Đối thoại chiến lược Mỹ - Ấn Độ

Lạn Kha
19:53, ngày 18-06-2012
TCCSĐT - Cuộc đối thoại chiến lược song phương lần thứ 3 giữa Mỹ và Ấn Độ đã được tiến hành trong ngày 13 và 14-6 vừa qua tại Washington (Mỹ). Cùng đi với Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ SM Krishna có một số thành viên Chính phủ, nhiều quan chức cao cấp và lãnh đạo một số tập đoàn đại diện cho giới kinh tế của Ấn Độ.
Khuôn khổ diễn đàn đối thoại này được khởi xướng năm 2010 và năm nay diễn ra trong bối cảnh xem chừng rất thuận lợi. Trước vòng đối thoại này, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Hillary Clinton đã đánh giá quan hệ giữa Mỹ và Ấn Độ "chưa bao giờ tốt đẹp hơn hiện tại".

Trong thời gian qua, phía Mỹ đã nhiều lần với nhiều cách thể hiện mức độ coi trọng mới dành cho Ấn Độ. Bà H.Clinton đã nhiều lần tới thăm Ấn Độ và ngay trước vòng đối thoại chiến lược này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta cũng đã tới Ấn Độ với mục tiêu thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hợp tác chính trị - an ninh và quân sự giữa hai nước. Dự kiến vào cuối tháng 6, phía Mỹ, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner sẽ thăm Ấn Độ, phía Ấn Độ Bộ trưởng Giáo dục
Kapil Sibal, Bộ trưởng Bộ Khoa học Vilasrao Deshmukh và Bộ trưởng Y tế Ghulam Azad Nabi cũng sẽ tới thăm Mỹ.

Không phải sự hợp tác duy nhất nhưng sự hợp tác quân sự và an ninh giữa Mỹ và Ấn Độ cũng là một trong những chủ đề nội dung chính trên chương trình nghị sự của cuộc đối thoại chiến lược song phương lần này. Nội dung này cũng được hai phía coi là một trong những trụ cột chính của mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước nói chung. Đương nhiên, sự hợp tác kinh tế và trao đổi thương mại cũng không kém phần quan trọng. Kim ngạch thương mại song phương đã tăng từ 9 tỉ USD năm 1995 lên 100 tỉ USD trong năm 2011.

Hợp tác trên lĩnh vực hạt nhân không chỉ giúp Ấn Độ có được quy chế "Cường quốc hạt nhân" mà thực tế còn mở ra lĩnh vực hợp tác kinh tế, đầu tư, nghiên cứu và phát triển với tiềm năng hết sức to lớn cho cả hai nước. Mới rồi, Mỹ đã xếp Ấn Độ trong danh sách 7 đối tác không bị áp dụng những biện pháp trừng phạt vì nhập khẩu dầu lửa của Iran (Ấn Độ, Hàn Quốc, Malaysia, Nam Phi, Sri Lanca, Đài Loan và Thổ Nhĩ Kỳ) trong khi không quyết định như vậy đối với Trung Quốc. Việc Ấn Độ mua thiết bị quân sự và vũ khí của Mỹ trị giá 8 tỉ USD cũng đã góp phần quan trọng vào việc gây dựng lợi ích chiến lược chung, tăng tính hiệu quả thiết thực và mức độ tin cậy lẫn nhau trong quan hệ song phương.

Ngoài những chủ đề nội dung cụ thể nói trên, hai bên còn trao đổi về chống khủng bố, bảo đảm an ninh nội địa, bảo vệ khí hậu trái đất cũng như hợp tác trên lĩnh vực y tế. Đồng thuận quan điểm và gây dựng được lợi ích chiến lược chung là chất lượng mới trong quan hệ giữa Ấn Độ và Mỹ cũng đã giúp cho cuộc đối thoại chiến lược song phương này rất thành công.

Lo ngại của Mỹ về Trung Quốc và mức độ quan hệ không mấy suôn xẻ hiện tại giữa Mỹ và Pakistan cũng như hướng tới thời kỳ hậu chiến ở Afghanistan đã làm cho Ấn Độ có được vị trí ngày càng quan trọng và nổi bật trong chiến lược chung của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Mỹ đã công khai chủ định và đang tích cực triển khai thực hiện việc dịch chuyển ưu tiên chiến lược cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thể hiện không chỉ trên phương diện chính trị an ninh, mà cả về ngoại giao, kinh tế, thương mại và trong các vấn đề thời sự của khu vực và thế giới. Vì thế, mức độ nổi bật trong tăng cường quan hệ giữa hai nước có tác động mạnh mẽ và lâu dài vượt cả ra ngoài phạm vi khuôn khổ mối quan hệ song phương này./.