Sau 4 năm thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW của Ban Bí thư về “Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ”
Việc thực hiện có nền nếp sinh hoạt và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ là một trong những yêu cầu quan trọng của công tác xây dựng Đảng hiện nay. Vì vậy, ngày 30-3-2007, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 10-CT/TW về “Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ”. Sau khi có Chỉ thị số 10-CT/TW của Ban Bí thư, Ban Tổ chức Trung ương ban hành Hướng dẫn số 05-HD/BTCTW, ngày 25-5-2007, về “Nội dung sinh hoạt chi bộ trong các loại hình tổ chức cơ sở đảng” nhằm cụ thể hóa nội dung Chỉ thị của Ban Bí thư. Tiếp đó, ngày 16-4-2008, Ban Tổ chức Trung ương ra Công văn số 3731-CV/BTCTW bổ sung một số nội dung trong sinh hoạt chi bộ để thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Chỉ thị số 10-CT/TW của Ban Bí thư
về “Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ” là một chủ trương đúng đắn,
phù hợp; góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cấp ủy
và đội ngũ cán bộ, đảng viên về vai trò, vị trí của chi bộ và vấn đề
nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ trong tình hình hiện nay.
|
Qua hơn 4 năm thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW của Ban Bí thư và Hướng dẫn số 05-HD/BTCTW của Ban Tổ chức Trung ương, các cấp ủy, tổ chức đảng, chi bộ và đảng viên đã nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, xác định đó là một trong những biện pháp để góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ) và chất lượng đội ngũ đảng viên, tạo một số chuyển biến tích cực, thể hiện trên các mặt sau:
Về nền nếp sinh hoạt
Việc sinh hoạt chi ủy, chi bộ có nhiều chuyển biến tích cực, tỷ lệ chi bộ bảo đảm nền nếp sinh hoạt định kỳ tăng dần qua các năm. Trước khi có Chỉ thị của Ban Bí thư, ở Thành phố Hồ Chí Minh, tỷ lệ chi bộ sinh hoạt định kỳ chỉ đạt 50,1%, đến nay là 72,4%; Bình Dương: trên 80%; Vĩnh Phúc: 80% đến 85%; Bắc Ninh và Hải Dương: 80% đến 90%; Phú Yên: 80% đến 95%; Nam Định: 85%; Thái Bình: 87,1%; Bắc Giang, Phú Thọ, Khánh Hòa, Kon Tum và Đảng bộ Quân đội đạt trên 90%; Ninh Bình: 90% đến 95%; Quảng Ngãi và Bà Rịa - Vũng Tàu: 95%; Trà Vinh: 95,8%; Cà Mau: 97,4%.
Nhiều chi bộ đã xây dựng được kế hoạch, chương trình sinh hoạt toàn khóa, trong đó xác định được nội dung sinh hoạt từng tháng. Ở Đảng bộ Công an, hầu hết các chi bộ đều chấp hành nghiêm túc chế độ sinh hoạt định kỳ. Kết quả khảo sát từ tháng 01-2008 đến tháng 01-2010 ở 1.357 chi bộ cho thấy, trên 91% số chi bộ sinh hoạt đều kỳ. Đối với chi bộ khu vực doanh nghiệp nhà nước, chế độ sinh hoạt chi ủy, chi bộ cũng được duy trì đều hơn. Ở các chi bộ doanh nghiệp ngoài quốc doanh: do đặc thù, có nơi thành lập được chi bộ độc lập; có nơi là chi bộ làm việc trong 2, 3 doanh nghiệp sinh hoạt ghép; có nơi, đảng viên làm việc trong doanh nghiệp sinh hoạt ghép với chi bộ khu dân cư nơi doanh nghiệp đóng; cũng có nơi, đảng viên làm việc trong doanh nghiệp nhưng sinh hoạt đảng ở nơi cư trú... nên tình hình sinh hoạt chi bộ rất khác nhau về nền nếp. Các chi bộ có chất lượng sinh hoạt khá, duy trì sinh hoạt tương đối đều, có sự chuẩn bị trước nội dung. Có chi bộ bố trí sinh hoạt vào ngày phù hợp, sau giờ làm việc. Có chi bộ dành chiều thứ bảy cuối tháng để sinh hoạt.
Về nội dung sinh hoạt
Nội dung sinh hoạt chi bộ ở các loại hình TCCSĐ đã được thực hiện tương đối phong phú, như: quán triệt nghị quyết, chỉ thị, quyết định của cấp trên; thông tin tình hình thời sự quốc tế, trong nước, trong địa phương, trong cơ quan có liên quan đến đơn vị; kiểm điểm việc thực hiện nhiệm vụ được giao; giải quyết tâm tư, vướng mắc của đảng viên, phát triển Đảng… Trong sinh hoạt, chi bộ đã thực sự mở rộng và phát huy dân chủ, nhất là việc thảo luận, quyết định những vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ của chi bộ và trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền hạn của đảng viên, tạo được không khí cởi mở, chân thành để mọi cán bộ, đảng viên bày tỏ chính kiến, tâm tư, nguyện vọng của mình.
Việc đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt chi bộ được nhiều chi ủy, bí thư chi bộ quan tâm. Hầu hết các chi bộ đều có sổ ghi biên bản sinh hoạt và nghị quyết chi bộ. Biên bản sinh hoạt chi bộ được ghi chép đầy đủ các nội dung kỳ họp đề cập (số đảng viên vắng mặt, lý do vắng; các ý kiến phát biểu, thảo luận, kết luận của chủ tọa kỳ họp, kết quả biểu quyết nội dung thảo luận). Các kết luận, nghị quyết của chi bộ được đa số đảng viên đồng tình, nhất trí. Sau khi ra kết luận, nghị quyết, chi ủy, bí thư chi bộ phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đảng viên thực hiện. Công tác kiểm tra, đôn đốc thực hiện kết luận, nghị quyết của chi bộ cũng được quan tâm hơn.
Về công tác chuẩn bị và tổ chức điều hành sinh hoạt chi bộ
Công tác chuẩn bị sinh hoạt chi bộ của chi ủy được chú trọng. Trước khi sinh hoạt chi bộ, chi ủy hội ý hoặc bí thư chi bộ thống nhất với lãnh đạo đơn vị đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ của chi bộ tháng vừa qua, dự kiến nhiệm vụ tháng tới, các nội dung cần triển khai bàn bạc, thảo luận tại buổi sinh hoạt và thông báo trước cho đảng viên biết thời gian, địa điểm, nội dung sinh hoạt chi bộ để đảng viên sắp xếp thời gian dự họp hoặc thông báo về nội dung sinh hoạt chuyên đề để đảng viên chuẩn bị ý kiến phát biểu, nhằm nâng cao nhận thức, bổ sung kiến thức mới cho đảng viên. Nội dung chuẩn bị sinh hoạt được ghi chép đầy đủ vào sổ biên bản họp chi ủy.
Về sinh hoạt chuyên đề
Sinh hoạt chuyên đề bước đầu đã được chú trọng với nhiều nội dung phong phú, gắn với Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, chương trình thực hiện nghị quyết của cấp trên trong việc lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng theo chức năng, nhiệm vụ được giao; những vấn đề cấp thiết, bức xúc cần giải quyết; công tác tạo nguồn, bồi dưỡng kết nạp đảng viên.
Kết quả đánh giá chất lượng TCCSĐ và đảng viên sau khi có Chỉ thị số 10-CT/TW của Ban Bí thư cho thấy, chất lượng TCCSĐ, nhất là chất lượng chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở và chất lượng đảng viên đã có bước chuyển biến tích cực. Đối với các chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở, tỷ lệ chi bộ đạt trong sạch, vững mạnh có xu hướng tăng dần: năm 2008 đạt 75,3%; năm 2009 đạt 77,8%; năm 2010 đạt 79,6%. Tỷ lệ chi bộ hoàn thành nhiệm vụ và tỷ lệ chi bộ yếu kém có xu hướng giảm dần: năm 2008 là 7,2%; năm 2009 là 5,8%; năm 2010 là 0,1%. Đối với đội ngũ đảng viên, tỷ lệ đảng viên đủ tư cách hoàn thành tốt nhiệm vụ có xu hướng tăng dần: năm 2008 đạt 71,6%; năm 2009 đạt 72,5%; năm 2010 đạt 75,1%. Tỷ lệ đảng viên đủ tư cách hoàn thành nhiệm vụ có xu hướng giảm dần: năm 2008 chiếm 14,5%; năm 2009 chiếm 12,6%; năm 2010 chiếm 10,9%. Tỷ lệ đảng viên vi phạm tư cách hoặc không hoàn thành nhiệm vụ cũng có xu hướng giảm dần: năm 2008 chiếm 0,69%; năm 2009 chiếm 0,57% và năm 2010 chỉ còn 0,4%.
Hạn chế, khuyết điểm, khó khăn
Việc tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư ở một số cấp ủy còn chậm và việc thực hiện chế độ thông tin, báo cáo theo quy định chưa được nghiêm túc. Một số cấp ủy chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc về vai trò, vị trí quan trọng của chi bộ và việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, cho nên, trong chỉ đạo chưa chặt chẽ, thiếu thường xuyên, sâu sát. Kết quả chuyển biến tiến bộ về nội dung, hình thức, chất lượng sinh hoạt chi bộ nhìn chung còn thấp, chậm và chưa đồng đều giữa các địa phương, giữa các đảng bộ và giữa các loại hình TCCSĐ thể hiện:
Về nền nếp sinh hoạt, một số chi bộ chưa duy trì được nền nếp sinh hoạt định kỳ, còn bỏ một số kỳ sinh hoạt trong năm; tỷ lệ đảng viên tham gia sinh hoạt ở một số chi bộ đạt thấp. Một số không ít chi bộ doanh nghiệp do đặc điểm sản xuất, kinh doanh nên việc sắp xếp, bố trí thời gian sinh hoạt hằng tháng không ổn định, không duy trì được đầy đủ chế độ sinh hoạt định kỳ, tỷ lệ đảng viên tham gia sinh hoạt thấp.
Về nội dung sinh hoạt, nguyên tắc tập trung dân chủ trong sinh hoạt đảng còn chưa được thực hiện nghiêm. Tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình ở một số chi bộ còn yếu, một số đảng viên biểu hiện nể nang, né tránh, chưa nói hết suy nghĩ của mình hoặc ý kiến xuôi chiều; đảng viên nữ, đảng viên trẻ ít tham gia thảo luận trong các buổi sinh hoạt chi bộ; nội dung sinh hoạt ở không ít chi bộ nặng về kiểm điểm kết quả thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, ít chú ý đi sâu kiểm điểm vai trò lãnh đạo, trách nhiệm của chi bộ cũng như tính tiên phong gương mẫu của đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ chính trị...
Biểu hiện khá rõ nét là nội dung sinh hoạt chi bộ dàn trải, thiếu thiết thực, trùng lắp với sinh hoạt chuyên môn. Các chi bộ đảng viên sinh hoạt ghép, việc kiểm điểm vai trò đảng viên khó khăn do đảng viên làm việc ở những doanh nghiệp khác nhau, không hiểu hết nhau.
Do chưa làm tốt công tác chuẩn bị nội dung nên trong sinh hoạt của nhiều chi bộ lúng túng, nhiều cuộc họp đưa ra quá nhiều nội dung, không chọn lọc được những vấn đề trọng tâm, thiết thực để chi bộ tập trung thảo luận, thống nhất lãnh đạo thực hiện, dẫn đến thảo luận không đúng trọng tâm, khó khăn cho việc kết luận và ra nghị quyết. Phương pháp điều hành sinh hoạt ở một số chi bộ còn lúng túng, nhất là ở những nơi bí thư chi bộ chưa có kinh nghiệm. Ở không ít chi bộ thôn, làng, buôn, khóm, ấp, bản, tổ dân phố, cụm dân cư sinh hoạt chưa đúng với quy trình, trước khi sinh hoạt không hội ý chi ủy, nội dung sinh hoạt chưa phong phú, dành quá nhiều thời gian bàn về tình hình thời sự và phê phán các hiện tượng tiêu cực của cấp trên hay ở nơi khác.
