TCCSĐT - Theo Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển: việc phân bổ, quản lý, sử dụng vốn trái phiếu chính phủ giai đoạn 2003 đến nay tuy đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần quan trọng vào việc nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng, tác động tích cực tới sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và của từng địa phương nói riêng, song còn nhiều tồn tại, khiếm khuyết không nhỏ.
Chủ nhiệm cũng phân tích nguyên nhân những hạn chế là do mục tiêu, quy mô chương trình được mở rộng, nhiều dự án điều chỉnh, thay đổi tổng mức đầu tư, bên cạnh đó là những nguyên nhân từ  yếu kém trong quá trình quản lý, thi công, giải phóng mặt bằng làm tổng mức đầu tư tăng quá lớn, vượt quá khả năng cân đối của ngân sách nhà nước.

Kết quả Phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội, có 296/321 (92%) ý kiến đại biểu Quốc hội đồng ý mức vốn trái phiếu chính phủ thực hiện trong giai đoạn 2011 - 2015 là 225.000 tỉ đồng. Tại phiên họp Quốc hội ngày 9-11, 449/458 đại biểu Quốc hội có mặt cũng đã biểu quyết thông qua tổng mức đầu tư vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2011-2015 không  quá 225.000 tỉ đồng (chiếm 89,80%). Trên cơ sở đó, đồng thời từ phân tích bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, thách thức, cân đối vĩ mô còn bất ổn, tình hình nợ công, bội chi ngân sách ngày một tăng cao, việc huy động, phát hành trái phiếu chính phủ ngày càng khó khăn thì mức vốn trái phiếu chính phủ thực hiện trong giai đoạn 2011 - 2015 không quá 225.000 tỉ đồng là phù hợp với tình hình thực tế và khả năng của nền kinh tế.

Thực tế, để đáp ứng đủ nhu cầu vốn trái phiếu chính phủ cho những công trình, dự án đã được phê duyệt thì ước tính cần phát hành khoảng 405.000 tỉ đồng, tính cả trượt giá khoảng 500.000 tỉ đồng, đây là con số quá lớn, vượt quá khả năng huy động của nền kinh tế, không thể cân đối đủ nguồn lực, dễ dẫn tới bất ổn cho kinh tế vĩ mô, đe dọa an ninh tài chính quốc gia.

Xung quanh việc bố trí vốn trái phiếu chính phủ giai đoạn 2011 - 2015, tinh thần chung được đề ra là không cứng nhắc mà căn cứ vào cân đối vốn để bố trí linh hoạt, tập trung bố trí cho các dự án có khả năng hoàn thành và có khả năng đem lại hiệu quả nhanh.

Ngày 15-10-2011, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 1792/CT-TTg về tăng cường quản lý đầu tư từ NSNN và vốn trái phiếu chính phủ, trong đó giao cho các bộ, ngành, địa phương tổ chức rà soát và lập danh mục các dự án được đầu tư từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ giai đoạn 2011 - 2015. Trong đó, nhấn mạnh việc xác định danh mục các dự án, công trình bố trí vốn trái phiếu chính phủ trong giai đoạn 2011 - 2015 phải trên cơ sở rà soát giãn, hoãn, chuyển đổi hình thức đầu tư đối với một số dự án, công trình đã có trong danh mục, tránh gây tổn thất, lãng phí nguồn vốn.

Đối với các dự án, công trình không được tiếp tục sử dụng từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ trong giai đoạn 2011 - 2015 sẽ tính toán huy động, kết hợp với các nguồn lực khác như: nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức, vốn ngân sách tập trung (ngân sách trung ương và ngân sách địa phương), chuyển đổi sang hình thức huy động khác như xây dựng - vận hành - chuyển giao, hợp tác công tư và nguồn vốn góp của dân cư để có thể tiếp tục triển khai thực hiện các công trình, dự án. Những tác động, ảnh hưởng do việc giãn, hoãn các công trình, dự án không được tiếp tục triển khai từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ trong giai đoạn 2011 - 2015 cũng cần được làm rõ để có phương án xử lý, giảm thiểu lãng phí, tổn thất./.