Kế hoạch khắc khổ mới của Tây Ban Nha

Phương Truy
00:41, ngày 22-12-2011

TCCSĐT - Mới đây, Thủ tướng mới của Tây Ban Nha, ông Mariano Rajoy đã tuyên thệ nhậm chức. Trong lời phát biểu đầu tiên khi nhận chức vụ mới, tân Thủ tướng Mariano Rajoy tuyên bố sẽ cắt giảm quy mô thành phần kinh tế nhà nước, “dọn sạch” các ngân hàng có vấn đề và giảm thuế cho các công ty nhằm giảm thâm hụt ngân sách nhà nước và khôi phục vốn đầu tư vào nền kinh tế nước này.

 

Tân Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy (ngồi) sau khi phát biểu trước Nghị viện

 

Trong bài phát biểu chính thức đầu tiên trước Nghị viện Tây Ban Nha kể từ khi Đảng Nhân dân trung hữu giành chiến thắng trước Đảng Xã hội ngày 20-11 vừa qua, tân Thủ tướng Mariano Rajoy đã bày tỏ niềm tin rằng, Tây Ban Nha đang hồi phục sau cơn khủng hoảng kinh tế. Cũng trong bài phát biểu này, ông M.Rajoy đã đề cập đến kế hoạch cắt giảm chi tiêu công nhưng không nêu cụ thể là sẽ cắt giảm bao nhiêu trong số 16,5 tỉ euro (tương đương 21,5 tỉ USD) trong ngân sách của Tây Ban Nha dành cho năm 2012.

Ước tính đây là số tiền mà Tây Ban Nha phải tiết kiệm để có thể giữ mức thâm hụt ngân sách dưới 6% GDP. Hầu hết các nhà kinh tế đều cho rằng, Tây Ban Nha không thể kìm được thâm hụt ngân sách chỉ ở con số này. Tân Thủ tướng Mariano Rajoy cho biết, ông sẽ theo đuổi chính sách “cắt giảm mọi chi tiêu”, song có thể sẽ tăng lương hưu, đóng băng việc tuyển dụng công chức nhà nước và không có ý định tăng thuế.

Đúng dự kiến, ngày 20-12-2011, Quốc hội Tây Ban Nha đã chính thức bỏ phiếu chấp thuận ông M.Rajoy làm Thủ tướng nước này và ngày 21-12, diện kiến Vua Juan Carlos đệ nhất.

Phát biểu trước Nghị viện, tân Thủ tướng Mariano Rajoy cho biết, Chính phủ mới sẽ chi tiết hóa kế hoạch khắc khổ sau cuộc họp của nội các Tây Ban Nha ngày 30-12, thời điểm mà Chính phủ của ông đã đạt được quan điểm rõ ràng về việc liệu Tây Ban Nha có giữ được mức thâm hụt ngân sách 6% hay không. Theo ước tính của các chuyên gia, nếu mức thâm hụt này cứ tăng thêm 1% nghĩa là Tây Ban Nha phải cắt giảm thêm 10 tỉ euro (tương đương 13 tỉ USD).

Theo tân Thủ tướng Mariano Rajoy, Chính phủ cần hợp nhất thì mới có thể thanh lọc được hệ thống ngân hàng của Tây Ban Nha và buộc các ngân hàng này phải bán ra nhiều tài sản họ đang nắm giữ hơn, đồng thời thận trọng hơn trong việc đầu tư vào những tài sản có giá trị như bất động sản.

Ông M.Rajoy cũng cam kết sẽ đưa ra nhiều thay đổi hơn nữa trong luật lao động của Tây Ban Nha để giảm tỷ lệ thật nghiệp hiện đang ở mức 21%, gấp đôi tỷ lệ thất nghiệp trung bình của khu vực châu Âu.

Các biện pháp khắc khổ tại một số quốc gia lâm vào khủng hoảng tại Eurozone như Hy Lạp và Italy đã vấp phải sự phản đối gay gắt của tầng lớp lao động, dẫn đến biểu tình rầm rộ trên đường phố. Ngay tại Italy thứ hai đầu tuần, hàng nghìn công nhân làm việc cho Chính phủ đã dàn thành các nhóm biểu tình phản đối việc thay đổi thuế và lương hưu vì cho rằng, chúng sẽ mang lại gánh nặng cho tầng lớp lao động.

Vì thế, kế hoạch “thắt lưng buộc bụng” của tân Thủ tướng Mariano Rajoy tuy mới chỉ nằm trên bản thảo song vẫn cần được bàn luận kỹ lưỡng trước khi áp dụng vào thực tế để Tây Ban Nha tránh khỏi tình trạng đã khốn đốn vì khủng hoảng kinh tế lại còn rối ren vì bất ổn chính trị./.