Trong sinh hoạt chi bộ ở nông thôn hiện nay, vấn đề đáng quan tâm là sinh hoạt của đảng viên đi làm xa quê. Ở một số nơi, đã có những trường hợp bị xóa tên do quá thời hạn lâu ngày so với giấy chuyển sinh hoạt tạm thời mà không có thông tin với chi bộ nơi đảng viên sinh hoạt chính thức. Tình trạng đảng viên nông thôn đi làm xa quê, vắng mặt trong sinh hoạt chi bộ đã ảnh hưởng tới chất lượng sinh hoạt chi bộ, nhất là việc ra nghị quyết và thực hiện nghị quyết tại cơ sở. Tình trạng này còn gây trở ngại, lúng túng trong việc tổ chức đại hội chi bộ, phân tích, đánh giá chất lượng đảng viên hằng năm.
Một số bài học kinh nghiệm bước đầu
Sau hơn 4 năm thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW về “Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ”, bước đầu rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:
Một là, để nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, phải củng cố kiện toàn chi ủy đủ số lượng, bảo đảm chất lượng. Đồng chí bí thư chi bộ phải đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện cấp ủy viên theo quy định, đồng thời phải có nhiệt tình, tâm huyết, có kinh nghiệm nhất định về công tác xây dựng Đảng, được quần chúng và đảng viên trong cơ quan, đơn vị tín nhiệm. Chi ủy và bí thư chi bộ phải gương mẫu, phải làm tốt công tác quản lý đảng viên, phân công nhiệm vụ cụ thể, phù hợp cho đảng viên.
Hai là, duy trì nền nếp sinh hoạt định kỳ của chi bộ; bí thư chi bộ phải nghiên cứu nắm vững nội dung, yêu cầu sinh hoạt chi bộ, phải vận dụng sáng tạo, linh hoạt công tác quản lý đảng viên vào điều kiện cụ thể của chi bộ. Nội dung sinh hoạt chi bộ cần báo trước để đảng viên biết và chuẩn bị ý kiến tham gia. Thời gian sinh hoạt phải phù hợp để tạo điều kiện cho đảng viên tham dự và bảo đảm thực hiện nhiệm vụ của đơn vị.
Ba là, công tác chuẩn bị cho mỗi kỳ sinh hoạt của chi bộ phải chu đáo từ nội dung, lựa chọn hình thức, chương trình, địa điểm phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của chi bộ ở từng thời điểm cụ thể, xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm để lãnh đạo thực hiện. Quan tâm tổ chức sinh hoạt chi bộ theo chuyên đề để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác xây dựng Đảng ở chi bộ; đồng thời, nâng cao tính hấp dẫn, tính giáo dục, tính lãnh đạo, tính chiến đấu trong sinh hoạt chi bộ.
Bốn là, giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ trong sinh hoạt chi bộ, phát huy ý thức xây dựng của đảng viên, tập trung trí tuệ của đảng viên trong chi bộ để có những quyết định đúng đắn và kịp thời, thiết thực, có tính khả thi khi thực hiện; tăng cường kiểm tra việc thực hiện kết luận, nghị quyết của chi bộ.
Năm là, duy trì công tác kiểm tra, giám sát, theo dõi, hướng dẫn của cấp ủy cấp trên đối với việc bảo đảm nền nếp sinh hoạt chi bộ, giải quyết kịp thời những khó khăn vướng mắc của cơ sở, kịp thời biểu dương những điển hình tiên tiến, chấn chỉnh các chi bộ không thực hiện tốt việc sinh hoạt định kỳ, có giải pháp chỉ đạo các chi bộ nâng cao chất lượng sinh hoạt./.
Đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo phương châm xây dựng nông thôn mới  (27/12/2011)
Đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo phương châm xây dựng nông thôn mới  (27/12/2011)
Đảng bộ Than Quảng Ninh quán triệt, triển khai thực hiện Kết luận Hội nghị Trung ương 3, khóa XI  (27/12/2011)
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp đại biểu doanh nhân trẻ  (27/12/2011)
Công điện của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giao mặt bằng sạch cho 3 dự án đường cao tốc  (27/12/2011)
Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda thăm Trung Quốc  (26/12/2011)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên