Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ 11-5-2009 đến 17-5-2009)
1. Hội nghị quan chức ngành lao động các nước ASEAN lần thứ VI
Từ ngày 12 đến 14-5, tại thủ đô Viên-chăn (Lào),diễn ra Hội nghị quan chức ngành lao động các nước ASEAN và giữa ASEAN với 3 nước đối thoại là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc (ASEAN + 3). Tại hội nghị, các đại biểu thảo luận việc triển khai Kế hoạch Viên-chăn về lĩnh vực lao động và thực hiện kết quả Hội nghị Bộ trưởng Lao động các nước ASEAN lần thứ 20 tại Băng-cốc (Thái Lan). Hội nghị cũng trao đổi về tác động của cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu ở mỗi nước, đặc biệt là những tác động đối với lĩnh vực lao động và phúc lợi xã hội; đánh giá quan hệ hợp tác giữa các thành viên ASEAN với 3 nước đối thoại và các tổ chức quốc tế trong việc loại trừ mọi hình thức sử dụng lao động trẻ em. Bộ trưởng Lao động và Phúc lợi xã hội Lào, bà Ontiane Thammavong, nhấn mạnh tầm quan trọng của vấn đề lao động và phúc lợi xã hội; đề cập mối quan hệ giữa vấn đề lao động với vấn đề tài chính và trách nhiệm của xã hội đối với những lao động bị mất việc. Hội nghị quan chức ngành lao động ASEAN lần thứ VI và Hội nghị ASEAN + 3 hy vọng tìm ra giải pháp mới cho việc phát triển ngành nghề lao động thủ công, tạo thêm việc làm cho người lao động.
2. Cu-ba, Mỹ cùng có ghế tại Hội đồng Nhân quyền
Ngày 12-5, với 163 phiếu ủng hộ, Cu-ba đã được tái bầu là thành viên Hội đồng Nhân quyền của Liên hợp quốc. Trong khi đó, Mỹ lần đầu tiên giành ghế trong Hội đồng Nhân quyền khi nhận được 167 phiếu ủng hộ. Đại sứ Cu-ba tại Liên hợp quốc Abelardo Moreno cho rằng, việc Cuba một lần nữa là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc là một sự khích lệ để quốc gia này tăng cường hơn nữa tình đoàn kết và hợp tác quốc tế với các dân tộc trên thế giới. Ông khẳng định, là một trong những thành viên sáng lập của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, Cu-ba sẽ tiếp tục tham gia và hợp tác tích cực các hoạt động của tổ chức này. Cu-ba sẽ tiếp tục bảo vệ các cuộc đối thoại chân thực, hợp tác và cùng tôn trọng lẫn nhau trong vấn đề nhân quyền trên cơ sở sự thật, công lý và ủng hộ những mong ước chính đáng của hàng triệu người trên thế giới, đặc biệt là của các nước đang phát triển. Trong khi đó, Mỹ lần đầu tiên giành được ghế trong Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc sau khi nhận được 167 phiếu ủng hộ. Phát biểu sau cuộc bỏ phiếu, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Susan Rice nói, Mỹ rất vui mừng với sự ủng hộ mà họ nhận được. Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, có trụ sở tại Geneva (Thụy Sĩ), được thành lập năm 2006 để thay thế Ủy ban Nhân quyền đã bị giải thể. Hội đồng gồm 47 thành viên với các ghế được phân bổ theo đại diện khu vực: châu Phi: 13 ghế, châu Á: 13 ghế, Đông Âu: 6 ghế, Mỹ La-tinh và Ca-ri-bê: 8 ghế, các nước phương Tây: 7 ghế. Để trở thành thành viên của hội đồng này với nhiệm kỳ 3 năm, các nước ứng cử viên cần giành được đa số hoàn toàn, hay 97 phiếu thuận, trong Đại hội đồng Liên Hợp Quốc gồm 192 thành viên.
3. Giáo hoàng Benedict XVI ủng hộ thành lập Nhà nước Pa-let-xtin độc lập
Tiếp tục chuyến công du Trung Đông lần đầu tiên, ngày 13-5, Giáo hoàng Benedict XVI đi thăm khu Bờ Tây và gặp gỡ Tổng thống Pa-let-xtin Mahmoud Abbas. Phát biểu tại thành phố thánh địa Bethlehem, Giáo hoàng đã tái khẳng định sự ủng hộ của Va-ti-can đối với việc thành lập Nhà nước Pa-let-xtin độc lập, cho rằng giải pháp hai nhà nước (Pa-let-xtin chung sống hòa bình bên cạnh I-xra-en) là cần thiết để giải quyết cuộc xung đột dai dẳng ở Trung Đông. Giáo hoàng cũng bày tỏ sự cảm thông đối với những đau khổ, khó khăn mà người dân Pa-let-xtin ở khu vực Bờ Tây phải chịu đựng trong nhiều thập kỷ qua.
4. Thủ tướng Nga V.Pu-tin thăm chính thức Nhật Bản
Chiều 12-5, Thủ tướng Nga V.Pu-tin đã hội đàm với người đồng cấp Ta-ro A-so khi đang thực hiện chuyến thăm chính thức Nhật Bản. Thủ tướng Nga đánh giá cao "bầu không khí tin cậy" giữa hai nước. Về phần mình, Thủ tướng Taro-Aso nhấn mạnh tầm quan trọng vai trò của hợp tác Nhật Bản và Nga trong sự nghiệp chống khủng bố và khắc phục những ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Ông A-so còn cho biết, Chính phủ hai nước dự định ký kết hiệp ước hòa bình và tiến hành hội đàm cấp cao nhân dịp tham dự Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nước công nghiệp phát triển G8 sẽ diễn ra tại I-ta-li-a vào tháng 7-2009. Trong khuôn khổ chuyến thăm, hai nước ký ba hiệp định hợp tác quan trọng trong các lĩnh vực hạt nhân dân sự, hải quan và tư pháp, trong đó có thỏa thuận tăng cường sử dụng năng lượng hạt nhân cho các mục đích phi quân sự, mở đường cho Nhật Bản xuất khẩu công nghệ nhà máy điện hạt nhân sang Nga và đổi lại nhập thêm nhiên liệu hạt nhân của Nga. Hai bên đã trao đổi các vấn đề liên quan đến phân chia lãnh thổ, hợp tác kinh tế khu vực cực Đông; Đông Xi-bê-ri của Nga; vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên; giải trừ vũ khí hạt nhân và đối sách cho hiện tượng ấm nóng toàn cầu. Về vấn đề phân chia ranh giới của 4 hòn đảo thuộc quần đảo Kuriks, nằm giữa Xa-kha-lin của Nga và đảo Hockaido của Nhật Bản, hai bên nhất trí sẽ thực hiện theo thỏa thuận cuộc hội đàm hồi tháng 2-2009 giữa Thủ tướng Ta-ro A-so và Tổng thống Nga Đ.Mét-vê-đép bằng hình thức tiếp cận mang tính sáng tạo, giải quyết dứt điểm vấn đề này trên quan điểm thông cảm và hiểu biết lẫn nhau.
5. 69 quốc gia trình báo cáo xác định đường ranh giới thềm lục địa mở rộng của các nước
Ngày 13-5-2009 là hạn chót do Liên hợp quốc quy định để các nước trình báo cáo xác định đường ranh giới thềm lục địa mở rộng. Trước nguy cơ quyền lợi biển của nước mình bị đe dọa, đã có 69 quốc gia đáp ứng được thời hạn chót của Liên hợp quốc (LHQ). Con số này vượt xa dự tính của các chuyên gia. LHQ đặt ra thời hạn chót nói trên để tất cả quốc gia ký Công ước về Luật biển của LHQ trình báo cáo xác định kích thước phần thềm lục địa mà họ tuyên bố chủ quyền. Nhiệm vụ của Ủy ban ranh giới thềm lục địa của LHQ là khảo sát và thẩm định các số liệu khoa học và kỹ thuật mà mỗi nước đệ trình, nhằm xác định liệu một quốc gia có thể có chủ quyền đối với các vùng của thềm lục địa mở rộng ngoài khu vực 200 hải lý hay không. Ủy ban này không đóng vai trò như một "quan tòa" trong các cuộc tranh chấp biên giới, mà chỉ giúp xác định "quyền chủ quyền vì những mục đích thăm dò và khai thác các nguồn tài nguyên".
6. Nga và Mỹ phản đối việc gây sức ép đối với Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên
Đặc phái viên Mỹ phụ trách đàm phán 6 bên Sung Kim đã gặp Phó trưởng đoàn đàm phán hạt nhân kiêm Đặc sứ phụ trách vấn đề bán đảo Triều Tiên của Nga Gri-gô-ri Lô-gvi-nốp tại Mát-xcơ-va, Nga ngày 14-5. Hai bên đã có cuộc thảo luận các biện pháp về vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên. Đặc phái viên Sung Kim nhấn mạnh, các nước liên quan cần đồng thuận trong việc đưa CHDCND Triều Tiên trở lại bàn đàm phán 6 bên. Đồng thời cho biết, Mỹ có ý định đối thoại trực tiếp với CHDCND Triều Tiên trong khuôn khổ đàm phán 6 bên. Ngày 15-5, Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc dẫn lời Bộ trưởng Thống nhất nước này cho biết, Hàn Quốc vừa gửi thư cho CHDCND Triều Tiên đề nghị tổ chức vòng đối thoại mới.
7. Một ngày đẫm máu ở Pa-ki-xtan
Ngày 16-5-2009, Pa-ki-xtan trải qua một ngày đẫm máu với hàng chục người thiệt mạng trong vụ không kích bị nghi là do Mỹ tiến hành và cuộc đánh bom liều chết ở Tây Bắc đất nước. Ít nhất 25 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương trong một vụ không kích nhằm vào một ngôi trường ở làng Ca-hi-xua (Kahisur), thuộc khu bộ lạc Bắc Oa-di-ri-xtan (North Waziristan), vùng được coi là đầu não của tàn quân Ta-li-ban (Taliban) và mạng lưới khủng bố al-Qaeda ở Tây Bắc Pa-ki-xtan, gần biên giới Áp-ga-ni-xtan. Phía Pa-ki-xtan cho biết, không có mục tiêu "giá trị" nào bị tiêu diệt trong trận không kích này. Đây là vụ không kích thứ ba kể từ ngày 9-5-2009 bị nghi là do Mỹ tiến hành. Cùng ngày, Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) cho báo giới biết hơn 1,1 triệu người Pa-ki-xtan đã phải rời bỏ nhà cửa do lo ngại các vụ giao tranh giữa quân đội chính phủ và tàn quân Taliban ở Tây Bắc nước này trong hai tuần qua. UNHCR kêu gọi các nhà viện trợ tiếp tục giúp đỡ người tị nạn Pakistan thông qua cơ quan này. Trước đó, các tổ chức nhân quyền đã cảnh báo Pa-ki-xtan đang phải đối mặt với đợt di cư lớn nhất kể từ năm 1947.
8. Thường trực HĐBA ủng hộ Hiệp ước chống phổ biến vũ khí hạt nhân
5 nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 15-5 ra tuyên bố ủng hộ “Hiệp ước chống phổ biến vũ khí hạt nhân”. Tuyên bố được đưa ra sau cuộc họp kín lần thứ 3 chuẩn bị cho Hội nghị thẩm định “Hiệp ước chống phổ biến vũ khí hạt nhân” của Hội đồng Bảo an. Tuyên bố nhấn mạnh cắt giảm vũ khí hạt nhân là nghĩa vụ và trách nhiệm của các nước tham gia Hiệp ước. 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an cam kết tiếp tục nỗ lực thúc đẩy tiến trình cắt giảm vũ khí hạt nhân; tuyên bố hoan nghênh việc Nga và Mỹ khởi động lại đàm phán về cắt giảm vú khí hạt nhân chiến lược và có các biện pháp tích cực trong lĩnh vực này. Hội đồng Bảo an nhất trí cần tăng cường chức năng giám sát của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), bảo đảm các nước thực hiện nghĩa vụ quốc tế của mình
9. Tổng thống Mỹ Ba-răc Ô-ba-ma quyết định khôi phục lại hệ thống xét xử quân sự tại nhà tù Gu-an-ta-na-mô
Ngày 15-5-2009, trong một động thái gây mâu thuẫn, Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma quyết định khôi phục lại hệ thống xét xử quân sự tại nhà tù Gu-an-ta-na-mo, đi ngược lại những gì đề ra trong chương trình cải cách của ông. Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma đã từng phản đối chính sách dùng tòa án quân sự để xử nghi phạm khủng bố. Vì các phiên tòa này đã không hoạt động trong khung pháp lý hợp hiến, làm chậm quyền được có công lý một cách nhanh chóng và chắc chắn. Sau khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Ba-răc Ô-ba-ma đã quyết định đóng cửa nhà tù Gu-an-ta-na-mô và giải tán các tòa án quân sự. Với quyết định mới này, Tổng thống Mỹ Ô-ba-ma vấp phải làn sóng phản đối mạnh mẽ. Bà Xta-xi Xu-li-van thuộc Tổ chức Giám sát nhân quyền cho biết, đây sẽ là lần thứ 3 chính quyền Mỹ tìm cách tái khởi động các phiên tòa quân sự. Đây cũng là lần thứ hai trong tuần, Tổng thống Mỹ Ba-răc Ô-ba-ma đưa ra quyết định đảo ngược lập trường trước đây. Ngày 13-5-2009, Tổng thống B.Ô-ba-ma tuyên bố dừng công bố các bức ảnh tù nhân bị lính Mỹ ngược đãi. Phát biểu tại Nhà Trắng ngày 13-5, Tổng thống Ô-ba-ma cho rằng, việc công bố các bức ảnh đó có thể làm dấy lên một phong trào chống Mỹ và ảnh hưởng tới an ninh quốc gia. Ông Ô-ba-ma cho rằng: “Việc công bố rộng rãi những bức ảnh này không làm tăng thêm bất cứ giá trị nào cho việc hiểu những gì đã do một số cá nhân thực hiện trước đây. Trên thực tế, hậu quả trực tiếp từ việc công bố những bức ảnh ảnh đó là sẽ làm cho toàn bộ người Mỹ tức giận và đặt quân đội Mỹ vào tình trạng nguy hiểm hơn”. Tuy nhiên, Chính phủ Mỹ cũng đang phải chịu sức ép nặng nề về việc công bố những bức ảnh này theo luật tự do thông tin và báo chí.Chính phủ Mỹ trước sức ép về công bố hình ảnh ngược đãi tù nhân
10. Tổng thống Đ.Mét-vê-đép đề nghị thành lập cơ cấu an ninh mới ở châu Âu
Ngày 16-5-2009, phát biểu trên kênh truyền hình "Nước Nga", Tổng thống Nga Đmi-tơ-ri Mét-vê-đép đề nghị thành lập một cơ cấu an ninh mới ở châu Âu để thay thế Tổ chức Hiệp ước quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) mở rộng. Theo Tổng thống Mét-vê-đép, an ninh châu Âu không thể được bảo đảm bằng việc mở rộng một khối quân sự - chính trị. Ông cảnh báo, nếu NATO tiếp tục mở rộng về mọi hướng thì Nga buộc phải thực thi những biện pháp đáp trả thích đáng. Theo ông, những thể chế bảo đảm an ninh tại châu Âu được lập ra vào những năm 70 của thế kỷ XX đã hoàn thành sứ mạng lịch sử của mình. Tổng thống Đ.Mét-vê-đép nêu rõ Nga muốn xây dựng một cơ cấu an ninh mới tại châu lục này để thay thế Định ước an ninh và hợp tác Hen-xinh-ki (Helsinki) đã lỗi thời, trên cơ sở tính đến những sự kiện đã xảy ra trong thế kỷ XX, nhằm bảo đảm an ninh của nước Nga và người dân Nga./.
*** Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ 4-5-2009 đến 10-5-2009)
Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” giai đoạn II  (18/05/2009)
Âm vang Trường Sơn  (18/05/2009)
Năm mươi năm bộ đội Trường Sơn anh hùng  (18/05/2009)
Nghệ An kỷ niệm lần thứ 119 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh  (17/05/2009)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên