Những sự kiện trong nước đáng chú ý trong tuần (từ ngày 30-01 đến 05-02-2012)
TCCSĐT - Tối 2-2-2012, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Tạp chí Cộng sản, Đài Truyền hình Việt Nam và Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đã phối hợp tổ chức Chương trình Giao lưu, ca múa nhạc đặc biệt mang tên “Mãi mãi niềm tin theo Đảng”. Chương trình khẳng định vai trò của Đảng là người tổ chức, lãnh đạo mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam; đồng thời gửi gắm niềm tin Đảng Cộng sản Việt Nam mãi mãi xứng đáng với sự tin cậy và ủy thác vai trò lãnh đạo đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc, đất nước.
1. Các địa phương tổ chức " Tết trồng cây đời đời ơn Bác"
Ngày 30-1 (tức ngày Mùng 8 Tết Nhâm Thìn), các tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nam, Thanh Hóa, Hà Nội, Tuyên Quang, Hải Dương, Hoà Bình, Thành phố Hà Nội đã đồng loạt tổ chức Lễ phát động " Tết trồng cây đời đời ơn Bác" năm Nhâm Thìn 2012.
* Tại Phú Thọ: 13/13 huyện, thành thị trong tỉnh đều tổ chức Tết trồng cây. Đặc biệt, hơn 300 cán bộ, viên chức và người lao động đang trực tiếp thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ tu bổ, tôn tạo và phát huy tác dụng của Khu Di tích lịch sử Quốc gia Đền Hùng đã đồng loạt tổ chức Lễ phát động " Tết trồng cây đời đời ơn Bác" đầu Xuân Nhâm Thìn - 2012.
* Tại Yên Bái, ngay sau lễ phát động, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, thành phố Yên Bái cùng nhân dân đã tham gia trồng cây dọc tuyến đường Nguyễn Tất Thành. Cũng trong dịp này, tất cả các địa phương trong tỉnh đều phát động "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác".
* Tại Bắc Ninh đã phát động “Tết trồng cây” tại khuôn viên Nhà thi đấu đa năng thành phố Bắc Ninh. Ngay sau lễ phát động Tết trồng cây, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, thành phố Bắc Ninh cùng nhân dân tham gia trồng cây bóng mát tại 19 xã, phường trong thành phố. Hưởng ứng Tết trồng cây, trong ngày làm việc đầu tiên của năm mới các xã, phường, quận, huyện trong tỉnh Bắc Ninh đã đồng loạt ra quân thực hiện "Tết trồng cây" theo lời dạy của Bác: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây - Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”.
* Tại Hưng Yên cũng tổ chức Lễ phát động "Tết trồng cây đời đời ơn Bác" theo hướng mỗi địa phương căn cứ vào đặc điểm, lợi thế khí hậu, đất đai, tập quán canh tác, thị trường... để quy hoạch mở rộng cây ăn quả, tập trung theo hướng sản xuất hàng hoá có chất lượng cao, khuyến khích phát triển các mô hình trang trại chuyên trồng cây ăn quả hoặc trang trại VAC.
* Tại Hà Nam đã tổ chức lễ phát động Tết trồng cây "Đời đời nhớ ơn Bác Hồ" tại trường mầm non xã Thanh Châu, (thành phố Phủ Lý). Lễ phát động Tết trồng cây vào đầu xuân mới đã trở thành truyền thống của toàn Đảng, toàn dân ta trong đó có tỉnh Hà Nam theo lời kêu gọi của Bác Hồ: "Mùa xuân là tết trồng cây, làm cho đất nước càng ngày càng xuân".
