Phú Yên xây dựng nền “Biên phòng toàn dân” quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới vùng biển
Với vai trò là lực lượng chuyên trách trong nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới vùng biển của tỉnh, những năm qua, lực lượng BĐBP Phú Yên luôn đẩy mạnh công tác huấn luyện, rèn luyện, xây dựng lực lượng chính quy, vững mạnh; chấp hành nghiêm chế độ thường trực sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ an toàn đơn vị, địa bàn, không để bị động, bất ngờ. Đội ngũ cán bộ trinh sát cũng luôn bám sát địa bàn, nắm chắc mọi diễn biến tình hình, chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng tại cơ sở, xử lý các vụ việc xảy ra theo đúng chủ trương, đường lối và pháp luật; đấu tranh, truy quét có hiệu quả nhiều vụ hoạt động gây mất an ninh trật tự và xâm hại môi trường biển; làm tốt công tác tuần tra trên biển để ngăn chặn hoạt động vi phạm của tàu thuyền nước ngoài đối với chủ quyền vùng biển Việt Nam… Tuy nhiên, do hoạt động trên biển của BĐBP mang tính đặc thù, phạm vi đảm nhiệm rộng; điều kiện địa lý, địa hình, địa thế ở tuyến biên giới trên biển khá phức tạp, Thường vụ Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP Phú Yên chỉ đạo toàn lực lượng tập trung xây dựng một “hàng rào nhân dân bảo vệ”, một thế trận biên giới lòng dân thật vững chắc để hỗ trợ cho lực lượng hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Quán triệt tinh thần đó, những năm qua, lực lượng BĐBP tỉnh đã nỗ lực làm tốt công tác tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh Phú Yên ban hành các chỉ thị, văn bản, hướng dẫn nhằm tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các địa phương tiếp tục gắn nhiệm vụ xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng - an ninh ở các địa bàn ven biển của tỉnh. Đồng thời, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh tăng cường quán triệt trong toàn đơn vị về định hướng, chủ trương kết hợp chặt chẽ công tác biên phòng với tham gia củng cố cơ sở chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn môi trường sinh thái trên vùng biển, chăm lo lợi ích quần chúng để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng thế trận lòng dân, từ đó phát động phong trào “Quần chúng tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới vùng biển của tỉnh”.
Thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của cấp trên về đổi mới công tác vận động quần chúng trong tình hình mới, Đảng uỷ, Bộ Chỉ huy BĐBP Phú Yên xây dựng nghị quyết chuyên đề lãnh đạo và kế hoạch tổ chức triển khai cụ thể. Các đồn, trạm biên phòng tăng cường đưa cán bộ bám địa bàn, vừa tích cực tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền các ban ngành, đoàn thể ở các xã, phường, thị trấn trong việc xây dựng thực lực chính trị cơ sở, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức cơ sở đảng, phối hợp tuyên truyền vận động, nâng cao nhận thức cho nhân dân về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, về tình hình liên quan đến an ninh biên giới, nắm bắt các quy định, luật biên giới quốc gia.
Nổi bật là từ sau khi có chương trình ký kết phối hợp giữa Đảng ủy Biên phòng Phú Yên với các huyện, thị, thành uỷ ven biển của tỉnh (tháng 2-2007), quan hệ phối hợp nhằm hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các đơn vị BĐBP và các cấp chính quyền ven biển của tỉnh ngày càng chặt chẽ, sâu sắc. Thông qua giao ban, trao đổi tình hình định kỳ, hai bên đã kịp thời tiếp nhận các thông tin chỉ đạo về các hoạt động trên địa bàn, nhất là về nhiệm vụ công tác biên phòng. Nhờ đó, quá trình triển khai thực hiện luôn có sự phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ, đạt hiệu quả cao. Cấp ủy, chỉ huy ở các đồn biên phòng còn chú trọng tham mưu cho lãnh đạo địa phương về công tác dân vận như: vận động nhân dân tham gia bàn bạc, trao đổi, kiểm tra, giám sát, quyết định các vấn đề có liên quan đến nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội ở địa phương, phát huy tốt vai trò làm chủ của nhân dân trong công tác xây dựng địa bàn. Tại các khu dân cư, cán bộ, chiến sĩ các đội công tác BĐBP tích cực tham gia tư vấn, hướng dẫn và hỗ trợ cán bộ các thôn, khóm, khu phố xây dựng hương ước, các quy định của khu dân cư. Đến nay, có 100% số thôn, khu phố ven biển của tỉnh đều có quy ước, hương ước hướng đến xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Công tác bảo đảm an ninh trật tự, đấu tranh phòng chống tội phạm, cải tạo vệ sinh môi trường và tổ chức đời sống văn hoá ở các khu dân cư ven biển của tỉnh ngày càng đi vào nền nếp, tiến bộ và hiệu quả hơn so với trước.
Nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, xóa đói, giảm nghèo nâng cao dân trí, cải thiện đời sống dân sinh, cấp ủy, chỉ huy các đơn vị BĐBP phân công cán bộ, chiến sĩ về địa bàn, chủ động tham gia những chương trình phối hợp với các ban ngành như: chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân, mở lớp học tình thương, vận động trẻ em bỏ học trở lại lớp. Đoàn Thanh niên BĐBP tỉnh tổ chức mỗi năm từ 2 đến 3 đợt tình nguyện, về các địa bàn vùng sâu, vùng khó khăn ven biển của tỉnh, tham gia cải tạo môi trường, giúp dân làm đường giao thông nông thôn, tổ chức các hoạt động văn hoá văn nghệ, xây dựng các điểm sáng văn hoá, tủ sách biên phòng, tham gia phòng chống lụt bão, tổ chức cứu hộ, cứu nạn cho hàng trăm tàu thuyền và ngư dân bị nạn, gặp sự cố, rủi ro trong khi làm ăn trên biển. Đặc biệt, với cuộc vận động “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới hải đảo”, từ năm 2008 đến nay, các đơn vị BĐBP Phú Yên đã xây dựng hàng trăm ngôi nhà cho người nghèo và bốn công trình dân sinh trên các địa bàn khó khăn ven biển với tổng kinh phí hơn 2 tỉ đồng. Sự cộng đồng trách nhiệm của lực lượng BĐBP đối với công tác xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội ở các địa bàn đóng quân đã tạo cho người dân ven biển niềm tin, chủ động hơn ở nơi “đầu sóng ngọn gió”, khẳng định chủ quyền biên giới quốc gia.
Đặc biệt, cuối năm 2003, thực hiện chỉ thị 15/1998/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Chỉ huy BĐBP Phú Yên tham mưu cho Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Chỉ thị 33-CT/TU và Kế hoạch 76/ KH-UBND tỉnh về vận động nhân dân tham gia phát triển kinh tế - xã hội, củng cố an ninh, quốc phòng trên các địa bàn ven biển. Trên cơ sở đó, các đồn biên phòng chủ động tham mưu cho địa phương phát động phong trào: “Quần chúng tham gia bảo vệ chủ quyền vùng biển và trật tự an toàn xã hội thôn, xóm, khu phố khu vực ven biển”. Từ phong trào này đã xuất hiện mô hình mới: “Tổ tàu thuyền an toàn” và “Thôn, xóm, dòng họ, gia đình đăng ký tham gia bảo vệ chủ quyền vùng biển”. Hai mô hình này trở thành động lực quan trọng và hiệu quả trong việc xây dựng những điển hình tiêu biểu, những “hình mẫu” cho việc phát động quần chúng xây dựng những tổ, nhóm đoàn kết trên các địa bàn ven biển. Ngư dân trong các nhóm, tổ này thực sự đoàn kết, sẵn sàng và tự nguyện hỗ trợ nhau trong làm ăn, đồng thời tổ chức tốt việc cứu hộ cứu nạn lẫn nhau, lai kéo tàu thuyền bị hỏng máy, bị chìm trong thiên tai hoạn nạn. Ngoài ra, bà con còn thông tin cho nhau tình hình ngư trường, thông tin luồng cá, giúp nhau về vốn để cùng đẩy mạnh sản xuất, làm ăn ngày càng hiệu quả.
Đến nay, cả tỉnh đã thành lập được 102 tổ tàu thuyền an toàn, 5.778 hộ gia đình cam kết tham gia bảo vệ vùng biển; trên 300 lượt tàu thuyền bị nạn được ngư dân tham gia cùng BĐBP cứu hộ, cứu nạn thành công. Hàng trăm vụ va chạm, tranh chấp ngư trường đã được ngư dân tự hòa giải tốt, không để xảy ra diễn biến xấu, gây mất an ninh trật tự trên khu vực biên giới biển của tỉnh. Nét nổi bật của mô hình này là, ngư dân trong các tổ tàu thuyền an toàn luôn mẫu mực, tự giác chấp hành các quy định, quy chế khi làm ăn trên biển và chủ động cung cấp rất nhiều nguồn tin quan trọng khi phát hiện các dấu hiệu vi phạm an ninh biên giới quốc gia, sẵn sàng giúp đỡ về người, phương tiện và tham gia cùng lực lượng BĐBP giữ gìn trật tự xã hội và an ninh biên giới biển. Điều đó đã góp phần quan trọng vào việc bảo vệ sự ổn định, bình yên ở các địa bàn ven biển của tỉnh. Nhân dân ven biển ngày càng phấn khởi, tin tưởng vào Đảng và Nhà nước, vào lực lượng BĐBP, yên tâm đầu tư làm ăn và tích cực tham gia xây dựng quê hương.
