Phản ứng của các nước về vấn đề can thiệp vũ trang ở Syria
TCCSĐT - Ngày 16-2-2012, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trạch Tuyển cho biết nước này không chấp thuận sự can thiệp vũ trang hoặc cưỡng ép cái gọi là "thay đổi chế độ" ở Syria.
Trả lời phỏng vấn tại Bắc Kinh, ông Trạch Tuyển nói: "Chúng tôi lên án mọi hành động bạo lực nhằm vào người dân vô tội đồng thời kêu gọi Chính phủ và các phe phái chính trị ở Syria ngay lập tức chấm dứt hoàn toàn tình trạng bạo lực và nhanh chóng khôi phục ổn định cũng như trật tự xã hội. Chúng tôi kêu gọi Chính phủ Syria nghiêm túc chú ý tới nguyện vọng hợp pháp của người dân về cải cách và phát triển."
Trung Quốc cũng đồng thời kêu gọi các phe phái chính trị ở Syria ngay lập tức tiến hành đối thoại không kèm theo điều kiện tiên quyết và cùng thảo luận về một kế hoạch cải cách chính trị toàn diện.
Theo ông Trạch Tuyển, Chính phủ Trung Quốc kiên định theo đuổi chính sách đối ngoại hòa bình độc lập và cam kết ủng hộ hòa bình, ổn định trong khu vực cũng như trên thế giới. Trung Quốc theo dõi chặt chẽ những diễn biến về tình hình Syria và hết sức quan ngại trước thực trạng leo thang khủng hoảng ở nước này đã cướp đi sinh mạng của dân thường và làm ảnh hưởng tới hòa bình, ổn định trong khu vực.
Theo thông tin mới nhất từ người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Vi Dân, nước này sẽ cử Thứ trưởng Ngoại giao Trạch Tuyển tới Syria từ ngày 17 đến ngày 18-2-2012, nhằm thúc đẩy giải pháp "hòa bình" cho cuộc xung đột ở quốc gia Trung Đông này. Phát biểu tại một cuộc họp báo thường kỳ, ông Lưu nói: "Ông Trạch Tuyển sẽ trao đổi quan điểm với Chính phủ Syria và các đảng phái liên quan ở nước này về tình hình hiện nay nhằm thúc đẩy giải pháp hòa bình, thích hợp cho cuộc khủng hoảng tại Syria".
Trước đó, ngày 15-2-2012, Nga đã chính thức đề nghị sửa đổi một số điểm trong dự thảo nghị quyết về Syria, một ngày trước khi văn kiện này được đưa ra thông qua tại cuộc họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc. Giới chức ngoại giao Nga cho biết, một trong những điểm Moscow muốn sửa đổi có liên quan đến điều khoản yêu cầu Tổng thống Syria Basa An Assad phải chuyển giao quyền lực cho cấp phó. Nga khẳng định phản đối mọi sự thay đổi chế độ tại Syria do sức ép từ bên ngoài.
Điểm cần sửa đổi thứ hai là phải gắn kế hoạch rút quân đội Syria về các doanh trại với việc ngừng chiến dịch tấn công của các nhóm vũ trang tại Syria.
Nga mong muốn dự thảo nghị quyết về Syria phải đề cập rõ vai trò của phe đối lập trong việc kích động làn sóng bạo loạn kéo dài 11 tháng qua tại quốc gia Trung Đông này; đồng thời yêu cầu phe đối lập tại Syria phải tự tách khỏi các nhóm vũ trang có liên quan đến các hoạt động bạo lực cũng như không được cáo buộc chính phủ Syria đàn áp dân thường.
Liên đoàn Arập (AL) - với vai trò là tổ chức chịu trách nhiệm chính về dự thảo nghị quyết Syria tại Đại hội đồng Liên hợp quốc - đã lập tức bác bỏ những đề xuất sửa đổi của Nga. Theo kế hoạch, ngày 16-2, Đại hội đồng Liên hợp quốc sẽ tiến hành bỏ phiếu về dự thảo nghị quyết lên án việc trấn áp biểu tình ở Syria. Dự thảo này có nội dung tương tự như văn kiện đã bị Nga và Trung Quốc dùng quyền phủ quyết bác bỏ tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc hôm 4-2 vừa qua.
Dẫn các nguồn tin ngoại giao cho biết, Liên đoàn Arập (AL) sau quyết định mới đây của Hội đồng Bộ trưởng Arập về việc các nước Arập đã sẵn sàng "cung cấp mọi phương tiện hỗ trợ về chính trị và vật chất" cho phe đối lập Syria. Các nguồn tin này cho rằng, quyết định trên đồng nghĩa với việc cho phép cung cấp vũ khí cho phe đối lập Syria hiện là sự lựa chọn chính thức của AL.
Hiện các nỗ lực ngoại giao liên quan tới cuộc khủng hoảng tại Syria tập trung vào việc phát triển ý tưởng về thiết lập lực lượng Arập - Liên hợp quốc theo đề xuất của Hội đồng Bộ trưởng Arập. Theo các nguồn tin Arập, các bên đang chờ thảo luận và thông qua dự thảo nghị quyết Arập tại Đại Hội đồng Liên hợp quốc, dự kiến diễn ra trước cuối tuần này.
Trong một diễn biến khác, cũng trong ngày 15-2, Mỹ và phe đối lập tại Syria đã lên tiếng phản đối kế hoạch tiến hành trưng cầu dân ý về dự thảo hiến pháp mới của chính quyền Tổng thống Assad.
Phát biểu trước báo giới tại thủ đô Washington, người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney cho rằng, đây là hành động "nực cười" vì những cam kết cải cách này đã không được chính phủ Syria đưa ra ngay từ khi mới nổ ra các cuộc biểu tình hòa bình. Người đứng đầu Tổ chức Điều phối Quốc gia vì Thay đổi Dân chủ Syria (NCB), ông Hasan Abdul-Azim, cũng tuyên bố phe đối lập sẽ không tham gia trưng cầu dân ý và cuộc bầu cử sắp tới. Theo ông Azim, hiện tại phe đối lập đặt ưu tiên vào việc kết thúc tình trạng bạo lực và buộc chính phủ thả những người đang bị giam giữ.
Ngày 15-2, Tổng thống Assad đã ký sắc lệnh ấn định ngày 26-2 là thời điểm tiến hành trưng cầu dân ý về dự thảo hiến pháp mới. Dự thảo do Ủy ban gồm 29 thành viên biên soạn, gồm 157 điều khoản và chia làm 6 phần. Dự thảo quy định hệ thống chính trị tại Syria sẽ dựa trên nền tảng bầu cử, thay vì tôn giáo, bộ tộc hay bè phái. Dự thảo cũng quy định rõ thời hạn nhiệm kỳ tổng thống là 7 năm và tổng thống không được tại nhiệm quá 2 nhiệm kỳ liên tiếp.
Ngoài ra, dự thảo hiến pháp mới cũng xóa bỏ Điều 8, vốn xác định vai trò của đảng Baath cầm quyền trong nửa thế kỷ qua. Dự kiến Syria sẽ tiến hành bầu cử Quốc hội trong vòng 90 ngày sau khi hiến pháp mới được phê chuẩn.
Liên quan đến hoạt động của các phái bộ ngoại giao tại Syria, ngày 15-2, Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Sĩ Didier Burkhalter cho biết nước này đã quyết định đóng cửa Đại sứ quán tại Syria và yêu cầu các công dân của mình rời khỏi Syria "càng nhanh càng tốt." Theo Ngoại trưởng Burkhalter, Đại sứ quán của Thụy Sĩ sẽ được chính thức đóng cửa trong vài ngày tới. Thụy Sĩ là nước thứ hai sau Mỹ quyết định đóng cửa đại sứ quán tại Syria./.
Phê duyệt Quy hoạch chi tiết đường Hồ Chí Minh  (16/02/2012)
Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án thí điểm chính quyền đô thị  (16/02/2012)
Phản ứng quốc tế trước tiến bộ hạt nhân của Iran  (16/02/2012)
Liên hợp quốc kêu gọi viện trợ lương thực khẩn cấp cho Tây Phi  (16/02/2012)
Thương mại giữa Việt Nam-Ấn Độ tăng gần 20 lần  (16/02/2012)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên