* Cử tri Trương Văn Đức, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Đăng Đức (Đồng Nai) cho rằng, phiên chất vấn Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh đã cung cấp cho cử tri cả nước thấy được bức tranh khá toàn diện về công tác thanh tra, phòng chống tham nhũng, giải quyết khiếu nại tố cáo. Tại phiên chất vấn trước Quốc hội, các đại biểu đã nêu ra nhiều câu hỏi sát với thực tế, là những vấn đề người dân đang quan tâm như: Trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ trong việc thanh, kiểm tra và thu hồi tài sản cho nhà nước sau thanh tra; công tác thanh tra và giải quyết những vấn đề bức xúc của người dân, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến đất đai; công tác thanh tra đối với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước... Cử tri Trương Văn Đức đánh giá Tổng Thanh tra Chính phủ đã thẳng thắn trả lời những câu hỏi của đại biểu. Bên cạnh đó, Tổng Thanh tra Chính phủ cũng đã nhìn nhận, nhiều vụ việc vẫn chưa được giải quyết rốt ráo, công tác thanh tra vẫn chưa đáp ứng yêu cầu; nhiều vụ việc khiếu nại tố cáo kéo dài một phần do ngành thanh tra vẫn chưa giải quyết đến nơi đến chốn…

* Cử tri Nguyễn Đình Chung, Phó Chánh Thanh tra tỉnh Hưng Yên đề xuất một số giải pháp cụ thể đối với các vụ việc tồn đọng, kéo dài, bức xúc trong nhân dân, đặc biệt là những vụ liên quan đến đất đai. Trước hết phải tăng cường công tác tiếp dân của chủ tịch ủy ban nhân dân các cấp và thủ trưởng các đơn vị; thụ lý và giải quyết xử lý dứt điểm các vụ việc bức xúc, khiếu kiện kéo dài, đông người. Khi có vụ việc khiếu kiện đông người xảy ra, cán bộ tiếp dân khẩn trương báo cáo thủ trưởng cơ quan để xử lý, đồng thời thông tin đến lãnh đạo địa phương cơ sở có công dân khiếu kiện; có biện pháp thuyết phục, trả lời công dân, phối hợp với công an và lãnh đạo địa phương vận động người dân về địa phương giải quyết theo qui định. Mặt khác, Chính phủ cần sớm ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Khiếu nại và tố cáo. Riêng với Hưng Yên, các cơ quan bảo vệ pháp luật của Trung ương và thành phố Hà Nội tiếp tục phối hợp với tỉnh Hưng Yên có biện pháp ngăn chặn những hành vi quá khích việc đi khiếu kiện đông người gây mất trật tự ở các cơ quan Trung ương.

* Cử tri Đặng Duy Sơn, Chánh Thanh tra huyện Văn Lâm (Hưng Yên) tình trạng khiếu nại tố cáo gia tăng với nhiều vụ việc tồn đọng kéo dài một phần do qui định của pháp luật chưa hoàn thiện, thiếu đồng bộ và chưa phù hợp với thực tế, đặc biệt là qui định đối với lĩnh vực quản lý đất đai, tài chính còn nhiều bất cập, chồng chéo gây khó khăn cho việc thực thi. Cử tri cho rằng, để công tác thanh tra có hiệu quả thiết thực thì vấn đề nâng cao năng lực, phẩm chất, tăng cường đội ngũ cán bộ làm công tác thanh tra là một yêu cầu cần thiết. Đặc biệt, phải đổi mới công tác tổ chức cán bộ, trong đó đội ngũ cán bộ thanh tra phải hoạt động độc lập theo ngành dọc chứ không nằm trong sự quản lý của các cấp chính quyền. Việc quản lý cán bộ thanh tra phải theo ngành dọc mới phát huy được quyền lực trong giải quyết các vụ việc, theo đó sự chỉ đạo sẽ bảo đảm tính chất chuyên môn hóa, sâu sắc và tinh nhuệ.

* Cử tri Nguyễn Bích Việt, nguyên cán bộ thanh tra ở quận Hồng Bàng, Hải Phòng cho rằng phần trả lời chất vấn của Tổng Thanh tra đã đi thẳng vào vấn đề "nóng" mà cử tri quan tâm như: các vụ việc tồn đọng, kéo dài, bức xúc trong nhân dân, đặc biệt là những vụ liên quan đến đất đai; việc xử lý, thu hồi tài sản sau thanh tra; hoạt động thanh tra đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty... Cử tri Nguyễn Bích Việt cho rằng để công tác thanh tra đạt hiệu quả cao hơn, Tổng Thanh tra cần đánh giá, tổng kết công tác của ngành, chỉ ra những nguyên nhân và chế tài khắc phục những mặt còn khiếm khuyết.

* Luật sư Trần Lập, Đoàn Luật sư Hải Phòng nhận xét đúng như báo cáo của Thanh tra Chính phủ nói có tới 70% trong tổng số đơn thư khiếu nại, tố cáo hiện nay là về đất đai. Nguyên nhân chủ yếu là do chính sách bồi thường cho người bị thu hồi đất để giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án còn nhiều bất cập; thu hồi đất nhưng chậm sử dụng, để hoang hóa trong khi người dân không có đất sản xuất; công tác quản lý đất đai còn sơ hở, lỏng lẻo; không ít cán bộ lợi dụng để tham nhũng, tiêu cực nhưng chưa được xử lý nghiêm minh... Báo cáo của Thanh tra Chính phủ cũng đề cập đến những sơ hở trong thể chế chính sách về quản lý kinh tế xã hội chưa minh bạch, chưa xóa bỏ được cơ chế "xin - cho", làm nảy sinh tham nhũng. Luật sư Trần Lập kiến nghị, với trách nhiệm của ngành Thanh tra cần phải có những biện pháp đủ mạnh để dẹp được vấn đề trên. Về quản lý đất đai, cần phải thực hiện đúng trình tự pháp luật, có lý, có tình, phải đối thoại, vận động trước khi giải phóng mặt bằng; làm rõ trách nhiệm của những cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền không thực hiện đúng pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo, đùn đẩy, né tránh trong giải quyết khiếu nại, tố cáo... Điều quan trọng nhất, từng địa phương phải làm tốt công tác thanh tra xử lý khiếu nại, tố cáo sẽ giảm được "gánh nặng" cho Thanh tra Chính phủ./.