Ngày 15-5, Văn phòng Tổng thống Pháp thông báo, ngay sau lễ nhậm chức Tổng thống Pháp, ông Francois Hollande, sẽ lên đường tới Berlin để thảo luận với Thủ tướng Đức Angela Merkel về việc thực hiện các chính sách thắt lưng buộc bụng và nợ công trong khu vực đồng tiền chung châu Âu.

Lễ nhậm chức Tổng thống của ông Hollande được tổ chức vào lúc 10 giờ theo giờ địa phương (tức 15 giờ - giờ Việt Nam và 08 giờ 00 phút theo giờ GMT), vào ngày 15-5, tại điện Elysee. Khoảng 30 khách mời cá nhân của ông Hollande cùng 350 quan chức khác đã có mặt tại buổi lễ. Trong buổi nhậm chức, ông Hollande được nhận huy hiệu Tổng thống, chiếc vòng cổ bằng vàng có khắc tên tất cả các tổng thống Pháp từ năm 1958, cũng như các mật mã hạt nhân và nhiều tài liệu bí mật khác do người tiền nhiệm – ông Sarkozy trao lại.

Trong khi đó, nhiều người ủng hộ ông Sarkozy đã tập trung tại điện Elysee và vẫy tay tạm biệt Tổng thống mãn nhiệm của Pháp.

Sau khi dùng bữa trưa đầu tiên trên cương vị Tổng thống Pháp, ông Hollande sẽ chỉ định một loạt vị trí lãnh đạo quan trọng trong bộ máy điều hành của chính phủ mới. Theo báo chí Pháp, nhà cố vấn kinh tế Michel Sapin sẽ được ông Hollande bổ nhiệm giữ cương vị Bộ trưởng Tài chính để giúp Tổng thống hoạch định những chính sách, đưa nền kinh tế Pháp thoát khỏi tình cảnh ảm đạm như hiện nay.

Trong khi đó, tờ Liberation của Pháp cho biết, có nhiều khả năng ông Hollande sẽ bổ nhiệm ông Jean-Marc Ayrault giữ vai trò Thủ tướng Pháp và ông Ayrault sẽ tháp tùng ông Hollande sang Đức để gặp mặt Thủ tướng Angela Merkel.

Theo nhận định của báo giới, trong chuyến công du Đức lần này, ông Hollande – vị Tổng thống đầu tiên của đảng Xã hội Pháp trong 17 năm trở lại đây, phải đối mặt với một thách thức lớn, đó là “thuyết phục bà Merkel từ bỏ quan điểm ủng hộ việc thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng và chuyển sang một chiến lược mới, tập trung nhiều hơn vào tăng trưởng tại khu vực sử dụng đồng ơ-rô (Eurozone)”.

Trong thời gian trở lại đây, bà Merkel được biết đến là một nhà lãnh đạo châu Âu ủng hộ mạnh mẽ các nỗ lực của ông Sarkozy trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Pháp. Theo lập trường của bà Merkel, việc Hy Lạp và các nền kinh tế khó khăn khác thuộc Eurozone tiếp tục duy trì thực hiện các chính sách kinh tế thắt lưng buộc bụng là cần thiết để giúp họ cân bằng ngân sách.

Trên thực tế, vấn đề “thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng” hay tiếp tục thực hiện các chính sách tăng trưởng không chỉ là vấn đề gây đau đầu nhiều chính khách châu Âu mà còn là mối quan tâm chung của người dân tại nhiều quốc gia tại khu vực này.

Cuối tuần trước, hàng trăm nghìn người dân tại các nước Tây Ban Nha, Anh, Bỉ, Bồ Đào Nha…đã đồng loạt đổ xuống đường nhằm bày tỏ thái độ không hài lòng với viễn cảnh kinh tế đáng lo ngại và cách xử lý  cuộc khủng hoảng tài chính quốc tế của các nhà lãnh đạo. Trong khi đó, tình hình kinh tế tại Eurozone cũng trở nên đáng lo ngại hơn bao giờ hết khi thị trường chứng khoán tại khu vực này vừa bị tụt dốc thê thảm sau khi các nhà chính trị tại Hy Lạp, ngày 14-5, đã thất bại trong việc thông qua kế hoạch nhằm hình thành một chính phủ liên minh-vốn được xem là yếu tố cần thiết để đưa nước này thoát khỏi khủng hoảng kinh tế.

Trước đó, ngày 12-5, phát ngôn viên chính phủ Pháp Steffen Seibert cho biết, việc ông Hollande lên kế hoạch chọn Đức là điểm công du nước ngoài đầu tiên sau lễ nhậm chức Tổng thống là một “dấu hiệu mạnh mẽ” cho thấy mối quan hệ khăng khít giữa Paris và Berlin. Tuy nhiên, ông Seibert cũng cho biết thêm, trong buổi gặp gỡ đầu tiên, bà Merkel và ông Hollande sẽ chỉ đưa ra những thông điệp làm quen và không đưa ra quyết định cụ thể nào trong khi tiến hành đối thoại.

Trong khi đó, nhiều nhà phân tích cũng cho rằng, cho dù vẫn còn tồn tại một số bất đồng, song bà Merkel và ông Hollande cuối cùng sẽ sớm đi đến thỏa hiệp bởi trên thực tế, mối quan hệ giữa Đức và Pháp đóng vai trò vô cùng quan trọng nhằm duy trì ổn định của châu Âu và không ai lại có hy vọng, hay thậm chí nghĩ tới việc phá hủy mối quan hệ này./.