Phát triển các hình thức thương mại hiện đại trên thị trường nông thôn
Việc hình thành và phát triển các hình thức thương mại hiện đại trên thị trường nông thôn là một nhu cầu tất yếu trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Điều này có thể được lý giải qua các cơ sở khoa học và thực tiễn sau:
- Mạng lưới chợ nông thôn truyền thống tuy vẫn là nơi trao đổi, mua bán hàng hóa quen thuộc của người dân nông thôn, nhưng trong giai đoạn phát triển mới nó đã không thể thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao do quá trình phát triển kinh tế - xã hội của khu vực này. Mặc dù nhiều hộ gia đình nông thôn hiện có mức thu nhập còn thấp, song thu nhập trung bình của cư dân nông thôn đang dần được cải thiện đáng kể, nhất là tại các thị trấn, thị tứ và đối với những người năng động, thích ứng nhanh với cơ chế thị trường. Bởi vậy, sự có mặt của thương mại hiện đại ở nông thôn để cải thiện cuộc sống người dân là rất cần thiết.
- Hơn 70% dân số Việt Nam hiện nay sống ở khu vực nông thôn nhưng thị trường bán lẻ tại khu vực này chưa được các doanh nghiệp quan tâm đầu tư, khai thác tương xứng với tiềm năng. Để khắc phục tình trạng này, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt Đề án “Phát triển thương mại nông thôn giai đoạn 2010 - 2015 và định hướng đến năm 2020”, theo đó Nhà nước sẽ đầu tư khoảng 9.126 tỉ đồng cho phát triển thương mại nông thôn với mục tiêu đến năm 2020 tất cả các xã đều có chợ đạt chuẩn theo tiêu chí nông thôn mới; 80% số thị trấn có hình thức tổ chức phân phối quy mô nhỏ và vừa. Các doanh nghiệp khi mở rộng mạng lưới kinh doanh ở nông thôn có thể được hưởng những chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng, đặc biệt là được chuẩn bị chu đáo về kết cấu hạ tầng… Tất cả những lý do trên chính là cơ sở để các doanh nghiệp tin tưởng vào tiềm năng đầy triển vọng của thị trường bán lẻ nông thôn, từ đó quan tâm đầu tư về khu vực nông thôn, phát triển các hình thức thương mại hiện đại trên thị trường này.
- Thực tế cho thấy, ở những vùng nông thôn, các hình thức thương mại hiện đại, cùng với sự phát triển của mạng lưới chợ đã góp phần thay đổi đáng kể hoạt động thương mại trên địa bàn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và phát triển thị trường nông thôn.
2 - Thực trạng phát triển các hình thức thương mại hiện đại trên thị trường nông thôn nước ta thời gian qua
Thị trường nông thôn Việt Nam hiện đang chiếm khoảng 70% lượng tiêu thụ nói chung. Tuy nhiên, trên thực tế hệ thống bán hàng của các doanh nghiệp Việt Nam hiện vẫn chưa phủ kín và hoạt động chưa hiệu quả ở thị trường này. Cả nước hiện có hơn 400 siêu thị, trung tâm thương mại song hầu hết tập trung tại các thành phố, thị xã.
Thời gian trước đây, khi mở rộng hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại..., các doanh nghiệp bán lẻ chủ yếu nhằm vào thị trường thành phố nơi có sức mua lớn, như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng... Gần đây, các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đang có xu hướng mở rộng đầu tư sang các tỉnh, thành khác. Khu vực nông thôn đã bắt đầu thu hút được sự quan tâm của các doanh nghiệp trong chiến lược phát triển mạng lưới bán lẻ hiện đại, nhưng nhìn chung số lượng các doanh nghiệp quan tâm đến khu vực này còn khá khiêm tốn. Theo thông tin của Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), số lượng doanh nghiệp đang hoạt động thành công nhất ở Việt Nam trong khai thác thị trường nông thôn chỉ khoảng 10 - 15, chủ yếu là các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng tiêu dùng nhanh, như Unilever, P&G, ICP, Pepsico VN, Coca Cola VN, Tân Hiệp Phát, Vinamilk, Kinh Đô, Mỹ Hảo, Vina Acecook… và doanh số bán lẻ tại đây cũng chỉ chiếm khoảng 20% - 25% tổng doanh số của công ty.
Trong số các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài hiện có Big C, Metro. Tập đoàn phân phối Metro Cash & Carry sau khi xây dựng 8 trung tâm bán buôn lớn tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ cũng đã đầu tư trung tâm bán buôn thứ chín tại Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai). Metro còn đang xúc tiến xây dựng một trung tâm phân phối khác ở thành phố Quy Nhơn (tỉnh Bình Định). Big C cũng không đứng ngoài cuộc bằng việc cùng Tổng Công ty Dệt Phong Phú chính thức khai trương đại siêu thị Big C tại Huế, với tổng vốn lên tới 300 tỉ đồng. Như vậy, sau 11 năm có mặt tại thị trường Việt Nam, Big C đã có 9 siêu thị và hiện diện ở các thị trường Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Đồng Nai và Huế.
