TCCSĐT - Từ đầu năm đến nay hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do chịu tác động từ sự bất ổn của kinh tế thế giới và trong nước... Điểm đáng chú ý là những khó khăn này lại tập trung ở nhiều ngành kinh tế trọng yếu như: xây dựng, công nghiệp chế biến, các ngành dịch vụ... Tìm ra các giải pháp và khẩn trương, quyết liệt thực hiện để tháo gỡ khó khăn cho danh nghiệp và thị trường được coi là không thể chậm trễ hơn.

Tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Tình hình kinh tế vĩ mô trong 4 tháng đầu năm 2012 đã có nhiều bước chuyển biến, các giải pháp kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô tiếp tục phát huy hiệu quả. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng trong những tháng đầu năm có xu hướng giảm. Tính đến hết tháng 4-2012, chỉ số CPI tăng 2,6% so với tháng 12-2011. Nhập siêu khoảng 176 triệu USD, bằng khoảng 0,53% tổng kim ngạch xuất khẩu. Lãi suất tín dụng giảm, thanh khoản của hệ thống ngân hàng và dự trữ ngoại hối được cải thiện, tỷ giá ổn định, thị trường chứng khoán có dấu hiệu khởi sắc. Tuy nhiên, tăng trưởng GDP quý I/2012 đạt 4%, là mức thấp nhất kể từ năm 2004 (ngoại trừ quí I/2009), trong đó ngành công nghiệp chế biến chỉ tăng 3,04%, xây dựng giảm 3,85%, ngành dịch vụ cũng tăng trưởng chậm lại. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 4 tháng đầu năm 2012 tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2011, là mức tăng thấp. Đặc biệt, sản lượng của nhiều ngành giảm và không đạt kế hoạch như xi măng (93,5%), sắt thép (91,1%), xe có động cơ (84,1%), giầy da (93,5%)... Bên cạnh đó, kim ngạch nhập khẩu giảm mạnh ở các mặt hàng như: linh kiện phụ tùng ôtô; xăng dầu; linh kiện xe máy; nguyên phụ liệu cho sản xuất, xuất khẩu (vải, bông, sợi dệt…). Những khó khăn của tình hình kinh tế vĩ mô đang ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Đặc biệt, thời gian qua số lượng doanh nghiệp đăng ký mới giảm, trong khi số tạm ngừng hoạt động, giải thể và phá sản tăng. Bộ Tài chính cho biết, qua theo dõi Mã số thuế doanh nghiệp, quý I/2012 có hơn 18.700 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 10,2% so với cùng kỳ 2011. Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là gần 18.700 doanh nghiệp. Số doanh nghiệp giải thể, phá sản và ngừng hoạt động là khoảng 10.350 doanh nghiệp, tăng 14,8% so với cùng kỳ; trong số đó có 23,1% doanh nghiệp thành lập được 1 năm và 41,9% doanh nghiệp thành lập được 2 năm. Tính đến cuối quý I/2012, cả nước có 445.500 doanh nghiệp đang hoạt động. Một số ngành có số doanh nghiệp thành lập mới giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2011, như công nghiệp khai khoáng, kinh doanh bất động sản, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, xây dựng. Một số ngành có số doanh nghiệp tạm nghỉ kinh doanh có thời hạn và ngừng hoạt động tăng cao như kinh doanh bất động sản và xây dựng. Ngoài ra, theo Bộ Tài chính hầu hết các ngành kinh tế đều có doanh thu giảm so với cùng kỳ (15/21 ngành chính), như: xây dựng giảm 26%; thương mại, bán buôn, bán lẻ giảm 22%; sản xuất giảm 9%; dịch vụ khách sạn, ăn uống giảm 8%… Doanh thu bán hàng hóa dịch vụ trong quý I/2012 giảm 7% so với cùng kỳ năm 2011, trong đó khu vực doanh nghiệp Nhà nước giảm 14%, doanh nghiệp ngoài Nhà nước giảm 21%, riêng khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 24%. Theo số liệu của các doanh nghiệp niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh, chỉ số lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) năm 2011 của nhiều ngành giảm, như bất động sản (7,46%), xây dựng (12%), thép (14,46%)... Chi phí lãi vay tăng; khả năng thanh toán lãi vay của đa số các ngành đều giảm so với năm 2010. Đáng chú ý là nhiều doanh nghiệp còn phải đối mặt với những khó khăn tài chính do vẫn còn nợ thuế ở mức cao. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, đến cuối năm 2011 số nợ thuế phải thu chiếm tỷ trọng 6,95% so với số thuế đã nộp vào ngân sách Nhà nước, tăng 1,76% so với năm 2010. Tính đến hết tháng 2-2012, số thuế nợ tăng 28,5% so với 31-12-2011, trong đó, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 25,7%, khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng 13,9%, khu vực doanh nghiệp Nhà nước tăng 4,3%. Một số ngành có số nợ thuế giá trị gia tăng tăng cao so với cùng kỳ 2011 như: bất động sản, vận tải, sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nông- lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp khai khoáng, dịch vụ ăn uống khách sạn. Tính đến giữa tháng 3, tổng số doanh nghiệp nợ thuế hải quan quá hạn là 8.465 doanh nghiệp (tăng 6,04% so với thời điểm 31-12-2011). Nợ thuế hải quan quá hạn tập trung ở nhóm hàng hóa thành phẩm (riêng thuế xuất khẩu, nợ quá hạn chủ yếu từ nhóm hàng hóa nguyên vật liệu, sản phẩm thô).

Nhìn chung, tình hình doanh nghiệp 4 tháng đầu năm vẫn khó khăn, tập trung chủ yếu ở những ngành như: xây dựng; bất động sản; công nghiệp chế biến, chế tạo (ô tô, xe máy, sắt, thép, cơ khí, thuỷ sản, dệt may...); chăn nuôi, sản xuất lâm nghiệp; dịch vụ, ăn uống; khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước; doanh nghiệp nhỏ và vừa và một số doanh nghiệp lớn, thậm chí cả doanh nghiệp ở những địa bàn lớn như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Bình Dương.

Các nhóm giải pháp tài chính hỗ trợ doanh nghiệp, thị trường

Trước tình hình diễn biến kinh tế vĩ mô từ đầu năm đến nay vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức và các doanh nghiệp cũng đang gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển sản xuất, kinh doanh, theo các chuyên gia kinh tế, thời điểm này nên song song với các giải pháp về tiền tệ, tín dụng thì cần phải có những giải pháp tài chính để kịp thời tháo gỡ, duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh, chống suy giảm kinh tế, gắn với thực hiện tốt mục tiêu bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội. Bộ Tài chính vừa đề xuất 5 nhóm giải pháp tài chính để hỗ trợ doanh nghiệp và thị trường. Những đề xuất này sẽ có những tác động tích cực đến doanh nghiệp, thị trường, nhóm đối tượng an sinh xã hội và cả nền kinh tế.

Theo ông Vũ Nhữ Thăng, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính), đề xuất của Bộ Tài chính về các giải pháp về tài chính lần này không chỉ tập trung vào thuế mà còn hướng và các nhóm giải pháp khác như điều hành vĩ mô, chi tiêu công, điều hành giá, thủ tục hành chính thuế. Trong đó, điểm đáng lưu ý là nhóm giải pháp chi tiêu công trị giá khoảng 3.560 tỉ đồng, bao gồm bổ sung 460 tỉ đồng để làm vốn đối ứng cho các dự án ODA và 2.100 tỉ đồng để đầu tư các dự án cấp bách từ nguồn tăng thu ngân sách Nhà nước năm 2011; dành thêm 1.000 tỉ đồng cho vay đầu tư kiên cố hóa kênh mương, phát triển đường giao thông nông thôn (bao gồm cả các trạm bơm điện phục vụ tưới tiêu sản xuất nông nghiệp)…

Nhóm giải pháp này sẽ tạo ra cầu về vật liệu xây dựng và hàng loạt hàng hóa là đầu vào khác cho các dự án cơ sở hạ tầng, từ đó, giúp các doanh nghiệp giảm bớt khó khăn. Nhóm giải pháp cũng bao gồm cả việc cho phép sử dụng khoản kinh phí mua sắm trong dự toán năm 2011 đã chuyển nguồn sang năm 2012 để thực hiện mua sắm theo quy định của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, nhóm giải pháp về thuế và phí không chỉ có giải pháp với doanh nghiệp, mà còn mang lại lợi ích cho người dân. Cụ thể: gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp trong 6 tháng đối với số thuế phải nộp của tháng 4-6/2012. Ước tổng mức thuế giá trị gia tăng giãn nộp lên đến 12.300 tỉ đồng. Doanh nghiệp cũng sẽ có cơ hội được hưởng lợi khác khi Bộ Tài chính đề xuất gia hạn số tiền thuế thu nhập doanh nghiệp của năm 2011 trở về trước mà doanh nghiệp còn nợ. Thời gian gia hạn lên tới 9 tháng. Với các biện pháp này, doanh nghiệp sẽ có cơ hội tăng vốn lưu động. Ngoài ra, Bộ cũng đề xuất giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2012.

Điểm đáng lưu ý khác là đề xuất giảm 50% tiền thuê đất của năm nay cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ và nếu tính cả việc đang thực hiện giảm 50% tiền thuê đất của doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất năm 2012 theo Quyết định số 2093/QĐ-TTg ngày 23-11-2011, số tiền thuê đất được giảm lên tới 1.500 tỉ đồng.

