TCCSĐT - Chuẩn bị Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII, trong 2 ngày 3 và 4-5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu Quốc hội đơn vị bầu cử số 1, thành phố Hà Nội, đã tiếp xúc đông đảo cử tri quận Ba Đình và quận Hoàn Kiếm; Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan và đồng chí Hà Thị Khiết, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương đã có buổi tiếp xúc cử tri tại tỉnh Hà Nam và thành phố Hà Giang (Hà Giang).

Trong buổi tiếp xúc cử tri tại quận Ba Đình và quận Hoàn Kiếm (thành phố Hà Nội), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu Quốc hội đã thông báo tới cử tri dự kiến nội dung, chương trình Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội và lắng nghe, tiếp thu nhiều ý kiến, kiến nghị xác đáng của cử tri.

Đa số cử tri vui mừng nhận thấy, hoạt động của Quốc hội tiếp tục có những đổi mới tích cực. Các kỳ họp Quốc hội diễn ra sôi nổi, dân chủ, ý kiến phát biểu thẳng thắn, chất lượng. Công tác giám sát tối cao tiếp tục được tăng cường thông qua các phiên chất vấn và trả lời chất vấn, các phiên giải trình tại các Ủy ban của Quốc hội, qua đó góp phần nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Đa số ý kiến cử tri mong muốn Quốc hội tiếp tục đổi mới công tác tiếp xúc cử tri, nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát tối cao, chất lượng công tác lập pháp, bảo đảm các đạo luật được ban hành sớm đi vào thực tế cuộc sống.

Nhiều cử tri đã đóng góp ý kiến về các vấn đề như quản lý trật tự đô thị, bảo đảm an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông; quản lý, sử dụng đất đai; nâng cao chất lượng giáo dục đại học, giáo dục mầm non, tạo việc làm cho thanh niên; tình hình giá cả, dịch vụ y tế, an toàn vệ sinh thực phẩm; công tác bảo vệ môi trường sinh thái; thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo...

Vấn đề được nhiều cử tri đặc biệt quan tâm là quản lý trật tự đô thị, bảo đảm an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông. Tình trạng này có nhiều nguyên nhân, cả chủ quan và khách quan; trong đó đáng kể nhất là ý thức chấp hành luật lệ giao thông của người dân, cơ sở hạ tầng giao thông còn hạn chế... Cử tri kiến nghị, việc hạn chế phương tiện giao thông cá nhân cần tiến hành đồng thời với việc phát triển mạng lưới giao thông công cộng và đặt trong mối tương quan với sự phát triển ngành công nghiệp ô tô.

Về vấn đề chống tham nhũng, cử tri thẳng thắn phát biểu: Đảng, Nhà nước đã tiến hành nhiều biện pháp, có nhiều nỗ lực trong công tác này, nhưng kết quả chưa được như mong muốn. Cơ quan phòng chống tham nhũng cần đứng độc lập, tránh tình trạng vừa đá bóng, vừa thổi còi. Việc xử lý, giải quyết các vụ việc tham nhũng, tiêu cực, cần phải quyết liệt, kịp thời. Cử tri hoan nghênh, đánh giá cao việc ban hành Nghị quyết Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và mong đợi Nghị quyết sẽ được triển khai thực hiện quyết liệt, tạo được chuyển biến mạnh mẽ trong thực tế cuộc sống.

Thay mặt các đại biểu Quốc hội đơn vị bầu cử số 1, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hoan nghênh và đánh giá cao những ý kiến tâm huyết, thẳng thắn, trách nhiệm của cử tri, đề cập nhiều vấn đề phong phú, cả ở tầm vĩ mô và những vấn đề cụ thể, thiết thực. Trước sự quan tâm của nhiều cử tri về các vấn đề quốc kế dân sinh, Tổng Bí thư chỉ rõ: Xây dựng đường lối, chủ trương, chính sách đã khó, triển khai thực hiện những đường lối, chủ trương, chính sách đó trong cuộc sống, lại càng khó hơn. Mọi đường lối, chính sách phải xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn cuộc sống, tâm tư nguyện vọng và lợi ích chính đáng của nhân dân.

