Để giải quyết bài toán an ninh lương thực
23:06, ngày 15-03-2012
TCCS - An ninh lương thực đã trở thành vấn đề an ninh toàn cầu khi tình trạng khan hiếm nguồn cung cũng như giá lương thực tăng cao đang gây ra những ảnh hưởng xã hội nghiêm trọng. Tìm hiểu toàn cảnh bức tranh lương thực toàn cầu sẽ giúp mỗi quốc gia có những chiến lược phù hợp để bảo đảm nguồn sống trong tương lai.
Sự thiết yếu của lương thực
Sự tồn vong của loài người phụ thuộc vào lương thực, điều này là không thể phủ nhận. Cho dù tiến trình hiện đại hóa nền kinh tế của các quốc gia đã và đang khiến tỷ trọng đóng góp vào tổng thu nhập quốc dân của ngành nông nghiệp ngày một giảm dần, song không vì thế mà tầm quan trọng của nông nghiệp giảm sút, bởi đây là yếu tố bảo đảm an ninh lương thực cho toàn xã hội.
Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki Mun từng khẳng định, bảo đảm an ninh lương thực chính là nhân tố quyết định thành công của cuộc chiến chống đói nghèo trên toàn cầu. An ninh lương thực cũng là vấn đề của hòa bình và ổn định(1).
Thật vậy, theo phân tích của Ma-thiu Rô-ni (Matthew Roney), Chuyên gia nghiên cứu Viện Chính sách Trái đất (Mỹ): “Tình trạng bất ổn trên thế giới liên quan đến nạn khan hiếm thực phẩm hay giá lương thực tăng cao mới chỉ là bước khởi đầu. Sẽ đến lúc các quốc gia không còn đối đầu với nhau bằng vũ khí nữa mà đối đầu với nhau vì thiếu nước uống, thiếu lương thực, giá cả nhu yếu phẩm tăng vọt kéo theo bất ổn chính trị. Đó là tương lai của nhân loại nếu không có biện pháp khắc phục kịp thời”(2). Còn Giám đốc điều hành Chương trình Lương thực Thế giới Giô-sét Si-ran (Josette Sheeran) cảnh báo: “Chúng ta đang bước vào một kỷ nguyên bất ổn lương thực, nguồn cung xáo động. Đây là vấn đề rất nghiêm trọng đối với thế giới”(3).
Có thể thấy, ở nhiều nơi trên thế giới, việc tăng giá lương thực, thực phẩm đã trở thành nguyên nhân của các cuộc xung đột, thậm chí là “ngòi nổ” của làn sóng biểu tình phản đối chính phủ. Sự sụp đổ chính phủ ở Ha-i-ti là một thí dụ điển hình.
Và hiện nay, theo nhận định của Rô-bớt B.Giô-lích (Robert B. Zoellick), Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB), “an ninh lương thực giờ đây đã trở thành vấn đề an ninh toàn cầu. Giá lương thực trên toàn cầu đã tăng đến mức nguy hiểm và đẩy thêm ít nhất 44 triệu người nữa ở các nước đang phát triển xuống mức cùng khổ. Giá lương thực tăng cao, dễ biến động, trở thành thách thức lớn nhất đối với các nước đang phát triển, là một trong những yếu tố gây ra bạo động chính trị lớn ở một số nơi trên thế giới”(4).
Minh chứng sống động là tại Bắc Phi và Trung Đông, đói nghèo là một trong những nguyên nhân làm bùng phát các cuộc chính biến xã hội. Li-bi là nước nhập khẩu lương thực hoàn toàn. Trong cơn bạo loạn, hệ thống cung cấp lương thực của nước này có nguy cơ sụp đổ do hàng nhập khẩu không tới được các cảng và việc phân phối ra các vùng miền trên cả nước gặp trở ngại. Biến động chính trị - xã hội tại các nước Ả-rập bắt đầu nhen nhóm. Các cuộc biểu tình dù có tạm thời giảm nhiệt, song có thể bùng phát bất cứ lúc nào nếu người dân cảm thấy thất vọng trước các giải pháp của chính phủ hoặc tuyệt vọng vì đói khổ...
Không chỉ có vậy, Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) cho rằng, cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu cũng đang đe dọa đẩy lùi những tiến bộ xã hội vốn được xem là diễn ra chậm chạp ở nhóm 50 nước chậm phát triển nhất (LDC) trên thế giới.
Tính toán của Tổ chức Nông Lương của Liên hợp quốc (FAO) cho thấy, để đủ lương thực cho thế giới vào năm 2050, khi dân số toàn cầu được dự báo là 9,1 tỉ người, thì sản lượng lương thực thế giới sẽ phải tăng 70% so với hiện nay. Tức là, chỉ riêng tại các nước đang phát triển, sản lượng lương thực phải tăng gấp đôi mới đủ đáp ứng nhu cầu. Chủ tịch FAO Giắc Đi-úp (Jaques Diouf) dự báo rằng, “trong 40 năm tới, tác động kép của tình trạng gia tăng dân số, thu nhập và quá trình đô thị hóa sẽ khiến nhu cầu về lương thực, thực phẩm và đồ may mặc tăng gần gấp đôi”(5).
Trước thực trạng trên, lương thực “vô tình” trở thành một thứ “vũ khí” của thế kỷ - một sức mạnh thực sự khi nỗi lo về bất ổn chính trị, xã hội do thiếu hụt nguồn cung không phải là không có cơ sở.
Vì sao cung không đủ cầu?
Khủng hoảng lương thực xuất phát từ nhiều căn nguyên cơ bản và lâu dài, trong đó mất cân bằng cung - cầu là nguyên nhân hàng đầu. Trong khi mức tiêu thụ lương thực, thực phẩm tăng theo gánh nặng dân số thì đất canh tác nông nghiệp - yếu tố cơ bản để sản xuất lương thực lại bị thu hẹp do quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa tăng tốc. Cùng với khan hiếm nguồn cung, nguy cơ một cuộc khủng hoảng lương thực vẫn luôn luôn tiềm ẩn bởi những thủ phạm khác.
Thứ nhất, sự biến đổi khí hậu đã khiến thời tiết thay đổi thất thường. Trái đất ngày càng nóng lên, thiên tai xảy ra dồn dập, dẫn tới mất mùa, đói kém. Tại Đông Nam Á, khoảng 1,5 triệu héc-ta trồng lúa ở Thái Lan, Việt Nam, Cam-pu-chia và Lào đã bị mất trắng hoặc đứng trước nguy cơ mất trắng trong đợt lụt lội năm 2011 được đánh giá là tồi tệ nhất trong nhiều năm qua. Trung Quốc đã phải gánh chịu nạn hạn hán nghiêm trọng nhất trong vòng 60 năm qua, đe dọa nước này phải nhập khẩu thêm ngũ cốc do sản lượng lúa mì suy giảm. Tại quốc gia châu Á khác là Ấn Ðộ, tình hình cũng không khá hơn do hạn hán. Trong khi đó, Ô- xtrây-li-a, nước xuất khẩu lương thực lớn thứ tư thế giới, lại bị ảnh hưởng bởi lũ lụt.
Tình hình thiếu lương thực ở một số nước châu Phi, như Ê-ti-ô-pi-a, Xô-ma-li, Di-bu-ti, Kê-ni-a, Ni-giê-ri-a cũng là điển hình của tác động từ sự biến đổi khí hậu. Ngoài ra, nhiều vùng đất trên các châu lục được cảnh báo sẽ bị chìm ngập dưới 2 mét nước biển giống trường hợp khu vực châu thổ sông Mê Công, trong đó có đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam bị bao phủ bởi hơn 1 mét nước mặn khiến sản lượng gạo có nguy cơ giảm một nửa hoặc hơn.
Thứ hai, việc sản xuất năng lượng sinh học (biofuel) cần một khối lượng lớn lương thực. Thực tế cho thấy, việc mất mùa do thiên tai mang tính nhất thời và nếu chỉ có vậy, sản lượng lương thực toàn cầu sẽ không thiếu hụt sâu. Tình trạng thiếu lương thực kéo dài hiện nay còn do nhu cầu sản xuất nhiên liệu sinh học đang ở mức cao nhất từ trước tới nay. Cùng với sự cạn kiệt dần năng lượng hóa thạch, lượng ngũ cốc dùng cho việc chế tạo nhiên liệu sinh học cũng tăng mạnh. Một số quốc gia tiên tiến, điển hình là Mỹ, quốc gia xuất khẩu ngũ cốc hàng đầu thế giới, hiện dành 30% sản lượng ngô (tăng 37% vào năm 2012) sản xuất đại trà để chế biến ethanol.
Ở khu vực Mỹ La-tinh, Bra-xin là quốc gia sử dụng 50% sản lượng mía đường cho sản xuất cồn nhiên liệu. Liên minh châu Âu cũng không nằm ngoài chiến lược dùng nhiên liệu sinh học khi cho sản xuất dầu đi-ê-den sinh học. Tất cả những điều trên dẫn đến sự bấp bênh của thị trường đường kính và dầu thực vật trên toàn cầu. Nhận định chung của giới khoa học cho rằng, nếu không cẩn trọng, sản xuất nhiên liệu sinh học sẽ gây ra sự thiếu hụt lương thực toàn cầu và giá lương thực tăng cao là điều khó tránh khỏi.
Thứ ba, tâm lý hốt hoảng, thị trường bị thao túng do nạn đầu cơ đẩy giá lương thực tăng cao, khiến một cuộc khủng hoảng lương thực ảo xuất hiện trước khi sự thiếu hụt lương thực thực sự có nguy cơ xảy ra. Cuộc triển lãm nông nghiệp được tổ chức tại Pa-ri (Pháp) hồi đầu năm 2011 cũng đã lấy chủ đề được nhiều người quan tâm, đó là: “Nông nghiệp: Thiên đường mới của giới đầu cơ”; “Giá tăng vọt, hành tinh nông nghiệp đảo điên”. Hay tâm lý lo lắng lại xuất hiện trước việc In-đô-nê-xi-a tăng lượng dự trữ lương thực lên 2 triệu tấn, gợi lại hình ảnh năm 2007, khi các nước xuất khẩu gạo “cửa đóng then cài” với thế giới, đẩy giá gạo từ 300 USD/tấn lên 1.100 USD/tấn chỉ trong vòng 6 tháng, sau đó rớt xuống còn khoảng 550 USD/tấn.
Khi nguy cơ thiếu hụt lương thực được đẩy lùi vào giữa năm 2008, giá lương thực xuống thấp, thậm chí, một số quốc gia xuất khẩu còn bán rẻ ngũ cốc của họ. Giới truyền thông nhận định, tác động tâm lý và sự đầu cơ gạo là nhân tố chính đã đẩy giá lương thực tăng liên tục. Tờ Nhân đạo (Pháp) đăng bài phân tích: khi Ca-na-đa và Ô-xtrây-li-a bị thiên tai, còn tại một số quốc gia Bắc Âu, Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi thời tiết xấu, chất lượng mùa màng kém, các nước A-rập từ Ai Cập, An-giê-ri, Gioóc-đa-ni, I-rắc, Li-bi cho đến A-rập Xê-út… đã mua lúa mì nhiều hơn dự kiến, làm ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý các nước, tạo điều kiện cho giới đầu cơ trục lợi.
Thứ tư, tình trạng thất thoát và lãng phí lương thực. Có một thực tế là, trong lúc khoảng một tỉ người trên thế giới đang bị đói, một tỉ người khác có nguy cơ bị đói, thì vẫn có khoảng một tỉ người đang lãng phí lương thực.
Báo cáo “Thất thoát và lãng phí lương thực toàn cầu” của FAO đưa ra các con số đáng quan tâm: Lượng lương thực thất thoát và lãng phí hằng năm của các nước công nghiệp và các nước đang phát triển là tương đương nhau: 670 triệu và 630 triệu tấn. Mỗi năm, người tiêu dùng ở những nước giàu lãng phí khoảng 222 triệu tấn lương thực, gần bằng sản lượng lương thực của cả khu vực châu Phi (230 triệu tấn). Rau, củ, quả là loại lương thực bị lãng phí nhiều nhất.
Theo FAO, tình trạng thất thoát lương thực xảy ra trong quá trình sản xuất, thu hoạch và xử lý sau thu hoạch. Ở các nước đang phát triển, kết cấu hạ tầng yếu kém, công nghệ lạc hậu và đầu tư cho hệ thống sản xuất lương thực chưa thỏa đáng là nguyên nhân chính của tình trạng này. Còn lãng phí lương thực ở các nước công nghiệp là ở chỗ, các nhà bán lẻ và người tiêu dùng đã vứt bỏ các loại lương thực còn tốt vào thùng rác. Bình quân mỗi năm, một người tiêu dùng ở châu Âu và Bắc Mỹ vứt bỏ 95 kg - 115 kg lương thực, còn ở khu vực châu Phi, Nam và Đông Nam Á là khoảng 6 kg - 11 kg.
Để phát huy những tín hiệu khả quan
Trong bức tranh u ám về nguy cơ một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu, vẫn có thể hy vọng về sự phục hồi nguồn cung lương thực tại các nước đang phát triển. Theo báo cáo của Liên hợp quốc, dòng FDI sau khi giảm xuống còn 1.200 tỉ USD năm 2009, đã tăng lên 1.400 tỉ USD năm 2010 và có thể đạt mức 1.800 tỉ USD năm 2011, trong đó tỷ trọng FDI vào các nước đang phát triển chiếm tới 43% tổng lượng FDI toàn cầu. Đáng chú ý là, tại các nước đang phát triển, dòng FDI chảy vào khu vực nông - lâm - ngư nghiệp (gọi chung là khu vực nông nghiệp) trong mấy năm qua đang tăng lên. Không những thế, các tập đoàn đa quốc gia ngày nay không chỉ tham gia các hoạt động ở hạ nguồn (như chế biến và siêu thị), mà còn mở rộng lên thượng nguồn, tham gia cả hoạt động sản xuất và ký hợp đồng tiêu thụ với nông dân, làm cho quy mô của FDI trong khu vực nông nghiệp ngày càng lớn.
Các chuyên gia nhận định, xu thế này sẽ được duy trì trong tương lai vì một số nguyên nhân. Một là, mức cầu đối với các sản phẩm nông nghiệp thường ít co giãn so với giá và thu nhập. Vì vậy, trong thời kỳ khủng khoảng, khi các ngành nhạy cảm với chu kỳ kinh tế như công nghiệp chế biến hay dịch vụ bị ảnh hưởng nặng nề, thì cầu đối với sản phẩm nông nghiệp lại tương đối ổn định. Hai là, nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp đã và sẽ tiếp tục tăng nhanh ở cả những nước đông dân (như Trung Quốc, Ấn Độ, Bra-xin, Hàn Quốc) và những nước khan hiếm tài nguyên đất và nước (như các quốc gia Vùng Vịnh Péc-xích). Ba là, bên cạnh nhu cầu tiêu dùng trực tiếp các sản phẩm nông nghiệp, hoạt động sản xuất năng lượng sinh học cũng đang tăng rất nhanh, khiến nhu cầu về mía, ngũ cốc, các hạt có dầu tăng theo.
Theo các chuyên gia kinh tế, mặc dù chưa thể đánh giá một cách đầy đủ tác động của FDI đối với khu vực nông nghiệp, song nhìn chung, sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài đã đóng góp một cách tích cực cho phát triển nông nghiệp, như việc thúc đẩy quá trình thương mại hóa và hiện đại hóa nông nghiệp ở các nước đang phát triển thông qua việc ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, chuyển giao kỹ năng, bí quyết, phương pháp canh tác, tiêu chuẩn vệ sinh, khả năng tiếp cận tín dụng, tiếp cận thị trường, từ đó giúp người nông dân thoát khỏi hoạt động sản xuất truyền thống để bước vào nền kinh tế thị trường toàn cầu. Theo ước tính, sẽ cần khoảng 44 tỉ USD vốn ODA hằng năm để đầu tư cho nông nghiệp ở các nước đang phát triển (hiện tại con số này là 7,9 tỉ USD). Việc huy động thêm vốn, bao gồm cả ngân sách quốc gia, vốn nước ngoài và từ khu vực kinh tế tư nhân cần được thực hiện để đầu tư cho các kỹ thuật canh tác hiện đại, nguồn nước tưới tiêu, máy móc nông nghiệp, xây dựng thêm kho bãi, đường sá và kết cấu hạ tầng nông nghiệp, cũng như đào tạo kiến thức cho nông dân. Có như vậy, thế giới mới hy vọng đủ lương thực cho 9 tỉ người vào năm 2050.
Ngoài ra, những nghiên cứu chung giữa FAO, Bộ Nông nghiệp Mỹ và Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) về tình hình lương thực thế giới, kể từ sau cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu năm 2008 đến nay, đã đưa ra dự báo rằng, giá lương thực toàn cầu sẽ còn tiếp tục tăng nhưng không phải là dấu hiệu cho thấy cuộc khủng hoảng lương thực mới sắp diễn ra. Từ kết quả nghiên cứu mới đây, Viện Nghiên cứu chính sách lương thực quốc tế (IFPRI) khẳng định: phục hồi kinh tế toàn cầu sau cuộc khủng hoảng tài chính kinh tế thế giới vừa qua cũng dẫn đến giá lương thực toàn cầu tăng trong những năm tới và thực tế này là hoàn toàn hợp lý. Các nghiên cứu của FAO và IFPRI đều nhấn mạnh những nhân tố vĩ mô “rất khác nhau” giữa bối cảnh hiện nay và bối cảnh trước cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu năm 2008. Hơn nữa, tổng mức dự trữ lương thực thế giới hiện nay cao hơn nhiều so với năm 2008 và thế giới có khả năng đối phó tốt hơn một khi mùa màng thất bát.
Nói tóm lại, để những tín hiệu khả quan trên trở thành hiện thực và đẩy lùi nguy cơ xảy ra khủng hoảng lương thực, Liên hợp quốc kêu gọi các chính phủ, các nhà khoa học cần tiếp tục có những nghiên cứu nhằm đạt được thay đổi hữu hiệu trong chương trình sản xuất lương thực, thực hiện những biện pháp khẩn cấp để kiềm chế sự tăng giá các nông sản thiết yếu nhằm giảm tác động đến những người nghèo nhất thế giới. Các nước có nền nông nghiệp phát triển cần hướng đến sự hợp tác toàn cầu để phát triển các kỹ thuật nông nghiệp bền vững. Cộng đồng quốc tế cần gia tăng đầu tư hơn nữa cho nông nghiệp và dành những ưu đãi đặc biệt trong buôn bán đối với hàng nông sản của các nước đang phát triển cũng như mở rộng quyền tiếp cận của những hàng nông sản này đối với thị trường thế giới. Nhu cầu đầu tư phát triển nông nghiệp rất lớn và các nước giàu cần giảm bớt các trợ cấp mà nông dân nước họ đang được hưởng để bảo đảm sự công bằng giữa nông dân các nước phát triển và đang phát triển. Và để giảm đói nghèo, tăng cường an ninh lương thực, cộng đồng nông nghiệp thế giới không có lựa chọn nào khác ngoài thực hiện canh tác sinh thái - một biện pháp giảm thiểu tác nhân gây biến đổi khí hậu ảnh hưởng tới năng suất nông nghiệp./.
----------------------------------------------
----------------------------------------------
(1), (2), (3), (4) Xem: Chùm bài chủ “Sức mạnh lúa gạo”, Báo Thế giới và Việt Nam, số 224, http://www.tgvn.com.vn, ngày 25-03-2011
(5) Tài liệu đã dẫn
Một số kinh nghiệm về công tác phát triển đảng trong Đảng bộ Quân đội  (15/03/2012)
Xây dựng huyện Hoa Lư trở thành điểm hấp dẫn về du lịch.  (15/03/2012)
Khai mạc Hội nghị Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc khu vực châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 31  (15/03/2012)
Việt Nam là điển hình trong phát triển nông nghiệp  (15/03/2012)
Đồng chí Lê Hồng Anh thăm và làm việc tại Ninh Thuận  (14/03/2012)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển