TCCSĐT - Kết thúc hai ngày Hội nghị cấp cao ở Riad (Saudi Arabia), sáu thành viên của tổ chức Hội đồng hợp tác Vùng Vịnh (GCC) là Saudi Arabia, Bahrain, Kuwait, Oman, Qatar và Tiểu các vương quốc Arập thống nhất ngày 21-12-2011 đã nhất trí thông qua sáng kiến của Saudi Arabia tiếp tục phát triển GCC thành một liên minh các quốc gia, vươn tới cấp độ và chất lượng cao hơn của hợp tác và liên kết khu vực.

Chi tiết cụ thể chưa được tiết lộ nhưng việc thực hiện sáng kiến này là cuộc cải cách sâu rộng và cơ bản nhất mà GCC từng dự định tiến hành kể từ khi được thành lập năm 1971 đến nay. Những nội dung quan trọng nhất là tăng cường liên kết chính trị, kinh tế và cả quân sự giữa các thành viên.

Tại Hội nghị cấp cao này, GCC còn tuyên bố thành lập một quỹ phát triển với số vốn ban đầu 5 tỉ USD giúp Jordani và Morocco cũng như phê phán và cảnh báo cả Syria lẫn Iran. Tuy nhiên, Hội nghị không đạt được sự nhất trí với đề nghị của Saudi Arabia về việc mở rộng tổ chức thu nạp Morocco và Jordani.

Ý tưởng về phát triển GCC thành liên minh các quốc gia trong khu vực được Saudi Arabia đưa ra dưới tác động của làn sóng chính biến ở Bắc Phi và Trung Đông cũng như suy tính lợi ích riêng trong bối cảnh tình hình mới. Làn sóng ấy tác động mạnh mẽ tới tất cả các nước thành viên GCC nhưng chưa đến mức có thể làm thay đổi chính thể ở đó, phần vì đặc thù về chính trị nội bộ và thể chế quyền lực ở đây, phần vì các nước này đều có điều chỉnh chính sách khá kịp thời để ứng phó và ngăn chặn.

Trong bối cảnh ấy, GCC muốn vươn lên trở thành nhân tố tạo dựng trật tự chính trị an ninh mới ở khu vực, đảm nhận vai trò trung tâm của việc tập hợp lực lượng mới trong khu vực, đồng thời tìm cách tăng cường tiềm lực quân sự chung nhằm đối phó với Iran, kiềm chế sự trỗi dậy của cộng đồng người Shi-ít trong cả khu vực Vùng Vịnh.

Việc vươn tới mục tiêu trở thành một liên minh các quốc gia có tác dụng đối với GCC giống như Cộng đồng châu Âu trước đây đối với quá trình hợp tác, liên kết và nhất thể hóa khu vực ở châu Âu. Còn dự định kết nạp thêm một số thành viên mới như Morocco, Jordani và thậm chí có thể cả Ai Cập trước hết là vì mục đích quân sự. Các nước thành viên GCC đều giàu vì dầu lửa và khí đốt, có thiết bị quân sự hiện đại nhưng quân đội không đông và không mạnh. Nhờ cậy vào quân đội của các nước khác, tổ chức này kỳ vọng sẽ có được đối trọng về quân sự đối với Iran.

Vì thế, tuy vẫn mới chỉ là ý tưởng và định hướng chung chung nhưng Hội nghị này đã đánh dấu sự khởi đầu của quá trình chuyển GCC từ hợp tác thuần túy sang liên minh, liên kết trong khu vực. Về lâu dài, quá trình này sẽ có tác động đáng kể tới cục diện tình hình chính trị an ninh chung cũng như quan hệ giữa các quốc gia trong khu vực./.