Cũng theo đề xuất của Bộ Tài chính, các hộ dân đánh bắt hải sản và hộ sản xuất muối sẽ có cơ hội được miễn thuế môn bài năm 2012, nếu đã nộp, sẽ được hoàn trả lại. Ngoài ra, Bộ Tài chính đề xuất và Chính phủ đã lùi thời hạn thu phí bảo trì đường bộ đối với ôtô xe máy đến hết năm nay. Cùng với đó là đề xuất miễn thuế khoán, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và thuế thu nhập doanh nghiệp trong cả năm nay đối với cá nhân, hộ kinh doanh nhà trọ, phòng trọ cho thuê đối với công nhân, người lao động, sinh viên, học sinh và một số đối tượng khác.

Theo tính toán sơ bộ, nhóm giải pháp về chi tiêu công (chưa tính các khoản bổ sung từ nguồn tăng thu ngân sách Nhà nước năm 2011) và nhóm giải pháp về thuế, phí sẽ tác động về tài chính khoảng 29.000 tỉ đồng. Trong đó, gia hạn thuế, phí sẽ để lại cho doanh nghiệp tiền đầu tư ước khoảng 16.000 tỉ đồng, qua đó giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn tạm thời về vốn đầu tư, làm tăng tốc độ chu chuyển vốn và tác động tốt cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đồng thời, các giải pháp miễn, giảm thuế và các giải pháp tài chính khác giúp cho doanh nghiệp giảm chi phí ước khoảng 13.000 tỉ đồng. Bộ cũng rà soát và thực hiện hỗ trợ giá xăng dầu, điện đầu vào cho một số lĩnh vực sản xuất, đối tượng như ngư dân đánh bắt xa bờ, sản xuất nông nghiệp, hộ nghèo, nếu những mặt hàng này tiếp tục biến động giá.

Các giải pháp tài chính trên được thực hiện theo nguyên tắc thị trường, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, không làm lạm phát tăng trở lại; tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường cả trong nước và quốc tế. Đồng thời, hỗ trợ đúng đối tượng, đúng địa chỉ, đúng mục tiêu và kịp thời theo mức độ khó khăn của doanh nghiệp; tuân thủ quy định của pháp luật và cam kết quốc tế. Phối hợp tốt với việc điều hành chính sách tiền tệ, từng bước hạ lãi suất cho vay và nâng cao khả năng hấp thụ vốn tín dụng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp. Thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp và cơ cấu lại sản xuất, kinh doanh, cũng như quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, sắp xếp lại ngành hàng phù hợp với lợi thế cạnh tranh và phù hợp với quy hoạch phát triển ngành.

Với các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, ước ngân sách Nhà nước năm 2012 sẽ giảm thu so với dự toán khoảng 9.000 tỉ đồng (gồm giãn thuế giá trị gia tăng sang năm 2013 khoảng 4.100 tỉ đồng, thu nhập doanh nghiệp và thuế khoán 4.100 tỉ đồng, giảm tiền thuê đất 800 tỉ đồng). Số giảm thu này sẽ ảnh hưởng đến cân đối của ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương. Đồng thời, việc giãn thuế giá trị gia tăng, gia hạn nợ thuế thu nhập doanh nghiệp, tuy không ảnh hưởng đến cân đối ngân sách Nhà nước cả năm nhưng sẽ ảnh hưởng đến cân đối ở từng thời điểm. Vì vậy, trong thời gian tới, ngành Tài chính tiếp tục chủ động thực hiện các giải pháp điều hành ngân sách Nhà nước; tăng cường công tác quản lý về thuế và hải quan; ngăn chặn tình trạng chuyển giá, trốn, lậu thuế... Hơn nữa, khi các doanh nghiệp được tháo gỡ khó khăn, khơi thông thị trường, giảm chi phí đầu vào của sản xuất thì có điều kiện tiếp tục phát triển sản xuất, kinh doanh, qua đó tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là công tác hỗ trợ cần bảo đảm đúng đối tượng, đúng địa chỉ, đúng mục tiêu và kịp thời theo mức độ khó khăn của doanh nghiệp; đồng thời, tuân thủ quy định của pháp luật và cam kết quốc tế. Ngoài ra, cần một sự phối hợp tốt với việc điều hành chính sách tiền tệ, từng bước hạ lãi suất cho vay và nâng cao khả năng hấp thụ vốn tín dụng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp. Đặc biệt, cần đẩy mạnh tái cấu trúc doanh nghiệp và cơ cấu lại sản xuất, kinh doanh, cũng như quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, sắp xếp lại ngành hàng phù hợp với lợi thế cạnh tranh và phù hợp với quy hoạch phát triển ngành./.