* Tại Thanh hóa: với phương châm: "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ, ứng phó với biến đổi khí hậu", các địa phương trong tỉnh Thanh Hóa đã chuẩn bị đủ mọi điều kiện về cây giống, diện tích trồng, vật tư, nhân lực, tổ chức lễ phát động nhằm tạo không khí thi đua sôi nổi trong mọi tầng lớp nhân dân để hoàn thành thắng lợi kế hoạch trồng cây, trồng rừng năm 2012. Bên cạnh đó, các địa phương đã tổ chức tuyên truyền rộng rãi về mục đích, ý nghĩa "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ, ứng phó với biến đổi khí hậu", đồng thời vận động người dân gắn việc trồng cây, trồng rừng với phát triển kinh tế rừng, bảo vệ môi trường sinh thái và ứng phó với biến đổi khí hậu.
* Tại Hoà Bình: 11 huyện, thành phố của tỉnh Hoà Bình đã đồng loạt ra quân trồng cây đầu năm, trồng hơn 500.000 cây phân tán tại khuôn viên các công sở, trường học, ven đường làng...riêng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh và các đơn vị kết nghĩa đã tham gia trồng hàng ngàn cây phủ xanh đất trống tại khu vực trường bắn thuộc xã Dân Chủ (thành phố Hòa Bình).
* Tại Hải Phòng: Ngày đầu ra quân Tết trồng cây ơn Bác, toàn thành phố Hải Phòng đã trồng được khoảng 255 nghìn cây. Phong trào trồng cây đầu xuân đã trở thành một nét đẹp văn hóa truyền thống được mọi người, mọi nhà, các cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn Hải Phòng tích cực hưởng ứng. Việc làm này góp phần cải tạo điều kiện môi trường sống, làm cho cảnh quan ngày càng xanh sạch đẹp, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái và tạo khí thế thi đua sôi nổi trong những ngày đầu xuân.
* Tại Hà Nội: Ngày 30-1, đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã tới dự Lễ phát động Tết trồng cây Đời đời nhớ ơn Bác Hồ Xuân Nhâm Thìn 2012 và trồng cây tại Thành cổ Sơn Tây - di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia.
Cùng ngày, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã phát động Tết trồng cây tại khu đô thị mới Đặng Xá, huyện Gia Lâm. Tại buổi lễ, Chủ tịch yêu cầu các cơ quan, đoàn thể, từ gia đình đến cá nhân trong dịp này cần ý thức về trách nhiệm bảo vệ và nuôi dưỡng cây xanh. Đây là hành động thiết thực vừa góp phần thực hiện Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn 2050 với tinh thần xây dựng Thủ đô Hà Nội xanh - văn hiến - văn minh - hiện đại. Tại thôn Nam, xã Phụng Thượng, đồng chí Ngô Thị Doãn Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch HĐND thành phố đã tham dự lễ phát động Tết trồng cây của huyện Phúc Thọ. Để thực hiện thành công mục tiêu trồng mới 1,2 triệu cây xanh và 50 ha rừng của thành phố trong năm 2012, đồng chí Ngô Thị Doãn Thanh mong muốn nhân dân, các tổ chức đoàn thể, cơ quan xí nghiệp trên địa bàn huyện Phúc Thọ cùng với việc thi đua lao động sản xuất, cần tích cực tham gia trồng nhiều cây xanh, góp phần xây dựng quê hương, xây dựng Thủ đô ngày càng xanh - sạch - đẹp.
* Tại Hải Dương: Tết trồng cây Xuân Nhâm Thìn 2012 được tỉnh Hải Dương tổ chức từ ngày 30-1 đến ngày 16-2. Năm nay, toàn tỉnh phấn đấu trồng mới 1 triệu cây phân tán các loại, trong đó có 650 nghìn cây ăn quả và 350 nghìn cây lấy gỗ, cây phong cảnh và bóng mát. Cây được trồng tập trung tại khu đô thị mới, công viên, công sở, trường học, khu di tích, vườn chuyển đổi, trang trại
2. Khởi động Năm Du lịch Quốc gia Duyên hải Bắc Trung bộ - Huế 2012
Tối 30-1, tại Trung tâm Văn hoá Thông tin, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tổ chức chương trình khởi đầu chuỗi hoạt động Năm Du lịch Quốc gia Duyên hải Bắc Trung Bộ - Huế 2012 với chủ đề "Huế - Kinh đô cổ - Trải nghiệm mới". Cùng với chương trình biểu diễn nghệ thuật đắc sắc về ca Huế, Nhã nhạc cung đình Huế ( đã được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể của thế giới) là các hoạt động tôn vinh chủ đề du lịch di sản, trò chơi dân gian, nghệ thuật sắp đặt và lễ hội đường phố. Ðến với Huế trong Năm du lịch quốc gia 2012, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những tà áo dài Việt Nam thướt tha trong chương trình "Duyên dáng Việt Nam", được thưởng thức hương vị riêng cuốn hút của "Liên hoan ẩm thực miền Trung", được say sưa ngân nga theo những giai điệu của "Liên hoan nhạc cụ truyền thống các dân tộc Việt Nam", được hòa theo cảm xúc từ những tình huống độc đáo trong "Liên hoan sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc"; phiêu diêu tự tại trong cảm xúc linh thiêng của Lễ hội Phật đản và Lễ hội hoa đăng Huế"; hay trải nghiệm "Lễ hội sóng nước Tam Giang"…
3. Liên hoan thơ châu Á – Thái Bình Dương lần thứ nhất
Sáng 2-2, Liên hoan thơ châu Á – Thái Bình Dương lần thứ nhất đã chính thức khai mạc tại thành phố Hạ Long (Quảng Ninh). Liên hoan do Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam , Hội Nhà Văn Việt Nam, Tỉnh uỷ, Uỷ ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh phối hợp tổ chức. Lễ khai mạc diễn ra với màn kéo cờ thơ dưới sự chứng kiến của đông đảo các nhà thơ đến từ 26 quốc gia, vùng lãnh thổ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương tham dự liên hoan thơ. Tiếp đến, các nhà thơ quốc tế tham dự lễ dâng hương Hoàng đế - Thi sỹ Lê Thánh Tông tại chân núi Bài Thơ và thả thơ “Tiền nhân” về kỳ quan Hạ Long bên bờ Vịnh Hạ Long. Chiều cùng ngày, các đại biểu tham dự hội thảo “Thơ ca vì một châu Á - Thái Bình Dương hoà bình - hữu nghị - hợp tác - phát triển”. Sau hai ngày hoạt động ở Quảng Ninh, các đại biểu sẽ trở về Hà Nội tham dự các hoạt động khác của liên hoan như: tham quan làng gốm Bát Tràng và một số địa danh tại Hà Nội; Dạ hội thơ với chủ đề “Mùa xuân đất nước” tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám... Liên hoan thơ châu Á – Thái Bình Dương lần thứ nhất kết thúc vào ngày 6-2.
4. 45 quốc gia tham gia Đại hội Thể thao bãi biển châu Á lần thứ 5 tại Việt Nam
Tổng cục Thể dục Thể thao cho biết, Đại hội Thể thao Bãi biển châu Á lần thứ 5 năm 2016 (ABG 5) dự kiến tổ chức vào tháng 6-2012 và kéo dài trong khoảng 10 ngày, tại các tỉnh, thành Khánh Hoà, Đà Nẵng và Bình Thuận (trong đó Khánh Hoà là địa điểm đăng cai chính - nơi tổ chức thi đấu phần lớn các môn trong chương trình Đại hội). Có 15 môn thi đấu gồm: Kabaddi, vật, bóng đá, bóng chuyền, thể hình, bơi marathon, bóng gỗ, cầu mây, pencaksilat, thuyền rồng, lướt ván buồm, thuyền buồm. Ngoài ra các môn đá cầu, vovinam và lặn đang chờ Hội đồng Olympic châu Á ( OCA) phê duyệt. Đây là đại hội có quy mô lớn dự kiến thu hút 45 quốc gia và vùng lãnh thổ với khoảng 2.500 vận động viên, huấn luyện viên và cán bộ của các đoàn, tham gia thi đấu. Đoàn Thể thao Việt Nam sẽ tham dự đầy đủ các môn thi đấu và đặt mục tiêu phấn đấu xếp hạng từ thứ 8 - 6/45 quốc gia. Một số bộ môn Việt Nam đang xác định thế mạnh và có đầu tư chiều sâu hy vọng giành huy chương vàng như: Cầu mây, vật, vovinam, pencaksilat và thể hình.
5. Chương trình Giao lưu, ca múa nhạc đặc biệt mang tên “Mãi mãi niềm tin theo Đảng”
Tối 2-2, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Tạp chí Cộng sản, Đài Truyền hình Việt Nam và Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đã phối hợp tổ chức Chương trình Giao lưu, ca múa nhạc đặc biệt mang tên “Mãi mãi niềm tin theo Đảng”. Đây là chương trình đặc biệt, nhằm tái hiện lại những chặng đường lịch sử vẻ vang, hào hùng 82 năm qua của Đảng Cộng sản Việt Nam, khẳng định vai trò của Đảng là người tổ chức, lãnh đạo mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam; cũng như con đường phía trước mà từng đảng viên, từng tổ chức Đảng phải vượt qua để Đảng Cộng sản Việt Nam mãi mãi xứng đáng với sự tin cậy và ủy thác vai trò lãnh đạo đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc, đất nước. Tới dự chương trình có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Tòng Thị Phóng, Phó Chủ tịch Quốc hội; Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Chính phủ; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Nguyễn Quân, Bộ trưởng Bộ Khoa học công nghệ; Trần Lưu Hải, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương; Nguyễn Xuân Thắng, Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội Việt Nam; cùng đại biểu, đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành đoàn thể trung ương và thành phố Hà Nội.
Phát biểu khai mạc, thay mặt Tạp chí Cộng sản và Ban Tổ chức Chương trình “Mãi mãi niềm tin theo Đảng”, PGS, TS. Vũ Văn Phúc, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản đã điểm lại những chặng đường vẻ vang của Đảng ta kể từ mùa xuân Canh Ngọ - năm 1930, trong đó nêu rõ: kế thừa và phát huy truyền thống mấy ngàn năm lịch sử của dân tộc Việt Nam, suốt 82 năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn và ngày càng xứng đáng là Người lãnh đạo và tổ chức mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam, Người đầy tớ trung thành của nhân dân lao động Việt Nam; Người chiến sỹ rất mực tin cậy và thủy chung, Người bạn rất mực nhân ái và chan hòa của đồng chí và bầu bạn quốc tế!
Chương trình gồm ba phần “Đảng - soi đường mở lối ta đi”, “Bác Hồ - ngôi sao niềm tin, ngôi sao Hồ Chí Minh”, “Bác Hồ, Đảng và mùa Xuân - trăm hoa đua nở, đất nước phồn vinh” với các ca khúc đi cùng năm tháng.
6. Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất ngành nông nghiệp đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030
Ngày 4-2, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định phê duyệt trong Quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất ngành nông nghiệp đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030. Bao gồm:
Bảo vệ quỹ đất lúa ổn định từ năm 2020 là 3,812 triệu ha, đồng thời áp dụng đồng bộ các biện pháp thâm canh tiên tiến để đạt sản lượng 41-43 triệu tấn năm 2020 và 44 triệu tấn năm 2030, bảo đảm an ninh lương thực và xuất khẩu. Đây là một trong những định hướng quy hoạch sử dụng đất và phát triển sản xuất nông nghiệp theo ngành hàng đến năm 2020 và tầm nhìn năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt trong Quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất ngành nông nghiệp đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030.
Về quy hoạch sử dụng đất, Quyết định nêu rõ, khai hoang mở thêm đất nông, lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản từ năm 2011 đến năm 2020 khoảng 1,1 triệu ha; bao gồm cho trồng lúa 37 ngàn ha, cây hàng năm 60 ngàn ha, cây lâu năm 100 ngàn ha, trồng rừng 930 ngàn ha.
Đất sản xuất nông nghiệp năm 2020 là 9,59 triệu ha, giảm 580 ngàn ha so với năm 2010. Đất lâm nghiệp đến năm 2020 là 16,2-16,5 triệu ha, tăng thêm 879 ngàn ha so với năm 2010. Đất nuôi trồng thủy sản 790 ngàn ha, tăng thêm 99,7 ngàn so với năm 2010. Đất sản xuất muối ổn định ở 14,5 ngàn ha, trong đó sản xuất muối công nghiệp 8,5 ngàn ha.
Đối với lúa, bảo vệ quỹ đất lúa ổn định từ năm 2020 là 3,812 triệu ha, trong đó lúa nước 2 vụ trở lên là 3,2 triệu ha, áp dụng đồng bộ các biện pháp thâm canh tiên tiến để đạt sản lượng 41-43 triệu tấn năm 2020 và 44 triệu tấn năm 2030, bảo đảm an ninh lương thực và xuất khẩu. Chế biến lúa gạo, đầu tư công suất chế biến công nghiệp đạt 25 triệu tấn/năm, đủ năng lực chế biến 60% tổng sản lượng thóc.
Đối với cây chè, diện tích đất bố trí ổn định lâu dài 140 ngàn ha, tăng 10 ngàn ha so với năm 2010. Áp dụng quy trình sản xuất chè sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, sử dụng các giống chè mới năng suất và chất lượng cao để trồng mới và trồng tái canh. Đồng thời, chuyển đổi cơ cấu sản phẩm theo hướng 55% chè đen và 45% chè xanh.
Bên cạnh cây chè thì diện tích đất bố trí cho cây cà phê là 500 ngàn ha, vùng sản xuất chính Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, duyên hải Bắc Trung Bộ. Định hướng phát triển cây cà phê bằng các hình thức kinh tế hợp tác giữa doanh nghiệp và nông dân, tăng tỷ lệ cà phê được chế biến ở quy mô công nghiệp từ 20% năm 2010, lên đến 40% năm 2015 và 70% năm 2020.
Đối với cây cao su, định hướng giữ nguyên mục tiêu ổn định diện tích 800 ngàn ha. Sau năm 2015, trên cơ sở đánh giá hiệu quả diện tích cao su đã trồng và quỹ đất của các vùng để xem xét điều chỉnh quy mô diện tích cao su phù hợp, hiệu quả và bền vững. Về chế biến cao su, sẽ cải tiến công nghệ, tạo cơ cấu sản phẩm hợp lý để nâng cao giá trị xuất khẩu. Từ nay đến năm 2020, phải đầu tư tăng thêm công suất chế biến là 500.000 tấn mủ khô/năm. Xây dựng các nhà máy sản xuất săm, lốp ô tô, xe máy... đưa tỷ trọng sử dụng mủ cao su trong nước lên tối thiểu 30% vào năm 2020.
7. Phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 1-2012
Ngày 4-2, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ đã họp Phiên thường kỳ tháng 1-2012 nhằm đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 1-2012; tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2012; tình hình Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012.
Đề cập tới những kết quả cụ thể trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tháng 1-2012, các thành viên Chính phủ cho rằng, các bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, chuẩn bị cho nhân dân đón Tết Nguyên đán và đã đạt được những kết quả nhất định. Nổi bật là giá cả, thị trường ổn định, chỉ số giá tiêu dùng tháng 1-2012 tăng 1% so với tháng trước, thị trường ngoại hối và tỷ giá ổn định, sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tăng gần 9%, nhập siêu đạt mức thấp nhất trong 1 năm qua…
Về tình hình Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012, trong những ngày Tết, tình hình an ninh chính trị trong nước được giữ vững, an ninh biên giới, lãnh thổ tiếp tục được đảm bảo; trật tự an toàn xã hội trong toàn quốc cơ bản ổn định… Các cấp, ngành, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương đã quan tâm chỉ đạo tổ chức Tết cổ truyền dân tộc đầm ấm, vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm; quan tâm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho các tầng lớp nhân dân, nhất là các gia đình chính sách, đồng bào vùng bị thiên tai, hộ nghèo, thiếu đói…; cơ bản bảo đảm cho mọi người, mọi nhà đều có Tết.
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, kinh tế - xã hội tháng 1-2012 có chuyển biến tích cực, trong đó nguồn cung hàng hóa phong phú và giá cả ổn định, đảm bảo cân đối ngân sách, an ninh quốc phòng được đảm bảo, tai nạn giao thông giảm trên cả 3 tiêu chí… nhân dân đón Tết vui tươi, an toàn và tiết kiệm. Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ rõ những vấn đề nổi lên trong tháng 1-2012 như: Công nghiệp có dấu hiệu phát triển chậm, xuất khẩu và đầu tư chậm, tai nạn giao thông giảm nhưng vẫn còn nghiêm trọng… đây là những nhiệm vụ trọng tâm mà các bộ, ngành và địa phương cần tập trung chỉ đạo, tháo gỡ.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương bám sát các mục tiêu đã đề ra, đặc biệt là tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát dưới 1 con số, tháo gỡ khó khăn để duy trì tăng trưởng hợp lý (khoảng 6%) gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, đồng thời chăm lo các chính sách an sinh xã hội và an ninh quốc phòng…
8. Lễ hội khai ấn đền Trần - Nam Định
Đêm 14 tháng Giêng (5-2 dương lịch), Lễ hội khai ấn đền Trần năm 2012 đã chính thức khai mạc. Đây là năm đầu tiên lễ hội này được tổ chức theo kịch bản mới do Viện Văn hoá Nghệ thuật Việt Nam phối hợp với Sở VH-TT-DL, UBND thành phố xây dựng và được Bộ VH-TT-DL, UBND tỉnh Nam Định phê duyệt.
Đúng 22h00, kiệu ấn được các cụ cao niên, đại diện các tầng lớp nhân dân phường Lộc Vượng rước từ đền Cố Trạch thờ Quốc Công Tiết Chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn sang đền Thiên Trường, nơi đặt bài vị của 14 vị vua Trần. Sau bài diễn văn ngắn gọn của lãnh đạo UBND thành phố ca ngợi công lao to lớn của vương triều Trần và nhấn mạnh ý nghĩa của tục lệ khai ấn xưa, nghi lễ khai ấn được thực hiện gọn nhẹ nhưng hết sức trang nghiêm vào đúng giờ Tý (23 giờ) tại nội cung đền Thiên Trường theo đúng nghi thức truyền thống.
Năm 2012, thời gian phát ấn (thống nhất một loại bằng giấy) cho du khách thập phương, kể các quan khách, đại biểu khách mời được ấn định từ 7 giờ sáng ngày 15 đến hết tháng Giêng. Trong các ngày 15 và 16 tháng Giêng, Ban tổ chức sẽ tổ chức các hoạt động văn hoá, nghệ thuật truyền thống như múa lân, rồng, sư tử, hát chèo, chầu văn, thi kéo cờ, đấu võ, đấu vật bên ngoài cổng Ngũ Môn đền Trần./.
Tăng cường hợp tác song phương Việt Nam - Thái Lan  (06/02/2012)
Phát huy vai trò làm chủ của nhân dân là sức mạnh của đất nước  (06/02/2012)
Đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc trong các lễ hội mừng xuân Nhâm Thìn  (06/02/2012)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên