TCCSĐT - Ngân hàng Pháp Societe Generale mới công bố bảng xếp hạng thời sự nhất về 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới và dự báo chiều hướng biến động của các nền kinh tế ấy cho tới năm 2016.

Theo ngân hàng này, thứ tự 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới năm 2007 là Mỹ, Nhật bản, Trung quốc, Đức, Anh, Pháp, Itala, Tây Ban Nha, Canada và Brazil. Năm 2012, Tây Ban Nha và Canada không còn trong danh sách Top Ten nữa mà bị thay thế bởi Ấn Độ và Nga, đồng thời Anh cũng đã bị Brazil vượt mặt. Ngân hàng này xếp hạng mười nền kinh tế lớn nhất thế giới năm 2012 như sau: Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Đức, Pháp, Brazil, Anh, Italia, Nga và Ấn Độ. Sự thay đổi so với năm 2007 còn ở chỗ Trung Quốc vượt Nhật bản và Anh bị cả Pháp lẫn Brazil đẩy xuống vị trí thứ 7.

Societe Generale dự báo đến năm 2016, Brazil sẽ vượt Pháp và Itala sẽ tụt xuống vị trí thứ 10. Khi đó, thứ tự các nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ là Mỹ, Trung Quốc, Nhật bản, Đức, Brazil, Pháp, Anh, Nga, Ấn Độ và Italia. Theo xếp hạng mới này, ngay từ năm nay, bốn trong số 5 thành viên của Nhóm BRICS đã thuộc diện 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới và Canada vốn là thành viên của Nhóm G8 đã không còn trong diện ấy nữa.

Ngân hàng này còn công bố một so sánh khá thú vị. Nếu lấy GDP của các nước năm 2007 làm cơ sở (100%) GDP của Trung Quốc năm 2012 tăng lên 152% và năm 2016 dự báo đạt gần gấp đôi (198%), tiếp đến Ấn Độ với 134% và 172%, Brazil với 114 % và 129%, Nga với 109% và 130%, sau đó mới đến Đức, Mỹ, Nhật bản, Pháp và Anh.... với mức độ tăng thấp hơn.

Những số liệu của Societe Generale khẳng định chiều hướng biến động trong tương quan lực lượng giữa các nền kinh tế này với nhau. Cuộc khủng hoảng tài chính đã làm cho sự tụt hạng của các nền kinh tế phát triển diễn biến nhanh hơn dự đoán ban đầu. Năm ngoái, Trung Quốc đã vượt Đức về kim ngạch xuất khẩu. Bộ trưởng Tài chính Brazil Guido Mantega quả quyết "không ai có thể cản được việc chúng tôi vượt Pháp".

Bảng xếp hạng này dựa trên GDP. Nếu lấy thu nhập tính theo đầu người làm cơ sở thì chắc chắn sẽ có thứ tự xếp hạng khác. Dù vậy, nó cũng bộc lộ những yếu kém và bất cập ở nền kinh tế của các nước công nghiệp phát triển. Gần như tất cả các nước này đều chưa đạt lại được mức độ tăng trưởng kinh tế trước khủng hoảng, hiện tại ại chủ yếu sử dụng biện pháp in thêm tiền để bơm vào thị trường tài chính nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Trong khi đó, các nước đang phát triển và mới nổi tăng trưởng kinh tế trước hết nhờ lao động và sản xuất. Sự thay đổi vị thế về sức mạnh kinh tế có tác động trực tiếp và sâu sắc tới cục diện quan hệ giữa các quốc gia và các tổ chức quốc tế và khu vực./.