Thời gian gần đây, tình hình trên Biển Đông diễn biến rất phức tạp; tình trạng tàu thuyền nước ngoài hoạt động thường lấn sâu, xâm phạm khu vực thuộc chủ quyền vùng biển Việt Nam để khai thác tài nguyên, thậm chí uy hiếp ngư dân Việt Nam đang tham gia đánh bắt trên các ngư trường truyền thống. Nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới của BĐBP nói chung, BĐBP tỉnh Phú Yên càng thêm nặng nề. Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị BĐBP trên địa bàn tiếp tục triển khai thực hiện tốt những nhiệm vụ được giao.
Tăng cường giáo dục chính trị, nâng cao phẩm chất đạo đức cách mạng, xây dựng bản lĩnh chính trị, ý chí quyết tâm cao trong thực hiện nhiệm vụ, tinh thần cảnh giác và đấu tranh có hiệu quả trước các âm mưu, thủ đoạn trong chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Trong đó, tập trung tổ chức nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X) về Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng bộ BĐBP, Nghị quyết Đại hội lần thứ XV của Đảng bộ tỉnh cùng các văn bản hướng dẫn liên quan của các cấp, các ngành nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, chiến sĩ lực lượng BĐBP tỉnh về quốc phòng - an ninh trong thời kỳ mới.
Tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Rèn đức, luyện tài, dũng cảm, xung kích, sáng tạo, vì chủ quyền an ninh biên giới, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” trong BĐBP tỉnh; tập trung giáo dục cho bộ đội ý thức tự giác chấp hành kỷ luật, tinh thần đoàn kết, tương trợ giúp nhau trong thực hiện nhiệm vụ; chủ động nắm và giải quyết kịp thời công tác tư tưởng, không để bị động, bất ngờ; kết hợp chặt chẽ giữa xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh với xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, giữa xây dựng đội ngũ cán bộ với xây dựng đội ngũ đảng viên; coi trọng công tác kiểm tra, giám sát; duy trì nền nếp chế độ sinh hoạt đảng; thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ, đẩy mạnh tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt đảng; quan tâm bồi dưỡng kết nạp đảng viên mới…
Tăng cường chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn ngư dân nắm vững luật pháp về biển đảo cũng như vị trí, tọa độ, ranh giới các vùng biển, động viên ngư dân bám biển sản xuất và biết cách đấu tranh bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nước ta trên Biển Đông; tích cực đấu tranh triệt phá các hiện tượng tiêu cực, sai trái thường xảy ra trên vùng biển của tỉnh như: đánh bắt có tính chất hủy diệt nguồn lợi thủy, hải sản; phá hoại môi trường, sinh thái biển; hoạt động tàu thuyền nước ngoài vi phạm chủ quyền, quyền tài phán vùng biển của Tổ quốc.
Để tạo điều kiện cho BĐBP thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, đề nghị Đảng, Nhà nước nghiên cứu xây dựng chiến lược về quản lý, bảo vệ biên giới, biển, đảo toàn diện và đồng bộ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, biển, đảo trong tình hình mới. Đồng thời, sớm hoàn chỉnh các văn bản quản lý về vùng biển của Việt Nam; xây dựng và hoàn thiện cơ chế phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả giữa các bộ, ngành Trung ương và các địa phương, các lực lượng chức năng tham gia quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc./.
Sau 4 năm thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW của Ban Bí thư về “Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ”  (27/12/2011)
Đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo phương châm xây dựng nông thôn mới  (27/12/2011)
Đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo phương châm xây dựng nông thôn mới  (27/12/2011)
Đảng bộ Than Quảng Ninh quán triệt, triển khai thực hiện Kết luận Hội nghị Trung ương 3, khóa XI  (27/12/2011)
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp đại biểu doanh nhân trẻ  (27/12/2011)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên