của công dân có phần gia tăng về số lượt người, số đoàn đông người và tính chất mức độ gay gắt hơn. Trong đó, có không ít vụ việc phát sinh trước đây đã được các cấp chính quyền xem xét nhiều lần, với nhiều biện pháp khác nhau nhưng không dứt điểm, nhất là các vụ việc khiếu nại liên quan đến việc về thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án (tại Hà Nội, Hải Phòng, tỉnh Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hà Nam, Hải Dương, Đăk Lăk, Đắc Nông, Thanh Hóa, An Giang, Tiền Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai...), các vụ việc đòi lại nhà đất, tranh chấp đất đai (tại tỉnh Long An, Bến Tre, Tây Ninh, Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh…).

Nội dung khiếu nại về đất đai chiếm trên 70%, trong đó phần lớn là khiếu nại việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội; có một số khiếu nại đòi lại đất cũ, tranh chấp đất đai trong nhân dân qua các thời kỳ nhưng chưa được giải quyết dứt điểm. Còn lại là khiếu nại về khiếu nại đòi nhà cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ; khiếu nại về thực hiện chính sách xã hội... Nội dung tố cáo chủ yếu là tố cáo cán bộ mất dân chủ, lợi dụng chức quyền để tham nhũng; trù dập người khiếu kiện, bao che cho cán bộ dưới quyền; cố ý làm sai lệch hồ sơ, áp dụng pháp luật không đúng trong công tác quản lý gây thiệt hại quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Về kết quả công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết KNTC  

Các cơ quan hành chính nhà nước đã tiếp 92.853 lượt người đến KNTC; có 974 đoàn đông người, trong đó: các bộ, ngành địa phương đã tiếp 77.613 lượt người với 605 đoàn đông người; Trụ sở Tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã tiếp 15.240 lượt người với 369 đoàn đông người, trong số đoàn đông người có 38 đoàn tập trung kéo dài nhiều ngày.

Các cơ quan hành chính nhà nước đã tiếp nhận, xử lý 52.144 đơn KNTC, có 34.895 vụ việc thuộc thẩm quyền. Trong đó: Về khiếu nại: tiếp nhận, xử lý 45.275 đơn khiếu nại, có 31.198 vụ việc thuộc thẩm quyền. Về tố cáo: tiếp nhận, xử lý 6.869 đơn tố cáo, có 3.697 vụ việc thuộc thẩm quyền.

Về kết quả giải quyết KNTC theo thẩm quyền, các cơ quan hành chính nhà nước giải quyết 13.815/31.198 vụ việc khiếu nại thuộc thẩm quyền (đạt khoảng 44,3%); giải quyết 2.154/3.697 vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyền (đạt trên 58,26%). Kết quả giải quyết KNTC đã thu hồi về cho nhà nước, khôi phục quyền lợi cho công dân với số tiền 6.914 triệu đồng và 65 ha đất; kiến nghị xử lý hành chính 20 người.

Tổng Thanh tra Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, khuyết điểm còn tồn tại như:

- Quản lý Nhà nước về KNTC ở một số địa phương, đơn vị chưa tốt, từ việc nắm tình hình, thống kê, theo dõi vụ việc đến chỉ đạo xử lý vụ việc còn lúng túng, bị động.

- Trách nhiệm của lãnh đạo, người đứng đầu một số cơ quan hành chính nhà nước trong công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC chưa cao, chưa đầy đủ,  nhất là ở cấp huyện. Một số cán bộ chưa quan tâm thực hiện chế độ tiếp công dân, chưa gắn việc tiếp công dân với việc giải quyết KNTC.

- Việc giải quyết KNTC còn chậm, có trường hợp giải quyết thiếu khách quan, trung thực, không đúng quy định. Việc tổ chức thực hiện các quyết định giải quyết còn chậm và hạn chế.

- Sự phối hợp giữa các cơ quan còn thiếu chặt chẽ, thiếu đồng bộ. Còn hiện tượng né tránh, đùn đẩy.

Về hiệu quả hoạt động thanh tra đối với các dự án sử dụng vốn tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Qua thanh tra, Thanh tra Chính phủ đã phát hiện khuyết điểm, vi phạm, kiến nghị thu hồi gần 3.930 tỷ đồng (đã thu hồi 2.137 tỷ đồng); kiến nghị loại khỏi giá trị quyết toán và kiến nghị các cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý 29.844 tỷ đồng (đã xử lý 17.079 tỷ đồng); chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 03 vụ việc. Những khuyết điểm, vi phạm chủ yếu tập trung vào: vi phạm về thẩm quyền; sử dụng tiền cổ phần hóa phải nộp về quỹ hỗ trợ và sắp xếp doanh nghiệp để tăng vốn, mua tài sản có giá trị lớn khi chưa được Thủ tướng chấp thuận; chỉ định thầu không đúng với quy định; vi phạm trong thực hiện quy trình, thủ tục: thực hiện dự án đầu tư, mua sắm tài sản không đúng trình tự, thủ tục; vi phạm về đối tượng: phân bổ nguồn vốn chưa đúng đối tượng, cho doanh nghiệp khác vay và gửi ngân hàng không đúng quy định số tiền phải nộp về quỹ hỗ trợ và sắp xếp doanh nghiệp; hạch toán không đúng nguồn dẫn đến phản ánh kết quả sản xuất, kinh doanh và hiệu quả sai với thực tế; trình độ quản trị doanh nghiệp còn yếu dẫn đến việc chấp hành pháp luật không nghiêm và sản xuất kinh doanh kém hiệu quả, thua lỗ, một số trường hợp vi phạm pháp luật phải chuyển cơ quan điều tra xử lý; đầu tư ngoài ngành, ngoài doanh nghiệp không đúng quy định, góp vốn dàn trải dẫn đến lãng phí, thiếu hiệu quả; một số dự án đầu tư ngoài ngành tỷ suất lợi nhuận thấp, khả năng mất vốn cao.

Nhìn chung, qua thanh tra các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, Thanh tra Chính phủ đã phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nhiều vi phạm, khuyết điểm trong công tác quản lý, sử dụng vốn, tài sản và trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư dự án của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước… Đồng thời, kiến nghị sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách có liên quan tổ chức và hoạt động của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước. Trong thời gian tới, Thanh tra Chính phủ tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với việc quản lý vốn, tài sản nhà nước, hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước (từ nay đến cuối năm 2012, sẽ triển khai thanh tra tại 04 tập đoàn, tổng công ty nhà nước là Tập đoàn Cao su Việt Nam, Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị, Tổng Công ty Dệt may Việt Nam, Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam) để góp phần phát hiện, xử lý kịp thời vi phạm, tiêu cực, tham nhũng, góp phần hoàn thiện mô hình, cơ chế, chính sách liên quan đến tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.

Về biện pháp xử lý, thu hồi tài sản sau thanh tra

Tính từ năm 2008 đến hết năm 2011, ngành Thanh tra tiến hành 41.506 cuộc thanh tra hành chính, 211.241 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; phát hiện có 603.074 tổ chức, cá nhân sai phạm, tổng giá trị vi phạm về kinh tế phát hiện được là 64.326 tỷ đồng; 329.356 ha đất; kiến nghị thu hồi 23.548 tỷ đồng; 33.782 ha đất (đã thu 7.947 tỷ đồng; 3.707 ha đất); kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý 28.453 tỷ đồng; xử phạt vi phạm hành chính 9.235 tỷ đồng; kiến nghị và chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 306 vụ, 443 người; kiến nghị kiểm điểm, xử lý kỷ luật hành chính 3.262 tập thể, 9.960 cá nhân. Tuy nhiên, trong thời gian qua, cơ quan Thanh tra gặp rất nhiều khó khăn trong việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra.

Tại Phiên họp, Tổng Thanh tra Chính phủ cũng đã trả lời trực tiếp chất vấn của đại biểu Triệu Thị Nái, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội về những sai phạm của các tập đoàn, tổng công ty tăng cao trong thời gian qua, nguyên nhân và biện pháp khắc phục. Tổng Thanh tra cho biết: nguyên nhân là từ việc quản lý vốn tại các tập đoàn, tổng công ty còn yếu kém, gây lãng phí, nợ khó đòi tăng cao; một số tập đoàn đầu tư dàn trải, sai thẩm quyền. Đầu tư ngoài ngành vượt tỉ lệ cho phép, hiệu quả đầu tư không cao; hạch toán của các tập đoàn thiếu chính xác, gây ra số liệu ảo; quản trị doanh nghiệp chưa tốt, kiểm tra giám sát nội bộ chưa tốt. Thậm chí có một số trường hợp cố ý vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng.

Đại biểu Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng chất vấn: "Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, vừa qua toàn ngành thanh tra chỉ chuyển điều tra chưa đến 1% còn lại xử lý hành chính. Trong khi đó, báo cáo thừa nhận thất thoát tài sản liên quan đến tham nhũng lên đến hàng nghìn hec-ta đất, hàng chục nghìn tỉ đồng. Vậy có hay không xu hướng hành chính hóa trong xử lý tham nhũng?". Trả lời câu hỏi, Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh cho biết: Theo quy chế hoạt động của thanh tra, những sự việc nào có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì cơ quan thanh tra sẽ làm việc với cơ quan điều tra để xác định lại sai phạm, sau đó chuyển cho cơ quan điều tra. Việc chuyển cơ quan điều tra ít là do thanh tra có khuyết điểm phát hiện vi phạm chưa đến nơi đến chốn, tôi sẽ tiếp thu để thanh tra sâu sát hơn".

Đại biểu Phạm Văn Tấn (đoàn Nghệ An) chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ về tình hình khiếu nại tố cao tăng cao. Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh giải thích: Khiếu nại tăng cao do giải quyết chưa đến nơi đến chốn, trong đó một phần do sự yếu kém, lơi lỏng của các cơ quan địa phương. Bên cạnh đó thời gian qua có nhiều dự án đầu tư buộc phải thu hồi đất, đây cũng chính là lý do khiến khiếu nại về đất đai tăng cao, chiếm 70% tổng số vụ khiếu nại. Vừa qua, Thanh tra Chính phủ và Bộ Công an, Tài nguyên - Môi trường... lập ra 25 đoàn công tác rà soát tình hình khiếu nại tại 51 tỉnh, thành. Qua đó, có thể thấy số liệu về các vụ khiếu nại chưa chính xác. Có một vụ khiếu nại được gửi đi nhiều cơ quan và từ đó được tập hợp thành nhiều vụ. Đến nay, có 300 vụ khiếu nại đang được cơ quan chức năng xem xét. Số vụ còn lại đang tập hợp để tiếp tục xem xét.

Đại biểu Phạm Xuân Thưởng (Thái Bình) đề nghị Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết vì sao tỉ lệ thu hồi liên quan đến thanh tra kinh tế thấp và giải pháp để hạn chế tình trạng này. Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh thừa nhận tỉ lệ thu hồi theo kết luận thanh tra thời gian vừa qua đạt kết quả chưa cao. Thống kê từ 2007 - 2011, tỉ lệ thu hồi sau kết luận thanh tra liên quan đến tiền bạc đạt 50%, đất đai đạt 20%.

Trả lời vụ Dương Chí Dũng bỏ trốn, Tổng Thanh tra khẳng định: Việc thanh tra làm theo pháp luật, còn công tác cán bộ thì Thanh tra Chính phủ không có thẩm quyền quản lý cán bộ. Ông Dũng do Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thuyên chuyển. Cơ quan thuyên chuyển cũng không hỏi ý kiến thanh tra nên Thanh tra Chính phủ không có quyền can thiệp khi cán bộ chưa bị phát hiện dấu hiệu vi phạm. Không đồng tình với phần trả lời, đại biểu Lê Thị Nga, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội cho rằng: “Người thanh tra thì cứ thanh tra, người bổ nhiệm thì cứ bổ nhiệm mà không có sự phối hợp nào để Dương Chí Dũng bỏ trốn là điều khiến người dân rất bức xúc”. Đại biểu đề nghị Thanh tra Chính phủ phải có trách nhiệm về việc này.

Đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ về việc kê khai tài sản của cán bộ, công chức hiện nay còn mang nặng tính hình thức, thanh tra có biện pháp gì để việc kê khai tài sản này đúng thực tế và gắn liền với phòng chống tham nhũng. Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh cho biết, theo thống kê, cả nước có 100.000 cán bộ, công chức phải kê khai tài sản theo luật. Tuy nhiên, việc kê khai tài sản còn chưa đúng thực chất vì chưa nắm được việc kê khai nơi cư trú, công tác của cán bộ công chức. Để chấn chỉnh tình trạng này, trong dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ có soạn thảo thêm quy định công khai nơi công tác và nơi cư trú của cán bộ, công chức; đồng thởi mở rộng đối tượng thanh tra.

Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ giải trình thêm trước Quốc hội về thực trạng phát hiện sự việc thanh tra có dấu hiệu tội phạm nhưng rất ít chuyển cơ quan điều tra: “Qua kết quả thanh tra, chúng tôi nhận thấy sự phối hợp giữa thanh tra và cơ quan điều tra khá chặt chẽ. Theo tôi, các sự việc vi phạm chuyển ít do đặc thù tội phạm tham nhũng khó phát hiện vì đối tượng có chức, quyền. Khi thực hiện hành vi phạm tội, họ có năng lực che giấu hành vi phạm tội rất cao, tinh vi nên để xác định cấu thành tội còn hạn chế”. Thứ trưởng Ngọ nói thêm, trong năm vừa qua, Bộ Công an nhận 8 vụ ở cấp địa phương và 3 vụ cấp Bộ. Riêng vụ Vinashine, Vinalines, ngoài kết luận của Thanh tra Chính phủ chuyển qua, Bộ Công an cũng lập chuyên án, điều tra riêng.

Đại biểu Ngô Văn Minh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội chất vấn về Luật Khiếu nại tố cáo có hiệu lực từ ngày 1-7-2012 nhưng đến nay chưa có nghị định hướng dẫn thi hành. Về việc này, Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh đã nhận trách nhiệm chậm ban hành thuộc về Thanh tra Chính phủ và cho biết hiện nay đã trình nghị định cho Chính phủ và không lâu nữa sẽ ban hành nghị định này.

Về kết luận thanh tra 5 tập đoàn, tổng công ty chỉ ra sai phạm về thất thoát vốn lớn nhưng tỷ lệ thu hồi ít, trách nhiệm thuộc về ai, Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh cho rằng, vừa qua, qua việc thanh tra 5 tập đoàn, tổng công ty, cơ quan thanh tra đã kiến nghị thu hồi hơn 3.900 tỉ đồng và đến nay đã thu hồi được hơn 2.100 tỉ đồng. Việc thu hồi này tuy chưa đạt so với yêu cầu nhưng tiến độ thu hồi có thể chấp nhận được nếu so với các cuộc thanh tra doanh nghiệp nhà nước diễn ra trước đây. Tuy nhiên, việc thu hồi số tiền thất thoát, sai phạm của các tập đoàn, tổng công ty cần tiếp tục được đôn đốc.

Về ý kiến cho rằng, phòng chống tham nhũng là vấn đề được nhiều người dân quân tâm nhưng báo cáo về vấn đề này do Thanh tra Chính phủ thực hiện vẫn còn chung chung, Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh giải thích: Vừa qua, tại Hội nghị Trung ương 5, vấn đề phòng chống tham nhũng đã được Ban Chấp hành Trung ương Đảng kết luận rõ ràng. Trên cơ sở kết luận đó, thời gian tới, Chính phủ sẽ có chương trình, hành động cụ thể về việc phòng chống tham nhũng.

Về ý kiến, khiếu nại tố cáo vượt cấp của người dân trong thời gian qua tăng cao của đại biểu Nguyễn Thu Anh (tỉnh Lâm Đồng), Tổng Thanh tra Chính phủ trả lời: Yếu kém trong giải quyết khiếu nại tố cáo là do trách nhiệm của các ngành các cấp chưa cao, tránh né, chậm trễ nên người dân giảm lòng tin...; tâm lý người dân muốn khiếu nại lên cấp trên cho nhanh; kích động của kẻ xấu; tư vấn của một số tổ chức tư vấn, luật sư chưa chuẩn...

Đối với nội dung phản ánh của đại biểu Lê Như Tiến về tình trạng làm đẹp lòng các thanh tra viên khi đến thanh tra, Tổng Thanh tra Chính phủ thừa nhận có tình trạng đó trong cán bộ thanh tra, thời gian vừa qua, ngành thanh tra cũng đã xử lý nhiều cán bộ vi phạm, mới nhất năm 2012 đã có 2 thanh tra bị xử lý hình sự. Tổng Thanh tra nhấn mạnh thời gian tới sẽ tăng cường quản lý, giáo dục chuyên môn nghiệp vụ và đạo đức thanh tra.

Trả lời chất vấn về chất lượng đội ngũ cán bộ thanh tra, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh giải thích: “Hiện nay toàn ngành thanh tra có 18.000 người nhưng chất lượng đội ngũ chưa cao. Trong thời gian tới cần tăng số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ thanh tra”.

Kết thúc buổi chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã phát biểu bế mạc Phiên họp thứ 10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh trách nhiệm của các bộ trưởng, người đứng đầu các ngành phải thực hiện sau phiên họp. Cụ thể:

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm làm tốt hơn tham mưu, triển khai công tác đào tạo nghề để đạt được chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ đề ra cho năm nay và 5 năm tới; phối hợp các ngành liên quan kiểm soát cho được, xử lý nghiêm lao động nước ngoài trên thị trường Việt Nam vi phạm pháp luật.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm giải quyết cho được nợ xấu của ngân hàng, đồng thời tăng nợ tốt; giải quyết tình trạng tài chính của ngân hàng và nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp trong thời gian tới; cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng ngân hàng có chuyển biến tích cực và lành mạnh trong thời gian tới nhưng không được để tổ chức tín dụng, tài chính nào thuộc quyền quản lý của Ngân hàng Nhà nước bị đổ vỡ ảnh hưởng đến hệ thống. Đồng thời, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm kiềm chế lạm phát đồng thời bảo đảm tốc độ tăng trưởng tín dụng hợp lý để hồi phục sản xuất kinh doanh; không để suy giảm kinh tế giúp ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội.

Tổng Thanh tra Chính phủ phải giải quyết cơ bản khiếu nại tố cáo còn tồn đọng thuộc cấp Trung ương từ đây đến cuối năm; xây dựng ngành thanh tra để hạn chế tối đa khiếu nại tố cáo mới. Đồng thời, Chủ tịch Quốc hội nhắc nhở ngành thanh tra phải nâng cao năng lực hiệu quả, chất lượng hệ thống thanh tra để đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Bên cạnh đó, Thanh tra Chính phủ tập trung tiếp tục thanh tra các tập đoàn, tổng công ty; doanh nghiệp nhà nước góp phần chống thất thoát, tiêu cực và tái cơ cấu nền kinh tế./.