Tạp chí Sinh hoạt nội bộ
Tạp chí Sinh hoạt nội bộ ra đời tháng 8-1947, với tư cách là "cơ quan trung ương huấn luyện công tác và lý luận". Nhưng vì hồi bấy giờ Đảng không ra công khai, cho nên trên bìa số 1 ghi là "của Cứu quốc hội", từ số 2 đến số 13 ghi là "của Đoàn thể", và từ số 14 (ra tháng 2-1949) ghi là "của Đảng". Tuy ngoài bìa ghi "chỉ lưu hành trong Đảng", nhưng trong thực tế rất nhiều cán bộ ngoài Đảng, đặc biệt là trong giới trí thức cũng tìm đọc tạp chí. Nhiều đảng viên, khi tuyên truyền, đã đưa cho họ đọc Sinh hoạt nội bộ. Tạp chí in typô trên giấy khổ 15x22 cm, số trang nhiều ít tùy theo từng số, có số chỉ có 28 trang, có số 46 trang, có số 56 trang, và đặc biệt số 20, ra tháng 2 và 3-1950, dày 102 trang. Giá mỗi số tạp chí được ghi ở cuối trang bìa 4 (trừ số 1 ghi ở đầu trang bìa 1). Giá đó tăng giảm tùy theo giá giấy và số lượng trang in mỗi số. Số có giá thấp nhất là 3,50 đồng, có 9 số giá từ 10-20 đồng, số 20 đặc biệt giá 50 đồng.
Tạp chí Sinh hoạt nội bộ do đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư Đảng, trực tiếp phụ trách. Đồng chí Trường Chinh định ra kế hoạch từng số và phân công người viết bài. Tự đồng chí cũng viết rất nhiều bài cho tạp chí, có số viết 3-4 bài. Ngoài bút danh Trường Chinh, đồng chí còn dùng bút danh Tân Trào. Nhiều đồng chí lãnh đạo khác của Đảng cũng viết bài cho tạp chí : đồng chí Hoàng Quốc Việt với bút danh Tầm Nguyên, Việt Dân, đồng chí Võ Nguyên Giáp với bút danh Hồng Nam, đồng chí Lê Đức Thọ với bút danh Trung Thành, đồng chí Phạm Văn Đồng với bút danh P. Tô, đồng chí Trần Đăng Ninh với bút danh Tuấn Nguyên, đồng chí Lê Văn Lương với bút danh Lê Thu, đồng chí Nguyễn Chí Thanh với bút danh Chí Thanh, v.v..
Giúp đồng chí Trường Chinh trong việc tổ chức bài vở từ số 1 đến số 12 có đồng chí Nguyễn Chương. Cuối năm 1948, đồng chí Nguyễn Chương được cử đi nước ngoài. Đồng chí Trần Quang Huy lúc đó là Chánh văn phòng Tổng bí thư kiêm phó chủ nhiệm Bộ tuyên huấn Trung ương Đảng[1] được giao trách nhiệm giúp đồng chí Trường Chinh trong việc biên tập tạp chí Sinh hoạt nội bộ từ số 13, cụ thể là : chuẩn bị kế hoạch bài vở cho từng số, viết bài và sửa bài, trình đồng chí Trường Chinh duyệt bài xã luận và một số bài đặc biệt quan trọng. Bộ Biên tập tạp chí đặt ngay tại Văn phòng Tổng Bí thư và được phép sử dụng một số cán bộ có năng lực của văn phòng tham gia công tác biên tập. Tạp chí in chung với các báo khác của Đảng tại nhà in Hồng Phong ở bản Khuôn Câm, cách chợ Chu chừng dăm cây số, cách Văn phòng Tổng Bí thư khoảng 15 km đường ruộng, đi bộ mất khoảng nửa ngày đường. Bài vở từng số làm xong thì cho liên lạc đưa đến nhà in. Toàn bộ việc in ấn, chữa morát, việc phát hành, việc định giá từng số đều do nhà in phụ trách. Có thể nói nhà in kiêm luôn việc trị sự của tạp chí.
Trong lời nói đầu đăng trong số 1 tạp chí Sinh hoạt nội bộ, có đoạn viết : "Ra đời giữa lúc cuộc kháng chiến oanh liệt của toàn thể dân tộc do Hội ta lãnh đạo đang bước vào thời kỳ quyết liệt, hơn nữa ra đời giữa lúc Hội lại mỗi ngày một phát triển mạnh mẽ, mọi mặt công tác thật là phức tạp, tờ Sinh hoạt nội bộ phải gánh vác một trách nhiệm rất nặng nề : Luôn luôn trung thành với chủ nghĩa Mác - Lê-nin, nó sẽ cố gắng hướng dẫn hết thảy các đồng chí noi theo đường lối chính trị của Hội đã nêu ra trong cuộc trường kỳ kháng chiến, và mạnh dạn gạt ra ngoài tất cả những xu hướng sai lầm. Nó sẽ vạch ra những ưu điểm và khuyết điểm về mọi mặt công tác nội bộ để "củng cố và phát triển Hội", làm cho Hội trở thành "một Hội có tính chất quần chúng mạnh mẽ". Có như vậy Hội mới mong làm tròn được nhiệm vụ tiền phong của giai cấp và dân tộc trong lúc đang vượt qua những chặng đường nguy hiểm nhất.
"Nó sẽ cương quyết đập tan những khuynh hướng sai lầm : cô độc, hẹp hòi, chủ quan, địa phương, bè phái đang ăn sâu, mọc rễ trong hàng ngũ chúng ta. Nó cũng không ngần ngại mổ xẻ và tìm phương thuốc tẩy trừ những ung độc : quan liêu, quân phiệt, hủ hóa, cầu an, v.v.. đang chực tàn phá cơ thể của một số tổ chức của Hội và của "Mặt trận". Đồng thời nó đề cao những tinh thần hy sinh anh dũng và đức tính gương mẫu của những đồng chí chỉ biết suốt đời hy sinh cho quyền lợi của giai cấp và dân tộc.
"Nó sẽ thâu tóm những kinh nghiệm về quân sự hoặc về các ngành chuyên môn khác tùy theo năng lực của nó, để giúp các đồng chí bồi bổ công tác của mình trong cuộc chiến tranh tự vệ này ...".
Mục đích và nhiệm vụ nói trên đã được thể hiện rõ nét trong nội dung bài vở của tạp chí. Mỗi số tạp chí thường dành những trang đầu đăng các bài có nội dung chỉ đạo cuộc kháng chiến chống Pháp : về đường lối chính sách lớn, về quân sự và địch vận, về xây dựng chính quyền nhân dân và kiên quyết trừ gian, về kinh tế kháng chiến, giảm tô và tạm cấp ruộng đất cho nông dân, v.v.. Trước những diễn biến của cục diện kháng chiến và trước những âm mưu mới của địch, tạp chí đều có bài bình luận kịp thời, chẳng hạn các bài : "Thái độ của Pháp, đối sách của ta" (số 2, tháng 9-1947) ; "Cuộc tấn công mùa đông của địch và nhiệm vụ quân sự của chúng ta" (số 3, tháng 10-1947) ; "Pháp rút khỏi một phần lớn Việt Bắc" (số 4 và 5, tháng 11, 12-1947) ; "Địch nhảy dù Phát Diệm" (số 19, tháng 9 và 10-1949), v.v.. Ngoài các bài chuyên luận và bình luận, có lúc tạp chí có những đoạn viết ngắn, có nội dung kêu gọi, tuy không thành bài nhưng có tác dụng mạnh về tư tưởng. Chẳng hạn trong số 2, tháng 9-1947, ở trang 11, đã đăng bằng chữ nghiêng có đóng khung đoạn kêu gọi sau đây : "Đừng thấy giặc mớm lời điều đình đã hy vọng nghỉ ngơi. Cuộc chiến tranh giữa ta và giặc chưa phân thắng bại. Còn bóng một tên thực dân ở trên đất Việt Nam, ta còn phải phấn đấu cho Tổ quốc".
"Không cầu an, không sao lãng, tin chắc phải chiến đấu lâu dài và gian khổ mới giành được độc lập và thống nhất hoàn toàn. Cán bộ ta phải đinh ninh như vậy và giải thích cho bộ đội, nhân dân hiểu rõ chỗ đó".
Tạp chí cũng đã có bài phản ánh những cuộc hội nghị quan trọng do Đảng chủ trương. Trong số 3 (tháng 10-1947), tạp chí đăng bài về Hội nghị cán bộ kinh tế và tài chính Bắc Bộ. Số 7 (tháng 4-1948), đăng bài về Hội nghị cán bộ miền Bắc Việt Nam. Từ ngày 21-1-1950 đến ngày 3-2-1950, Hội nghị toàn quốc lần thứ 3 của Đảng họp tại Việt Bắc để kiểm điểm hai năm cầm cự và chuẩn bị tổng phản công, kiểm điểm chính sách, chủ trương của Đảng trong thời gian qua, và ấn định công tác năm 1950 nhằm hoàn thành nhiệm vụ chuẩn bị chuyển mạnh sang tổng phản công. Tạp chí Sinh hoạt nội bộ đã ra số đặc biệt về Hội nghị (số 20, tháng 2 và 3-1950). Trong số đó, đã đăng thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi hội nghị, bài lược thuật ý kiến phát biểu của các đại biểu dự họp, nghị quyết của hội nghị đã được Trung ương Đảng thông qua, và một loạt bài của các đồng chí lãnh đạo Đảng về các mặt của việc chuẩn bị chuyển sang tổng phản công.
Tạp chí Sinh hoạt nội bộ đặc biệt coi trọng công tác Đảng. Từ số 1 đến số 9, dưới đề mục "Vấn đề xây dựng Hội", đăng liên tiếp các bài đề cập đến các khía cạnh cụ thể của việc phát triển Đảng, giáo dục huấn luyện đảng viên, tự phê bình và phê bình, công tác cán bộ, chính sách cán bộ... Từ số 12 đến số18, dưới đề mục "Xây dựng Đảng", đăng liên tiếp các bài về tình hình các chi bộ, về phương hướng củng cố các chi bộ, đặc biệt là các chi bộ xã. Xuất phát từ thực trạng là số đông đảng viên chưa quen làm công tác chi bộ, ngoài những bài viết về củng cố chi bộ dưới đề mục xây dựng Đảng, từ số 14 (tháng 2-1949) tạp chí mở mục "Củng cố chi bộ", đăng những bài ngắn, thiết thực, dễ hiểu về mọi mặt công tác chi bộ. Mục này đã được sự hưởng ứng tích cực của các cộng tác viên, thông tin viên ở các địa phương. Các bài khác phản ánh hoạt động và kinh nghiệm về nhiều mặt công tác của địa phương được chọn đăng trong mục "Trích bài gửi tòa soạn".
Sau khi cuốn Sửa đổi lối làm việc của X.Y.Z (bút danh của Bác Hồ lúc đó) xuất bản được bốn tháng, tạp chí đã có bài "Nghiên cứu cuốn Sửa đổi lối làm việc thế nào cho đúng ?" (số 13 tháng 1-1949). Tạp chí cũng đã có những bài nêu gương các liệt sĩ và các cán bộ gương mẫu của Đảng (như các bài : "Nhớ tiếc đồng chí Trần Đức Vịnh" (số 1 tháng 8-1947), "Gương chiến đấu của phụ nữ" (số 3 tháng 10-1947) ; "Cán bộ Ba" (số 6 tháng 1-1948), "Kỷ niệm Hoàng Văn Thụ", (số 8 tháng 5-1948), v.v.. Vào những dịp kỷ niệm, những ngày lễ lớn của Đảng và của dân tộc, Sinh hoạt nội bộ đăng nhiều bài về lịch sử Đảng, về truyền thống cách mạng vẻ vang của Đảng và của nhân dân. Tháng 12-1947, tạp chí đăng bài "Kỷ niệm năm thứ 18 ngày thành lập Đảng" của Tầm Nguyên. Tháng 1-1949, nhân kỷ niệm lần thứ 19 ngày thành lập Đảng, trên ba số liền (số 13, số 14, số 16), tạp chí đăng bài "Chính sách của Đảng" của Trường Chinh. Trên cơ sở những bài viết trước đây về lịch sử Đảng, đồng chí Trường Chinh đi sâu vào chủ đề : lịch sử chính sách của Đảng, những vấn đề về chiến lược và sách lược do Đảng đề ra cho cách mạng Đông Dương qua 19 năm.
Tạp chí cũng đã đăng nhiều bài về công tác vận động quần chúng và mặt trận ; các mặt công tác khác như văn hóa, giáo dục, thi đua ái quốc, v.v.. ; đều được đề cập trên tạp chí.
Ngoài các bài xã luận, chuyên luận, Tạp chí Sinh hoạt nội bộ còn có những bài phản ánh tình hình các địa phương, các cơ sở ; và những bài ngắn, đôi khi có tính tiểu phẩm, nhằm phê bình khuyết điểm và nhược điểm của cán bộ, đảng viên. Thỉnh thoảng, tạp chí đăng những thư trao đổi kinh nghiệm công tác. Tạp chí còn đăng nhiều bài trích dịch từ sách báo và tạp chí của các đảng anh em nói về công tác xây dựng đảng.
Để có bài vở phong phú, Sinh hoạt nội bộ đã cố gắng trong những điều kiện kháng chiến rất gay go tổ chức mạng lưới thông tin viên tương đối rộng rãi của tạp chí. Từ Liên khu 4 trở ra, mỗi tỉnh đều cử vài, ba người. Tạp chí đã bền bỉ hướng dẫn các thông tin viên cung cấp tin tức, bài vở, đã in thẻ thông tin viên phát cho những người được giới thiệu và thường xuyên gửi báo biếu các đồng chí đó. Nhờ có đội ngũ thông tin viên, bài vở gửi về tạp chí ngày càng nhiều. Đối với các thông tin viên tích cực, tạp chí có các hình thức khen thưởng kịp thời[2] .
Tuy trong hoàn cảnh kháng chiến, thiếu thốn nhiều về cơ sở vật chất - kỹ thuật, trình độ lý luận của cán bộ, đảng viên còn thấp, nhưng nhờ biết dựa vào đội ngũ cộng tác viên và thông tin viên, biết cách tổ chức bài vở, Tạp chí Sinh hoạt nội bộ đã có nội dung phong phú, thiết thực. Đối với các nhiệm vụ và chủ trương lớn của Đảng trong từng thời kỳ, tạp chí đã đề cập khá sâu, có phân tích bằng lý luận. Nó cũng đã nói được những điều về "nội bộ" mà trên báo Sự thật không thể nói được. Nó có tác dụng lớn trong việc tuyên truyền đường lối và các chính sách lớn của Đảng trong thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp. Nó giúp ích nhiều cho các địa phương trong công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức, trong việc đấu tranh chống các khuynh hướng sai lầm. Không ít bài trong tạp chí Sinh hoạt nội bộ đến nay vẫn còn có giá trị.
Từ khi ra đời (tháng 8-1947) cho đến tháng 3-1950, Sinh hoạt nội bộ đã xuất bản được 20 số. Từ tháng 3-1950, nó đình bản, và sau đó được thay thế bằng Tạp chí Cộng sản.
[1] Lúc đó, ở Trung ương chỉ có hai bộ là Bộ Tuyên huấn Trung ương và Bộ Tổ chức Trung ương. Đồng chí Trường Chinh kiêm chức Chủ nhiệm Bộ Tuyên huấn Trung ương
[2] Qua việc công bố kết quả thi đua viết bài cho Sinh hoạt nội bộ (kỳ thứ nhất từ tháng 10-1948 đến tháng 4-1949), đăng ở trang 38, số 17 (tháng 7-1949), thì trong số 60 thông tin viên của tạp chí ở tất cả các nơi, đã có 76 bài gửi về tòa soạn, trong đó có 48 bài của 36 đồng chí đã được đăng. Tạp chí đã tặng một giải nhất, ba giải nhì và ba giải ba cho các thông tin viên tích cực. Các giải thưởng đó đều bằng sách, giải nhất gồm một cuốn "Tích cực cầm cự và chuẩn bị tổng phản công" của Trường Chinh (do S.H.N.B. xuất bản), loại giấy tốt, có chữ ký của tác giả, và một bộ "Chế độ dân chủ mới" (2 tập, loại sách "Tài liệu nước ngoài" do Nhà xuất bản Sự thật xuất bản)..
Tạp chí Cộng sản (1950)  (15/05/2007)
Tạp chí Nghiên cứu  (15/05/2007)
Chương II: Tạp chí Học tập (1955-1976)  (15/05/2007)
Chương III: Tạp chí Cộng sản từ 1977 đến 1986  (15/05/2007)
Chương IV: Tạp chí Cộng sản trong công cuộc đổi mới  (15/05/2007)
Chương V: Quá trình xây dựng Bộ biên tập  (15/05/2007)
- Suy ngẫm những điều đặc biệt về cuộc đời, sự nghiệp của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Phát triển du lịch cộng đồng, góp phần giữ vững thương hiệu “Nha Trang - điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”
- Chính sách, pháp luật của Việt Nam về bảo vệ chủ quyền biển, đảo và đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch về vấn đề biển, đảo
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp và sự vận dụng của Đảng đối với vấn đề bảo đảm an ninh lương thực ở Việt Nam hiện nay
- Công an nhân dân tu dưỡng, rèn luyện, quyết tâm thực hiện lời căn dặn “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên