TCCSĐT - Moody's là một trong ba hãng xếp hạng tín dụng của Mỹ lớn nhất và quyền uy nhất thế giới. Cuộc khủng hoảng tài chính từ mấy năm nay cũng đã gây ra những tổn hại không nhỏ đến uy danh của các hãng xếp hạng tín nhiệm, nhưng không vì thế mà mọi đánh giá và quyết định xếp hạng của họ mất hết uy lực. Thường thì Moody's cũng không đi đầu trong việc công bố xếp hạng nhưng trong trường hợp Đức, Hà Lan và Luxemburg thì lại khác.

Hồi đầu tuần này, Moody's đã đánh giá triển vọng của Đức, Hà Lan và Luxemburg không còn được "ổn định" như trước mà đã "xấu" đi. Các nước này vẫn giữ được mức xếp hạng tín nhiệm cao nhất là AAA, nhưng việc bị hạ bậc triển vọng từ "tiêu cực" xuống "xấu" thường là dấu hiệu về khả năng mức hạng tín nhiệm sẽ bị hạ thật sự. Như vậy, trong số 17 thành viên EU tham gia vào Khu vực sử dụng đồng tiền chung Euro (Eurozone), giờ chỉ còn Phần Lan được đánh giá cao nhất.

Điều đáng chú ý trước hết ở đây là Moody's không còn lạc quan về triển vọng của những thành viên được coi là ổn định và an toàn nhất trong EU, dưới tác động của khủng hoảng, đồng thời đóng vai trò then chốt trong các giải pháp tài chính của EU cũng như của Nhóm Eurozone, nhằm cứu đồng euro và giúp các thành viên bị khủng hoảng thoát khỏi khủng hoảng hoặc không bị phá sản. Trong đó, đặc biệt là Đức.

Ngoài ra, điều đáng chú ý không kém nữa là lập luận của Moody's khi cho rằng, EU chưa thể sớm khắc phục được khủng hoảng, nếu như không nói là cuộc khủng hoảng vẫn đang sâu sắc thêm. Nguy cơ Hy Lạp bị phá sản và phải ra khỏi Eurozone ngày càng thực tế. Tây Ban Nha và Italia cũng đang tiến gần hơn đến bên bờ vực khủng hoảng. Vì ba thành viên EU này đảm nhận hơn một phần ba toàn bộ khối lượng bảo lãnh tín dụng mà EU huy động được để cứu các thành viên bị khủng hoảng nên triển vọng nói trên ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng tài chính của họ. Hay nói cách khác, Moody's cho rằng, ba nước này đã tới giới hạn chịu đựng và không thể chịu đựng được nhiều hơn hay lâu hơn được nữa.

Gần như ngay sau khi hạ bậc hạng triển vọng của ba nước trên, Moody's đưa ra quyết định tương tự đối với các quỹ tài chính được EU thành lập để cứu các thành viên thoát khỏi khủng hoảng cũng như 17 ngân hàng lớn và một số bang của Đức.

Việc hạ bậc triển vọng này chưa tác động trực tiếp đáng kể tới thị trường tài chính, nhưng là lời cảnh báo mà cả ba thành viên không thể bỏ qua. Nó cho thấy mức độ trầm trọng của cuộc khủng hoảng và mức độ thiếu bền vững của nền tảng tài chính cho giải pháp đối phó khủng hoảng của EU nói chung, cũng như báo động về khả năng Đức, Hà Lan và Luxemburg bị kéo sa vào khủng hoảng nói riêng. Tác động chính trị và tâm lý của nó vì thế là không nhỏ.

Phần Lan chưa bị xếp vào diện bị hạ bậc triển vọng vì Phần Lan là thành viên duy nhất trong Nhóm Eurozone từ trước tới nay luôn đáp ứng tất cả những tiêu chí và điều kiện về ổn định mà EU đã đề ra. Hệ thống ngân hàng ở Phần Lan có quy mô nhỏ và chiếm phần nhỏ trong GDP của đất nước, không gắn kết chặt chẽ với các ngân hàng khác trên thị trường tài chính châu Âu. Bởi thế, nguy cơ bị khủng hoảng tài chính của Phần Lan là rất thấp. Khả năng đề kháng của nền kinh tế này lại khá cao vì vậy khủng hoảng ngân hàng không thể dẫn đến khủng hoảng tài chính của nhà nước và nguy cơ bị vỡ nợ.

Quốc gia nào bị hạ mức xếp hạng tín nhiệm, đồng nghĩa với việc sẽ gặp khó khăn lớn hơn trong việc vay nợ tiền từ hệ thống ngân hàng và thị trường tài chính. Trái phiếu nhà nước cũng vì thế mà khó được tiêu thụ khi phát hành ra và thường phải trả lãi suất cao. Điều đó cũng có nghĩa là nhà nước khó có thể vay được thêm, gánh nặng nợ sẽ ngày càng tăng và do đó nguy cơ bị khủng hoảng cũng ngày càng cao. Nếu tình hình tài chính của Hy Lạp không sớm được cải thiện và khủng hoảng trầm trọng thêm tới mức Hy Lạp bị vỡ nợ hoặc phải ra khỏi Nhóm Eurozone thì Tây Ban Nha và Italia sẽ không tránh khỏi khủng hoảng. Khi ấy, việc Đức, Hà Lan và Luxemburg bị các hãng xếp hạng tín nhiệm hạ mức hạng tín nhiệm sẽ là điều chắc chắn./.