Về thu hẹp khoảng cách chênh lệch giàu - nghèo, thực hiện các chính sách an sinh xã hội, Tổng Bí thư nhấn mạnh rằng xóa đói giảm nghèo, chăm lo giải quyết các vấn đề xã hội, là một trong những điểm sáng của Việt Nam trong thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ do Liên hợp quốc đề ra. Chăm lo xây dựng và thực hiện tốt các chính sách xã hội là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước với nhân dân. Đảng đã xác định: cần chăm lo giải quyết tốt các vấn đề xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển.

Về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động Quốc hội, Tổng Bí thư nêu rõ: khả năng đổi mới còn nhiều, cả về phương thức hoạt động tại kỳ họp, công tác tiếp xúc cử tri, xây dựng luật pháp và giám sát tối cao, bao gồm cả giám sát tư cách đại biểu Quốc hội.

Trước sự quan tâm của nhiều cử tri về tình trạng luật khung, luật ống; Chính phủ trình dự án luật liệu có bảo đảm khách quan hay Quốc hội phải thành lập một cơ quan chuyên trách việc này, Tổng Bí thư phân tích rằng nếu luật quy định quá cụ thể, chi tiết, sẽ dẫn tới tình trạng đúng với vùng này, đối tượng này, nhưng không đúng với vùng khác, đối tượng khác... và nhanh phải sửa. Có những việc phải rất cụ thể, nhưng có những việc cần hướng dẫn thi hành. Thực tế, Chính phủ trình dự án luật, nhưng từ lúc trình đến khi luật được ban hành, phải qua các khâu thẩm định, phản biện... nội dung đã khác nhiều, làm sao hạn chế tối đa lợi ích ngành, lợi ích nhóm.

Tổng Bí thư cũng đã trao đổi thẳng thắn, chân tình về nhiều vấn đề cử tri nêu, đặc biệt là về công tác đấu tranh phòng chống tiêu cực, quan liêu, tham nhũng, lãng phí. Tổng Bí thư nhấn mạnh, Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” là một trong nhiều nghị quyết về công tác xây dựng Đảng, đã được Đảng ban hành, triển khai thực hiện quyết liệt, nhằm mục tiêu xây dựng Đảng, xây dựng bộ máy Nhà nước thực sự trong sạch vững mạnh.

Tuy nhiên, bối cảnh tình hình mới, những tác động mặt trái của cơ chế kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, lại đặt ra những yêu cầu nhiệm vụ mới, khó khăn phức tạp hơn đối với công tác xây dựng Đảng. Trung ương đặt quyết tâm rất cao, biện pháp có rồi, bắt mạch kê đơn đã đúng bệnh, toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, phải bình tĩnh, tỉnh táo, khách quan, thận trọng, tiến hành từng bước chắc chắn, có hiệu quả, bởi đây là vấn đề con người, liên quan đến con người, không cẩn thận sẽ rối nội bộ. Từng cán bộ, đảng viên phải tự điều chỉnh, thực hiện.

Sự quan tâm sâu sắc của đông đảo cử tri và nhân dân cả nước đối với Nghị quyết Trung ương 4, đối với công tác xây dựng Đảng, là thể hiện tình cảm, niềm tin và trách nhiệm của toàn dân với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc.

Tổng Bí thư mong muốn toàn Đảng, toàn dân đồng lòng nhất trí, thực hiện thắng lợi các Nghị quyết của Đảng, của Quốc hội, đưa đất nước đi lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

* Tại các buổi tiếp xúc cử tri ở tỉnh Hà Nam, nhiều ý kiến cử tri Hà Nam mong muốn các cấp, các ngành chức năng cần có các biện pháp tích cực hơn nữa nhằm giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường; đặc biệt là tình trạng ô nhiễm nguồn nước sông Nhuệ, sông Đáy và lo ngại đến sức khoẻ của mình khi phải sử dụng nguồn nước ô nhiễm này. Cử tri đề nghị Nhà nước kéo dài hơn nữa thời gian sử dụng đất nông nghiệp; hỗ trợ chi trả trợ cấp 1 lần đối với bộ đội phục viên; giải quyết chính sách cho những nạn nhân chất độc da cam chưa được công nhận; quan tâm giải quyết việc làm đối với người dân trong khu vực thu hồi đất; nâng cao phụ cấp đối với cán bộ chuyên trách cấp cơ sở; đầu tư nhiều hơn nữa cho khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Cử tri cũng bày tỏ những lo lắng với tình trạng tham ô, tham nhũng của một số cán bộ, đảng viên hiện nay, vấn đề này cần giải quyết dứt điểm.

Thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã biểu dương và cám ơn những ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Quốc hội trên tinh thần thẳng thắn, xây dựng. Phó Chủ tịch nước và đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam đã giải đáp một số vướng mắc, kiến nghị của cử tri đồng thời ghi nhận các ý kiến, kiến nghị xác đáng của cử tri để phản ánh tại kỳ họp sắp tới và chuyển đến những cơ quan chức năng giải quyết.

* Trong các buổi tiếp xúc cử tri tại thành phố Hà Giang, đa số cử tri cho rằng, các cuộc họp của Quốc hội và hoạt động của Quốc hội có nhiều đổi mới trong chất vấn, trả lời chất vấn đồng thời đề nghị Quốc hội xem xét rút ngắn thời gian các kỳ họp để tiết kiệm thời gian, ngân sách nhưng vẫn đảm bảo chất lượng của kỳ họp. Trước tình hình vi phạm pháp luật, tội phạm trong lứa tuổi vị thành niên ngày càng gia tăng, cử tri kiến nghị Quốc hội xem xét điều chỉnh, sửa đổi một số điều của Bộ luật Hình sự để xử lý tội phạm trong lứa tuổi vị thành niên nhằm hạn chế sự gia tăng loại tội phạm này.

Theo Quyết định 613/QĐ - TTg ngày 6-5-2010 của Thủ tướng Chính phủ quy định trợ cấp hàng tháng cho những người hưởng trợ cấp mất sức lao động có đủ 15 năm đến dưới 20 năm công tác thực tế đã hết thời hạn hưởng trợ cấp mất sức lao động; quy định như vậy thiệt thòi cho những người có đủ 10 năm đến dưới 15 năm công tác thực tế. Cử tri đề nghị Chính phủ điều chỉnh, sửa đổi giảm thời gian công tác thực tế xuống từ 10 năm đến dưới 15 năm để những người mất sức lao động được hưởng trợ cấp hàng tháng. Cử tri đề nghị Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư nhiều hơn tới các huyện vùng sâu, vùng xa, biên giới trong diện đặc biệt khó khăn của Hà Giang. Nhà nước cần tiếp tục đầu tư xây dựng trường học, trạm xá xã, đường giao thông; tạo điều kiện cho nhiều con em đồng bào dân tộc thiểu số được tham gia học tập tại các Trường Dân tộc Nội trú và ưu tiên tuyển vào học trong các trường học chuyên nghiệp…

Phát biểu với cử tri Hà Giang, đồng chí Hà Thị Khiết biểu dương tinh thần đóng góp xây dựng thẳng thắn của cử tri; cảm ơn những ý kiến đóng góp, chia sẻ chân thành của các cử tri. Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIII tỉnh Hà Giang ghi nhận những kiến nghị, đề xuất của cử tri và sẽ nêu ra tại kỳ họp Quốc hội; đồng thời phản ánh đến các cơ quan của Trung ương để giải quyết và thông báo kết quả với cử tri trong thời gian sớm nhất./.

 Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIII dự kiến khai mạc vào ngày 21-5 và kéo dài 1 tháng, thông qua 13 dự án Luật, cho ý kiến 7 dự án Luật khác, xem xét tình hình kinh tế - xã hội, phê chuẩn ngân sách nhà nước, chất vấn và trả lời chất vấn. Vấn đề được nhiều cử tri đặc biệt quan tâm là quản lý trật tự đô thị, bảo đảm an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông; công tác phòng chống tham nhũng; đổi mới giám sát của Quốc hội...