Các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương ngày càng có sự quan tâm đến việc phát triển những hình thức thương mại hiện đại trên thị trường nông thôn. Ví dụ, từ năm 2008, Sở Thương mại du lịch Thái Bình đã xây dựng quy hoạch phát triển hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2008 - 2015 và định hướng đến năm 2020. Theo quy hoạch, trong giai đoạn đến năm 2015 Thái Bình phấn đấu xây dựng khoảng 7 - 10 siêu thị, trung tâm thương mại hạng 1 tại 7 huyện và 1 thành phố. Đây là con số không lớn, nhưng đó phải là những tổ hợp thương mại, dịch vụ hoàn chỉnh, bảo đảm được các điều kiện phục vụ văn minh và là các trung tâm thu hút nguồn hàng, phát luồng nguồn hàng buôn bán cho cả hệ thống. Trong tương lai các siêu thị này sẽ tập trung chủ yếu ở thành phố và một số thị xã. Đây cũng sẽ là đầu mối liên kết giữa các siêu thị nhỏ khác trên địa bàn, cung ứng và bổ sung hàng hóa. Ngoài ra, mỗi thị trấn có 1 - 2 siêu thị tổng hợp hạng 2 và trung tâm thương mại nhỏ. Giai đoạn đến năm 2020, siêu thị loại 3 và các cửa hàng tiện ích sẽ phát triển nhanh thay thế các cửa hàng bán lẻ và dần hướng tới siêu thị thay thế các cửa hàng tiện ích.
Như vậy, mặc dù đã có sự phát triển bước đầu, nhưng các hình thức thương mại hiện đại hiện nay trên thị trường nông thôn vẫn còn sơ khai, rất cần được nghiên cứu để mở rộng nhằm đáp ứng nhu cầu cuộc sống ngày càng nâng cao của khu vực nông thôn nước ta.
Những nguyên nhân chủ yếu của thực trạng này là:
- Nhiều doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến thị trường nông thôn, chưa thay đổi nhận thức về việc tham gia hoạt động kinh doanh ở khu vực này. Phần lớn các doanh nghiệp chưa có hệ thống phân phối ở khu vực nông thôn, do chi phí xây dựng cao và tiềm ẩn rủi ro trong kinh doanh.
- Nhiều chủ đầu tư kinh doanh theo các hình thức thương mại hiện đại trên thị trường nông thôn chưa có tiềm lực tài chính mạnh, chưa xác định rõ chiến lược dài hạn khi đầu tư về nông thôn, nên thường có tâm lí rút ngắn thời gian thu hồi vốn bằng cách bán hàng với giá cao hơn so với giá ở các chợ hay cửa hàng truyền thống, trong khi phần lớn người tiêu dùng nông thôn vẫn coi yếu tố giá rẻ là ưu tiên hàng đầu khi mua sắm.
- Phần lớn người dân nông thôn chưa quen với việc mua sắm qua các hình thức thương mại hiện đại. Có người còn cho rằng giá hàng hóa trong siêu thị cao, không phù hợp với khả năng chi trả của mình. Điều này làm hạn chế khả năng bán hàng của hình thức thương mại hiện đại.
- Tại một số vùng nhất là ở các vùng thuần nông có tỷ lệ hộ nghèo cao, thu nhập và sức mua của người tiêu dùng còn thấp, do đó không khuyến khích doanh nghiệp đầu tư xây dựng các siêu thị, trung tâm thương mại trên những địa bàn này...
3 - Một số đề xuất phát triển các hình thức thương mại hiện đại ở nông thôn trong thời gian tới
Phát triển các hình thức thương mại hiện đại trên thị trường nông thôn là một nhu cầu tất yếu trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiêp, nông thôn. Phát triển những hình thức thương mại này đòi hỏi các chủ thể có liên quan triển khai đồng bộ nhiều nhóm giải pháp chủ yếu sau:
Đối với các cơ quan quản lý nhà nước
- Xây dựng quy hoạch phát triển các hình thức thương mại hiện đại trên địa bàn nông thôn. Trong quá trình phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn nông thôn, các địa phương cần ưu tiên phát triển mạng lưới trung tâm thương mại, siêu thị theo một quy hoạch thống nhất, phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương và các tỉnh lân cận. Việc xây dựng quy hoạch phải được tiến hành thận trọng, bảo đảm cơ sở khoa học và thực tiễn để phát huy hiệu quả của mạng lưới siêu thị, trung tâm thương mại, tránh tình trạng quy hoạch hình thức, thiếu tính thực tiễn, dẫn đến sự lãng phí, kém hiệu quả.
Trước mắt, xây dựng các siêu thị, trung tâm thương mại có quy mô vừa và lớn ở các trung tâm thị xã, thị trấn, thị tứ, đồng thời chú trọng quy hoạch phát triển các cửa hàng tiện lợi, siêu thị nhỏ, có giá cả hợp lý, phù hợp với mức sống, tập quán và đặc điểm của người dân nông thôn.
- Có chính sách ưu đãi, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư xây dựng mới các hình thức thương mại hiện đại trên thị trường nông thôn. Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện và ban hành các chính sách ưu đãi, đồng thời tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về những chính sách này để giúp doanh nghiệp thấy được lợi ích dài hạn khi đầu tư phát triển các hình thức thương mại hiện đại ở nông thôn.
- Nhà nước có chính sách khuyến khích nhượng quyền thương mại để phát triển kênh phân phối trên thị trường nông thôn. Đối với các doanh nghiệp đã có sản phẩm, hay các siêu thị đã có thương hiệu, không cần đầu tư mở chi nhánh ở huyện, xã, thì có thể tận dụng ngay các nhà phân phối có khả năng ở địa bàn nông thôn. Điều này không chỉ góp phần hình thành nhiều hệ thống phân phối hiện đại, đồng thời còn giúp Nhà nước giảm thiểu chi phí đầu tư cho việc xây dựng kênh phân phối ở các vùng nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa. Vì vậy, Nhà nước nên sớm ban hành những chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp có hệ thống đại lý và cửa hàng nhượng quyền theo hướng càng có kênh phân phối tốt sẽ càng được hỗ trợ nhiều.
Đối với các doanh nghiệp
- Thay đổi nhận thức khi đầu tư về nông thôn. Việc chiếm lĩnh thị trường nông thôn trong thời gian ngắn là rất khó khăn do địa bàn phân tán, người dân nông thôn có sức mua còn yếu hơn và có hành vi tiêu dùng khác so với thành thị. Nếu doanh nghiệp kinh doanh theo chiến thuật thu hồi vốn nhanh bằng cách bán giá cao qua các siêu thị, trung tâm thương mại thì sẽ không thể thu hút được người tiêu dùng nông thôn, thậm chí đẩy họ ngày càng xa hơn với các hình thức thương mại hiện đại. Để thâm nhập thị trường nông thôn, đòi hỏi các doanh nghiệp cần nhìn nhận dưới góc độ chiến lược thay vì chiến thuật và cần hướng đến các mục tiêu dài hạn.
- Đầu tư xây dựng mạng lưới phân phối sản phẩm một cách hợp lý trên thị trường nông thôn. Doanh nghiệp cần nhận thức rõ ràng rằng việc lựa chọn thị trường mục tiêu là khu vực nông thôn và có sự đầu tư thích hợp để tạo được một mạng lưới phân phối rộng khắp không chỉ giúp doanh nghiệp tránh đối đầu trực tiếp với các tập đoàn phân phối bán lẻ nước ngoài, mà còn tránh được sự đứt đoạn của hệ thống phân phối, góp phần đẩy mạnh lưu thông hàng hóa nội địa. Do đó, các doanh nghiệp rất cần xây dựng một mạng lưới phân phối sản phẩm đến tay người tiêu dùng với giá thành hợp lý và chất lượng tốt. Để làm được điều này, doanh nghiệp cần tăng cường công tác điều tra thị hiếu, nhu cầu của người tiêu dùng nông thôn, có các chương trình quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm để hàng hóa của mình đến với người tiêu dùng.
- Nghiên cứu phát triển sản phẩm phù hợp với thu nhập và thói quen tiêu dùng của người dân nông thôn. Đối với thị trường nông thôn, doanh nghiệp cần nghiên cứu phát triển sản phẩm dựa trên nhu cầu, tâm lý của người dân ở nông thôn hiện đang có mức thu nhập chưa cao, từ đó mới cung ứng sản phẩm phù hợp. Nên tập trung vào những mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống của nhân dân như: hàng may mặc, đồ dùng gia đình, hàng tư liệu phục vụ sản xuất nông nghiệp… Các doanh nghiệp cũng có thể nghiên cứu sản xuất những mặt hàng đáp ứng riêng cho từng địa bàn nông thôn. Đặc biệt, nên lựa chọn những mặt hàng không chỉ thiết yếu mà còn bảo đảm chất lượng, có độ bền cao, giá cả hợp lý mới có thể “đột phá” vào thị trường này.
- Quan tâm hơn tới việc giúp nông dân tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng, bởi, thu nhập, sức mua của người dân nông thôn phần lớn phụ thuộc vào việc tiêu thụ các mặt hàng đó. Muốn vậy, doanh nghiệp cần giữ vị trí hạt nhân trong chuỗi cung ứng nông sản, xây dựng và bảo đảm sự phát triển bền vững của mối liên kết “4 nhà”, hài hòa hóa lợi ích của doanh nghiệp và người dân nông thôn./.
Điện hạt nhân vẫn thuộc nhóm năng lượng sạch  (26/12/2011)
Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 19-12-2011 đến ngày 25-12-2011)  (26/12/2011)
Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới xây dựng và thực hiện chính sách DS-KHHGĐ  (26/12/2011)
Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng trong tình hình hiện nay*  (26/12/2011)
10 sự kiện nổi bật năm 2011  (26/12/2011)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên